Viết tiếp “Tự sự đầu Xuân”

Tôi viết tiếp bài loại vấn đề thứ hai: “Vấn đề xã hội” (xem bài “Tự sự đầu Xuân” viet-studies ngày 22-2-15).

Tôi đọc bài “Nơi không trộm cắp, ăn mày” báo Thanh niên điện tử ngày 20-2-15 viết về xã Huồi Tụ của người Mông ở vùng cao huyện Kỳ Sơn – Nghệ An. Theo bài báo: Ngày xưa xã Huồi Tụ là vùng nghèo đói nhất Nghệ An, nay đời sống người dân khá hơn nhiều, nhà nào cũng có xe máy, ti vi và những vật dụng hiện đại khác, nhưng cốt cách của người dân vẫn thế: trung thực và tự trọng; một quả chuối, quả dứa trên rừng đã có chủ rồi thì không tự tiện hái ăn. Lúa là tài sản rất quý của người dân nhưng không cần ai trông coi. Trâu bò, heo gà cứ thả rông không cần chăn giữ. Xe máy của dân đi rừng, đi rẫy, để hai ba ngày bên đường cũng còn nguyên. Luật tục ở đây còn qui định cha con, anh em, người thân trong dòng họ và cộng đồng phải có trách nhiệm đùm bọc, giúp đỡ nhau, ai để cha con, anh em bị đói có tội với dòng họ. Người không may mắn, gặp hoạn nạn, đói kém thì anh em trong dòng họ và cộng đồng phải giúp đỡ, chia sẻ. Con cháu mồ côi thì ông bà, anh em phải cưu mang. Ai không làm được việc này sẽ bị lên án và bị dòng họ, dân bản bỏ rơi… Già làng Lỳ Cha Giờ nói: “Ở đây, con cái từ nhỏ đã được cha mẹ, ông bà dạy rằng ăn trộm, ăn xin là hành vi rất xấu xa, không được làm… Từ xưa, các bản làng của người Mông đã hình thành luật tục qui định xử phạt nghiêm ngặt đối với người ăn trộm, ăn xin…”.

Đọc bài viết này, tôi chợt nhớ phố cổ Hội An và ông Bí thư Nguyễn Sự. Báo chí có nhiều bài viết cả nước đều biết tôi không phải nhắc lại. Nhà văn Nguyên Ngọc ghi nhận: “Nếu không có Nguyễn Sự sẽ chẳng giữ được Hội An. Nguyễn Sự là tập trung tinh túy của người Hội An: Trí tuệ, năng nổ nhưng thật bình dị, chân thật. Sở dĩ ông làm được nhiều điều cho phố cổ vì được dân thương. Quan chức ít ai giống anh, liêm khiết, thương dân, biết văn hóa bao giờ cũng mong manh luôn lo lắng, suy nghĩ, gìn giữ, không chủ quan”.

Tôi không rõ nước ta hiện nay có nơi nào như ở xã Huồi Tụ và phố cổ Hội An? Còn nhớ, quê tôi ngày xưa dưới chế độ thực dân, phong kiến cuộc sống người dân rất bình yên, xã hội lành mạnh; hay như hồi kháng chiến chống Pháp, Mỹ trong vùng giải phóng do Nông hội tự quản tôi từng biết cũng vậy, người dân tuy sống trong cảnh bom rơi, đạn nổ, đời sống vật chất khó khăn, thiếu thốn nhưng an ninh trật tự rất tốt, “nhà không đóng cửa, ngoài đường không mất của rơi”, không nghe thấy xảy ra trộm cắp, gây gổ, đánh nhau, người dân thương yêu, đùm bọc nhau trong tình làng nghĩa xóm… Vậy mà vì sao đất nước sau 40 năm hòa bình thống nhất đạo đức xã hội suy đồi, tội ác lộng hành, đời sống xã hội bất an không như ngày xưa, hay như xã Huồi Tụ và phố cổ Hội An ngày nay? Báo Tuổi trẻ ngày 25/2/15 đăng bài “1.001 lý do để… đánh đấm!” cho biết: Trong những ngày tết Ất Mùi cả nước đánh nhau 6.200 trường họp phải nhập viện, trong đó có 15 ca tử vong. Ngay cả những nơi thờ tự uy nghiêm như Đền Gióng, Đền thờ Đức Thánh Trần… cũng xảy ra đánh nhau đổ máu. Ôi! Xã hội nước ta ngày nay sao đến nông nỗi này?!

Bức tranh toàn cảnh đời sống xã hội đất nước đượm màu u ám, xã Huồi Tụ và phố cổ Hội An nổi lên như hai ngôi sao sáng. Thiết tưởng các cơ quan chức năng cần đề xuất Chánh phủ chỉ đạo tổng kết kinh nghiệm hai nơi này phát động cả nước “Học tập và làm theo Huồi Tụ, Hội An” tôi nghĩ sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, hơn là ra chỉ thị, nghị quyết máy móc, khô cứng, chung chung không dễ thực hiện!

Tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, tội ác lộng hành… như căn bệnh nan y, vì sao? Mấy ngày tết tôi đọc bài “Vì đâu đạo đức xã hội xuống cấp như hiện nay” của Anh Vũ đăng trên một trang mạng, tác giả viết:

“Nguyên nhân gốc rễ của việc đạo đức xuống cấp trong xã hội là do người ta xa rời dần với văn hóa truyền thống của dân tộc, để du nhập từ nước ngoài học thuyết “đấu tranh” với tên gọi “học thuyết Mác – Lê Nin”…“Văn hóa truyền thống của dân tộc mang tính Thiện rất lớn… Còn học thuyết “đấu tranh” của Mác – Lê Nin thì trái ngược với văn hóa truyền thống dân tộc,… khiến đạo đức xã hội suy đồi trầm trọng…”

Đó là nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân trực tiếp theo ý kiến Luật sư Ngô Ngọc Trai trong một bài viết:

“… việc xây dựng chánh sách phát triển kinh tế – xã hội còn nhiều bất công, khiến cho tầng lớp lao động nghèo bị bỏ rơi từ đó sinh ra tội phạm…? Sống trong cảnh nghèo người ta ít có cái để mất và sẵn sàng làm liều hơn là cảnh giàu… cũng có nghĩa là từ bất công mà sinh ra tội phạm…”

40 năm qua, từ khi cầm quyền trong cả nước, việc chăm lo cho người nghèo Đảng và Nhà nước nói nhiều làm ít, số người nghèo trong nước không hề giảm, tết năm nay Chánh phủ phải xuất hơn 9 ngàn tấn gạo cứu đói ở 8 tỉnh với hơn nửa triệu nhân khẩu. Đó là một minh chứng “tầng lớp lao động nghèo bị bỏ rơi”  như lời Luật sư Ngô Ngọc Trai, nên người nghèo bao năm vẫn nghèo, đến nỗi cái ăn còn thiếu làm sao có cơ hội thoát nghèo. Trong khi đó thực hiện đường lối “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo, Chánh phủ đổ tiền của vào các tập đoàn kinh tế nhà nước như thùng không đáy, vỗ béo những kẻ cầm đầu bất tài, ăn hại! Nếu với quan điểm và cung cách lãnh đạo, điều hành nền kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước như hiện nay, trong năm mười năm tới đất nước này sẽ đi về đâu?!

Đ.K.T                                                                                                                                               

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 2-3-15

Nguồn: http://viet-studies.info/kinhte/DangKienTrung_VietTiepTuSu.htm

 

 

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.