Tản mạn ước nguyện mùa xuân

Lại một mùa xuân đến trên đất nước chúng ta. Gặp gỡ chào nhau năm mới với những lời chúc mừng, ước nguyện.

Mọi người hỏi nhau, năm nay chúng ta cùng mong ước điều gì nhỉ?

Tôi nhớ lại những năm kháng chiến chống Pháp, mỗi lần đi dự đám cưới các ông anh bà chị, tôi lại được đọc một khẩu hiệu trên băng-đơ-rôn màu đỏ treo ở nơi trang trọng nhất, bây giờ nghĩ lại thấy vui vui: “Hạnh phúc gia đình nằm trong hạnh phúc dân tộc”. Rồi trong một đám cưới, mấy thanh niên vui tính lên tiếng đề nghị “hội hôn” hô khẩu hiệu chúc mừng cô dâu chú rể. Anh ta giữ phần xướng ngôn: “Hạnh phúc gia đình nằm trong hạnh phúc dân tộc”. Hô xong, anh ta nắm tay giơ cao ba lần. Một tốp con gái được bố trí sẵn, giơ nắm tay lên ba lần hưởng ứng “Em nằm trong. Nằm trong. Nằm trong”. Cả đám cưới được mẻ cười lăn rũ rượi.

Hay thật. Triết lý nghe cao siêu “Gia đình nằm trong Dân tộc”, nhưng dân hiểu rất đơn giản “Em nằm trong”, “Nằm trong”, “Nằm trong”. Và giọng nữ hô rất dứt dóng như để giành cái quyền được nằm trong như thế.

Dân được nhồi nhét các thứ chủ nghĩa cao siêu. Bây giờ các Giáo sư thấy dân ngu quá, nên khi giảng bài, các Giáo sư phải quy về những lẽ đời giản dị, như kiểu “Nằm trong”: Trung thành với các thứ chủ nghĩa, là trung thành với cái sổ hưu (!). Nhân năm mới chúng ta ngẫm lại câu chuyện được gọi là “Lòng trung thành”… “Nằm trong”… “Cái sổ hưu” của các Giáo sư hàm cao vị trọng.

Những bài rao giảng “Lòng trung thành” gợi nhớ thập niên 1960, khi dấy lên cuộc sát phạt trong phong trào cộng sản quốc tế, bên này phê phán “giáo điều”, bên kia vạch mặt “xét lại”. Lô nhô những đảng gọi là “Mác-Lê chân chính”. Họ tranh đua trung thành với Mác-Lê. Nơi này dựa cột Liên Xô, nơi kia bám đuôi Tàu Cộng. Nay thì tan tác, thậm chí ngôn từ về “phong trào cộng sản quốc tế” cũng chỉ còn lờ nhờ thoi thóp trên các diễn đàn.

Sau khi hệ thống XHCN thế giới sụp đổ, các kho tư liệu lưu trữ lần lượt được lôi ra ánh sáng, thiên hạ mới vỡ lẽ, tất tật bọn họ đều lộ mặt là một lũ sài lang đế quốc, phất cờ Mác-Lê để thực hiện mưu toan bá quyền. “Anh cả” lộ mặt Đại Nga, “Anh hai” lòi đuôi Đại Hán, Họ lần lượt tháo bỏ mặt nạ “chủ nghĩa quốc tế”, để lộ nguyên hình trơ trẽn một lũ đạo tặc, nhất loạt mang trong tim đen một thứ chủ nghĩa sô-vanh dân tộc.

Vài năm lại đây, tôi may mắn có cơ hội gặp lại nhiều đồng nghiệp tại các nước vốn là hoặc đang là XHCN, kể cả Liên Xô cũ và Hoa Lục hiện nay, thì hầu như họ đều tá hỏa, là đã ngây thơ giữa những kẻ đại bịp.

