TS Nguyễn Thị Hải Yến, GS Kengo Sunada, GS Satoru Oishi, GS Kou Ikejima. University of Yamanashi, Japan
Hệ sinh thái Biển Hồ nằm ở trung tâm của Campuchia bao gồm cả Biển Hồ và sông Tonle Sap, là một hệ sinh thái đất ngập nước được đánh giá là bậc nhất về đa dạng sinh học và lớn nhất ở Đông Nam Á.
Hiện các nhà khoa học đã tìm ra được 197 loài thực vật nổi, 46 loài động vật nổi, và 57 loài động vật đáy (Nguyen and Nguyen 1991), 146 loài cá, và khoảng 200 loài thực vật bậc cao phân bố ở các vùng bán ngập nước đã được tìm thấy (Ian et al 2005). Hệ sinh thái Biển Hồ có vai trò quan trọng như khu lưu trú, bãi đẻ và cung cấp lượng thức ăn đa dạng và dồi dào cho các loài cá bản địa và các loài cá di cư (Sarkklua et al 2003).
Trong các hệ sinh thái nước ngọt trên thế giới, hệ sinh thái Biển Hồ đứng thứ tư về năng suất thủy sản (Rainboth 1996) và đóng góp khoảng 60% sản lượng đánh bắt cá nước ngọt của Campuchia (Csavas et al 1994 and WB 1995). Ước tính sản lượng thủy sản khai thác hằng năm của hệ sinh thái Biển Hồ đạt khoảng 177.000 – 400.000 tấn (Van Zaling and Thouk 1999 and Van Zalinge et al 2003). Nguồn lợi thủy sản cung cấp 60% lượng protein của toàn dân số Campuchia, ước tính một người dân Campuchia tiêu thụ trung bình 65,6 kg cá mỗi năm (Keskinen 2003).
Hệ sinh thái Biển Hồ cũng có một chế độ thủy văn rất đặc trưng và bị chi phối rất mạnh bởi dòng chảy từ thượng nguồn. Về mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 10), khoảng 60% lưu lượng nước cộng dồn từ lưu vực của hơn 4.000 km thượng nguồn sông Mê Kông được dâng lên tại ngã ba sông nơi giao thoa giữa dòng chính Mê Kông và sông Tonle Sap của Campuchia, đẩy nước vào Biển Hồ.
Mực nước của Biển Hồ tăng từ 1- 2 m vào mùa cạn lên 10 – 15 m vào mùa mưa, diện tích mặt hồ tăng từ khoảng 2500 km2 lên khoảng 10.000 km2, ước tính khoảng 72 Gm3 nước được chứa trong Biển Hồ (Hak and Piseth 1999). Điều này đã làm giảm thiểu lũ lụt cho thủ đô Phnom Pênh của Campuchia, nơi nằm phía dưới lưu vực, và cũng giảm thiểu đáng kể lũ tràn xuống vùng châu thổ sông Mê Kông của Campuchia và Việt Nam.
Tuy nhiên, vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 5), khi mực nước trên dòng chính Mê Kông giảm, lượng nước tích trữ ở Biển Hồ lại chảy ngược lại qua sông Tonle Sap xuống dòng chính của sông Mê Kông ở phía hạ lưu thuộc địa phận Campuchia và Việt Nam. Nhờ sự điều tiết thủy văn này của hệ sinh thái Biển Hồ mà khoảng of 85.065 km2 của vùng châu thổ Mê Kông được tưới tiêu trong mùa khô (Mê Kông Secretariat 1992).
Dù vậy, với khoảng 65 triệu dân sống trong lưu vực hạ lưu sông Mê Kông, nhu cầu sử dụng nguồn nước cho sinh hoạt, tưới tiêu và đặc biệt thủy điện ngày càng tăng cao (Chu et al 2003). Khoảng 40 đập thủy điện với dung lượng 10 megawatt đã và đang được xây dựng ở lưu vực sông Mê Kông. Đến thời điểm năm 2001, đã có 13 đập thủy điện đi vào hoạt động (MRC 2003), trong đó có hai đập lớn nằm trên dòng chính ở thượng nguồn của sông Mê Kông (Kristensen 2001).
