LẠM BÀN VỀ MINH TRIẾT

Gần đây Trung tâm Minh triết kỷ niệm 7 năm ngày thành lập. Đã có nhiều ý kiến về : Minh triết và quyền lực, Minh triết và chính trị, Minh triết “ dân vui nước mạnh”… Những người nghiên cứu đã dẫn ra nhiều quan điểm trên thế giới, từ cổ chí kim, từ Tây sang Đông, với những Aristotle, Thích Ca, Giê-su, Khổng Tử, Hàn Phi, Marx, Russeau, Alvin Toffler v.v… Tôi, vì trình độ có hạn, không được tham gia vào Trung tâm Minh triết, không dám thảo luận về Minh triết. Tuy vậy cũng tự cho là người biết tư duy chút ít, xin vượt qua sự thận trọng, nêu ra một vài điều suy nghĩ, hy vọng có thể đóng góp vào tiếng nói chung, vì vậy chỉ dám viết là “ ạm bàn”.

Về khái niệm “Minh triết” tôi chưa tìm được một định nghĩa thật sự hoàn chỉnh và vừa ý với đầy đủ nội hàm, ngoại diên, chỉ mới có thể dùng cảm nhận để thấu hiểu.

Minh triết là một khái niệm trừu tượng, có tính thiêng liêng. Các khái niệm trừu tượng và thiêng liêng khác như chân lý, chính nghĩa được nhân loại hiểu và vận dụng rất khác nhau, không khéo minh triết cũng bị như vậy. Thường xẩy ra có một số bên đối địch, bên nào cũng tự cho là chính nghĩa, là chân lý, thế mà không hợp tác được, chỉ tìm cách tiêu diệt nhau. Vừa rồi tôi có viết 1 bài về lòng yêu nước của người VN gần đây, có nêu ra các hiện tượng tương tự. Người ta dựa vào chính nghĩa, chân lý, lòng yêu nước để tìm cách tiêu diệt đối phương, mà đối phương cũng nêu cao chính nghĩa, chân lý và lòng yêu cùng một đất nước ấy. Tại sao như vậy. Có lẽ chỉ tại vì cái tôi quá lớn của những người cầm đầu mỗi bên, các bên có quyền lợi bất đồng, ý thức hệ bất đồng.

Con người ta, vì lòng tham, sân, si mà tranh giành nhau danh, lợi, tình ở mọi lúc mọi nơi: chính trường, chiến trường, thương trường, đấu trường… Người ta giương cao sự thiêng liêng, sự cao đẹp của lý tưởng, của chế độ, của ý thức hệ, của giai cấp, của dân tộc, của tôn giáo, của màu cờ sắc áo, của đoàn thể, của phe phái, của lãnh tụ, của cá nhân, của danh dự, của niềm tự hào… để tranh giành nhau, thắng được thì mặt đỏ như vang, thua thì mặt vàng như nghệ. Ôi, cuộc đời đầy rẫy sự tranh giành. Nhiều sự vinh quang, sung sướng tạm thời của người này, kẻ nọ, tổ chức kia đạt được do sự tranh giành và nhiều đau khổ, thảm họa của nhân loại cũng do tranh giành.

Minh triết! Tôi chưa biết thật rõ, thật chính xác nội hàm và ngoại diên của khái niệm nhưng tôi nghĩ đến mục đích của nó phải nhằm mang lại tự do, hạnh phúc cho mỗi người và cho toàn nhân loại. Mà theo tôi, hạnh phúc trước hết là trạng thái thoải mái, vui vẻ. Muốn như vậy thì thay cho việc tranh giành (kể cả trong thể thao) cần đề cao tình thương yêu, hợp tác, tôn trọng và bao dung đối với con người.