Tôi không trách cứ sự ngây thơ của họ. Chính tôi cũng phải thành thật xếp mình vào lớp người “chậm hiểu”. Nhưng tôi không trách mình, cũng không xỉ vả ai, vì tôi nghĩ đó là một trào lưu lịch sử. Tôi nhớ một sự kiện trong lĩnh vực mà tôi có đôi chút am hiểu, đó là Xã hội học (về) khoa học (sociology of science). Năm 1942, khi chủ nghĩa cộng sản đang ở thế thượng phong, nhà xã hội học Mỹ, Robert K. Merton (1910 – 2003), đã đề xuất chuẩn mực Số 1 của hoạt động khoa học là “Communism” (Tính cộng sản). Đến thập niên 1970, khi chủ nghĩa cộng sản đã mất uy tín, thì ông đã sửa lại là “Communalism” (Tính cộng đồng).

Tôi đọc đi đọc lại cuốn tiểu thuyết Что делать? (Chto dzielat, Làm gì?) của tác giả người Nga Chernyshevsky (1828 – 1889): Những nhân vật trung tâm trong Làm gì? đã thử nghiệm xây dựng xã hội công bằng, hữu ái bằng những “Công xã” trong lòng doanh nghiệp của nhà tư bản, giải pháp được xem là không tưởng dưới con mắt của người Mác-Lê. Thế hệ trẻ ngày nay lại nhìn mô hình Mác-Lê cũng là không tưởng, thậm chí là “đại không tưởng”. Chưa hết. Trong khi ngành y nghiêm cấm thí nghiệm trên MỘT (01) mạng người, xem đó là y đức, thì Lênin đã làm một việc “vượt trên cả y đức”, là mang toàn xã hội làm vật thí nghiệm xây dựng chủ nghĩa cộng sản.

Điều khác biệt là, những nhà không tưởng như Simon, Owen,  Fourier, rồi nhà văn viết tiểu thuyết không tưởng Chernyshevsky chỉ cao đàm khoát luận trên giấy, không đập chết một ai; còn cuộc thí nghiệm của người Mác-Lê thì giết hại cả trăm triệu người nhân danh bảo vệ chế độ.

Ngẫu nhiên, cái chủ nghĩa không tưởng này được mang tên bằng chữ “Mác” gắn với chữ “Lê”. “Mác” và “Lê” trùng tên gọi tiếng Việt của những dụng cụ chuyên dùng đâm chém. Trong cuộc đàm đạo giữa chúng tôi với một nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Cố Giáo sư Bùi Thế Vĩnh đề nghị Đảng loại bỏ biểu tượng búa-liềm, vì nó đại diện cho một phương thức sản xuất quá ư lạc hậu: cái “Liềm” thuộc nền nông nghiệp cổ xưa, còn “Búa” khởi đầu cho thời nguyên thủy của nền công nghiệp mấy trăm năm trước. Hơn nữa, cái “Liềm” gợi cảnh cắt cổ, cái búa gợi chuyện đập nát sọ đầu.

Hệ thống XHCN thế giới sụp đổ sự phá sản học thuyết nhà-nước-hóa kinh tế của Lênin, suốt bảy thập niên cổ xúy đầy tự tin là sự “sáng tạo” học thuyết Mác. Kẻ ít chữ so với các Giáo sư Mác-Lê chặc lưỡi “Vẽ chuyện chơi chữ, sáng tạo cũng là một kiểu xét lại chứ khác quái gì đâu!