Việc vận hành các đập thủy điện đã làm thay đổi 5% lưu lượng dòng chảy phía dưới hạ lưu, chế độ thủy văn và các quá trình vận chuyển trầm tích (MRC 2003, và Piper et al 1991). Việc tích trữ nước vào đầu mùa mưa và xả nước trong qua trình vận hành đập thủy điện đã làm gián đoạn dòng chảy, và sự phân mảnh của các hệ sinh thái bên dưới hạ nguồn, ảnh hưởng đến quá trình di cư, mùa vụ sinh sản của các sinh vật thủy sinh và đặc biệt với các loài thủy sản. Thời điểm nước lũ về trễ rất có thể đã qua mùa sinh sản của nhiều loài cá. Việc chứa nước cho các đập ở phía trên sẽ làm giảm thời gian mùa lũ phía hạ nguồn và sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn dinh dưỡng, sinh trưởng và những vùng lưu trú tránh kẻ thù của con non của các loài cá.
Thời gian mùa hạn kéo dài cũng sẽ gây những bất lợi đối với sinh cảnh sống và nơi trú tránh kẻ thù của sinh vật (Baran and Cain 2001, Welcome and Halls 2003). Một nghiên cứu điển hình về tác động của đập thủy điện lên nguồn lợi thuỷ sản cho thấy: Sau khi xây dựng và vận hành đập thủy điện Nam Song ở Lào (Hình 1), khoảng 40 loài cá đã không còn tìm thấy trong các mẻ đánh bắt ở các vùng phụ cận của đập và khoảng 20 loài cá mà có đặc điểm di cư đường dài đã không còn tìm thấy ở các quốc gia lân cận (MRC 2003).
Hình 1: Vị trí các đập, đập Nam Song và danh sách các loài cá bị biến mất (lưu ý: TBM = di cư liên biên giới; LDM = di cư đường dài).
Một nghiên cứu tổng thể hơn về ảnh hưởng của chế độ thủy văn sông Mê Kông lên năng suất thủy sản của Biển Hồ Campuchia, được nhóm tác giả của trường Đại học Yamanashi – Nhật Bản phân tích dựa vào số liệu thủy văn đo được tại trạm quan trắc Kampong Loung ở Biển Hồ, và số liệu sản lượng cá đánh bắt của 63 lưới “Dai” ở dọc sông Tonle Sap của Campuchia trong chương trình quan trắc thủy sản của MRC trong giai đoạn 1995-2002.
Lưới này rất lớn với chu vi miệng rộng khoảng 27 m, dài khoảng 150 m, kích thước mắt lưới là 4 cm tại miệng và nhỏ dần xuống 1,5 cm về cuối đáy lưới. Các lưới được đặt cố định chủ yếu để đánh bắt các loài cá di cư bằng cách hứng dòng nước chảy từ Biển Hồ ra sông Mê Kông từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Kết quả phân tích:
1) Chế độ thủy văn toàn lưu vực sông Mê Kông
Lượng mưa tại một số trạm quan trắc trên lưu vực sông Mê Kông và lưu lượng dòng chảy tại một số trạm quan trắc dọc dòng chính sông Mê Kông (số liệu quan trắc của MRCS giai đoạn 1994-2003). Số liệu ở Hình 2 cho thấy, lưu lượng dòng chính sông Mê Kông vùng hạ lưu là sự cộng dồn của lượng mưa của lưu vực thượng nguồn. Nếu đập Xayaburi được xây ngay trên thượng nguồn của trạm quan trắc lưu lượng dòng chảy tại Luang Prabang thì lưu lượng dòng chảy phía dưới sẽ giảm đi khoảng 1/6.
Việc giảm lưu lượng dòng chảy xuống hạ lưu đặc biệt vào đầu mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 7 khi các đập thủy điện tăng cường trữ nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng di cư sinh sản và tìm kiếm thức ăn cũng như các khu lưu trú để tránh kẻ thù của cá con. Trong khi đó việc xả tràn của các đập vào đỉnh điểm mùa mưa trong khoảng tháng 8-9-10 sẽ gây lũ lụt nặng nề xuống dưới hạ lưu.
Hình 2. Lượng mưa và lưu lượng dòng chảy trung bình tháng của lưu vực và dòng chính sông Mê Kông qua các năm.
2) Chế độ thủy văn tại Biển Hồ Campuchia
Hình 3 (3.1, 3.2 và 3.3) cho thấy Năm 2000: mực nước cao nhất, thời điểm lũ điến sớm nhất, và thời gian mùa khô ngắn nhất. Năm 1998: mực nước thấp nhất, thời điểm lũ đến trễ nhất, và thời gian mùa khô dài nhất.
