Trong văn bản ký kết giữa lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam có điều khoản như sau: “ Hai bên cam kết không liên kết với nước khác để chống lại nước thứ ba”. Điều này vẫn thường được báo, đài nhắc tới, nhiều người chỉ nghe rồi cho qua không suy nghĩ gì, một số khác cho rằng đó là một cam kết rất hữu nghị, rất công bằng. Riêng tôi (và nhiều người có tư duy phản biện) lại nghĩ khác.
Trong quá trình làm trọng tài viên của Trung tâm trọng tài Quốc tế , khi xem hợp đồng giữa A và B đang kiện nhau ra trọng tài, thỉnh thoảng tôi phát hiện ra một số điều khoản mà một bên cố tình cài bẫy để lừa đối tác (bẫy hợp đồng). Để lừa được thì bẫy phải được ngụy trang rất kín đáo, mới xem qua thấy rất đúng, rất hợp lý. Chỉ đến khi bên bị lừa đã sập bẫy, đã phải kiện nhau thì bên đó mới giật mình và đã muộn mất rồi. Trong cam kết giữa Việt –Trung như trên tôi cũng thấy hình bóng của một cái bẫy,có khả năng là một điều khoản lừa bịp.
Hãy phân tích thật kỹ xem câu “ …liên kết với nước khác để chống nước thứ ba” có những ý nghĩa gì. Nước khác là nước nào, nước thứ ba là nước nào. Có khả năng xẩy ra nước thứ ba chính là Việt Nam, là Trung Quốc hoặc một nước thân cận của hai nước trên hay không. Không có một qui ước nào loại trừ khả năng đó. Vậy nếu xấy ra như vậy thì sao. Mà sự tranh chấp ở Biển Đông vừa qua và sắp tới có khả năng xẩy ra như thế.
Giả thử xẩy ra tranh chấp giữa Trung và Việtđến mức dùng vũ lực. Với sức mạnh của mình, với tương quan so sánh hơn 10 đối với 1 thì Trung Quốc cần gì liên kết với nước khác để chống nước thứ ba là Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam, dù là để tự vệ,dù để chống lại sự xâm lược phi nghĩa của Trung Quốc thì rất cần sự liên kết với nước khác cùng chí hướng, cùng mục tiêu ( ngoài việc nhận sự cổ vũ chỉ bằng mồm của nhiều nước yêu hòa bình ). Lúc này, nếu VN nhận sự viện trợ quân sự của một nước nào đó thì rõ ràng là đã vi phạm cam kết, Trung Quốc có cớ để lên án như đã từng viết khẩu hiệu và tuyên truyền “Việt Nam ăn cháo đái bát” và gây chiến tranh biên giới năm 1979 để dạy cho VN một bài học. Còn nếu VN sợ bị vi phạm vào cam kết mà không thể liên kết với nước khác thì rõ ràng là đã tự trói mình để chịu lâm vào thế nguy hiểm.
Hay nghi ngờ, hay lật ngược vấn đề là phẩm chất của người làm khoa học. Hay tìm tòi để phát hiện “bẫy hợp đồng” là bệnh nghề nghiệp của trọng tài viên. Trong chuyện trên tôi chỉ mới dám nghi ngờ và viết là “thấy hình bóng của cái bẫy ” mà chưa dám khẳng định vì chưa đủ cơ sở để chứng minh. Tôi chỉ viết ra suy nghĩ để trao đổi với bạn bè.
Để lừa được người khác cần có sự thông minh kết hợp với đểu giả. Bị lừa là vì mắc phải một trong ba nhược điếm sau : 1- Lòng tham một cái gì đó; 2- Thiếu thông tin (nói trắng ra là ngu dốt); 3-Sử dụng lòng tốt không đúng chỗ. Nhiều người trưởng thành tổng kết rằng họ không sợ khó khăn mà chỉ sợ bị mắc lừa . Có vĩ nhân khuyên rằng: “Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác”.
N.Đ.C
Tác giả gửi BVN