Lệnh trừng phạt

Các cú sốc kinh tế khiến Nga thiệt hại ở hiện tại vào khoảng 200 tỷ USD. Giá dầu lao dốc là nguyên nhân đầu tiên khiến nguồn thu bị giảm mạnh. Tất cả các chuyên gia đều nhận định rằng, tình trạng này sẽ tồn tại trong một thời gian dài.

 

Trong một thông báo ngày 27/1, Chính phủ Nga cho biết, Thủ tướng Nga, ông Dmitry Medvedev đã thông qua kế hoạch trị giá 2,34 nghìn tỷ rúp (34,8 tỷ USD) nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế và khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ việc giá dầu tụt dốc và các lệnh cấm vận từ phương Tây đối với Nga.

Khoản tiền gần 35 tỷ USD mà Chính phủ Nga thông qua đã bao gồm số tiền 1 nghìn tỷ rúp (15 tỷ USD) dành để cứu ngành ngân hàng nước này (đã được thông qua hồi năm ngoái) đang trong thời kỳ khó khăn.

Thứ Sáu tuần trước (23/1), Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Nga (Russia’s Agency for Deposit Insurance) đã công bố danh sách 27 ngân hàng được vay tiền từ chương trình trợ giúp nền kinh tế. Trong đó có VTB Group (4,5 tỷ USD, khoảng 310 tỷ rúp), Otkrytie Group (1 tỷ USD, khoảng 65,1 tỷ rúp) và Vneshecombank (VEB) vay 300 triệu USD, tương đương 20,4 tỷ rúp.

Như một phần của kế hoạch, Nga cũng sẽ thành lập một ngân hàng mua nợ xấu của các doanh nghiệp và các khoản thu khó giải quyết của các công ty. Ngân hàng Trung ương Nga mới đây cho biết, nợ xấu của hệ thống ngân hàng Nga đang ở mức 3,8% tại thời điểm đầu tháng 12/2014. Tuy nhiên, Moody đã chỉ ra rằng, con số này phải lên đến 7,5% và sẽ tăng gấp đôi trong năm nay.

Không chỉ hỗ trợ giải cứu các ngân hàng đang gặp khó khăn, chương trình trên còn bao gồm cả việc cắt giảm chi tiêu ngân sách để hỗ trợ kinh tế nội địa. Hôm 27/1, Thủ tướng Dmitry Medvedev cho biết, ngoài ngân sách dành cho quốc phòng, hỗ trợ nông nghiệp và hoàn thiện các cam kết với cộng đồng quốc tế, các khoản chi khác đều sẽ giảm xuống 10%.

Tổng thống Nga Putin và các thành viên Chính phủ đều ủng hộ kế hoạch này. Ông Putin cho rằng, phải ưu tiên hàng đầu đến sự bình ổn xã hội và “kế hoạch này chỉ thành công khi các giới hạn của kinh tế được bảo đảm”.

Mới chỉ có 22 trong số 60 hạng mục trong kế hoạch được định giá, vì vậy con số cuối cùng của chương trình kích thích kinh tế này có thể lớn hơn nhiều so với 2,34 nghìn tỷ rúp, trong đó có các hạng mục rất khó để định giá tài chính.

Người dân Nga đang mong đợi con số chính thức sẽ được công bố vào tháng 3/2015, sau khi có sự nhất trí của các quan chức và các thành viên Hội đồng Liên bang. Thủ tướng Medvedev đã tiến hành gặp gỡ các lãnh đạo địa phương vào hôm thứ Tư (28/1) nhằm thảo luận về việc tiến hành kế hoạch trên tất cả các khu vực của Liên bang Nga.

Hiện tại, tỷ giá USD/RUB đang giao dịch: 1 USD đổi được 67,38 rúp (mức giá cao nhất trong ngày đạt tới là 1 USD đổi 67,97 rúp lúc mở cửa). Đồng rúp đã tăng khoảng 1% sau tin tức về chương trình giải cứu nền kinh tế của Chính phủ được phát ra (theo số liệu trên Fxstreet).

Có thể nói, chương trình trị giá 35 tỷ USD này là một tin vui đối với nền kinh tế Nga vốn đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Trong bài phát biểu hôm 28/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga, ông Anton Siluanov cho biết, nền kinh tế Nga ước thiệt hại khoảng 200 tỷ USD do giá dầu tụt dốc và phải chống đỡ với các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Ông cho biết thêm: “Các cú sốc kinh tế khiến thiệt hại ở hiện tại vào khoảng 200 tỷ USD. Giá dầu lao dốc là nguyên nhân đầu tiên khiến nguồn thu bị giảm mạnh. Tất cả các chuyên gia đều nhận định rằng, tình trạng này sẽ tồn tại trong một thời gian dài”.

Trước đó, cuối ngày 26/1, Cơ quan xếp hạng tín dụng Standar & Poor (S&P) đã hạ mức tín nhiệm đối với Nga xuống còn BB+ (mức không nên đầu tư) với cảnh báo về khả năng tăng trưởng yếu. S&P cho biết viễn cảnh tăng trưởng kinh tế của Nga đã suy yếu trầm trọng và khả năng linh hoạt về chính sách tiền tệ rất hạn chế. S&P dự báo nền kinh tế Nga sẽ giảm 2,6% trong năm 2015 do giá dầu sụt giảm và cấm vận của phương Tây.

S&P là hãng xếp hạng tín dụng phương Tây đầu tiên hạ bậc tín nhiệm Nga xuống mức “rác”. Trước đó, cả Fitch và Moody’s cũng đều đưa ra cảnh báo tương tự.  Ngay sau khi S&P đưa ra đánh giá trên, TTCK Nga lập tức sụt giảm 6% (theo The Moscow Times).

Dự báo, năm 2015 sẽ là một năm khó khăn với nền kinh tế Nga trước rất nhiều trở ngại. Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là liệu gói hỗ trợ kinh tế trị giá 34,8 tỷ USD trên có phát huy được tác dụng, giúp nền kinh tế Nga vượt qua khủng hoảng!

Theo Trịnh Hằng

Đầu tư Chứng khoán

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/su-kien/nga-thiet-hai-200-ty-usd-do-gia-dau-mo-va-lenh-trung-phat-1027080.htm

This entry was posted in kinh tế, Nga. Bookmark the permalink.