Bình luận về việc xử lý kỷ luật trong vụ nữ sinh bị đánh hội đồng ở Trà Vinh

Trong bài viết “Vụ nữ sinh bị đánh hội đồng ở Trà Vinh – nên nhìn nhận, xử lý thế nào?”, tôi đưa ra cách xử lý xuất phát từ quan điểm và kinh nghiệm thuần túy về giáo dục, đặc biệt là đối với học sinh (HS), chưa đề cập đến khía cạnh pháp lý của vấn đề. Nay chính quyền đã có quyết định xử lý vụ việc này, được đưa tin rộng rãi. Ta nên bàn luận để cùng rút ra những kinh nghiệm có ích.

Theo báo Đời sống và pháp luật, “Liên quan đến vụ nữ sinh lớp 7 bị đánh hội đồng bằng ghế ở trường THCS Lý Tự Trọng (TP. Trà Vinh), theo tin tức trên báo Thanh Niên, ngày 16/3, ông Nguyễn Thành Nguyện, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Trà Vinh đã công bố hình thức kỷ luật đối với nhómhọc sinh đánh hội đồng bạn bằng ghế xảy ra tại Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Trà Vinh); đồng thời cũng đưa ra hình thức kỷ luật đối với ban giám hiệu và các giáo viên liên quan đến vụ việc trên.

Theo đó, 9 học sinh tham gia đánh em N.T.H.Ph. bị kỷ luật như sau: Trần Kim A., học lớp 7/5, bị khiển trách; Trần Ngọc Anh Th., học lớp 7/5, bị cảnh cáo; Trần Hồng G., học lớp 7/5, bị cảnh cáo; Kim Thảo Nh., học lớp 7/5, bị cảnh cáo; Cam Kim T., học lớp 7/5, bị cảnh cáo; Lâm Chí Nh., học lớp 7/13, bị cảnh cáo; Dương Thúy V. (lớp trưởng lớp 7/5) bị buộc thôi học 1 tuần; Nguyễn Thùy D. (quay clip) lớp 7/4, buộc thôi học 1 tuần; Lâm Trần Bình Tr., học lớp 7/4 (ném chồng ghế về phía P.), bị buộc thôi học 1 tuần”.

Phân tích cách xử lý kỷ luật như trên, ta thấy gì?

1. Cách xử lý với HS như vậy chỉ là phần ngọn, với các em cũng chỉ hời hợt bên ngoài; kiểm điểm, khiển trách, cảnh cáo…xưa nay đều làm mãi như vậy, có mấy tác dụng đâu. Đuổi học một tuần liệu có ích gì không? Điều kỳ lạ là, em HS Nguyễn Thùy D. quay vidéo vụ việc, “tố cáo tiêu cực” cũng bị kỷ luật nặng như kẻ chủ mưu (lớp trưởng V) và hung thủ ném cả chồng ghế vào đầu bạn (!?). (Y như xã hội người lớn: người tố cáo thì bị xử lý có tội như tội phạm và kẻ chủ mưu!?). Đối với HS, điều cơ bản nhất là tác động mạnh mẽ đến sự thức tỉnh lương tâm, tự nhận thấy lỗi lầm và biết cách nhận lỗi, trước bạn P trước cha mẹ, trước các bạn toàn trường, trước các thầy cô, trước xã hội; làm sao cho HS mắc lỗi, tự thức tỉnh, tự phê phán,  học được cách sửa lỗi lầm là trưởng thành hơn về nhân cách.  Tổ chức “Lễ tạ lỗi” như tôi đề xuất là nhằm tác động thật mạnh mẽ đến lương tri, xúc cảm, gây ấn tượng khiến suốt đời không quên không chỉ với những HS có lỗi mà với tất cả HS, tất cả mọi người liên quan. Em P nâng các bạn đang quỳ tạ lỗi lên và nói “Tôi đã tha thứ cho bạn” là nâng cao ý thức về quyền làm người và giá trị bản thân của P lên. Em sẽ thấy mình lớn mạnh lên, trưởng thành về nhân cách, biết tha thứ, hòa giải để yêu thương sau những lỗi lầm của bạn… HS cần phải học cách đối mặt với những sai lầm trong cuộc sống và giải quyết vấn đề chủ yếu bằng cách dũng cảm, trung thực tự sám hối, yêu thương, hòa giải, xóa bỏ hận thù để có cuộc sống bình thường. Đối với nhà giáo dục thì cần biết tận dụng những sai lầm của HS (đã lỡ xảy ra) để làm những bài học giáo dục cho các em trưởng thành hơn. Đó sẽ là những kỷ niệm sâu sắc về bạn bè, về thầy cô, về nhà trường trong thời kỳ bồng bột tuổi học trò và nó sẽ đi theo suốt cuộc đời mỗi mỗi con người.

2.Riêng đối với ban giám hiệu và các giáo viên, Hội đồng kỷ luật Trường THCS Lý Tự Trọng đã thống nhất đình chỉ công tác thời gian 1 tháng đối với ông Phan Thanh Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường và Phó hiệu trưởng nhà trường trực hôm xảy ra vụ việc là ông Võ Thanh Vũ. Tạm đình chỉ công tác chủ nhiệm và giảng dạy để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với ông Võ Thành Tất, giáo viên chủ nhiệm lớp 7/5 và Tổng phụ trách đội Thạch Minh Tâm”.

