Xây Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm: Cần ý kiến của Thủ tướng Chính phủ (15/12/2014)

Kể từ khi Việt Nam mở cửa, phát triển kinh tế (1995), đến nay, nhiều công trình thi nhau mọc lên quanh khu vực Hồ Gươm. Vẻ đẹp của di sản văn hoá, vẻ đẹp của cảnh quan thiêng liêng từng ngày bị uy hiếp và khai thác. Là quốc gia “rừng vàng biển bạc” có ai nghĩ đến việc chúng ta phải nhập khẩu than? Nhưng đó không phải là chuyện nực cười nữa, nó đã hiển lộ trước mắt. Nếu như khai thác cạn kiệt tài nguyên khoáng sản là một điều đáng sợ thì khai thác cạn kiệt di sản văn hoá còn khủng khiếp hơn. Chúng ta có thể “nhập khẩu” và dùng thay di sản văn hoá nước nhà bằng văn hoá nước ngoài không?

Từ Khôi

Thủ tục pháp lý xây dựng công trình Dự án Trung tâm thông tin văn hoá Hồ Gươm tưởng như đã hoàn thiện khi Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã có ý kiến thẩm định đồng ý bằng văn bản. Thế nhưng, với một số căn cứ sẽ trình bày dưới đây, chúng tôi cho rằng: Dự án chỉ có thể tiếp tục được khởi động nếu có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

clip_image001

Dự án Trung tâm thông tin văn hoá Hồ Gươm (bên trái) sẽ được xây giống như công trình “Hàm cá mập” (bên phải) này vì cùng “phát huy giá trị của di tích?

Để trở thành di tích quốc gia đặc biệt, di tích Đền Ngọc Sơn và Khu vực Hồ Hoàn Kiếm cần phải có quyết định xếp hạng và cấp bằng di tích của Thủ tướng Chính phủ (theo Khoản 1 Điều 30 Luật Di sản văn hoá sửa đổi). Về thủ tục xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, theo quy định  thì “Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo lập hồ sơ khoa học trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt…”. Thế nhưng, cũng  tại  Khoản 2 Điều 31 Luật Di sản văn hoá sửa đổi, bổ sung về thủ tục xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt còn ghi rõ: “… Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia”.

Tại sao trong hồ sơ của Bộ VHTTDL trình Thủ tướng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cần phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia?.

Tại sao Thủ tướng Chính phủ phải lập ra một Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia?

Phải chăng đó cũng là một hình thức “giám sát – phản biện” trong lĩnh vực di sản văn hoá?

Được giao quản lý văn hoá nên cũng có lúc Bộ VHTTDL “tranh thủ” lợi thế về thẩm quyền này có lợi cho mình, đi ngược lại với việc bảo tồn, gìn giữ di sản và trái Luật Di sản văn hoá. Chính ngay tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm thiêng liêng này, Bộ Văn hoá – Thông tin và Tổng cục Du lịch năm 1996 (lúc đó chưa sát nhập thành Bộ VHTTDL) đã bắt tay liên doanh triển khai Dự án xây dựng khách sạn cao 12 tầng trên nền nhà Khai Trí Tiến Đức cũ số 16 phố Lê Thái Tổ. Dự án có diện tích sàn 762,7 m2, áp sát tượng Vua Lê Thái Tổ. Nhiều ý kiến phản đối lên tận Thủ tướng Chính phủ nên Dự án đã bị đình chỉ.

Rồi cũng Dự án trong khu vực Hồ Gươm ngày càng bộc lộ rõ sự ảnh hưởng xấu tới di tích quốc gia đặc biệt là toà nhà DAEWOO với tên gọi nhiều người biết đến là Hàm cá mập. Giá trị cảnh quan văn hoá  bị suy giảm nhưng giá trị kinh tế thì cho đến nay không thấy công bố và cũng chưa biết ai là người được lợi? Chắc là khi triển khai, dù vấp phải sự phản đối dữ dội của công luận báo chí và dư luận xã hội, nhưng vì Dự án đã thực hiện “đầy đủ quy trình”, có cả ý kiến của Bộ Văn hoá – Thông tin “ca ngợi dự án sẽ phát huy giá trị di tích” giống như dự án Trung tâm thông tin văn hoá Hồ Gươm bây giờ nên vẫn cứ được xây. Việc có vi phạm hay không cuối cùng cũng đã được Thủ tướng phán quyết qua Thông báo số 64/TB ngày 19-8-1996: “Yêu cầu UBND TP. Hà Nội xử lý nghiêm khắc đối với chủ đầu tư công trình này, thiết lập lại kỷ cương quản lý xây dựng thành phố, buộc chủ đầu tư phải sửa kiến trúc công trình (về hình khối và chiều cao cho phù hợp với cảnh quan chung). Xử lý hành chính hoặc truy tố trước pháp luật nếu thấy cần thiết để đề cao kỷ cương trật tự”.

