Giữa tháng 4, khi tin dầm cầu Thanh Trì bị sập được loan đi, cũng là dịp các diễn đàn và mạng xã hội rộ lên làn sóng chỉ trích… chung chung về tệ rút ruột công trình, hay còn gọi rất vần là “thép thiếu phi, xi thiếu mác”… (chỉ vật liệu không đạt tiêu chuẩn. Phi là đường kính thép xây dựng, xi là xi măng – PV).
“Nào là hầm chui Văn Thánh lún đến cả mét, cầu Thăng Long vừa trát đã lại nứt, đường cao tốc Trung Lương lún mắt thường cũng thấy… chưa kể đường ở Hà Nội có cái nào đi mà không sứt sẹo, lồi lõm?”, Tây Độc (thành viên Tathy) bày tỏ khi được tin dầm cầu Thanh Trì sập.
Chung tâm trạng, Zjnzjn (thành viên Linkhay) bức xúc: “Đi đâu cũng thấy đường mới mà nứt, cầu xiêu vẹo, ở đâu cũng thấy cào đường lên làm đi làm lại. Thử hỏi có con đường, cây cầu nào của Việt Nam không bị bòn rút?”. Đây cũng là mối lo chung của nhiều cư dân mạng khác.
Khá đông cư dân mạng cho rằng, lời giải thích của giới chuyên môn về sự cố là do thời tiết, biện pháp thi công… là không thỏa đáng. Và dù úp mở hay nói thẳng ra, nhiều người cho rằng “rút ruột” mới là nguyên nhân chính của hiện tượng trên.
Trước tình trạng dân xây dựng bị cư dân mạng chụp mũ rút ruột, Trungmercury (thành viên Linkhay) chỉ biết ngán ngẩm: Tội cho cái ngành mình quá, cứ có sự vụ thế nào cũng bị cho là bòn rút.
Tuy nhiên, cư dân mạng có chuyên môn (ở các diễn đàn của ngành xây dựng, kết cấu công trình) lại thảo luận chủ yếu tập trung phân tích từ góc nhìn chuyên môn, chỉ ra các sự cố trên hầu hết có nguyên nhân từ việc thi công ẩu. Theo đó, người thi công không tuân thủ các biện pháp an toàn hoặc không thực hiện đúng trình tự, phương pháp thi công theo tiêu chuẩn.
Như trường hợp cầu Thanh Trì, Tnlinh (thành viên Kết cấu) nhận xét: “Nhìn hệ thống dầm được gác lên các nhịp như ở ảnh chụp, thấy hoành tráng quá. Giữ ổn định dầm chủ yếu bằng các thanh gỗ chống nghiêng không có liên kết chặt chẽ… Liều quá. Tôi thấy gãy 4 cái dầm là còn may đấy”.
Tại các diễn đàn trên, có rất ít ý kiến liên đới hiện tượng, sự cố với tiêu cực. Vì theo họ, rút ruột công trình là rất khó thực hiện và người có trách nhiệm luôn luôn nghĩ đến những hậu quả như ngày hôm nay, tức đối diện với pháp luật. Vinhantinhle (thành viên Tathy, có 12 năm kinh nghiệm làm dự án xây dựng) còn nói: “Tiêu cực = Lỡ “tiêu” tiền rồi thì sẽ rất “cực”.
Bên cạnh đó, họ cũng không bác bỏ hiện tượng tiêu cực trong xây dựng, nhưng cho rằng, hành vi rút ruột đã chuyển hướng sang các hạng mục khác “an toàn” hơn như nhân công, thuê thiết bị, cốp pha, giàn dáo…
XK
Nguồn: http://www.baodatviet.vn/Home/thegioiso1/Cu-gay-dam-la-co-rut-ruot-cong-trinh/20104/90382.datviet