Bài học từ những chuyến đi

Lời dẫn giải bộ phim video phản ánh công việc đoàn cứu trợ lũ lụt Bauxite Việt Nam

Quay phim và dựng phim: nhạc sĩ Văn Cung
Viết và đọc lời dẫn giải: Phạm Toàn

Đoạn mở đầu – nhà cao có nhớ núi đồi?

Chúng ta đang đi giữa phố phường Hà Nội và Đà Nẵng. Nhà cửa chất ngất, phố xá nhấp nháy ánh sáng vẫy gọi.

Chúng ta cũng đang đứng giữa phố phường thành phố núi KonTum. Phố xá cũng vui chẳng kém những trung tâm lớn, lại còn được tô điểm thêm bằng vẻ mơ màng của con sông hết mùa lũ, bây giờ yên tĩnh vắt ngang thành phố như một hồ nước lớn.

Trong những người đang bàn thảo kia, ta nhận ra giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Luật sư Cù Huy Hà Vũ, họ đang trao đổi những gì sôi nổi vậy?

Phải rồi: “Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng” … Họ đang nói với nhau về chính cái điều gửi gắm trong câu thơ tưởng như đã bị quên.

Câu thơ–câu hỏi đó của lương tâm đã xuất hiện trở lại mạnh mẽ hơn, day dứt hơn qua trận bão số 9 có cái tên đẹp như tên cô gái Ketsana kèm theo trận lũ lụt kinh hoàng.

Phong trào cứu trợ đã dấy lên cả trong nước lẫn ở nước ngoài. Các nhà trí thức cũng sát vai với mọi người trong công cuộc cứu trợ, nhà cao vẫn nhớ núi đồi, những vùng núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã khai sinh một đất nước độc lập, thống nhất.

Đóng góp của trang mạng Bauxite Việt Nam không bao nhiêu: con số bạn đọc bốn phương gửi về chưa đạt con số một tỷ đồng. Nhưng dẫu sao, đó đã là tấm lòng của anh chị em trí thức, đủ để mang một chút tình từ chốn nhà cao về chốn núi đồi.

Đoạn 1: đợt cứu trợ 1

Xin đừng nghĩ đoàn trí thức đi cứu trợ cho đồng bào bị bão lụt. Không, đây là chuyến đi học tập của họ. Nhạc sĩ Văn Cung đã gợi ý cho bộ phim này sẽ phải mang tên Bài học từ những chuyến đi.

Thật vậy, bây giờ họ mới được biết ận mắt bà con ngư dân đảo Lý Sơn sống ra sao: đồng bào mình đây, đất nước mình đây, những ngôi nhà quanh năm đón gió bão, những luống tỏi, những ghe cá … và cả trường học… và cả ngôi chùa cổ làm chứng cho tấm lòng người dân Việt Nam tri ân mảnh đất họ đã vật lộn và giữ gìn tự bao đời.

Xin cho chúng tôi nhắc lại: đây là chuyến đi thứ nhất có tên cứu trợ nạn nhân bão lụt diễn ra từ ngày 13 tháng 11 năm 2009 đến ngày 16 tháng 11 năm 2009, do giáo sư Nguyễn Huệ Chi dẫn đầu. Vâng, về danh nghĩa, đó là chuyến đi cứu trợ, nhưng trong đáy lòng chúng tôi, đó là chuyến đi học tập. Chuyến đi nhắc nhở từng người chúng tôi rằng đất nước Việt Nam chúng ta được gây dựng và bảo vệ bởi những con người hết sức giản dị như thế …

Xin đừng ai nói lời cảm ơn chúng tôi, xin cho chúng tôi nói lời biết ơn đồng bào, những người thầy đã dạy chúng tôi yêu thương đất mẹ Việt Nam này.

Đoạn 2: đợt cứu trợ 2 – vào Tu Mơ Rông

Những ngư dân đó ở khắp nơi đoàn cứu trợ tới nom họ đều giống nhau … Giống nhau ở vẻ bình tĩnh, gan dạ, khắc khổ. Và nhất là giống nhau ở những gương mặt các bà mẹ già gần trăm tuổi một đời chăm sóc cho chồng, rồi chăm sóc cho con, rồi có lúc chăm sóc cho các cháu mình đi biển. Đi biển để sinh sống. Và đi biển để nhắc nhở chúng ta về một vùng lãnh thổ bao la sóng gió.

Những đồng tiền chúng tôi thu thập được rồi chuyển vào những bàn tay gầy gò đen đúa của bà con thật chẳng thấm tháp gì đối với những cuộc đời, những cảnh sống, những con người ấy, trớ trêu thay, lại luôn luôn đón nhận những trận bão, để lại những đổ nát quá sức tưởng tượng của chúng ta.

