Giá thóc định hướng: Hướng nông dân tới chốn bần cùng

 

Năm nào cũng vậy, khi nông dân chuẩn bị thu hoạch lúa đông xuân là giá lúa hạ đến đáy, năm nay giá lúa OM 4900 từ 5.000 đồng/ kg đã giảm liên tục đến nay chỉ còn 4.400 đồng/ kg.

Giá lúa OM 4900 năm nay thấp hơn Đông xuân năm trước khoảng 700 đồng/ kg.

Lúa Đông xuân mà giá chỉ có 4.400 đồng/ kg chẳng lời được bao nhiêu, vậy lúa hè thu của mình chắc lỗ vốn quá chú?” – Cháu Tuấn vừa lấy cọc bán lúa OM 4900 buồn bã hỏi tôi.

Sở dĩ cháu Tuấn sợ lúa hè thu lỗ vốn là vì năng suất lúa hè thu thấp hơn lúa đông xuân khoản 2 tấn/ ha.

Mày đất nhà còn đỡ, tao mướn đất mà giá lúa này chỉ có lỗ mà thôi.” – Chú Hai Sửu nhăn mặt tiếp lời.

Nghe đài phát thanh nói giá lúa giảm do cạnh tranh với Thái Lan và Ấn Độ, với lại giá lúa giảm do thế giới cung nhiều hơn cầu.” – Chú Tư Thiệt nhà dưới loa thị trấn giải thích.

Tôi không thể trả lời cháu Tuấn, vì tôi biết chắc rằng giá lúa giảm là do Bộ Tài chính khống chế, nhưng nếu tôi nói vậy, cháu Tuấn và mọi người sẽ không tin, vì, loa thị trấn ngày này qua ngày khác luôn nói Chính phủ thương nông dân muốn cho nông dân giàu.

Bộ Tài chính khống chế giá lúa bằng mức lãi tối thiểu

Giá lúa OM 4900 vụ Thu đông khoảng 5.200 đồng/ kg, giá này kéo dài cho đến trước ngày 05/1/2015.

Ngày 05/1/2015 Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu ký công văn số 69/BTC-QLG “v/v công bố giá mua thóc định hướng vụ đông xuân 2014-2015” trong đó qui định:

  1. Về giá thành sản xuất kế hoạch: Mức giá sản xuất kế hoạch bình quân vụ Đông Xuân 2014-2015 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 3.417 đồng/ kg.
  2. Về giá mua định hướng: Căn cứ vào mức giá thành sản xuất lúa kế hoạch vụ Đông Xuân 2014-2015 do Bộ Tài chính công bố như trên, các cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp, cá nhân mua lúa với giá định hướng đảm bảo mức lãi tối thiểu cho người sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2014-2015.

Khi nông dân bắt đầu thu hoạch lúa vụ Đông Xuân khoảng ngày 15/1/2015 giá lúa chỉ còn 5.000 đồng/ kg và giảm mãi đến nay chỉ còn 4.400 đồng/kg.

Rõ ràng, chính giá mua thóc gạo định hướng của Bộ Tài chính đã làm giảm giá lúa của nông dân từ 5000 đồng/ kg xuống còn 4.400 đồng/ kg.

Tại sao giá lúa định hướng chỉ đảm bảo mức lãi tối thiểu cho nông dân? Mức lãi tối thiểu này là bao nhiêu đồng trên một kg lúa? Mức lãi tối thiểu này có đảm bảo được cuộc sống của nông dân hay không?

Bộ Tài chính đưa ra giá mua định hướng, nhưng không biết hướng về đâu, không qui chiếu về bất cứ một văn bản giá nào cả.

Định hướng kiểu này là kiểu Bộ Tài chính và VFA rù rì to nhỏ với nhau còn nông dân mù tịt.

Bộ Tài chính định hướng giá kiểu này nên VFA mạnh tay giảm giá mua lúa của nông dân.

Phải chăng mức lãi tối thiểu là mức lãi 30% so với giá thành?

Nếu chúng ta lấy giá thành 3.417 đồng/kg cộng với 30% giá thành khoảng 1025 đồng/kg thì giá lúa khoảng 4.442 đồng/kg, mức giá này ứng với giá lúa OM 4900 4.400 đồng/ kg hiện nay.

Như vậy, có lẽ mức lời tối thiểu mà Bộ Tài chính to nhỏ với doanh nghiệp là mức lời 30% so với giá thành.