Từ phương pháp luận khoa học, có thể thừa nhận có một trường phái lý thuyết phát triển xã hội theo Mác-Lê. Cũng từ phương pháp luận khoa học, có thể xem Mác đã đưa ra một dự báo (Forecasting) về một xã hội như thế. Dự báo trong khoa học dù sai cũng không bị xem là lỗi. Còn Lênin đã đưa mô hình thực nghiệm (Modeling) nhà-nước-hóa, nhà-nước-hóa không chỉ làm kinh tế, mà tất thảy mọi hoạt động xã hội. Xét từ giác độ chính trị học, thì đây quả thực là một thực nghiệm quái dị về vai trò nhà nước. Thế hệ tôi đã chứng kiến Nhà nước mở cửa hiệu cắt may quần áo ở phố Tràng Tiền và tiệm cắt tóc giữa phố Tràng Thi, Hà Nội. Còn mấy anh thợ nghèo đặt ghế cắt tóc ở vỉa hè đầu đường Quang Trung và các xó chợ thì bị miệt thị là bọn làm ăn cá thể, là phi XHCN, là “đối tượng” cần được cải tạo để “đi lên” chủ nghĩa xã hội. Mô hình nhà nước hóa đã biến toàn dân thành kẻ háo danh làm “cán bộ” nhà nước, từ “cán bộ” Chính phủ, đến “cán bộ” các cục, vụ, viện, “cán bộ” giảng dạy, “cán bộ” nghiên cứu, “cán bộ” phát thư, “cán bộ” bán gạo, “cán bộ” bán thịt, “cán bộ” cửa hàng rau quả, “cán bộ” cắt tóc, “cán bộ” may quần vá yếm đàn bà, “cán bộ” quản giáo trại giam… Tất tật là “cán bộ”… Các trường tư ngày nay vẫn gọi giảng viên là “cán bộ giảng dạy”, các viện tư nhân cũng gọi nhân viên là “cán bộ nghiên cứu”.

Sau khi mô hình Lê sụp đổ, một kẻ vỗ ngực về kinh tế thị trường “đặc sắc” của họ, nhưng rốt cuộc họ làm luôn một cú chặc lưỡi “mèo trắng mèo đen” cũng là mèo cả. Những kẻ còn lại cất cao lời nguyện trung thành.

Kẻ ít chữ lại đặt câu hỏi ngớ ngẩn: “Trung thành với ai và trung thành với cái gì mới được chứ?”.

***

Trung thành với Liên Xô ư? Liên Xô chết đã phần tư thế kỷ. Mộ phần của Liên Xô đã xanh cỏ. Chưa ai nhìn thấy khả năng cái thây ma Liên Xô đội mồ sống dậy. Cách đây vài năm tôi trở lại nước Nga. Trong tất cả các cuộc phỏng vấn chính thức và phi chính thức đối với nhiều loại người mà tôi có dịp tiếp xúc, từ ông bà già ngồi cùng bàn ăn trong khách sạn, đến lớp trẻ tôi đàm đạo trong các cuộc làm việc, không một ai muốn quay về thời xô-viết. Lớp trẻ chỉ biết xã hội xô-viết qua sách báo, còn người già, dù tiếc nuối một số ký ức nào đó, nhưng khi hỏi, họ muốn quay lại xã hội xô-viết hay không, thì tất cả đều nói “Không muốn” hoặc “Không thể”. Một trăm phần trăm không có ngoại lệ. Đấy là tiếng nói tôi được nghe từ chính những người con của một đất nước anh hùng, mất hơn hai mươi triệu sinh linh bỏ mình cho công cuộc chống phát xít và bảo vệ Tổ quốc xô-viết trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, và bốn mươi mấy triệu mạng người bị giết oan uổng dưới bàn tay sắt máu của Stalin.

Trung thành với Mác ư? Cũng một nấm mồ tĩnh lặng nằm vĩnh hằng dưới bức tượng đá lạnh lẽo trầm tư. Trung thành với học thuyết của ông? Dạ thưa, đó mới chỉ là dự báo. Sách viết, Mác say mê môn toán. Có lẽ vì thế, cách dự báo của Mác phỏng theo một phép ngoại suy (extrapolation) của toán học. Nhưng ngoại suy toán học dựa trên một quan hệ hàm chặt chẽ, còn quan hệ xã hội làm gì có hàm số toán học nào biểu đạt? Còn nữa: Thời Mác chưa có thực tế lịch sử nào để làm luận cứ chứng minh tính xác thực của giả thuyết này. Không những vậy, sự sụp đổ của hệ thống XHCN thế giới, lại mang giá trị một luận cứ phản đề sống động để bác bỏ cái giả thuyết lãng mạn của Mác.

