Khủng bố tại tòa soạn báo “Charlie Hebdo”: CUỘC CHIẾN CHỐNG LẠI NỀN TỰ DO VÀ VĂN MINH

(NCTG) Nước Pháp đã trải qua cuộc tấn công đẫm máu nhất nhất từ sau Đệ nhị Thế chiến, theo đánh giá của tờ “Le Parisien”, trong buổi chiều hôm nay, thứ Tư 7-1-2015, khi hai tên khủng bố có vũ trang đột nhập vào trụ sở tờ tạp chí châm biếm “Charlie Hebdo” tại Quận 11 (Paris), xả súng bắn giết khiến ít nhất mười hai người thiệt mạng, bốn người bị thương nặng trong số hơn mười người bị thương.

clip_image002

TBT Stephane Charbonnier, một nhà hí họa hàng đầu của Pháp với một số báo “Charlie Hebdo” gây nhiều tranh cãi – Ảnh: Fred Dufour (AFP)

Ngoài hai cảnh sát, mười người còn lại là các nhà báo đang có mặt tại tòa soạn, cũng như, đang tham dự buổi họp của Ban biên tập “Charlie Hebdo”. Trong số đó, có bốn họa sĩ biếm họa nổi tiếng, tác giả của những biếm họa, những truyện tranh thường là rất “có vấn đề”, vì chúng thường xuyên đụng chạm tới những đề tài, những nhân vật xã hội, chính trị và tôn giáo một cách nhạy cảm.

Cái tên “Charlie Hebdo” được cả thế giới biết đến năm 2006, khi tuần báo châm biếm này đăng lại những biếm họa gây nhiều tai tiếng về Đấng tiên tri Mohammad của báo chí Đan Mạch, và còn bổ sung thêm những họa phẩm riêng của mình. Tuy nhiên, không phải đến lúc đó “Charlie Hebdo” mới ra đời: tờ báo đã được thành lập từ năm 1969, với tên khác là “L’Hebdo Hara-Kiri”.

Là một tạp chí châm biếm cánh tả theo chủ nghĩa tự do, ngay từ khi mới ra đời, tờ tuần báo đã chủ trương thực thi những quyền tự do cơ bản bằng cách phê phán tệ tham nhũng, chỉ trích sự bành trướng vô độ của nhà nước, cũng như sự thái quá của tôn giáo. Được coi là không biết nể nang bất cứ ai, ngay những tượng đài của nước Pháp cũng bị báo đưa ra làm mục tiêu chế giễu.

Đó là nguyên nhân khiến “L’Hebdo Hara-Kiri” bị cấm vào tháng 11-1970 khi “cả gan” giễu cợt trước sự ra đi của Tổng thống Charles De Gaulle, người hùng của nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, và sau đó, báo đổi tên thành “Charlie Hebdo” như hiện tại. Tờ tuần báo hoạt động tới năm 1981, và được tái khởi động vào năm 1992 với lượng ấn bản 100 ngàn hàng tuần (*).

Riêng trong năm 2006, có một lần lượng ấn bản của “Charlie Hebdo” được tăng gấp ba, khi nó đăng tải lại những hí họa về Đấng tiên tri Mohammad, không nhằm mục đích chỉ trích Hồi giáo, mà để bày tỏ sự đồng thuận với những nỗ lực tự do báo chí, tự do biểu đạt. Quan điểm ấy của tờ báo đã được công luận Pháp hưởng ứng bằng cách náo nhiệt tìm mua báo.

clip_image004

Hai kẻ sát nhân

Có lẽ vì thái độ không khoan nhượng ấy của “Charlie Hebdo” trong việc thể hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, trong những năm gần đây tờ tạp chí ngày càng phải chịu nhiều đe dọa đến từ các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Gần đây nhất, tháng 11-2011, tòa soạn của tờ báo cũng đã bị tấn công bằng bom xăng, và trang website của báo thì bị các hacker xâm nhập.

Lý do là vì “Charlie Hebdo” đã ấn hành một số đặc biệt chủ đề Hồi giáo với cái tên “Charia Hebdo”, ám chỉ Sharia – đạo luật hà khắc của Hồi giáo dựa trên căn bản kinh “Qur’an”, cho phép việc đánh roi hoặc ném đá đến chết những kẻ bị coi là phạm tội. Trong dịp đó, “Charlie Hebdo” đã không ngại ngần khi cho ra một biếm họa mô tả Đấng tiên tri Mohammad, điều mà luật Hồi giáo nghiêm cấm.

