Trang mạng Người Cao Tuổi đã không còn truy cập được nữa
Tổng biên tập báo Người cao tuổi, ông Kim Quốc Hoa, và lãnh đạo Hội Người cao tuổi, cơ quan chủ quản tờ báo, đã chỉ trích điều những điều mà họ cho rằng ‘không thỏa đáng’ trong quá trình thanh tra tờ báo này.
Trong khi đó, một nhà báo từ trong nước nói với BBC rằng ông cảm nhận Người cao tuổi là tờ báo ‘rất nhiệt tình chống tham nhũng’.
Theo kết quả mà thanh tra của Bộ Thông tin-Truyền thông thông báo vào sáng thứ Hai ngày 9/2 thì tờ báo này có các sai phạm như ‘cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, và danh dự, nhân phẩm của cá nhân’, ‘đưa thông tin suy diễn, sai sự thật, ‘có dấu hiệu tiết lộ bí mật Nhà nước’.
Do đó, họ thông báo thu hồi tên miền của trang mạng tờ báo này và đề xuất Hội Nhà báo thu hồi thẻ nhà báo của ông Kim Quốc Hoa. Đồng thời, họ cũng kiến nghị Hội Người cao tuổi cách chức tổng biên tập của ông Hoa.
Ngay sau đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra thông báo cho biết họ quyết định khởi tố Người cao tuổi theo điều 258 Bộ Luật Hình sự về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’.
‘Bình tĩnh và tự tin’
Họ (thanh tra) làm gần 3 tháng mà chỉ cho Báo Người cao tuổi giải trình trong một ngày với khối lượng nhiều nhóm vấn đề, liên quan đến hơn 50 bài báo. Vậy làm sao chúng tôi giải trình được?
Kim Quốc Hoa, tổng biên tập Người Cao Tuổi
Phát biểu trên Người cao tuổi số ra hôm nay ngày 10/2, Tổng biên tập Kim Quốc Hoa nói tờ báo của ông ‘sẽ kiên trì khiếu nại làm rõ sự thật để bảo vệ thanh danh’ và hiện tại ông ‘rất bình tĩnh và tự tin’.
Ông cũng bác bỏ các tin đồn rằng ông đã bị công an bắt giữ.
Ông phản bác cáo buộc của đoàn thanh tra rằng báo ông ‘làm lộ bí mật Nhà nước’.
“Các nội dung khác chúng tôi cũng có đủ bằng chứng chứng minh chúng tôi thực hiện đúng quy định của pháp luật về báo chí,” ông nói trên tờ Người cao tuổi.
Ông Kim Quốc Hoa đang bị đề nghị cách chức tổng biên tập
Ngoài ra ông cũng cáo buộc đoàn thanh tra của Bộ Thông tin-Truyền thông ‘đã vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của pháp luật về thanh tra’.
“Họ làm gần 3 tháng mà chỉ cho Báo Người cao tuổi giải trình trong một ngày với khối lượng nhiều nhóm vấn đề, liên quan đến hơn 50 bài báo. Vậy làm sao chúng tôi giải trình được?,” ông Hoa được dẫn lời nói và cho biết kết luận thanh tra ‘đã được ký trước khi báo Người cao tuổi hoàn thành văn bản giải trình’.
Còn bà Cù Thị Hậu, chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi, cũng than phiền trên tờ báo này rằng việc thanh tra ‘đã không được thông báo’ cho Hội Người cao tuổi với tư cách là cơ quan chủ quản, thực hiện một cách ‘cấp tập, vội vàng’ và kết quả thanh tra ‘không được trao đổi, thảo luận với tòa soạn báo’.
Trong văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, bà Hậu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son “tạm dừng công bố Kết luận thanh tra để tiến hành lại cuộc thanh tra theo trình tự, thủ tục đúng với quy định của pháp luật”.
‘Rất khó viết về tham nhũng’
Người Cao Tuổi vẫn ra báo giấy trong ngày 10/2
Trao đổi với BBC, ông Huỳnh Ngọc Chênh, một nhà báo của báo Thanh Niên nay đã nghỉ hưu, nhận xét rằng Người cao tuổi ‘là một tờ báo chiến đấu rất mạnh, rất nhiệt tình trong công cuộc chống tham nhũng’.
“Họ đưa ra một số trường hợp đúng như ông Trần Văn Truyền, một số quan đầu tỉnh có nhà cửa villa to lớn như ông Cung (cựu chủ tịch tỉnh) ở Bình Dương,” ông Chênh nói, “Một số vụ việc là đúng.”
“Do đó dư luận có nghi ngờ rằng do đánh tham nhũng nhiều quá nên Người cao tuổi bị khởi tố là có cơ sở chứ không phải không,” ông nói thêm.
Biết mười mươi tài sản của cán bộ là bất minh, là do tham nhũng, ăn hối lộ mà có nhưng mà các phóng viên không có quyền tiếp cận thông tin nên không nắm được tài liệu, cứ liệu chứng minh.
Nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh
Tuy nhiên, ông Chênh cũng nói rằng ông chưa đọc hết các bài báo mà Người cao tuổi bị cáo buộc và nếu tờ báo này viết về tham nhũng mà ‘không đúng sự thật, không đầy đủ cứ liệu để chứng minh thì bị khởi tố là đúng’.
“Viết 10 bài đúng mà chỉ cần một bài sai thì người ta cũng có thể khởi tố anh được,” ông nói.
Ngoài ra ông Chênh cũng nêu ra khó khăn mà những người làm báo viết về tham nhũng ở Việt Nam đang phải đối mặt là ‘quyền tiếp cận thông tin không có’.
“Biết mười mươi tài sản của cán bộ là bất minh, là do tham nhũng, ăn hối lộ mà có nhưng mà các phóng viên không có quyền tiếp cận thông tin nên không nắm được tài liệu, cứ liệu chứng minh,” ông giải thích.
“Nếu đụng đến những cấp cao thì đụng vô thế lực này, thế lực khác. Họ có thể bị người ta quật ngược lại bằng luật pháp và bằng thế lực ở trên.”
“Từ trước đến giờ, từ phóng viên cho đến tổng biên tập (các báo) đều có những e dè, lo ngại khi chạm đến vấn đề tham nhũng,” ông nói thêm.
Nguồn:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/02/150210_nguoicaotuoi_charge_refuted