Nhiều lần nông dân chúng tôi đã nói rõ rằng mức lời 30% là một mức lời chết đói, làm cho nông dân ngày càng bị bần cùng hóa, chỉ khi Chính phủ muốn bần cùng hóa nông dân mới áp dụng mức lời này.

Năng suất vụ Đông Xuân khoảng 7 tấn/ ha, lời 30% khoảng 1000 đồng/ kg, vậy một ha nông dân lời chỉ có 7.000.000 đồng.

Năng suất vụ hè thu khoảng 5 tấn/ ha, giá lúa 4.400 đồng/ kg nông dân hòa vốn hoặc lỗ, chứ không phải lời 5.000.000 đồng/ ha.

Ông Bộ trưởng Bộ Tài chính hãy đến huyện Tân Hồng tỉnh Đồng Tháp, tôi sẽ giao cho ông 2 ha cho ông làm lúa, tôi sẽ cho ông lời 35% so với giá thành, nếu ông làm lúa nuôi được vợ với 2 con ăn học thì tôi đội ông lên đầu. Còn nếu nuôi vợ con không nổi, thì ông dẹp quách cái suy nghĩ quan liêu bậy bạ lãi tối thiểu 30% cho nông dân nhờ.

Lời 30% so với giá thành không hề có căn cứ

Trước đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Nghị quyết số 63/NQ-CP, trong đó có quy định phải mua lúa với giá nông dân lời tối thiểu 30% so với giá thành.

Nhưng khi giá lúa xuống thấp hơn 30% so với giá thành thì năm 2014 Thủ tướng ký Quyết định số 373a/QĐ-TTg, và năm 2012 Thủ tướng ký quyết định số 287/QĐ-TTg trong đó quy định: “các thương nhân thực hiện mua thóc gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh”, chứ chẳng cần đảm bảo lời phần trăm phần chục gì cả.

Nên Nghị quyết số 63/NQ-CP đã bị xóa sổ, vậy nếu Bộ Tài chính căn cứ vào Nghị quyết này là một hành động sai lầm.

Nông dân lời tối thiểu vậy Hiệp hội Lương thực Việt Nam được lời tối đa

Nông dân và VFA cùng chia nhau lợi nhuận trong việc mua bán lúa gạo, Bộ Tài chính khống chế nông dân chỉ lời ở mức tối thiểu, tức là cho phép VFA lời tối đa.

VFA mua lúa cho nông dân lời tối thiểu giá 4.400 đồng/ kg, tức khoảng 205 đô la Mỹ/ tấn, qui ra giá gạo khoảng 341 đô la Mỹ/ tấn, rồi VFA bán số gạo này càng cao thì lợi nhuận càng nhiều.

VFA hầu hết là các doanh nghiệp nhà nước, nên, phải chăng, Bộ Tài chính đang tạo điều kiện cho VFA lấy hết lợi nhuận của nông dân một cách hợp pháp.

Giá lúa bị ấn định ngược

Nông dân làm lúa để xuất khẩu, lẽ ra, giá bán gạo xuất khẩu mới là căn cứ để xác định giá lúa.

Lẽ ra, Bộ Tài chính phải qui định mức lời đầu tấn gạo xuất khẩu cho doanh nghiệp, sau đó từ giá bán gạo xuất khẩu qui ra giá lúa, trừ đi cho lợi nhuận của doanh nghiệp thì ra giá mua lúa cho nông dân, đó là phương pháp làm hợp lý.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang làm ngược là ấn định lợi nhuận tối thiểu cho nông dân, giúp doanh nghiệp mua lúa giá rẻ, sau đó bán gạo xuất khẩu giá cao thu lợi nhuận tối đa.

Văn bản định giá lúa của Bộ Tài chính phải rõ ràng, không gây hiểu lầm, còn nói định hướng cho nông dân lãi tối thiểu, là cách nói mập mờ đánh lận nông dân.

Tóm lại, với giá lúa định hướng đảm bảo cho nông dân lãi tối thiểu, Bộ Tài chính đã hướng nông dân đến sự bần cùng, và với giá lúa định hướng đảm bảo nông dân lãi tối thiểu Bộ Tài chính cung cấp công cụ hợp pháp cho VFA đầu cơ lúa gạo trên mồ hôi nước mắt của nông dân. 

H. K.

Tác giả gửi BVN.

 

 

This entry was posted in Nông Thôn. Bookmark the permalink.