Trung thành với Lênin ư? Trung thành với cái xác ướp nằm đó? Từ chỗ ông được xem là thánh, ướp xác để người đời chiêm ngưỡng, đến chỗ đang được bàn đưa ra khỏi lăng, và chắc chắn sẽ được chôn vào một ngày đẹp trời nào đó, đơn giản chỉ vì lý do không thể tiếp tục bảo vệ xác ông vì sự hủy hoại sinh học. Còn trung thành với mô hình nhà-nước-hóa kinh tế của ông? Chỉ nghĩ đến nhà nước độc quyền làm kinh tế, chà đạp mọi sáng kiến cá nhân, chỉ nghĩ đến hệ thống tem phiếu đầy tính chất ban phát ân huệ, chỉ nghĩ đến những kẻ hợm hĩnh trong nhóm “nomenclatura”, tiếng lóng của dân Nga, chỉ bọn người đầy đặc quyền dưới chế độ xô-viết, người ta đã không còn muốn mở mắt để nhìn nữa. Vả lại đây mới là một kết quả thí nghiệm thất bại của Lênin. Cứ cho là một thí nghiệm khoa học đi nữa, thì không một nhà khoa học mắc chứng thần kinh nào lại “trung thành” với cái thí nghiệm thất bại của mình.

Trung thành với Stalin ư? Thiên hạ đã lũ lượt kéo đổ tượng ông cùng với tượng ông tổ Lênin, vì không muốn nhìn thấy những kẻ sát nhân, độc tài tàn bạo vượt xa tội ác của những bạo chúa trong lịch sử. Tôi nhớ một kỷ niệm thời trẻ, năm 1971, khi đến làm việc ở Liên Xô, tôi đã ngây thơ bênh vực Stalin lúc tán gẫu trong một cuộc rượu lai rai, khi nghe các bạn xô-viết lên án Stalin, tôi đã nói theo đúng “lập trường quan điểm” của “Nghị quyết 9” được học kỹ càng trước ngày xuất cảnh. Bất ngờ tôi bị ngay một anh bạn người Nga, to lừng lững, mượn hơi men thụp ngực sừng sộ: “Thằng đần! Mày biết Stalin là cái thằng chó chết nào không? Hứ!” Tôi sững sờ vì bị tấn công đột ngột. Anh bạn lắc lắc ngực tôi quát tiếp “Bố tao, Đại tá hồng quân thương binh, bị bom mù một mắt, cụt một bên đùi, bị nó quy là “kẻ thù của nhân dân” và bị đầy đọa trong tù, rồi đái ra máu đến chết. Stalin là một thằng lật lọng. Nó là một thứ gavno không hơn không kém. Rõ chưa?”. Tôi nghệt ra. Trơ mắt. Không mở miệng nói được lời nào. Anh bạn buông tay không thụp ngực tôi nữa, chừng đã hả cơn điên, nhưng lại tiếp luôn, mắt long sòng sọc: “A quên. Chắc mày chưa hiểu tao nói gì? Hứ!” Trong vốn tiếng Nga của mày chắc chưa có từ gavno phải không? Nghe tao nói đây: Gavno là những cái cục mày ngửi trong chuồng xí hàng ngày”. Tôi lại nghệt ra. Nhớ suốt đời.

