Diễn từ nhận Giải thưởng Văn hóa-Giáo dục Phan Châu Trinh 2015
Xin cám ơn Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.
Xin cám ơn các vị điều hành Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.
Xin cám ơn quý vị, quý bè bạn có mặt trong buổi lễ long trọng này.
Hôm nay là một trong chuỗi ngày vui của nhóm biên soạn sách giáo khoa Cánh Buồm. Trong ký ức của Cánh Buồm, con đường chúng tôi đi từ khi thành lập 5 năm trước đây được lát bằng những ngày vui.
Cuối năm 2009, không có gì trong tay, mấy con người lỏng lẻo đã gặp nhau và gắn bó với nhau chỉ bằng một ý tưởng làm một việc ích lợi thật sựcho nền Giáo dục nước nhà.
Năm 2009, trừ một bạn U80, tất cả các thành viên nhóm Cánh Buồm đều dưới 30 tuổi, chính xác là tất cả đều quanh quẩn ở độ tuổi 25. Hôm nay, một bạn đã được cử phụ trách chuyên môn bậc tiểu học một trường quốc tế mới ở Hà Nội – trường Gateway Internatioal School – Hà Nội – bạn Nguyễn Thị Thanh Hải (có mặt ở đây) – cùng có mặt, bên cạnh Thanh Hải, là người trong Ban điều hành trường GIS–Hà Nội – bạn Trần Thị Huyền.
Cùng được nhóm Cánh Buồm cử sang trường GIS–Hà Nội triển khai dạy Tiếng Việt, dạy Văn, dạy Lối sống có bạn Đinh Phương Thảo tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội, và một người tốt nghiệp ĐHQG Hà Nội với luận văn về Sách giáo khoa Văn của nhóm Cánh Buồm, bạn Vũ Thị Loan (hai bạn đều có mặt ở đây).
Cùng có mặt hôm nay ở đây còn có Hà Dũng Hiệp và Nguyễn Phương Hoa, hai cây bút vẽ tràn đầy cảm xúctrên sách giáo khoa Cánh Buồm, đến độ vào năm 2012 Giám đốc Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội P. Michel gợi ý chi tiền cho triển lãm “Minh họa sách Cánh Buồm” hai tuần ở sảnh lầu 1 tại 24 Tràng Tiền Hà Nội.
Có mặt hôm nay còn có hai “cựu binh trẻ” Nguyễn Phương Anh và Dương Trọng Tấn, hai bộ óc sinh lợi nhuận phi vật thể cho CánhBuồm.
Vắng mặt hôm nay nhưng vẫn hiện diện với Cánh Buồm là bạn Nguyễn Thị Kim Quý đang làm nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ tại Melbourne, vàbạn Phạm Thị Minh Đức đang thực tập tại Manila.
Hôm nay còn có hai thành viên U80 nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng và nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, cóbạn U90 nhà thơ, dịch giả Dương Tường, và một thành viên lưu động U50 nhà tâm lý giáo dục học Nguyễn Thụy Anh, nhờ các bạn mà Cánh Buồm đỡ chòng chành – các thành viên cao niên (cùng nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hôm nay vắng mặt) đã giúp ra đời Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm bên cạnh Tủ sách giáo khoa Cánh Buồm.
Thưa quý vị,
Nhân dịp nhận Giải thưởng cao quý mang tên nhà ái quốc Phan Châu Trinh, xin được báo cáo với Ngài những việc làm của nhóm Cánh Buồm chúng tôi.
Trước hết, Cánh Buồm là một nhóm hoạt động Giáo dục hoàn toàn không vụ lợi. Đã định làm việc khai dân trí thì nhất thiết phải không vụ lợi. Cho dù từ 2014 đến nay, Cánh Buồm là một doanh nghiệp xã hội, nhưng đó chỉ là công cụ để tự chủ tồn tại và phát triển, chứ không có mục đích làm tiền cho riêng ai. Mục đích bất di bất dịch của mọi hoạt động Giáo dục của Cánh Buồm đều hướng tới xây dựng một nền Giáo dục hiện đại gây dựng những Con người hiện đại của một Dân tộc hiện đại.
Hiện đại hóa cần một sự nghiệp Giáo dục từ bậc Tiểu học tập trung vào xây dựng năng lực tự học – tự giáo dục của trẻ em. Xây dựng cái nền móng đó không bằng khẩu hiệu suông, màphải kỹ thuật hóa các ý tưởng đúng đắn nhất thành chương trình và sách học. Kỹ thuật ấy lại phải thể hiện nhiệm vụ bậc học nền móng, coi bậc Tiểu học là bậc chiếm lĩnh phương pháp học, hành trang từng trẻ em phải có và mang theo cả đời. Sách của nhóm Cánh Buồm luôn luôn mong muốn thể hiện một chiềucao cao hơn, một tầm xa xa hơn, với kỹ thuật dễ thực hiện nhất có thể.
Với một lực lượng nhỏ và mỏng, nhóm Cánh Buồm chủ trương làm mẫu trên ba môn học khó nhất mà giới sư phạm Việt Nam từng đương đầu: cách học Tiếng Việt, cách học Văn, và cách học Lối sống. NhómCánh Buồm làm mẫu với ba môn học, nhưng lại là ba môn khó nhất, và lý thuyết hoạt động trong Tâm lý học phát triển đã gợi ý cho cách làm: tìm trongcách làm việc của người đi trước theo đó mà tổ chức cho trẻ em làm lạinhững thao tác chắt lọc của những con người tiêu biểu đó.