Rồi lần này, chúng tôi còn được vào huyện Tu Mơ Rông, một huyện mới được tách ra khỏi huyện Đăk Tô của tỉnh Kon Tum. Đường đốc lên dốc xuống. Con đường này, sau trận lũ vừa rồi, bùn ngập không sao đi lại nổi, cán bộ huyện phải lội bộ sau hai ngày mới đến được vùng bị hại. Bây giờ, những cây cầu treo đã mất, nhưng lại đã có những con ngầm, đủ để các đoàn cứu trợ khắp cả nước và bè bạn quốc tế đem tới trợ giúp và an ủi đồng bào.

Cả một vách núi sạt lở xóa sổ theo cả một làng như thế này…  Những cây gỗ bị chặt trên thượng nguồn được nước xô về nằm chật hạ lưu như thế này …

Và bà con đang sống tạm ở những mái lều như thế này… tự mình vật lộn dựng xây lại làng mới, và cũng chờ đợi những nguồn lực giúp họ đứng vũng trong cuộc sống được gây dựng lại…

Đoạn 3: Những con người

Chúng tôi đã đem đồ cứu trợ tới đồng bào. Điều quan trọng là qua chuyến đi này, chúng tôi còn rút ra được những bài học rằng người trí thức cần phải làm gì để cuộc sống trong tương lai sẽ phần nào bớt đi những đau khổ ấy.

Chúng tôi vô cùng xúc động thấy phần lớn thanh niên thay mặt gia đình đến nhận cứu trợ đều tự tay ký vào tờ biên nhận, với vẻ tự tin rõ ràng của những con người đã được đi học.

Thế nhưng, vẫn thấy những cô gái kia, hình như họ chưa đến tuổi kết hôn, nhưng lại đã tay bế tay bồng, có phải chăng các cô cũng đã được đào tạo ra từ ngôi trường này? Nhà trường đã dạy các cô những gì để các cô lấy chồng sớm thế, đẻ con sớm thế và đẻ nhiều thế? Liệu vài ba năm nữa, khi bằng tuổi các bà nạ dòng này, các cô có lặp lại cảnh đông con như thế ấy?

Dẫu sao, chúng tôi vẫn thấy vô cùng sung sướng khi được tiếp xúc với lớp cán bộ mới và trẻ người dân tộc địa phương. Họ thạo việc, và họ được bà con quý trọng.

Chúng tôi cũng rất kính phục những người cán bộ huyện được tăng cường ở miền xuôi lên, họ vẫn còn trẻ lắm, vậy mà xem kìa, họ đang thoải mái nói chuyện bằng tiếng dân tộc Sê-đăng với bà con của mình.

Một sức sống mới sẽ được tạo dựng từ văn hóa giáo dục, một cuộc sống xứng đáng sẽ không thể phó mặc cho cái tự nhiên hoang dã.

Đoạn kết: Nhà cao vẫn nhớ núi đồi

Chúng tôi trở lại phố phường Đà Nẵng trước khi trở lại Thủ đô. Chúng tôi đã gặp những doanh nhân trẻ của Đà Nẵng. Những doanh nhân này phần nhiều được đào tạo từ Đại học Bách khoa Đà Nẵng, cái nôi cho những chí hướng lớn vươn ra biển xa …

“Nhà cao vẫn nhớ núi đồi …” Chính cái văn hóa của những trung tâm lớn này sẽ kéo theo sau nó sự phát triển mọi mặt ở những vùng xa xôi heo hút lên thác xuống ghềnh với những con người quá ư chất phác ở đó.

Phần lớn họ thoát thân từ cái lò đào tạo là trường Đại học bách khoa Đà Nẵng, những doanh nhân trẻ này đang có trong tay những công ty sẽ góp phần của mình vào công cuộc phát triển đó.

Chính họ đã cùng đoàn cứu trợ từ Hà Nội vào đi lên KonTum, cùng đi vào với núi non Tu Mơ Rông. Điều đó có nghĩa gì? Đó có nghĩa là một lời hứa: Tri thức đi trước, trí tuệ đi trước, rồi sau đó bằng việc làm thiết thực mà kéo theo sự phát triển các vùng các miền.

Để cho ngay cả khi thiên nhiên nổi giận như trong cơn bão lũ vừa rồi thì thiệt hai cũng sẽ hạn chế ở mức thấp nhất.

Xin được nói lời tạm biệt cuối cùng: đây chỉ là mấy cảnh sơ sài về một chuyến đi cứu trợ. Nhưng những người được cứu trợ đã cứu trợ lại các anh em trí thức chúng tôi bằng những bài hoc nhớ đời.

Bài học nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng?

This entry was posted in Tản Mạn and tagged , . Bookmark the permalink.