Thực ra xử lý trách nhiệm với hiệu trưởng, với giáo viên chủ nhiệm và hiệu phó trực … như vậy là quá nhẹ. Còn những ông trưởng phòng, giám đốc sở giáo dục và đến “tư lệnh ngành” đều vô sự? TS Nguyễn Sỹ Phương trao đổi với tôi, cho biết: … “ở Đức khi xảy ra vụ một phụ nữ đơn thân nghiện chích nuôi con 3 tuổi bị chết vì chích heroin quá liều bỏ đưá bé chết đói theo, như ở ta chẳng ai hề hấn gì, nhưng ở Đức, Chủ tịch thành phố bị viện kiểm sát mở cuộc điều tra, Giám đốc sở Thanh thiếu niên bị cho thôi việc, suýt nữa bị truy tố hình sự”…

Nhưng “ở ta” lại phải thấy rằng, xử nhẹ như vậy, cũng rất bất công với các thầy giáo trường THCS Lý Tự Trọng, Trà Vinh. Vì sao?

-Vì từ trước tới nay bao nhiêu vụ học sinh đánh nhau nếu không quay vidéo thì chả sao, và nhiều vụ cũng bị quay vidéo tung lên mạng, nhưng không bị xử lý như vậy? Hóa ra chỉ “đồng chí nào bị lộ” và đúng lúc cần xử “làm ví dụ” cho giảm nhiệt dư luận xã hội thì bị phạt nặng?

– Thôi thì, trước kia “xí xóa”, từ 2015 này chính quyền sẽ xiết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực thi pháp luật nghiêm minh! Ô, thế thì sao lại chỉ “bắt nạt” mấy em HS và mấy thầy giáo? Thế bao nhiêu người lớn đánh nhau, cướp bóc trong các lễ hội đầu năm 2015 lại vô sự? Xin nêu mấy ví dụ:

Sáng 24/2, tại Lễ hội đền Gióng, khi kiệu giò hoa tre vừa vào đền Thượng, hàng chục thanh niên lao đến giằng xé, xô đẩy nhau để cướp lộc tạo nên cảnh hỗn loạn trên sân đền. Có thông tin cho rằng một số thanh niên mặc lễ phục hộ tống đã cầm thanh tre vụt vào đám đông.” (xem ở đây). Xem vidéo thì đó là cuộc hỗn chiến kinh hoàng. Nhưng ông Phó Ban Tuyên giáo Hà Nội nói ngon lành: “Đó là cướp có văn hóa” (!) và các hung thủ cũng như Ban Tổ chức… chẳng ai hề hấn gì!

Chiều 3.3 (13 tháng Giêng âm lịch) tại xã Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã diễn ra lễ hội Phết Hiền Quan 2015. Lễ hội đã thu hút hàng vạn người đến tham dự. Tuy nhiên, màn cướp Phết ở bãi cát trước đình được mọi người trông đợi nhất lại biến thành màn đánh lộn giữa các thanh niên.Hàng trăm trai làng lao vào giẫm đạp, đánh nhau để cướp quả cầu đỏ trong lễ hội(xem ở đây). Xem trong ảnh thấy một số thanh niên nằm thẳng cẳng trên đất, màcác hung thủ cũng như Ban Tổ chức… có sao đâu!

23h ngày 4/3, lễ khai ấn đền Trần diễn ra tại đền Thiên Trường thuộc Khu di tích đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định). Đứng sau rào chắn sắt với 2 vòng bảo vệ gắt gao, hàng chục nghìn người dân hướng mắt về cánh cửa đền đã đóng kín. Thi thoảng, những tiếng đồng thanh 1, 2, 3 vang lên, dòng người gắng sức xô đổ hàng rào. Phía trong sân đền, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cùng một số lãnh đạo trung ương, địa phương đang tham gia nghi lễ rước kiệu, rước hòm ấn, khai ấnSau nghi thức khai ấn lúc 23h đêm qua, hàng chục nghìn khách đầu trần đội mưa xô nhau vào nơi hành lễ. Họ giật hoa trên ban thờ, xoa tiền vào kiếm thần, làm đổ vỡ đồ thờ cúngĐánh giá về công tác tổ chức lễ hội đền Trần năm 2015, Phó chủ tịch UBND thành phố Nam Định, Trưởng ban Tổ chức Cao Thị Tính cho biết: Nhìn chung là trọn vẹn và tốt đẹp. Theo bà Tính, khoảng 80 nghìn người đã trảy hội năm nay, đỉnh điểm là ngày 13-14 âm lịch với 40-50 nghìn. Về tình trạng xô đẩy tranh hoa, xát tiền vào gươm thần, bà Tính cho rằng không tránh khỏinhư thế mới gọi là hội (!?)(xem ở đây).

– Thế rồi mấy ngày Tết, không biết mấy vạn vụ đánh nhau mà có 6200 người bị thương nặng phải nhập viện? Ngành y tế bảo, đó chuyện bình thường. Cũng không thấy bao nhiêu hung thủ bị xét xử?…

Như vậy, bạo lực ngoài xã hội thì được dung túng, các quan chức cứ phởn phơ, còn những hành vi xấu xa là do “văn hóa dân mình nó thế” (!?). Có người bảo, nước ta muốn văn minh, chắc phải thay dân thôi! Người lớn như thế lại muốn HS ngoan; xã hội như vậy lại muốn nhà trường tử tế! Cứ chữa trị từ ngọn thì sao giải quyết được vấn nạn, làm sao xã hội “phát triển nhanh và bền vững” được!

17/3/2015

M.V.T.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.