Hai vi phạm trên, một có liên quan trực tiếp và một có liên quan gián tiếp tới Bộ VHTTDL. Ta biết vào thời điểm đó Đền Ngọc Sơn và khu vực Hồ Hoàn Kiếm mới chỉ là di tích quốc gia (xếp hạng năm 1980). Và vị trí xây dựng của hai dự án cách xa mép nước Hồ Gươm hơn Dự án xây dựng Trung tâm thông tin văn hoá Hồ Gươm hiện tại.

Qua công văn do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên ký thẩm định về Dự án xây dựng Trung tâm thông tin văn hoá Hồ Gươm (xin xem bài “Quá lạ lùng” trên báo Đại Đoàn kết số 346 ngày 12-12), người đọc thấy Bộ VHTTDL rất ca ngợi Dự án này. Hơn thế nữa còn cho rằng Dự án “góp phần hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh Hồ Hoàn Kiếm”. Người đọc đặt câu hỏi: thời gian tới chắc sẽ tiếp tục có thêm những công trình nữa để hoàn thiện cảnh quan xung quanh Hồ Hoàn Kiếm chăng? Và tuyệt nhiên, bản công văn thẩm định của Bộ VHTTDL không hề thể  hiện  sự  “thận  trọng”, “lăn tăn” hay “dặn dò” gì về việc triển khai thi công công trình.

Có hay không sự “cả nể”, “dễ dãi” trong văn bản thẩm định của Bộ VHTTDL? Và nếu quy định của pháp luật nghiêm khắc với những người có thẩm quyền ngay cả khi họ đã không còn đương chức thì liệu Bộ trưởng Bộ VHTTDL có ký văn bản 4428/BVHTTDL-DSVH ngày 5-12-2014 này không?

Về công tác quản lý di sản văn hoá, cũng trong thời điểm này, dư luận lấy làm lạ về việc Bộ VHTTDL không hề có ý kiến phản đối xung quanh sai phạm của Công ty cổ phần Minh Anh đã tự ý xẻ núi, phá đá, bạt rừng ven biển làm một con đường dài khoảng 1 km, rộng 3,5-8 m chạy thẳng ra mặt nước Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới, trong khi Khoản 2 Điều 55 Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung quy định: “Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về di sản văn hoá”.

Có trong tay văn bản chấp thuận của Bộ VHTTDL, liệu UBND TP. Hà Nội có còn cần thiết phải thận trọng, công khai quy hoạch, tham khảo ý kiến giới chuyên môn, dư luận xã hội như ý kiến của vị Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm ngày 11-11-2014 nữa hay không, hay cứ việc cho triển khai Dự án?

Kể từ khi Việt Nam mở cửa, phát triển kinh tế (1995), đến nay, nhiều công trình thi nhau mọc lên quanh khu vực Hồ Gươm. Vẻ đẹp của di sản văn hoá, vẻ đẹp của cảnh quan thiêng liêng từng ngày bị uy hiếp và khai thác. Là quốc gia “rừng vàng biển bạc” có ai nghĩ đến việc chúng ta phải nhập khẩu than? Nhưng đó không phải là chuyện nực cười nữa, nó đã hiển lộ trước mắt. Nếu như khai thác cạn kiệt tài nguyên khoáng sản là một điều đáng sợ thì khai thác cạn kiệt di sản văn hoá còn khủng khiếp hơn. Chúng ta có thể “nhập khẩu” và dùng thay di sản văn hoá nước nhà bằng văn hoá nước ngoài không?

Dựa vào việc mình có thẩm quyền quản lý, người lãnh đạo trước kia của UBND TP. Hà Nội đã quyết tâm xây bằng được trụ sở UBND TP. Hà Nội của mình trong khu vực Hồ Gươm. Những hạn chế, “ảnh hưởng xấu” của công trình đến nay là điều không phải bàn cãi nữa. Ngày 3-8-1996, tại Quyết định 448/BXD/ KTQH do Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt quy hoạch chi tiết Hồ Gươm và vùng phụ cận, có yêu cầu cần sớm sửa chữa kiến trúc tòa nhà Trụ sở UBND TP. Hà Nội. Hơn hai tháng sau, ngày 24-10-1996, UBND TP Hà Nội ra quyết định mời 5 đơn vị có uy tín chuyên môn tham gia lập phương án cải tạo kiến trúc công trình nói trên, gồm: Bộ Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Công ty Kiến trúc ADC Hà Nội. Đã 18 năm trôi qua, dự định cải tạo kiến trúc trụ sở HĐND và UBND TP Hà Nội vẫn không nhúc nhích? Phải chăng đã “hết thuốc chữa” với công trình này?

Mới hay, xây dựng kiến tạo di sản văn hoá không dễ, nhưng khai thác cạn kiệt di tích văn hoá không khó.

Vậy nên rất cần có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về Dự án xây dựng Trung tâm thông tin văn hoá Hồ Gươm.

Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi mới chỉ nêu một vài căn cứ để cho rằng: Rất cần có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về Dự án xây dựng Trung tâm thông tin văn hoá Hồ Gươm.

T.K.

Nguồn: http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1372&Chitiet=95926&Style=1

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.