Với cách tiếp cận vấn đề mạnh mẽ và cương quyết như thế, “Charlie Hebdo” thường gặp phải sự phản đối đến từ nhiều nơi, cá nhân và tổ chức, cho những biếm họa, bài viết “châm chích” nhiều khi cay độc, theo tinh thần đa nguyên của họ. Đặc biệt, tuần báo không chỉ nhằm vào Hồi giáo, mà Công giáo hay Do Thái giáo hoặc những chủ đề văn hóa, chính trị cũng là đề tài châm biếm của họ.

“Charlie Hebdo” đã từng khiến cố Tổng thống Jacques Chirac phải đau đầu và lên tiếng chỉ trích, tuy nhiên, các nguyên thủ quốc gia gần đây của Pháp như Nicolas Sarkozy và François Hollande đều ủng hộ tinh thần của tờ báo. Ấy là vì họ đã thấy ở đó một thành trì của tự do, như những gì mà Tổng thống François Hollande phát biểu ngay sau khi tòa soạn báo bị tấn công, hôm nay.

Ông François Hollande đã gọi mười ký giả bị sát hại là những con người “có tài năng lớn, và quả cảm”, và rằng họ đã hy sinh cho nền tảng của nước Pháp: sự tự do. Tổng thống Pháp khẳng định, cần bảo vệ nền tự do ấy, bằng sự đoàn kết, đồng lòng, “nhân danh chính họ”, những người đã ngã xuống…

Những ý tương tự cũng xuất hiện trong tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sau khi tấn thảm kịch xảy ra: “Tự do biểu đạt và tự do báo chí là những giá trị cốt lõi, những nguyên tắc phổ thông – chúng có thể bị tấn công nhưng không bao giờ bị hủy diệt. Vụ thảm sát hôm nay là một phần trong cuộc đối đầu lớn giữa nền văn minh với những kẻ chống lại thế giới văn minh đó”.

“Nền dân chủ Pháp đã bị tấn công và chúng ta cần phải bảo vệ nó” – phát biểu của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho thấy rằng, bất cứ hành vi bạo lực nào được đưa ra nhằm chống lại, hay khủng bố tự do ngôn luận, tự do báo chí cũng là một tội ác. Bởi đó chính là cuộc chiến chống lại nền dân chủ, và văn minh nhân loại.

clip_image006

“Je suis Charlie” (Tôi là Charlie) – Ảnh: Anne-Christine Poujoulat (AFP)

Và như thế, điều quan trọng nhất là giới báo chí phải không run sợ và không khuất phục. Chúng ta không run sợ và không khuất phục. Như hàng trăm ngàn người đã xuống đường ngay trong buổi tối hôm nay, bất chấp tiết trời lạnh lẽo, tại các thành phố trên nước Pháp và toàn Châu Âu, với khẩu hiệu “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie).

Chúng ta sẽ không khiếp nhược!

(*) Năm 2012, lượng ấn bản xuống còn 45.000 bản hàng tuần.

NCTG

Nguồn:

http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=4498

***************

Tái hiện diễn biến thực vụ thảm sát tòa soạn Charlie Hebdo

Câu chuyện được báo Nouvel Obs tái hiện từ các nguồn tin đã kiểm chứng.

clip_image008

Cảnh sát hình sự Pháp điều tra thu thập chứng cứ ở thành phố Reims trong chiến dịch truy tìm các hung thủ. Ảnh: Reuters

Khoảng gần 11h30 sáng 7/1, một chiếc Citroën C3 màu đen đậu trước tòa nhà số 6 đường Nicolas Appert ở quận 11, Paris.

Hai người đàn ông bước xuống. Chúng nhận thấy đó không phải tòa soạn báo Charlie Hebdo nên chúng hỏi người dân xung quanh là tòa soạn Charlie Hebdo nằm ở đâu.

Sau khi được chỉ dẫn, chúng bước đến tòa nhà số 10, nơi chúng sắp gây ra vụ thảm sát.

Nữ họa sĩ Coco vừa đi đón con gái ở nhà trẻ trở về tòa báo. Cô vừa đến cửa tòa báo thì gặp hai kẻ bịt mặt cầm súng buộc cô phải gõ mã số mở cửa.

