Bauxite Việt Nam là diễn đàn của tất cả những ai ưu tư về vận nước và do đó, miễn là nhất trí với nhau trên những vấn đề cơ bản như chọn chính thể dân chủ hay độc tài, được tự do ngôn luận hay là cúi đầu chờ nhà nước phán, dám lên tiếng chống Trung Quốc xâm lược hay là quắp đuôi làm chư hầu,… sự khác biệt trong ý kiến giữa người này người nọ là bình thường và cần tranh luận để sáng rõ hơn. Nếu không như thế, nói theo cụ Phan Khôi, thì vườn hoa của chúng ta chỉ toàn một thứ “cúc vạn thọ”. Vì thế, chúng tôi hoan nghênh tác giả Mai Trang phê bình bài Lạm bàn cuộc chiến về thông tin của Thiện Tùng. Chỉ lưu ý một điều, là nếu đọc nhiều những bài khác của Thiện Tùng đăng trên Bauxite Việt Nam, thì Mai Trang hẳn hiểu Thiện Tùng hơn và lời văn chắc đỡ gay gắt hơn.
Bauxite Việt Nam
Tôi vừa đọc bài Lạm bàn cuộc chiến về thông tin đăng trên Bauxite Việt Nam của tác giả Thiện Tùng, trong đó ông Tùng có những nhận định về những nhóm trang mạng trong nước. Điều ông viết về “nhóm trang chống cộng sản” và nếu nó được đăng trên Nhân Dân hay một tờ gói cá, gói thịt nào đó của đảng thì tôi đã không quan tâm. Nhưng nó được đăng trên BVN – là một trang mà cá nhân tôi cho là có uy tín – khiến tôi phải ngồi xuống viết bài này.
Trong bài viết, ông Thiện Tùng phân loại ra 3 nhóm trang mạng với 3 khuynh hướng khác nhau để theo ông “đối lập với nhà cầm quyền”: Nhóm trang bất đồng chính kiến, Nhóm trang chống Cộng sản, Nhóm trang đấu tranh cho lợi ích phe nhóm.
Ông “phân định” 3 nhóm này như sau (nguyên văn):
1/ Nhóm trang bất đồng chính kiến: Chiếm đa số, chủ trang công khai danh tánh, phần lớn họ là đảng viên, nếu không tham gia kháng chiến cũng là cán bộ, công chức Nhà nước. Họ không vụ lợi, xả thân vì lợi ích quốc gia và dân tộc, dùng lý lẽ êm dịu phản biện những chủ trương, chính sách, đường lối… không thích hợp của Đảng và Nhà nước, nhằm thực hiện mục tiêu “Dân chủ, đa nguyên…”.
2/ Nhóm trang chống Cộng sản: Tuy không nhiều, chủ trang cũng công khai danh tánh, họ chống Cộng mệt không nghỉ, đôi khi họ dùng từ ngữ chửi rủa rất khó nghe, kém thuyết phục. Chống Cộng là lập trường của họ – còn Cộng thì họ còn chống. Đành vậy, “Có sừng có mỏ thì gõ với nhau”.
3/ Nhóm trang đấu tranh cho lợi ích phe nhóm: Chủ trang không xưng danh tánh, họ xả thân vì lợi ích cá nhân cục bộ, âm thầm trinh thám tìm hiểu chủ yếu về tham nhũng, cửa quyền của đối phương, lừa thế xuất chiêu theo “thời vụ”. Họ họ là những tờ: Quan làm báo, Bộ đội làm báo, Vua làm báo, Tư Sang nham hiểm, v.v… hoặc giả mượn danh tứ trụ triều đình Sang, Trọng, Hùng, Dũng. Đáng kể là trang Quan Làm Báo trước đây và Chân dung Quyền lực gần đây. Cả 2 trang này như những người hùng, “gãi đúng chỗ ngứa” của công chúng là chống những “con sâu chúa ở trên đọt” nên nhất thời “ăn khách”.
Theo tôi, những gì Thiện Tùng viết thật là không… “ổn”.
Thứ nhất: Ông cho là những trang bất đồng chính kiến chiếm đa số, chủ nhân của các trang này “phần lớn” là đảng viên và ông rất thành tâm thiện ý trao cho những đảng viên này những mỹ từ “không vụ lợi, xả thân vì lợi ích quốc gia và dân tộc, dùng lý lẽ êm dịu phản biện”. Ông có thống kê dữ kiện nào chứng minh rằng đa phần những trang “đối lập” tại Việt Nam là của đảng viên cộng sản?
Thứ hai: Ngược lại với cái nhìn rất thiện cảm dành cho “đa số” các trang được ông cho là của đảng viên, ông quay sang những trang “thiểu số” còn lại và đặt tên cho nó là những trang chống cộng với những nhận xét (mà theo cảm nhận của tôi) mang tích xách mé, xỏ xiên như chống cộng mệt không nghĩ, chửi rủa, kém thuyết phục, còn cộng là còn chống, có sừng có mỏ thì gõ với nhau.
Để đi đến những nhận định như trên, có thể làm sốc nhiều người, nếu không nói là phẫn nộ (ít ra là từ cá nhân tôi), ông Tùng hay bất kỳ ai viết kiểu này cần phải bỏ thì giờ ra để thu thập dữ kiện và chứng minh kỹ càng.
Riêng tôi, tôi cho rằng những nhận định trên của ông Tùng, nếu gửi cho báo của đảng tôi tin rằng họ sẽ hân hoan đón nhận và vui mừng đăng tải.
Thứ ba: Về Nhóm trang đấu tranh cho lợi ích phe nhóm tôi không quan tâm để phân tích nhiều về điều ông viết – ngoài một điều: Ông xếp những trang này vào phía “tạm gọi là đối lập với nhà cầm quyền“. Ông đã tự mâu thuẫn với chính mình khi cũng lại chính ông viết “họ xả thân vì lợi ích cá nhân cục bộ, âm thầm trinh thám tìm hiểu chủ yếu về tham nhũng, cửa quyền của đối phương…”
Sau cùng, ông kết luận bài viết của ông: “Không còn cách nào khác, Đảng CS và Nhà nước VN phải có sự thay đổi nhất định về thể chế chính trị, về đường lối… để xích lại gần hơn với lực lượng bất đồng chính kiến chung lo việc nước việc dân.”
Nếu theo kiểu phân nhóm của ông thì cuối cùng rồi cũng chỉ là đảng cộng sản “xích lại” gần với những đảng viên “xả thân vì lợi ích quốc gia và dân tộc, dùng lý lẽ êm dịu phản biện những chủ trương, chính sách, đường lối… không thích hợp của Đảng và Nhà nước, nhằm thực hiện mục tiêu “Dân chủ, đa nguyên” trong nhóm mà ông cho là đa số của lề trái (tôi không dùng lề dân vì họ là đảng viên như ông đã viết). Tất cả hình như cũng chỉ là đảng và các đảng viên của ông mà thôi. Có phải thế không?
M. T.
Nguồn: http://danlambaovn.blogspot.com/2015/01/a-phan-nhung-trang-le-khong-ang-la-cua.html