Độc tài và văn nghệ sỹ

Stalin từng quyết tâm tạo ra “nhạc công nông” để phục vụ sự nghiệp cách mạng

Tuần qua ở London có câu chuyện Bảo tàng Anh Quốc (British Museum) quyết định cho nước Nga mượn một tác phẩm điêu khắc Hy Lạp để trưng bày tại St Petersburg.

Hy Lạp đã ngay lập tức lên tiếng phản đối từ cấp cao nhất.

Thủ tướng Antonis Samaris đòi Anh không chỉ ngưng ngay việc này mà cần trả lại tác phẩm đá hoa cương Parthenon mà một nhà quý tộc Anh đem về 200 năm trước từ vùng đất Hy Lạp lúc còn bị đế quốc Ottoman thống trị.

Xem tượng sẽ được cảm hóa?

Nhưng Giám đốc British Museum, ông Neil MacGregor còn bị phê phán vì giải thích rằng cho nước Nga thời Vladimir Putin mượn để chiêm ngưỡng một tác phẩm như vậy là giúp họ lại gần với châu Âu hơn.

Quan điểm này đã bị một số cây bút nổi tiếng ở Anh phê bình thẳng thừng.

Nhà bình luận Dominic Lawson viết trên trang The Sunday Times hôm 7/12 rằng thật là ngây ngô khi tin là chỉ nhờ đến Hermitage xem tượng cổ Hy Lạp mà ông Putin hay các lãnh đạo Nga khác bỗng ‘văn minh hóa’ theo kiểu châu Âu.

Không chỉ có vậy, ông Lawson còn nói về các nhân vật khủng khiếp trong lịch sử từng “yêu nghệ thuật” hơn người bình thường mà vẫn rất tàn bạo.

Nhạc của Richard Wagner (1813-1883) từng được Adolf Hitler say mê

Adolf Hitler say mê nhạc của Richard Wagner, Hans Frank còn chơi nhạc Chopin rất tuyệt diệu nhưng cũng thẳng tay giết người Ba Lan và Do Thái tại các vùng Đức chiếm đóng hồi Thế Chiến.

Herman Goering, thống chế Đức cũng là tay sưu tầm đồ cổ, tranh ảnh rất có tiếng và về phía Liên Xô, Joseph Stalin cũng là nhà bảo trợ lớn cho thể loại âm nhạc và hội họa “hiện thực xã hội chủ nghĩa” với nhiều thành viên có tên tuổi từ Dimitry Shostakovich đến Sergey Rachmaninoff.

Quả vậy, quan hệ giữa các nhân vật chính trị độc đoán, những nhà độc tài với cái đẹp, nghệ thuật và với văn nghệ sỹ luôn là điều khiến người ta băn khoăn.

Có hai lý do theo tôi khiến đây là mối quan hệ gần gũi và phức tạp.

Một là điểm chung của nhà chính trị và văn nghệ sỹ.

Cả chính trị và văn nghệ điểm đến hướng tới tính tuyệt đối: cầm quyền rồi thì người ta muốn thêm quyền lực, muốn giữ chức vĩnh cửu, đi vào lịch sử… tức là toàn những nhu cầu vượt lên hạn chế thời gian, không gian.

Còn nghệ thuật không chỉ tự thân nó đề cập đến các chiều kích cao hơn một cá nhân, một xã hội qua tính tổng hợp, nâng cao, biến tầm thường thành trừu tượng, siêu việt mà còn để lại dấu ấn vượt thời gian và hiển nhiên là có sức lan tỏa rộng trong không gian.

Tính siêu việt của nghệ thuật tạo ra lý do thứ hai khiến quan hệ này có tương quan phức tạp: nhà cầm quyền dễ có xu hướng muốn dùng văn nghệ sỹ giúp mình tạo chỗ đứng trong bảng vàng lịch sử.

Ngợi ca lãnh đạo

Văn nghệ sỹ thường được giao nhiệm vụ ca ngợi cá nhân nhà lãnh đạo hoặc chế độ, tạo thêm vinh quang và tính chính danh cho hệ thống quyền lực.

Đây là điều đã xảy ra từ ngàn xưa, ở cả châu Âu lẫn châu Á và ở nhiều nơi, các nhà cầm quyền đã thành công.

Vấn đề chỉ xảy đến khi văn nghệ sỹ vì tài năng “cố hữu” không thể nào viết và vẽ như lãnh đạo muốn.

Dimitry Shostakovich cố gắng mãi cũng không tạo ra được thứ “âm nhạc vô sản”

Stalin sau một thời gian thúc đẩy hoạt động của Hội Nhạc sĩ Vô sản Liên Xô đã phải thất vọng vì nhạc của Rachmaninoff và Shostakovich (trong hình) “vẫn mang màu sắc tư sản”.

Thậm chí nhạc của họ “lúc thì ủy mị, buồn đau, u ám về nhân thế, lúc lại bông lơn, nghịch ngợm”.

Bây giờ, những cụm từ đó hóa ra lại là tiêu chuẩn về thiên tài của hai nhà soạn nhạc lớn.

Như thế, lịch sử của nước Đức thời Hitler và Liên Xô thời Stalin đem lại hai kết luận.

Thứ nhất là trái với niềm tin một thời của nhiều nhà nghiên cứu lãng mạn chủ nghĩa, tình yêu nghệ thuật, thói quen hưởng thụ nghệ thuật cao cấp không làm tăng nhân tính của những kẻ độc tài tàn ác.

Nói kiểu thời nay ở Việt Nam thì thi Hoa hậu nhiều cũng không làm cho các quan chức hiền hậu hơn hay văn minh hơn.

Chưa kể nghệ thuật đôi khi còn là cây cảnh để những kẻ xấu làm đẹp cho họ.

Hai là mọi nỗ lực của nhà cầm quyền muốn uốn nắn nghệ thuật không thành công khi gặp phải văn nghệ sỹ có tài thực.

Một khi tài năng đã lớn hơn chính cá nhân con người họ thì tác phẩm của văn sỹ, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ và các cây viết nói chung sẽ khó bị quyền lực bóp méo.

Vì thế, cách tốt nhất là hai bên để cho nhau yên trong một xã hội bình thường.

N.G

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture_social/2014/12/141210_dictators_and_artists

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.