Cô kể lại: “Chúng muốn vào tòa nhà, xông lên lầu. Tôi đã phải gõ mã số. Chúng bắn ngay Wolinski, Cabu”.

Hai hung thủ trang bị một tiểu liên và một súng phóng lựu bước vào trong tòa nhà. Chúng vừa bắn đì đùng vừa hét lớn rằng muốn tìm tòa soạn Charlie Hebdo. Chúng nhằm vào hai nam nhân viên làm tiếp tân và bắn chết một người.

Lúc đó trên tòa soạn Charlie Hebdo có khoảng 15 người đang dự cuộc họp nội dung. Hai hung thủ xông vào phòng họp, hỏi tên từng người trước khi nổ súng. Chúng khẳng định chủ đích tìm tổng biên tập Charb.

Nữ họa sĩ Coco nhớ lại rằng khi bắt đầu xảy ra vụ bắn giết, cô trốn dưới gầm bàn và nghe hai hung thủ nói chuyện với nhau bằng chất giọng “rất Pháp”. Họa sĩ Coco khẳng định có nghe chúng nói về Al Qaeda và theo cô vụ nổ sung kéo dài ít nhất 5 phút.

clip_image010

Corinne Rey, nhân viên vẽ tranh biếm họa của báo Charlie Hebdo. Ảnh: NY Daily News

Theo lời kể của Rey, cô vừa đón con gái từ nhà trẻ về tới trước cửa tòa soạn thì gặp hai người đàn ông vũ trang đeo mặt nạ. Chúng yêu cầu cô dẫn lên tòa soạn, nếu không sẽ giết chết đứa trẻ đi cùng. Không còn lựa chọn nào khác, Rey đành phải nhập mã bảo mật và đưa 2 tay súng lên văn phòng báo Charlie Hebdo, nơi các đồng nghiệp của cô đang làm việc mà không ngờ quyết định đó sẽ dẫn đến một vụ thảm sát tàn bạo. Rey nhớ lại hai kẻ khủng bố nói thông thạo tiếng Pháp và tự xưng là thành viên al-Qaeda. Cô cho biết vụ xả súng kéo dài khoảng 5 phút, sau đó hai nghi phạm chạy ra xe hơi và biến mất. Tổng biên tập tạp chí Charlie Herbo, Stephane Charbonnier, một trong 12 người bị 2 tay súng bắn chết. Trong lúc các tay súng bắn các nhân viên tòa soạn, Rey trốn dưới một chiếc bàn nên may mắn thoát chết. “Họ giết cả Georges Wolinski và Jean Cabut (hai nhân viên vẽ tranh biếm họa, đồng nghiệp của Rey)”, người phụ nữ thổn thức kể lại. Một nhân chứng có mặt tại hiện trường ban đầu còn nhầm tưởng hai tay súng đến từ lực lượng chống khủng bố tinh nhuệ vì chúng hành động chuyên nghiệp và hết sức bình tĩnh. Tuần báo biếm họa Charlie Hebdo thường đăng tải hình ảnh “đụng chạm” tới vấn đề tôn giáo và chính trị. Những kẻ khủng bố giấu mặt nhiều lần đe dọa nhân viên tòa soạn vì xuất bản “hình ảnh xuyên tạc” về đạo Hồi và nhà tiên tri Muhammad. Năm 2011, văn phòng của Charlie Hebdo bị đánh bom vì đăng tải bức ảnh châm biếm nhà tiên tri Muhammad ngay trên trang bìa. Tuy nhiên, Charlie Hebdo vẫn tiếp tục đăng tải ảnh biếm họa của Muhammad vào năm 2012. (http://news.zing.vn/Phap-Tiet-lo-cua-nguoi-phu-nu-dan-2-tay-sung-len-toa-soan-post500315.html)

Nhà báo Laurent Léger của Charlie Hebdo là người có mặt trong phòng họp sáng 7/1. Anh may mắn thoát chết.

Lúc 11h40, anh đã kịp gọi cho một người bạn thân: “Gọi cảnh sát giúp. Có vụ thảm sát. Mọi người chết cả rồi”. Cuộc nói chuyện đến đây kết thúc.