Chưa nói đến lòng trung thành khờ khạo với Mao Trạch Đông của những kẻ tự huyễn hoặc mình vai trò quốc tế, muốn sát cánh kề vai với bọn chiến hữu “mười sáu vàng, bốn tốt… môi răng” để cứu sống phong trào cộng sản. Nhưng lịch sử đã nhanh chóng bóc mẽ họ. Dù tên của họ hiện còn chiếm dụng nhan nhản trên nhiều đường phố, nhưng bất quá, họ chỉ là những con tốt đen nhẹ dạ, nông nổi bán rẻ Tổ Quốc, như lời ông Thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ ghi lại lời Phó thủ tướng Nguyễn Cơ Thạch, “mở đầu một thời kỳ Bắc thuộc mới”. Họ quên nghĩ xa, con cháu đời đời ghi nhớ họ đã viết thêm những trang ô nhục, còn tệ hại hơn bọn Lê Chiêu Thống và Trần Ích Tắc, trong lịch sử.

Kẻ ngắn học nghĩ mãi chẳng ra: Còn gì để mà trung thành nữa chứ?

***

Mặc dầu Đảng không còn giữ được lòng tin trong dân, nhưng dù thế nào dân vẫn trông đợi những quyết định của Đại hội sắp tới. Người ta trông đợi là đúng, không phải vì mù quáng. Bởi vì Đảng vẫn đang tự nhận “sứ mệnh” lãnh đạo Nhà nước, và sử dụng “sứ mệnh” ấy để điều khiển hoạt động của Nhà nước.

Dân có thể trông đợi gì đây? Tất nhiên trông đợi rất nhiều, nhưng xuyên suốt tất cả, dân mong muốn Đảng vứt bỏ những tín điều dẫn đến sự liên kết vô trách nhiệm với cái bọn được gọi là “đảng anh em”, một lũ đại bịp đang giày xéo Tổ quốc chúng ta, đang bị dân chúng căm ghét. Các vị lãnh đạo biết dân ghét giặc Tàu cả đấy. Có kẻ đã nói toạc móng heo, là họ buồn vì dân ta ghét Tàu. Các vị nhầm lẫn hết rồi: Dân chỉ căm thù bọn xâm lược mang tên “Tàu Cộng sản” và bọn tay sai của chúng, chứ không căm ghét tất tật người Hoa. Dân có bạn bè người Hoa ngay trên đất Hoa Lục, và trong cộng đồng người Hoa khắp thế giới. Dân Việt Nam ngưỡng mộ và quý trọng nền văn hóa lâu đời của dân tộc Trung Hoa, thích cả những món ăn Hoa đã quen thuộc trong bữa ăn mỗi ngày.

Nói rõ ra, chúng ta cần từ bỏ tín điều Mác-Lê để khỏi dây với cái bọn nhân danh Mác-Lê đang chụp vào đầu một số người cái mũ kim cô, không dám hé răng nói lời chống quân xâm lược, và tệ hại hơn là, họ đã tận cùng thoái hóa, tổ chức cho mấy bà nạ dòng, cùng mấy anh ma cô động cỡn nhún nhảy theo vũ khúc “Con bướm xuân” của Tàu Cộng để quậy phá dân chúng tưởng niệm vong linh của những người con đã ngửa ngực chịu trận và anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến chống lại giặc Tàu Cộng sản bảo vệ Tổ quốc, bất kể những người con đáng kính ấy thuộc phe nào trong nỗi đau chia rẽ dân tộc vì ý thức hệ. Tôi nhớ, những năm đầu chống Pháp, dân ghét Pháp đến mức, mẹ tôi chỉ mặc chiếc áo bông, vắt trên mền trắng mấy sợi chỉ xanh đỏ, mà bị du kích bắt giam. Họ quy tội mẹ tôi còn còn nặng tình với màu cờ tam tài của Pháp. Tôi không nghe ai trong các nhà lãnh đạo thời đó ca cẩm mấy anh du kích ghét Pháp đến cực đoan như thế, mà còn nghe họ kêu gọi “Bất hợp tác với quân Pháp”. Còn thời nay, người ta đã quay trọn 1800. Họ còn dùng “Con bướm” của giặc để miệt thị những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Dù lú lẫn, họ vẫn hiểu, “Bướm” là tiếng lóng để gọi tên cái… giống gì trong tiếng Việt.

