Về Tập Cận Bình

Về khả năng thâu tóm quyền lực trong một thời gian kỷ lục, Tập Cận Bình phải được so sánh với các bạo chúa trong lịch sử Trung Hoa chứ không chỉ so sánh với các nhà lãnh đạo từ thời Mao. Nhưng nếu như ít ai tranh cãi về quyền bính của Tập Cận Bình thì chắc chắn sẽ có nhiều cách đánh giá khi nói về tầm nhìn của Tập. Về quyền lực, Tập thậm chí còn vượt qua Đặng Tiểu Bình, nhưng tầm nhìn của Tập thì không thể nào so với Đặng.

Khi Đặng chủ trương “một quốc gia hai chế độ”, để Hongkong, Macao giữ nguyên thể chế kinh tế, chính trị có thể tới 50 năm, Đặng không kỳ vọng sau thời gian đó, Hongkong, Macao sẽ độc tài hóa như Bắc Kinh. Đặng đủ thông minh để hiểu không có cách gì ngăn cản Đại lục tiến theo hướng Hongkong, Macao về dân chủ. Có thể bóp Hongkong là vì muốn đe Đại lục nhưng bước đi của Tập gần đây cả trước mắt lẫn lâu dài chẳng mang về cho Tập điều gì lợi lộc.

Có thể Tập và các “thái tử Đảng” không chấp nhận “bọn cơ hội làm giàu trên sự hy sinh của cha ông họ”(chứ không phải là thanh trừng phe phái). Nhưng, Tập đã không nhận ra rằng, chính chế độ toàn trị mà cha ông họ (các công thần của Đảng cộng sản) lập ra là miếng đất màu mỡ cho bọn cơ hội vơ vét. Muốn chống tham nhũng mà tận diệt xã hội dân sự, lấy đảng quyền thay cho pháp quyền, thì chỉ là quá trình đổi ngôi của bọn chuẩn bị tham nhũng ăn thịt bọn no say tham nhũng.

Càng tập trung quyền lực cho phe cánh của mình, thì quá trình tha hóa của những bàn tay (hôm nay còn sạch) được Tập sử dụng càng diễn ra nhanh chóng. Khi anh chỉ ban mưa móc ở Phúc Kiến tất yếu sẽ tích lũy mâu thuẫn, nuôi dưỡng kẻ thù không chỉ ở Trùng Khánh. Hôm nay, Tập tận diệt tay chân của Giang Trạch Dân, của Hồ Cẩm Đào liệu có tránh được mai sau tay chân của mình bị chặt.

Trung Quốc chưa bao giờ là một thể thống nhất cả về văn hóa, kinh tế và quyền lực. Tập quyền chỉ có thể tạo ra một nhà lãnh đạo mạnh chứ không thể tạo ra một Trung Quốc mạnh. Chỉ có một thiết chế chính trị chia sẻ quyền lực, tôn trọng quyền tự chủ về văn hóa, kinh tế của các sắc tộc, vùng miền, mới có thể tạo ra một Trung Quốc đa dạng và hết dần xung đột.

Nếu mọi quyền lực tập trung ở Bắc Kinh theo cách của Tập đang làm liệu các sứ quân ở Quảng Đông, Quảng Tây… có chịu cúi đầu chấp nhận.

Khi so sánh Tập Cận Bình với Nelson Mandela Lý Quang Diệu đã nhầm lẫn sự ngưỡng mộ của nhân loại trước một con người hy sinh cho các giá trị văn minh với sự ngưỡng mộ của dân chúng (Trung Quốc) trước một con người quyền lực (ngưỡng mộ quyền lực luôn bắt nguồn từ sợ hãi).

H. Đ.

Nguồn: FB Huy Đức

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.