Chúng ta
Tự tay ghi vào lý lịch
Định mệnh của dân tộc mình
“Chúng ta – Những kẻ bội thu, Đỗ Trung Quân”
Trong bài thơ “Chúng ta – Những kẻ bội thu”, nhà thơ Đỗ Trung Quân viết về một điều không mới, dường như ai cũng biết rồi, thế nhưng ông đã làm người đọc rung động! Ông viết: chính sự thờ ơ của chúng ta tạo nên định mệnh khắc nghiệt cho mình và cho dân tộc mình. “Chúng ta gieo mầm dửng dưng nên gặt về lạnh nhạt, chúng ta thờ ơ với con người nên gặt về con vật”.
Bài thơ mạnh. Mạnh về ý lẫn lời. Và điều làm người ta rung động là Sự Thật, là những gì đang xảy ra hàng ngày trong xã hội chúng ta đang sống. Phải chăng mọi sự việc xảy ra đều có lý do, mọi hậu quả chúng ta nhận lãnh đều có nguyên nhân của nó !?
***
Chúng ta thờ ơ với con người nên gặt về con vật. Câu thơ làm ta liên tưởng đến những chuyện xảy ra quanh mình, những hành động gần như thiếu hẳn tính người, như: chuyện cả làng hùa nhau đánh chết hai thanh niên trộm chó; chuyện người lái xe chở bia gặp nạn van xin những kẻ hôi của vô cảm; hay nụ cười đểu của viên quản giáo khi ngợi khen những hình ảnh nhục mạ kỹ sư Đặng Xuân Diệu do gã tù hình sự vẽ trên tường trại giam … Những giọt nước mắt uất nghẹn của tù nhân Trương Minh Tam cùng các hình ảnh bị vẽ nửa người nửa chó của người thanh niên mộ đạo, thành viên của nhóm Bảo Vệ Sự Sống, sẽ khắc ghi vào ký ức chúng ta một thời đại đen tối nhất của xã hội và của quyền con người trên đất nước Việt Nam.
Trong khi những giá trị về nhân quyền đã được các quốc gia trên thế giới tôn trọng và ngay cả nhà cầm quyền VN cũng công khai thừa nhận, thì người VN vẫn tiếp tục phải sống trong khổ đau, đoạ đày và áp bức. Người dân vẫn tiếp tục bị cướp đất, bị ép cung, bị đánh chết trong các đồn công an, bị chà đạp nhân phẩm trong các trại tù, bị bắt giam vô cớ… Mới đây, để tránh né sự trơ trẽn trước thế giới, lãnh đạo đảng vừa cho dời phiên toà xử chị Bùi Thị Minh Hằng, chị Thúy Quỳnh, và anh Nguyễn Văn Minh qua ngày 12/12/14 tức là sau ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Họ biết rằng các lý cớ để giam giữ các anh chị trên chỉ làm trò cười trước mắt nhân loại. Chẳng có một chính phủ đúng nghĩa nào lại bày cái trò “cản trở lưu thông” như một cái cớ để mà bắt giam, để nhốt tù người dân trong nhiều tháng trời. Ngay cả các chế độ thực dân, đế quốc cũng còn đủ tự trọng để không làm những việc như vậy.
Các trò hèn kém đó chỉ khiến cho công luận VN và quốc tế thấy rõ những kẻ nắm quyền đang bí lối và bối rối đến mức độ nào. Mọi loại biện hộ để chà đạp các quyền đương nhiên của con người đều không còn lừa bịp được ai. Người dân VN ngày nay thừa kiến thức và thừa khả năng để vạch ra sự thật về tiêu chuẩn nhân quyền của nhân loại mà nhà cầm quyền VN đã long trọng ký kết. Chị Bùi Minh Hằng là một trong những người đã miệt mài quảng bá để người dân Việt biết đến các quyền của họ là gì và ai đang cướp trắng các quyền đó của họ.
Nhưng … có thực bên cạnh những con người đang bị hành hạ vì đấu tranh cho nhân quyền, đấu tranh chống Trung Quốc, chúng ta luôn nhìn thấy sự thờ ơ, dửng dưng, và ích kỷ của đại đa số quần chúng chung quanh không? Tôi cho rằng không hẳn thế.
Mặc dù không nói ra, hầu như ai ai, cả những người đang phục vụ trong bộ máy cầm quyền đều bức xúc trước các vấn đề của xã hội, các vấn nạn của đất nước. Có lẽ nên nói rằng xã hội của chúng ta bao gồm phần lớn những con người hoang mang, thụ động, sợ hãi, đánh mất chính mình thì đúng hơn. Nhưng càng hoang mang, càng sợ hãi thì chính chúng ta lại trở thành nạn nhân của chính mình.