Mô phỏng vụ xả súng giữa lòng Paris

Những kẻ tấn công lao vào trụ sở của tạp chí Charlie Hebdo, gây ra vụ xả súng làm 10 người thiệt mạng trước khi chạy trốn và nã đạn vào hai cảnh sát truy cản.

Nữ nhà báo Catherine Meurisse đến dự họp trễ nên đã may mắn thoát nạn. Khi gần đến tòa báo, cô kịp thấy hai kẻ trùm đầu vọt ra khỏi tòa soạn của cô.

Tại đây, chúng có 3 cuộc đấu súng với cảnh sát. Cuộc đầu tiên trên đường Nicolas Appert, may mắn không ai bị thương. Cuộc thứ hai với một đội cảnh sát đi xe đạp và cũng không ai trúng đạn.

Trước khi nhảy lên chiếc Citroën C3 đen để trốn chạy, hai hung thủ còn bắn về phía một xe cảnh sát. Chúng thậm chí còn bắn thẳng vào đầu một cảnh sát đã bị thương nằm gục trên mặt đường.

Theo lời một người qua đường, sau đó chúng mới lên xe rời đi hẳn và còn kịp hét lên: “Chúng tao đã trả thù cho đấng tiên tri Mohammed”.

Cuộc rượt đuổi diễn ra trên nhiều con phố sau đó. Nhưng bọn chúng đã kịp bỏ lại xe, cướp một xe khác của người đi đường để ra khỏi Paris qua cửa Pantin.

http://news.zing.vn/Tai-hien-dien-bien-thuc-vu-tham-sat-toa-soan-Charlie-Hebdo-post500431.html

clip_image011

Một số nạn nhân trong vụ Charlie Hebdo (từ trái sang): Kinh tế gia Bernard Maris, các họa sỹ nổi tiếng Wolinski và Cabu, tổng biên tập báo Charlie Hebdo Stephane Charbonnier, và họa sỹ Tignous (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2015/01/150108_paris_magazine_shooting_day2)

***************

Charlie Hebdo : Cảnh sát Pháp xác định được dấu vết của hai nghi phạm

Thanh Hà

clip_image013

Trạm xăng Villers-Cotterets,ở phía đông-bắc Paris, bị phong tỏa ngày 8/12015. ©Reuters.

Vào trưa nay, hai nghi can chính trong vụ khủng bố tại Paris, nhắm vào tờ báo trào phúng Charlie Hebdo, Chérif và Saïd Kouachi, bị phát hiện tại thị trấn Villers-Cotterêts, miền đông bắc nước Pháp. Hai lực lượng đặc nhiệm Raid và GIGN được huy động đến hiện trường.

break

AFP trích dẫn các nguồn tin cảnh sát cho biết hai nghi can chính đã bị chủ một trạm xăng ở Villers-Cotterêts, cách thủ đô Paris 80 km về phía đông bắc- nhận diện. Bà chủ trạm xăng, sau khi đã bị cướp, quả quyết «nhận diện» được hai người đàn ông «bịt mặt, có trang bị súng A.K và súng phóng lựu». Tại trạm xăng này, hai nghi can, Chérif và Saïd Kouachi, đã vất lại chiếc xe và bỏ trốn.

Theo phóng viên của AFP có mặt tại chỗ, trạm xăng của hãng Avia cách không xa quốc lộ 2 ở phía nam thị trấn Villers-Cotterêts đang bị cảnh sát bao vây.

Vẫn AFP trích dẫn một nguồn tin thông thạo theo đó, tại Paris, giới điều tra đã tìm thấy trong chiếc xe màu đen mà hai nghi can đã dùng sau khi tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo ngày hôm qua, khoảng một chục bom xăng và một lá cờ màu đen mà quân thánh chiến ở Syria thường hay sử dụng.

Sau khi nổ súng ở tòa báo, hai nghi can chính trong vụ khủng bố đã chạy trốn trên một chiếc xe hiệu Citroen C3 màu đen. Sau đó, chiếc xe này bị bỏ lại, và hai nghi can chính đã tiếp tục hành trình với một chiếc xe hơi khác cướp của người đi  đường.

T.H.

Nguồn:

http://vi.rfi.fr/phap/20150108-charlie-hebdo-canh-sat-phap-xac-dinh-duoc-noi-an-tron-cua-hai-nghi-pham/

This entry was posted in Tin Tức. Bookmark the permalink.