Chúng ta đòi hỏi từ bỏ Mác-Lê không với mong muốn tranh biện rành rẽ là nó tốt hay là nó xấu cùng các Giáo sư có cái … “sổ hưu” tướng tá với những “mệnh giá” kếch xù mỗi tháng so với thu nhập cả năm của người nông dân lam lũ. Tôi không trách các vị Giáo sư này, như người ta xỉ vả các ông trên mạng, mà tôi thương các ông. Thương thật sự, vì khi xem kỹ cái sổ hưu nhãn tiền của họ, tôi thấy nó quá bèo bọt so với đống tài sản kếch-kếch-kếch xù của những kẻ mà họ lớn tiếng bảo vệ. Cuộc tranh biện này luôn là cuộc chiến không cân sức. Chúng tôi chắc chắn sẽ là kẻ chiến bại, vì cái sự “Cả vú lấp miệng em”. Cái sự “Cả vú” này không chỉ lấp riêng cái miệng của em, mà còn lấp cả miệng bố em, miệng mẹ em, miệng cô dì chú bác… và miệng cả huyện nhà em nữa.

Chúng ta từ bỏ tín điều Mác-Lê mà không cần tranh biện dứt điểm, là nó xấu hay nó tốt, mà chỉ vì nó đang trói buộc cả dân tộc Việt Nam vào thảm họa xâm lăng Hán hóa, một chính sách hiểm độc của giặc Tàu Cộng sản đang lợi dụng mặt nạ Mác-Lê để chà đạp chủ quyền của Tổ quốc chúng ta..

Vấn đề là phải bằng mọi giá thoát ách Hán hóa của giặc Tàu Cộng sản.

Thoát cách nào đây? Một số người sẽ đau và rất đau đấy. Nhưng đã đến lúc phải ĐAU. Cái “LÚC” ấy chính là Đại hội 12 sắp tới.

Đảng cổ xúy học tập tư tưởng Hồ Chí Minh. Vậy tại Đại hội 12, Đảng thử gương mẫu học hai tư tưởng táo bạo sau đây của Hồ Chí Minh: (1) Tuyên bố giải tán Đảng cộng sản năm 1946; (2) Không nói một dòng một chữ nào gọi là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong bản Di chúc 1969.

Tôi nói thế cho hết nhẽ thôi. Chưa phải lúc bàn việc giải tán Đảng, nhưng trước hết, hãy lấy lại tên Đảng, tên nước như thời Hồ Chí Minh. Cũng là một cách đi đúng con đường “Bác Hồ đã chọn” đấy!  

Quyết định này có thể chưa được một số người đồng tình, xét từ cả hai phía, phía “Đảng ta” và phía “Các thế lực thù địch”. Thôi. Xin cả hai phía tạm chấp nhận. Dù sao lớp người mang ân nghĩa với Đảng vẫn còn đang sống cùng thời với chúng ta. Đông lắm. Cứ tính 3 triệu đảng viên và vài triệu “cánh tay” của Đảng, vị chi là khoảng 5 triệu; Chắc mỗi người có chừng 10 người “ăn theo”, thì tổng cũng đến 50 triệu. Con số đó không hề nhỏ trong 90 triệu dân. Họ ở cả hai miền đất nước, chứ không chỉ riêng ở cái “nước miền Bắc cộng sản” đâu. Những vị cộng sản “cỡ bự”, như Võ Văn Kiệt, Võ Chí Công, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Định, Trần Văn Trà, Tố Hữu, Trần Văn Giàu, Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang, v.v… và v.v… đều là dân miền Nam “xịn”. Bà con cô bác của họ đều sống trong cái “nước Việt Nam Cộng hòa” cả đấy.