Khi tham gia hoặc chứng kiến một sự việc, tùy theo vị thế, quyền lợi của người ta mà họ có cách nhìn, cách đánh giá khác nhau về sai hay đúng, tốt hay xấu, được hay mất…. Trước đây hay nói là “đứng trên lập trường nào” (lập trường giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tổ chức…). Theo tôi để vươn tới minh triết thì phải bỏ hết tất cả các lập trường, nếu bắt buộc giữ lại một lập trường nào thì đó là “lập trường của nhân loại”, nhưng nhân loại thì quá rộng, vì vậy nên thu hẹp lại thành “lập trường của Thượng Đế”. Để có minh triết thì hãy nhìn mọi sự vật, mọi hiện tượng bằng con mắt của Thượng đế (TĐ), suy nghĩ như TĐ, chấp nhận mọi kết quả theo quan điểm TĐ. Bạn sẽ hỏi TĐ là ai, ở đâu ,khoa học đã chứng minh không có TĐ, và lỡ ra, nếu có TĐ thật, thì không thể biết TĐ suy nghĩ và có quan điếm như thế nào. Xin thưa, tôi cũng không biết cụ thể, cứ hình dung ra có một trí tuệ toàn năng nào đó mà tạm gọi là TĐ và tự hỏi, trong trường hợp như thế, như thế… thì TĐ sẽ thấy thế nào, nghĩ thế nào.

Xin nêu vài thí dụ:

1 – Bọn IS hành hình các phóng viên, bọn bắt cóc giết chết vài con tin. Với gia đình, tổ chức, đồng bào của những người bị hại thì đấy là một thảm họa kinh khủng, người ta làm lễ tưởng niệm long trọng, thậm chí tuyên bố quốc tang, người ta lên án bọn giết người một cách rầm rộ, báo chí tiêu tốn hàng chục tấn giấy mực. Những việc tưởng niệm và lên án như thế, với lập trường của những người yêu hòa bình và công lý thì đó là việc cần làm. Nếu là TĐ, bạn sẽ thấy gì. Tôi hỏi một người bạn, được trả lời: Nếu tôi là TĐ…, chuyện này TĐ thấy cũng bình thường, rất bình thường, vì mỗi ngày trên quả đất có hàng vạn người chết, trong đó có hàng trăm người bị giết, bị tai nạn mà rất nhiều người trong số họ chẳng được thông tin rộng rãi.

2 – Ở vùng nọ có đứa bé gái bị bệnh gan, sắp chết. Có một người đàn ông khỏe mạnh đã hiến gan để cứu. Việc phẫu thuật rất vất vả, rất tốn kém và đã thành công. Người ta khen ngợi người cho, ca ngợi các bác sĩ và thành tựu tuyệt vời của nền y tế. Chi phí cho việc ghép đã tốn mà chi phí cho ca ngợi cũng tốn không kém. Về việc này TĐ chỉ cười và cho rằng đó là việc tầm phào vì sau chiến dịch ca ngợi thì kết quả là âm. Cô bé được cứu sống nhưng chỉ có thể sống vật vờ, không làm được gì mà còn cần rất nhiều công chăm sóc. Người đàn ông, sau khi cho gan trở nên yếu đuối, mà nếu không bị cắt gan sẽ làm được nhiều việc có ích lợi hơn. Hiệu quả của việc làm này là một số âm rất lớn. Hơn nữa ở vùng ấy mỗi ngày chỉ vì vài sơ suất nhỏ mà có vài chục người chết vì tai nạn giao thông, tuy người ta cũng nói đến nhưng tác dụng ngăn ngừa hầu như rất ít.

Thượng đế quan sát nhân loại, ghi nhận những việc làm, không bắt ai làm theo ý mình, không khen, không phạt. Việc được khen hay bị phạt nhân loại tự làm lấy, mỗi người tự trả giá lấy.

Có lẽ minh triết ở Phương Đông gồm trong “ ĐẠO” và “ VÔ VI”, trong Đạo Phật là “SẮC SẮC KHÔNG KHÔNG”, ở Châu Âu là “TỰ DO DÂN CHỦ”. Tôi có tìm hiểu Yoga tối thượng, trong chương Linh hồn và Thượng đế có câu mở đầu: “Con người sáng suốt không hề thương cảm hay đau buồn trước sự sống chết của người đời”. Tôi cố chiêm nghiệm mà chỉ hiểu được lơ mơ. Phải chăng quan điểm đó, cùng với Đạo, với Vô vi, với Sắc-Không , với Tự do dân chủ là khởi đầu cho MINH TRIẾT.

Thị Kính bị vu oan vẫn vui vẻ bồng con của Thị Mầu đi xin sữa, có một số người vì biết và kể sự thật mà bị bắt bớ tù đày vẫn vui vẻ chấp nhận và nói “thế à”, không tranh giành, không thù oán. Những người như thế, theo tôi đã gần đạt đến MINH TRIẾT.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.