Tăng thuế xăng: Chính quyền VN “tính khôn”

Liệu người dân có chậ́p nhận việc tăng thuế này?

Chính quyền đã “tính toán kỹ” về phản ứng cũng như khả năng chấp nhận của người dân nên mới đưa ra việc tăng thuế môi trường đối với xăng trong thời điểm hiện nay, một nhà quan sát từ trong nước nói với BBC.

Chính quyền đang muốn tăng “thuế bảo vệ môi trường” đối với xăng dầu lên 300%, báo chí trong nước đưa tin.

Tuy nhiên, một quan chức chính phủ được dẫn lời nói là việc tăng thuế xăng dầu này “sẽ không làm giá bán lẻ xăng tăng” nên “không ảnh hưởng người tiêu dùng”.

Bù thâm hụt ngân sách

Quyết định tăng thuế này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra trong phiên họp hôm 10/3 theo đề xuất của Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin.

Theo đó, kể từ ngày 1/5 tới thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tăng từ 1.000 lên 3.000 đồng một lít.

Thông tấn xã dẫn lời ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính, nói rằng việc tăng thuế “bảo vệ môi trường” này là để “bù một phần giảm thu ngân sách”.

Ông cho biết thời gian qua ngân sách bị thâm hụt do giá xăng dầu thế giới giảm từ đầu năm đến nay và do Chính phủ phải giảm thuế xuất nhập khẩu xăng dầu theo đúng như cam kết với khối Asean trong lộ trình hội nhập.

Như vậy họ biến thuế xuất nhập khẩu thành thuế môi trường.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A

Tuy nhiên, ông nói rằng việc tăng thuế môi trường không làm tăng giá xăng bán lẻ do thuế nhập khẩu xăng đã giảm.

Đánh bùn sang ao

Trao đổi với BBC, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà phản biện độc lập từ trong nước, nói rằng với việc tăng thuế xăng lần này chính quyền đã “tính khôn” và đã “tính đến tâm lý của của người dân”.

“Trong lúc lạm phát thấp, giá dầu quốc tế giảm, trong lúc họ (chính quyền) có thể biện minh rằng trong thời gian qua họ đã giảm giá xăng bảy, tám lần thì bây giờ họ có tăng thêm một chút thì người dân cũng xuề xòa bỏ qua thôi”, ông phân tích.

Ông A cũng cho rằng việc chính quyền biện minh là “thuế xuất nhập khẩu giảm” để nói giá bán lẻ xăng sẽ không tăng chẳng khác gì “đánh bùn sang ao”.

“Như vậy họ biến thuế xuất nhập khẩu thành thuế môi trường”, ông giải thích.

Đối với việc tăng thuế môi trường vào xăng dầu để “bù thâm hụt ngân sách”, ông A cho rằng “chính quyền (Việt Nam) nói một đằng làm một nẻo là điều quá bình thường”.

Ông cũng nói ở tất cả các nước nếu chính phủ có thâm hụt ngân sách thì cuối cùng người dân cũng phải gánh chịu. Nhưng ở “chế độ kém cỏi” như ở Việt Nam thì “người dân phải đau khổ hơn”.

Ông nói rằng để giảm thâm hụt ngân sách thì thay vì tăng thuế chính quyền “phải chi tiêu tiết kiệm, giảm chi phí, và nếu làm khéo thì đội ngũ công chức có thể cắt đi một nửa mà công việc vẫn chạy suôn sẻ và cắt đi các khoản bao cấp cho doanh nghiệp Nhà nước”.

Nguồn:

http://frproxy.pw/b.php?u=40frDJe0z3j8IgQGWnHHtwU2GWFSKU%2B9Ak8cnoSE4brR8XKBqYzANXEOlPzYHJh7ZREynsAE9G9gupvGjA7n53w%3D&b=29

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.