Quyết định này được lòng dân, không sợ mang tiếng “Theo đuôi quần chúng”. Trong ngôn từ của Đảng, bên cạnh khái niệm “Theo đuôi quần chúng” còn khái niệm “Đi đường lối quần chúng”. Dân chặc lưỡi “Theo đuôi” và “Đi đường lối” là hai việc chỉ cách nhau gang tấc.

Thực tế cho thấy, thay đổi từ bên trong Đảng là rất hệ trọng. Đường lối cải cách kinh tế thị trường tại Đại hội 6 (1986) là một minh chứng về sự dũng cảm vượt qua chính mình của Đảng, và trước hết là sự dũng cảm của các nhà lãnh đạo. Dư luận trong dân biết rất rõ, người khởi xướng đường lối cải cách tại Đại hội 6 là Trường Chinh. Ông đã đưa ra một báo cáo “sét đánh” tại Hội nghị Trung ương 6 trước Đại hội. Nhiều kẻ lúng túng trước báo cáo của ông và phản công trở lại. Nhưng với óc thông minh và lòng dũng cảm, tư tưởng cải cách… “chệch hướng” cũ, “tự diễn biến”, nhưng khéo chơi chữ gọi là “Đổi mới” đã thắng tại Đại hội 6. Một số người quy công nhầm cho Nguyễn Văn Linh. Dạ không. Ông Linh chỉ là kẻ “ăn theo” vụng về. Báo chí còn giữ nguyên dấu ấn của ông: Những bài “Nói và Làm” giọng quyết liệt nhưng cực bảo thủ, nào là kêu gọi chỉ dùng hàng XHCN, răn đe, nước ngoài vào ruồi muỗi cũng vào theo, rồi một tuyên bố vô trách nhiệm (xét với tư cách là người lãnh đạo), mượn không đúng chỗ lời răn của nhà Phật, được nhiều kẻ nói leo tán tụng: “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”… Ngây thơ tin ông “tự cứu mình” trong môi trường thể chế đầy nghịch lý, đã vi phạm luật chơi của chính cái Đảng của ông. Đầy rẫy những vụ oan sai, vừa nhận huân chương liền lĩnh án tù. Có những vụ án lơ lửng từ thời ông đến nay vẫn chưa xử được.

Dân tin chắc, trong lãnh đạo vẫn còn người có lương tri. Còn nhiều người, tuy tay đã nhúng chàm, nhưng trong tim vẫn còn mang nỗi đau trước họa xâm lăng của giặc Tàu Cộng sản. Dân độ lượng và công bằng minh xét: Người lương thiện không tham nhũng tức khắc bị tận diệt trong hang ổ của bọn tham nhũng. Dân sẽ còn ghi công kẻ tham nhũng, khi họ biết dùng chính những đồng tiền tham nhũng để trừ khử bọn bán nước. Dân biết cả thủ đoạn lừa dân khi lớn tiếng dùng chiêu bài chống tham nhũng để che đậy hành vi bán nước.

Tiếp đó, sau khi đã đoạn tuyệt Mác-Lê, người ta tin rằng, Quốc hội, sẽ công bố xóa bỏ mọi hiệp định bất bình đẳng với giặc Tàu Cộng sản, như thỏa thuận cho bọn lính giặc khoác áo thợ trấn đóng cứ điểm Tây Nguyên và cảng sâu Vũng Áng, thỏa thuận trao cho giặc 300 ngàn hecta rừng đầu nguồn, bật đèn cho giặc thắng thầu 80-90% các công trình quan trọng, thả nổi cho giặc mua bán “đểu” trong các thương vụ lừa đảo đang tàn phá tan hoang các cơ sở kinh tế và triệt phá môi trường khắp đất nước này.

Thậm chí, Quốc hội hoàn toàn đủ thẩm quyền xé toạc mật ước Thành Đô nếu thực sự có một mật ước như vậy.

