Theo khoản 1 điều 2 của Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…”, trước hết, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là một nhà nước pháp quyền đã sau rồi hãy nói đến “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Nhà nước pháp quyền, là không có ai ở trên luật hay ngoài luật, mà mọi người phải tuân theo pháp luật. Trong đó, có một nguyên tắc cơ bản là chính quyền chỉ được thực thi quyền hành một cách hợp pháp theo các luật được soạn thảo ra và phát hành rộng rãi. Những luật đó được thông qua và thực thi theo đúng các bước được gọi là thủ tục pháp lý. Nguyên tắc này nhằm mục đích ngăn ngừa sự cai trị độc đoán dù cho đó là lãnh đạo chuyên quyền hay quần chúng lãnh đạo. Chính vì vậy, pháp quyền chống lại cả chế độ độc tài lẫn tình trạng vô chính phủ.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:
“Luật pháp dưới góc độ luật học được hiểu như là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, và cưỡng chế.
Luật pháp thông thường được thực thi thông qua một hệ thống tòa án trong đó quan tòa sẽ nghe tranh tụng từ các bên và áp dụng các quy định để đưa ra phán quyết công bằng và hợp lý.”
Như vậy, cơ quan hành pháp nhà nước hay Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp chỉ được thực thi quyền hành trong khuôn khổ của pháp luật và mọi hành vi của các cá nhân, tổ chức thuộc Cơ quan hành pháp nhà nước nếu vi phạm pháp luật đều bị đưa ra xét xử ở tòa án.
Nhưng luật pháp tố tụng hiện nay còn nhiều lỗ hổng, không đảm bảo nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền:
Thứ nhất: Chủ thể ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ (Nghị định), Thủ tướng (Quyết định của Thủ tướng), Bộ trưởng (Thông tư) không có cơ chế để khởi kiện; Luật tố tụng hành chính năm 2010 không quy định về thủ tục khởi kiện hay không xác định đây là đối tượng bị khởi kiện, không xác định tòa án xét xử.
Thứ hai: Luật tố tụng hành chính 2010 chỉ quy định cá nhân, tổ chức có hành vi, quyết định hành chính và cấp tòa xét xử cao nhất là cấp Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Các cá nhân, tổ chức khác trên cấp Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như Phó Thủ tướng, Thủ tướng, Chính phủ nằm ngoài quy định của pháp luật tố tụng hành chính.
Thứ ba: Các hành vi, quyết định trong hoạt động tố tụng hình sự của các cá cá nhân, tổ chức khi tham gia tiến hành tố tụng hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nếu xâm phạm đến lợi ích của người khác thì chỉ có thể bị khiếu nại, tố cáo mà người giải quyết lại chính là các các cơ quan đó hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp. Nói cách khác các hành vi, quyết định của các cá nhân, tổ chức tham gia tiến hành hoạt động tố tụng hình sự không bị đưa ra tòa hành chính xét xử vì Luật tố tụng hành chính năm 2010 không quy định.
Để thực thi một nhà nước pháp quyền thực sự thì cần phải lấp những khoảng trống này trong luật pháp tố tụng hiện nay để không có ai có thể ở trên pháp luật hay ngoài pháp luật, mà mọi người phải tuân theo pháp luật.
Hà Nội, 02/02/2015
H. H. S.
Tác giả gửi BVN.