Trục Thăng Long khó là Champs-Élysées Hà Nội

Paris danh tiếng là hình mẫu cho nhiều đô thị đang phát triển nhưng không thể kể hết tên các đô thị vẫn ôm mộng trong lam lũ nhiều chục năm nay. Có nhìn ở tầm xa mấy cũng không dễ gì đem Champs – Élysées về Hà Nội, vì nó ở tận Paris” – Nguyễn Quang Minh.

Như BVN đã đưa tin, không chỉ Hội thảo góp ý của ngành kiến trúc mới vừa đây có nhiều tiếng nói phản biện tỏ ý không đòng tình với “Đồ án quy hoạch Hà Nội nhắm đến năm 2030 có tầm nhìn đến 2050” do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn chủ trì, mà mới trong ít ngày triển lãm vừa qua, Đồ án quy hoạch ấy đã có gần 1.000 ý kiến đóng góp về đủ các vấn đề như xây dựng thành phố bên sông Hồng, giãn dân nội thành, trục Thăng Long… chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của dư luận đối với hình thế và diện mạo Thủ đô tương lai mà bản Đồ án phác họa.

Không hiểu các vị chủ chốt thuộc Bộ Xây dựng có biết lắng nghe và rút lấy bài học xác đáng từ những “lời nói phải” của trí thức và dân chúng hay không, hay lại như thường lệ xưa nay, gọi là tiếp thu để rồi… “Vũ Như Cẩn”.

Dưới đây là ý kiến phản bác của một Kiến trúc sư về trục Thăng Long, “trục đường hình mũi tên” vốn đã gây rất nhiều tranh luận.

Bauxite Việt Nam

Bất lợi từ mô hình trục “mũi tên”?

Thành nhà Hồ, dấu tích trục đường Bắc Nam xuyên qua thành nối với đàn tế Nam Giao.

Thành nhà Hồ, dấu tích trục đường Bắc Nam xuyên qua thành nối với đàn tế Nam Giao.

Xưa có người muốn hại nhà Hồ nên hiến kế làm trục đường thẳng chạy xuyên trục Bắc Nam của thành vươn đến tận chân núi, nơi dựng đàn tế Nam Giao của triều Hồ – con đường ấy tạo thành mũi tên bắn thẳng vào thành Tây Đô, góp phần làm nhà Hồ nhanh lụn bại.

Thực hư còn bàn nhưng ở ta thời nào cũng vậy, ai có tậu đất mua nhà thì đều tránh vị trí có con đường cái ngõ đâm thẳng vào giữa cửa.

Tại Paris, trục đường Champs-Élysées nổi tiếng rộng cả trăm mét, dài gần 2km chạy từ Concorde đến Khải Hoàn Môn, nối tiếp hơn 4km nữa bởi đại lộ Charles de Gaule, kết thúc ở khu La Défense. Tuy nhiên, đó không chỉ là trục đường thẳng, mà vượt qua 5 quảng trường lớn – nơi hội tụ từ 6 đến 12 đại lộ.

Champs-Élysées xuất hiện từ đầu thế kỷ XVII, hình thành trong dự án cải tạo Paris của Haussmann giữa thế kỷ XIX và hoàn thành ở cuối thế kỷ XX.

Trục đường nằm giữa trung tâm thành phố, xuyên qua khu phố cổ tới vùng đô thị hiện đại nhất hành tinh. Các trục đường thẳng ở nhiều thành phố trên thế giới đều có duyên cớ sinh thành và tương quan với thành phố nó đi qua tương tự như Champs-Élysées.

Champs-Élysées ở quá xa!

Đại lộ Champs-Élysées đi qua 5 quảng trường.

Đại lộ Champs-Élysées đi qua 5 quảng trường.

Quốc lộ 5 (Hà Nội – Hải Phòng) khai thông vài năm thì hàng trăm dự án đô thị, khu công nghiệp hai bên đường mọc lên, nối nhau kéo dài vô tận, biến quốc lộ này thành đường phố có chiều dài kỷ lục. Chứng bệnh “Đô thị hóa tự phát theo kiểu vết dầu loang” được định nghĩa như thế.

Đường sinh ra nối Hà Nội với Hòa Lạc năm 2006 tiếp tục được mở rộng để đánh thức một khu vực mấy chục năm ngủ vùi. Đường thì đến nay vẫn ngổn ngang nhưng đô thị 2 bên đường thì đã nối nhau chạy dọc hơn 1/2 tổng chiều dài.

Đường chính lan ra đường nhánh, đường trục Bắc Nam, để ven các đường ấy cũng hàng trăm dự án đô thị, sân golf, nhà vườn khai sinh.

Đường 32 có đoạn nham nhở hàng chục năm nay nhưng hai bên đường từ Sơn Tây đi xuống, từ Hoài Đức đi lên qua Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất cũng đã mấy trăm dự án mà nhiều người đã thuộc nằm lòng.

Lại thêm đường Tây Thăng Long nằm giữa sông Hồng với đường 32, mới có trên bản vẽ thôi mà đô thị ven đường đã dày đặc. Căn bệnh lại được gọi tên “Đô thị hóa tự phát giống như vòi bạch tuộc”. Sức sống, mạch máu chính của những vòi bạch tuộc chính là các trục giao thông.

Bản đồ hiện trạng các dự án Hà Nội, mật độ dày đặc ven đường Láng - Hoà Lạc, đường 32...

Bản đồ hiện trạng các dự án Hà Nội, mật độ dày đặc ven đường Láng - Hoà Lạc, đường 32...

Bản Quy hoạch chung Hà Nội đang đảm đương nhiệm vụ sắp xếp không gian mới trong khi phải đối mặt với hàng trăm dự án cái thì hung dữ như vòi bạch tuộc, cái thì loang nhanh như vết dầu. Nay lại thêm một trục đường “mũi tên” thọc giữa những trục đường đã có. E rằng “bệnh” cũ chưa chữa xong lại vơ thêm “bệnh” mới.

Paris danh tiếng là hình mẫu cho nhiều đô thị của các quốc gia đang phát triển nhưng không thể kể hết tên các đô thị vẫn ôm cái giấc mộng ấy trong lam lũ nhiều chục năm nay. Có nhìn ở tầm xa mấy cũng không dễ gì đem Champs-Élysées về Hà Nội, vì nó khá xa ở tận Paris.

NQM

Nguồn: http://dantri.com.vn/c20/s20-392655/truc-thang-long-kho-la-champselysees-ha-noi.htm

This entry was posted in xây dựng and tagged . Bookmark the permalink.