Trong hoàn cảnh sợ hãi tràn lan đó, đã có những người chọn cho mình một thái độ khác. Sau kết quả của phiên toà sơ thẩm, với những bản án khắc nghiệt được tuyên cho chị Bùi Hằng, chị Thuý Quỳnh và anh Minh, Ls Trần Thu Nam kể lại rằng: chị Bùi Hằng đã phản ứng rất bình tĩnh, chị điềm đạm nở một nụ cười trên môi, chị hát một bài hát gì đó về Đức Mẹ khi đi từ vành móng ngựa ra xe tù. Cô Thúy Quỳnh thì im lặng tỏ ra bình tĩnh, khi đón nhận kết quả. Còn anh Văn Minh quay lại nói với vợ rằng: không có vấn đề gì cả, 2 năm 6 tháng cũng nhanh thôi. Sự thật thì đó là một bản án với mục tiêu khủng bố tinh thần những người đấu tranh, nhưng các anh chị trên và hầu hết những người đấu tranh hiện nay đều chấp nhận vì họ tin vào những việc mình đang làm. Họ hiểu rằng cái giá của nhân quyền, dân chủ không hề nhỏ. Nhưng nếu chúng ta không dũng cảm, không chấp nhận hy sinh để giành được nó, thì cái giá mà chúng ta phải trả còn đắt hơn gấp trăm lần. Tất cả đang miệt mài gieo những hạt giống mới cho đất nước mình, cho thân phận mình.
Bởi chính vì chúng ta sợ hãi và im lặng nên thiểu số lãnh đạo mới dám làm chuyện đem bán tài nguyên đất nước làm của riêng. Chúng ta có dửng dưng, thờ ơ thì họ mới dám bán từng phần chủ quyền quốc gia từ ngoài khơi xa xăm đến sâu trong đất liền và cùng khắp đất nước. Chúng ta vô cảm trước giá trị con người thì họ mới dám mạnh miệng tuyên bố rằng lý do phải trì hoãn nhân quyền là vì dân trí thấp… Chắc chắn sẽ không có một sự nhượng bộ nào từ những kẻ cai trị nếu chúng ta, những người bị cai trị, tiếp tục giữ thái độ cam chịu.
Nhưng rõ ràng bất cứ một sự phản kháng lớn hay nhỏ nào của người dân lúc này đều làm cho kẻ cầm quyền run sợ vì họ biết họ đang cản bánh xe tiến hóa của nhân loại. Hãy xem sự cuống cuồng của lãnh đạo đảng khi phải ra lệnh “bắt quả tang” một người đang ngồi viết văn; “bắt khẩn cấp” một nhà văn kiêm blogger hiền lành, điềm đạm, cao tuổi lại đang bị bệnh liệt nửa người. Đó là Nguyễn Quang Lập tức Bọ Lập, chủ trang blog nổi tiếng Quê Choa. Nhìn cảnh ông Lập bị công an kéo đi, lòng ta tự hỏi những kẻ cầm quyền này sẽ hành xử ra sao nếu bên cạnh nhà văn Nguyễn Quang Lập là sự góp mặt của hàng trăm, hàng ngàn người khác?
Tôi tin rằng có rất nhiều người khác cũng có cùng câu hỏi đó trong lòng mỗi khi nhìn các blogger bị bắt. Bằng chứng là càng ngày càng có nhiều người dấn thân bước tới sau các vụ bắt bớ. Đúng như bài giảng của Linh Mục Giu-se Nguyễn Văn Toản tại Dòng Chúa Cứu Thế vào đầu tháng 12.2014. Dù là người ngoại đạo, tôi đã nhìn thấy hình ảnh vác thập giá của chúa Giêsu. Đây là lời tự hứa phải tuyên chiến với sự dối trá. Linh mục Toản đang theo chân chúa Giêsu vác thập giá giữa cuộc đời nhiễu loạn này cho chính mình và cho tha nhân. Còn ai nữa muốn đứng nhanh lên để cùng đi với Linh mục Toản?
Nếu đất nước chúng ta may mắn, tôi tin rằng ngay trong thập niên trước mặt thôi, người ta sẽ quên dần những năm tháng đen tối này mà chỉ nhớ đến với lòng biết ơn sâu xa những con người can đảm, những con người chịu đau đớn, chịu bách hại, chịu trả giá để nhân quyền có mặt tại VN.
Nhưng dù với sự hy sinh cao cả đó, chuyện đẩy lùi được bóng tối trên đất nước này vẫn không thể thực hiện được nếu chỉ do một nhóm người nỗ lực. Đẩy lùi bóng tối, tuyên chiến với sự giả dối, với cái ác chắc chắn cần sự góp mặt của tất cả chúng ta.
Xin hãy giúp nhau vực lại niềm tin, vực lại bản sắc của chính mình trong mỗi con người Việt Nam. Chúng ta sẽ tự tay ghi một lý lịch mới cho chính mình và cho định mệnh cả dân tộc.
N.Q
Tác giả gửi BVN