Sẽ có người lo giặc Tàu Cộng sản trả đũa? Lo là đúng. Họ Tập gian manh không tính bài trả đũa mới là lạ. Nhưng không lo. Nhìn gương Myanmar và Ukrain: Lớn xác như Đại Nga cũng phải lúng túng trước đòn trừng phạt vì ức hiếp Ukrain. Chúng ta sẽ gia nhập các liên minh, không liên minh để đánh ai, mà để phòng vệ, chắc chắn thế giới sẽ dang tay ôm chúng ta vào lòng. Cả thế giới đều đang căm ghét giặc Tàu, vì chúng ngạo mạn, làm mưa làm gió, ráo riết vơ vét tài nguyên, tranh đoạt ngôi bá chủ thế giới. Chúng sẽ lớn tiếng gào la. Chúng sẽ chìa đủ chước khùng hạ tiện đểu cáng để cào… mặt ăn vạ.

Chiến cuộc sẽ mang đầy kịch tính: Nếu chúng ta còn cùng ý thức hệ Mác-Lê với giặc Tàu, thì khi Tàu đánh ta, thiên hạ sẽ cười hể hả, sảng khoái, vì hai thằng cộng sản thanh toán lẫn nhau. Khi chúng ta không còn là Mác-Lê nữa, thì giặc Tàu đánh ta là đánh vào lương tri của nhân loại.

Một điều khác: Khi từ bỏ Mác-Lê, lòng dân thu về một mối. “Khối đại đoàn kết dân tộc” tức khắc hình thành. Mối hận cộng sản khắp nước, từ cải cách ruộng đất, Nhân văn-Giai phẩm, chỉnh đốn tổ chức, cải tạo tư sản, xét lại chống Đảng, thuyền nhân tỵ nạn, đàn áp nhân dân chống Tàu xâm lược, v.v… tự nhiên được hóa giải. Từ đây dân sẽ thành một khối vững mạnh, đồng lòng chung tay phát triển đất nước. Đây là điều giặc Tàu sợ nhất, vì chúng muốn dùng ý thức hệ để chia rẽ dân tộc ta.

Việt Nam đoạn tuyệt Mác-Lê chắc chắn giặc Tàu không còn dám cao giọng ngạo mạn, gọi các nhà lãnh đạo Việt Nam là “đứa con hoang đàng”, xấc xược xoa đầu sai bảo “đứa con hoang đàng” như với lũ con ăn người ở trong nhà. Giặc Tàu phải tu tỉnh để làm người bạn lễ phép trước các nhà lãnh đạo Việt Nam, phải xử với các nhà lãnh đạo Việt Nam như những người đối thoại bình đẳng lừng lững tư cách trên trường chính trị quốc tế.

***

Đất nước đã vào xuân. Xin nâng ly rượu tống cựu nghinh tân, đón chào năm mới, dứt cơn mộng mị “anh em Mác-Lê”; ngừng tiếp tay cho giặc lấn đất, lấn biển, phá hoại kinh tế; thôi huyễn hoặc hồ đồ, rằng giặc xâm lược là “xích mích trong nhà”, giặc đánh ta là “yêu cho đòn cho vọt” như mấy kẻ ngu ngơ,  giương bộ loa rè phát thuê cho giặc trên các diễn đàn./.

V.C.Đ.

Tác giả gửi BVN 

Phụ lục: Về cuộc nhảy múa theo điệu “con bướm Tàu” dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ vào ngày 16-2-2014 của đội quân chân rết của Đảng và Nhà nước nhằm trơ trẽn ngăn chặn nhân dân Hà Nội kỷ niệm 35 năm cuộc Chiến tranh Biên giới 17-2-1979

Trung Hoa ngáp ngáp, chúng đang nhảy, đang ngáp, đang nuốt nỗi đau nỗi nhục

Xin xem: https://boxitvn.online/bai/23568

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.