3.1: Mực nước ở Biển Hồ vào mùa khô
3.2: Mực nước ở Biển Hồ vào lúc nước lũ dâng ở mùa mưa
3.3: Mực nước giai đoạn xả từ Biển Hồ xuống dòng chính sông Mê Kông
Hình 3: Mực nước, thời điểm lũ và thời gian ngập và hạn của hệ sinh thái Biển Hồ giai đoạn 1995-2002.
3) Các giá trị thông số thủy văn và sản lượng thủy sản
Bảng 1. Các giá trị của một số thông số chính và sản lượng thủy sản từng năm giai đoạn 1995- 2002.
Các giá trị thông số ứng với các năm | |||||||||
NămThông số | 1995 | 1996 | 1997 | 1998 | 1999 | 2000 | 2001 | 2002 | Tác động |
Thời gian hạn (ngày) | 123 | 130 | 107 | 162 | 121 | 77 | 94 | 104 | N |
Diện tích trung bình bị ngập mùa khô (km2) | 2.611 | 2.518 | 2.580 | 2.507 | 2.561 | 2.688 | 2.635 | 2.575 | P |
Diện tích tôi đa bị ngập mùa mưa (km2) | 12.450 | 12.564 | 11.095 | 7.665 | 11.007 | 13.554 | 12.678 | 13.122 | P |
Thời gian xả (ngày) | 129 | 160 | 119 | 107 | 147 | 168 | 153 | 194 | P |
Thời điểm lũ đền (ngày thứ của năm) | 170 | 184 | 184 | 198 | 172 | 149 | 168 | 173 | N |
Sản lượng cá (tấn) | 14.428 | 16.834 | 14.604 | 8.894 | 11.485 | 14.974 | 13.738 | 12.427 |
Lưu ý: P = tác động tích cực (Positive), N = tác động tiêu cực (Negative) với sản lượng thủy sản.
4) Mối tương quan giữa các thông số thủy văn và sản lượng thủy sản
Bằng phương pháp phân tích đa biến Principal Component Analysis (Hình 4), nhóm tác giả đã xác định được hai biến số liên quan chế độ thủy văn “Dr_dura = thời gian hạn/mực nước thấp” và “Timing = thời điểm lũ đến” có mối tương quan nghịch rất mạnh với biến “Tot_cat = sản lượng thủy sản”. Năm 1998, năm mà mực nước thấp nhất kể cả mùa khô và mùa mưa, thời gian mùa khô kéo dài, và thời điểm nước lũ đến chậm làm cho sản lượng thủy sản giảm trầm trọng, thấp hơn 1/3 so với các năm khác.
Hình 4. Mối tương quan đa biến giữa các thông số thủy văn và sản lượng thủy sản qua các năm. Lưu ý: Dr_dura = thời gian hạn (mực nước thấp); Timing = thời điểm lũ đến; Fl_Dura = thời gian nước ngập; Dr_inuAr = trung bình diện tích ngập trong mùa hạn; Rec_dura = thời gian xả nước từ Biển Hồ xuống lưu vực châu thổ Mê Kông; WL = Mực nước ngập tối đa; Max_inuda = diện tích mặt nước ở mực nước tối đa; Tot_cat = tổng sản lượng cá thu ở 63 lưới.
- Câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý và nghiên cứu
– Có bao nhiêu hệ sinh thái trong lưu vực sông Mê Kông, đặc biệt khu vực hạ lưu sông Mê Kông, có nghiên cứu quan trắc những ảnh hưởng của chế độ thủy văn lên sản lượng và năng suất sinh học nguồn lợi thuỷ sản như hệ sinh thái Biển Hồ? 10 năm của việc trì hoãn đập Xayaburi có đủ để có số liệu và đánh giá được tối thiểu?
– Đập Nam Song năm trên chi lưu của sông Mê Kông đã làm mất đi 40 loài cá của vùng xung quanh đập và 20 loài cá có đặc tính di cư dài mang tính liên biên giới, vậy nếu đập Xayaburi được xây dựng, bao nhiêu loài cá trong vùng sẽ bị biến mất?
– Nếu đập Xayaburi được xây dựng, làm thế nào để chế độ thủy văn bên dưới hạ lưu không bị ảnh hưởng về mực nước, thời điểm lũ và thời gian mùa lũ và mùa khô để bảo đảm dòng chảy và thời điểm lũ (nước dâng) cho cá di cư sinh sản vào đầu mùa mưa tháng 5-7 hằng năm?