Chúng tôi tổ chức các hành động học của trẻ em theo các thao tác nghiên cứu của nhà ngôn ngữ học, để đạt tới sựam tường tiếng Việt về mặt khoa học và tạo sinh tiếng Việt trong hành dụng.
Chúng tôi tổ chức hành động học của trẻ em theo các thao tác tinh thần của người nghệ sĩ để trẻ em tự làm ra đúng những sản phẩm mang cái Đẹp nghệ thuật, thay cho nghe giảng về nghệ thuật.
Và theo gót nhà hoạt động xã hội, trẻ em tiểu học cũng được làm lại những việc làm tạo cuộc sống đồng thuận giữa các cá nhân trong cộng đồng cũng như giữa các cộng đồng với nhau.
Nhưng lại có câu hỏi: cách làm việc của nhóm Cánh Buồm có chắc đúng không? Chính chúng tôi phải tự xác định những tiêu chí cho sự Đúng / Sai, để giữ cho mình càng ngày càng Đúng.
Trước hết, sản phẩm làm ra phải mang tính hệ thống. Nhóm Cánh Buồm gửi tới xã hội cả loạt sách giáo khoa thể hiện quan điểm nhất quán về triết lý giáo dục, về nội dung giáo dục và cả cách tổ chức tự chuyển tải nội dung giáo dục. Thấy chúng tôi lực lượng mỏng, có người đã khuyên “chỉ cần làm một quyển hoặc vài quyển rồi vận động hành lang cho sử dụng, thế là đủ”. Chúng tôi không làm để lấy tiếng như vậy. Chúng tôi hồn nhiên công bố cả loạt sách giáo khoa cho cả bậc học (với cả những nhược điểm hoặc khuyết điểm), để dễ thấy chỗ nào cần sửa chữa. Soạn xong Tiếng Việt và Văn bậc tiểu học, chúng tôi bắt tay sang bậc tiếp theo,để dễ giúp xã hội nhìn rõ con đường chung của một sự nghiệp Giáo dục con em từ tấm bé đến Đại học và hơn thế nữa.
Tiêu chuẩn thứ hai phải dựa vào để tự đánh giá đó là khả năng dễ dàng huấn luyện tay nghề cho người dùng, cả giáo viên lẫn phụ huynh. Đi vào cuộc sống thực, sách cần được giáo viên ưa thích vì dễ dùng để tổ chức việc học của trẻ em. Nó cũng phải được trẻ em đón nhận và cho thấy kết quả rõ rệt màvẫn không phải cố công cố sức đến độ “quá tải”.Nhóm Cánh Buồm đã được thấy thành quả nhỏ bétrẻ em tự tìm đến tri thức tại trường Nguyễn Văn Huyên, tại các Câu lạc bộ cho phụ huynh và học sinh. Nhóm Cánh Buồm đặc biệt cám ơn nhãn quan của những vị lãnh đạo trẻ trung và nhiệt tình của các giáo viên Ngữ văn trường phổ thông liên cấp Olympia. Trường Olympia và trường Gateway International School là hai cái huyệt xã hội mở mạch thông cho sách Cánh Buồm bươn xa…
Sau cùng, chúng tôi thấy cần đặc biệt ngỏ lời biết ơn tới sự thương yêu, chăm sóc và khe khắt theo dõi của những nhà giáo dục lâu đời, đặc biệt là bà Nguyễn Thị Bình và giáo sư Hoàng Tụy. Chúng tôi không bao giờ quên anh Trần Thế Tôn người thương binh hỏng mắt mặt trận Quảng Trị 1973, đã đọc và thấu hiểu sách và việc làm của nhóm Cánh Buồm, và có những sự ủng hộ thật cảm động.Cánh Buồm cũng vô cùng biết ơn nhà xuất bản Tri thức và Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội là hai cơ quan đã giúp giới thiệu và truyền bá sản phẩm của nhóm Cánh Buồm hết sức vô tư ròng rã nhiều năm nay.
Hôm nay, tại buổi lễ trao Giải thưởng long trọng này, nhóm Cánh Buồm chỉ có thể cùng lên tiếng một điều này: kính thưa Phan Châu Trinh, xin Ngài hãy tin chúng tôi là những công dân thấu hiểu trách nhiệm với đất nước Việt Nam, chúng tôi xin góp phần nhiều nhất có thể vào công cuộc Khai Dân Trí mà nhiều khi chúng tôi đã ngỡ rằng mình đành bó tay vì quá nhiều lừa dối, và hơn thế nữa,hình như mình còn tham gia lừa dối, để đến nỗi một nền Dân Trí phải sa sút hết sức kinh hoàng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục sống trong niềm vui công dân thực thi trách nhiệm biên soạn và phổ biến những bộ sách giáo khoa cao hơn, xa hơn, và dễ tự học hơn, vì sự nghiệp nâng cao Dân Trí mà Phan Châu Trinh trao lại.
Xin cám ơn.
Nhà giáo Phạm Toàn gửi BVN