Bài viết này dựa trên các tài liệu sách, báo Mỹ về xã hội dân sự (XHDS) ở Trung Quốc, Nga, và bài viết của blogger Nguyễn Đoan Trang “Xã hội dân sự ở Việt Nam: Đang nổi lên nhưng cần… gần dân hơn” đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 04/08/2014.
Kinh nghiệm tại Trung Quốc và Nga cho thấy các XHDS gặp ba trở lực trong quần chúng: tâm lý sợ hãi vì bị nhà cầm quyền đe doạ, thái độ thờ ơ, vô cảm vốn khởi đầu từ ý nghĩ buông xuôi, và lối sống hưởng thụ ích kỷ. Dân chúng lại không có tập quán tham gia hay đóng góp tiền bạc cho XHDS, trái với các nước Tây Phương khuyến khích sinh hoạt này từ trong Tiểu học. Để xây dựng truyền thống nói trên sẽ cần hơn một thế hệ, ngay cả khi được quốc gia ưu đãi khuyến khích. Sẽ mất thêm rất nhiều thời gian nếu bị nhà cầm quyền cấm đoán, phá hoại.
Riêng tại Việt Nam, truyền thống từ thiện thường do nhà thờ, chùa chiền phát động, nhưng đang mất dần đi tính chính đáng vì nhà cầm quyền chỉ thừa nhận các đoàn thể tôn giáo quốc doanh, cấm đoán những sinh hoạt độc lập vị tha. Hơn thế nữa, ngay cả các cơ sở tôn giáo cũng nảy sinh tình trạng tôn sùng chức sắc, mê tín dị đoan để cầu xin phúc lợi.
Các XHDS tại những nước độc tài hoạt động vô cùng khó khăn: thiếu nhân sự, tài chánh và tổ chức nên không đến gần dân; không gần dân thì không phát triển được.
Người Mỹ có câu “All politics are local”, tức là mọi sinh hoạt chính trị đều phải sát liền với địa phương để thu phục nhân tâm. Các XHDS tại những nước độc tài dùng kỹ thuật Internet để thực hiện phương châm này trong hoàn cảnh thiếu thốn nhân sự và tài chánh.
Bên cạnh những phản biện lớn như về dân chủ nhân quyền, các XHDS nhắm vào những mục tiêu rất khu vực và sát với nhu cầu quần chúng như kiến nghị trên mạng về tình trạng hỗn loạn tại một bến xe đò; rác rưởi không được dọn dẹp ở một góc chợ; quán ăn ồn ào sau 10 giờ tối tại một khu phố… Để đáp ứng với tâm lý thụ động của quần chúng thì người dân chỉ ủng hộ hay chống đối bằng cách bấm nút Like hay Don’t Like như trên Facebook, còn nếu cho thêm tên tuổi và địa chỉ thì càng tốt. Bài vở, hình ảnh được cập nhật để người dân theo dõi tình trạng có cải thiện hay bị bỏ lơi.
Kiến nghị việc lớn có thể bị gác ngoài tai, nhưng đối với những tệ nạn tại các địa phương bị quá nhiều người phàn nàn, xoi mói thì những “đầy tớ nhân dân” cấp nhỏ có thể nhột nhạt, sợ bị khiển trách mà phải chỉnh đốn ít nhiều. Hơn nữa đây là việc làm đúng, ảnh hưởng đến đời sống cá nhân và gia đình của họ chính ngay trong khu vực. Tạo được vài sửa đổi thì người dân sẽ cảm thấy tiếng nói của mình có kết quả và gần gũi hơn với các XHDS.
Tiến thêm một bước là những phản ảnh, hình ảnh trên mạng về tệ nạn có tầm ảnh hưởng rộng: tình trạng hối lộ ở một sân bay; nước thải xả bừa bãi từ một khu công nghiệp; công an đánh đập dân chúng tại một phường X quận Y… Đến lúc này các XHDS sẽ bị tấn công đàn áp vì đụng chạm đến quyền lợi của giai cấp đặc quyền, nhưng đồng thời sẽ nhận được nhiều đáp ứng từ quần chúng do đề cập đến những vấn đề thiết thực.
Tất nhiên tiến trình nói trên sẽ mất rất nhiều thời gian và công phu. Nhưng vì là mạng nên các XHDS không nhất thiết phải có nhân sự tại từng địa phương. Điều này có thể giúp giải quyết phần nào tình trạng thiếu nhân sự, tài chánh và tổ chức mà vẫn đi sát được với nhu cầu thiết thực của quần chúng.
Thật ra mô hình này không phải mới mà đã được áp dụng rất thành công tại Việt Nam: trang Beauxite Việt Nam bắt đầu từ công việc phản đối cụ thể đề án bô-xít ở Tây Nguyên, từ đó xây dựng uy tín để trở thành báo mạng hàng đầu tập trung các nhà văn hóa và trí thức, được biết đến từ trong ra ngoài nước.
Công việc phản ảnh các tệ nạn xã hội hiện đang dày đặc trên báo chí cả lề phải lẫn trái hay trên những trang mạng. Điều khác biệt là các XHDS tham gia hay phát động với mục tiêu tạo nên thay đổi trong nhận thức. Nhà tranh đấu nổi tiếng nhất hiện thời tại Nga là Alexei Navalny đã tổ chức biểu tình cả trên đường phố lẫn trên mạng vào dịp cuối năm 2014 vì anh hiểu được tâm lý thụ động của người dân dưới chế độ độc tài.
Tiếng nói trên mạng ngày càng được nhiều chính quyền quan tâm. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt thu thập được 100 ngàn chữ ký nên được mời vào tòa Bạch Ốc trình bày về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Ngay cả tại các nước độc tài, tiếng nói trên mạng dù bị giới hạn nhưng không vì thế mà giới cầm quyền không theo dõi. Nhưng mục tiêu của XHDS là dùng mạng Internet phản ánh nguyện vọng bức thiết của quần chúng, và giúp người dân đến gần với XHDS ngay khi thói quen thụ động vẫn còn ngự trị.
Dĩ nhiên không gian ảo có những giới hạn nhất định của nó. Các XHDS tại Trung Quốc và Nga còn rất phôi thai, chưa đạt mục tiêu dân chủ nhân quyền, nhưng trong hoàn cảnh vô cùng bó buộc họ vẫn cố gắng đến gần với quần chúng. Các kinh nghiệm nói trên cần được chia sẻ giữa các nhà tranh đấu trong những nước độc tài.
Phong trào dân chủ Việt Nam đang chứng tỏ sức sống và sự sáng tạo với các chiến dịch như Không bán nước, Chúng tôi muốn biết, và ngay bây giờ trên Facebook với các hình ảnh đăng tải Tôi không thích đảng CSVN. Bài viết này chỉ là một đóng góp nhỏ, khiêm tốn của một người đang sống ở nước ngoài mà không đứng trên tuyến đầu đấu tranh cùng với các anh chị em của những XHDS Việt Nam.
Đ.H.Q
Tác giả gửi BVN