Tài liệu tham khảo
- Baran, E. and Cain, J. 2001, Ecological and Modeling Approach to Flood-fish Relationship in the Mê Kông River Basin. National Workshop on Ecological and Environmental Modeling 3-4 September
- Chu, T.H., Guttman, H., Droogers, P., and Aerts, J. 2003, Water, Climate, Food and Environment in the Mê Kông Basin in Southeast Asia, Adaptation Strategies to Changing Environments Final Report, International Water Management Institute (IWMI) Mê Kông River Commission Secretariat (MRCS) and Institute of Environmental Studies (IVM).
- Csavas, I., Doulman, D.J., Petr, T.O., Prado, J., and Debas, L. 1994, Cambodia – Rehabilitation and Development Needs of the Fishery Sector. FAO Fisheries Circular Nr. 873, FAO, Rome.
- Froese, R. and Pauly, D. Editors. 2006, FishBase. World Wide Web Electronic Publication.
www.fishbase.org.
- Hak, M. and Piseth, N. 1999, Review of Flooding and Flood management in Cambodia: Cambodia Country Statement. In Flood Management and Mitigation in the Mê Kông River Basin. Proceedings of the Regional Workshop, Vientiane 19-21 March 1998, FAO, MRC Secretariat, Department of Irrigation, Ministry of Agriculture and Forestry of Lao PDR, RAP Publication 1999/14, FAO, Bangkok, pp. 29-38.
- Ian, C., Campbell, C., Giesen, W., & Valbo-Jorgesen, J. 2006. Comparative Biodiversity Value of Large Wetlands: Tonle Sap Great Lake, Cambodia. Aquatic Science. 2006. Volume 68, No3.
- Junk, W., Bayley, P., and Sparks, R. 1989, The Flood Pulse Concept in River-floodplain Systems Basin. In D.P. Dodge ed. Proceedings of the International Large Rivers Symposium. Can Spec. Publ. Fish. Aquat. Sci., 10: 110-127.
- Junk, W. 1997, (Ed) The Central Amazon Floodplain, Ecology of a Pulsing System, in Ecological Studies 126. 520pp. ISBN 3-540-59276-8 Springer-Verlarg Berlin Heidelberg New York.
- Keskinen, M. 2003, The Great Diversity of Livelihoods? – Socio-economic Survey of the Tonle Sap Lake. WUP-FIN Socio-economic Studies on Tonle Sap 8, MRCS/WUP-FIN, Phnom Penh.
- Kristensen, J. 2001, MRCS- Water Resources and Hydrology Programme, MRC Hydropower Development Strategy.
- Mê Kông Secretariat, 1992, Fisheries in Low Mê Kông Basin (Review of Fishery Sector in Low Mê Kông Basin). Main Report of Mê Kông Interim Committee, Bangkok.
- Mok, M., Neou, B., & Lane, B.B. 2001, Biodiversity Conservation and Social Justice in the Tonle Sap Watershed: The Tonle Sap Biosphere Reserve. International Conference on Biodiversity and Society, UNESCO, 22–25 May 2001.
- MRC. 2003, State of the Basin Report: Mê Kông River Commission, Phnom Penh, 316 pages. ISSN: 1728:3248.
- Nguyen, X.T., and Nguyen, X.H. 1991, Summary of the Report on Freshwater Fishery Resources in Cambodia (1986-1988). Ministry of Fisheries, Hanoi.
- Rainboth, W.J. 1996, FAO: Species Indentification Field Guide for Fisheries of the Cambodia Mê Kông. FAO, Roma.
- Sarkkula, J., Koponen, J., Hellsten, S., Keskinnen, M., Kiirikki, M., Hannu, L., and Varis, O. 2003, Modelling Tonle Sap for Environmental Impact Assessment and Managemenr Support. Water Utilization Program – Modelling of the Flow Regime and Water Quality of the Tonle Sap.
- Van Zalinge, N., and Thouk, N. (Editors). 1999, Present status of Cambodia’s freshwater capture fisheries and management implications. Nine presentations given at the Annual Meeting of the Department of Fisheries of the Ministry of Agriculture, Forestry and Fisheries, 19-21 January 1999. Mê Kông River Commission & Department of Fisheries, Phnom Penh.
- WB. 1995, Cambodia Agricultural Productivity Improvement Project. Fisheries Subproject. Phnom Penh.
- Welcomme, R.L and Halls, A. 2003, Dependence of River Fisheries on River Flow. Second International Symposium on the Management of Large Rivers for Fisheries, Phnom Penh, 11-14 February 2003.
N.T.H.Y.
Tác giả gửi BVN