Chặt hạ cây xanh đô thị và sự thiếu vắng cơ chế dân chủ trực tiếp

Sự việc chính quyền thành phố Hà Nội tiến hành chủ trương chặt hạ 6.700 cây xanh đô thị để phá bỏ hoặc trồng loại cây mới đã gây thu hút và sự quan tâm rất lớn của công luận không chỉ trên địa bàn Thủ đô.

Phía người dân thì có nhiều ý kiến không đồng tình về chủ trương và cách làm của chính quyền thành phố Hà Nội. Các ý kiến này đã được phản ảnh trên các phương tiện truyền thông và cả báo chí nhà nước. Phía chính quyền thì cũng có nhiều ý kiến, nhiều tuyên bố của người có chức năng đại diện cho cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội lại cho rằng: “chủ trương này là hợp pháp, là được Nhân dân đồng tình”. Bản chất sự việc thể hiện sự mâu thuẫn. Vậy quyền quyết định thuộc về ai, căn cứ vào đâu là hợp pháp, khách quan? Tuy biết rằng quản lý cây xanh đô thị đã có Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/06/2010 của Chính phủ quy định. Nhưng đối với các vấn đề xã hội, nếu các văn bản quy phạm pháp luật không đáp ứng được yêu cầu của Nhân dân thì phải cần đến cơ chế “dân chủ trực tiếp”.

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.” (khoản 1, điều 2). Chủ thể “Nhân dân” từ ngày lập nước 02/09/1945 cho đến nay lại không bao giờ được xác lập bằng bất cứ một văn bản pháp luật nào. Vì không có luật trưng cầu ý dân nên không có cơ sở pháp lý để nhân danh “Nhân dân đồng tình” hay “ý dân” là như thế nào đối với các vấn đề của xã hội, của đất nước. Mặt khác, Hiến pháp cũng quy định Nhân dân có hai hình thức thực hiện quyền lực đó là “dân chủ trực tiếp” và “dân chủ đại diện”, “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.” (Điều 6).

Cơ chế “dân chủ đại diện” thì được thể chế phổ biến nhưng cơ chế “dân chủ trực tiếp” thì chưa bao giờ có.

Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc… thực chất chỉ là những tổ chức được Nhân dân ủy quyền. Nếu người được ủy quyền lạm dụng, không thực hiện ý chí của Nhân dân thì Nhân dân có quyền rút lại ủy quyền đó bất cứ lúc nào là điều hoàn toàn hợp pháp và hợp lý.

Để Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp cần phải ưu tiên hàng đầu ban hành luật biểu tình, luật trưng cầu ý dân. Khi đó các vấn đề như chặt bỏ cây xanh đô thị ở thành phố Hà Nội sẽ được giải quyết một cách hợp pháp, khách quan./.

Hà Nội, ngày 19/03/2015

H. H. S.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.