Người viết khi bắt đầu đọc quyển hồi ký mang tên Hard Choices (tạm dịch Những Quyết Định Hốc Búa) của cựu ngoại trưởng Hillary Clinton đã mở ngay vào chương thứ hai viết về Á Châu trong đó bao gồm cả tiến trình dân chủ tại Miến Điện. Bà Clinton vốn là kiến trúc sư chính của nền ngoại giao dưới thời Tổng thống Obama nên có thể cho chúng ta hiểu rõ Hoa Kỳ đã theo dõi và yểm trợ như thế nào cho phong trào dân chủ trong một nước dưới chế độ độc tài.
Tiến trình đổi mới tại Miến Điện trải qua rất nhiều sóng gió. Lãnh tụ đối lập bà Aung San Suu Kyi bị giam vào năm 1989 đến 1995, bắt trở lại vào năm 2000 đến 2002, giam thêm một lần nữa vào năm 2003 cho đến 2010. Trong khoảng thời gian này giới cầm quyền quân sự đã không ngần ngại đàn áp đẫm máu các phong trào chống đối như những cuộc biểu tình vào năm 2007 do sư sãi cầm đầu.
Nhưng vào cuối thời kỳ của lãnh tụ Than Shwe khi Miến Điện hoàn toàn bị thế giới cô lập thì Tổng thống Indonesia lúc bấy giờ bắn tiếng rằng giới cầm quyền muốn thay đổi. Nhận xét trên được Ngoại trưởng Clinton lưu ý vì chính quá khứ của ông Yudhoyono từng ở trong quân đội trước khi đắc cử chức vụ Tổng thống dân sự. Miến Điện sau đó trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và hàng chục nhà đối lập khác, rồi cho phép các công đoàn độc lập hoạt động và tổ chức đình công. Tháng 3/2011 cựu tướng lãnh Thein Sein lên làm Tổng Thống. Tháng 11/2011 Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ tuyên bố sẽ đăng ký như một đảng phái tham gia các sinh hoạt chính trị để thử thách cánh cửa vừa hé mở.
Hoa Kỳ đắn đo không rõ liệu đây là những bước cải cách thật sự hay chỉ nhằm xoa dịu dư luận quốc tế. Riêng chính Tổng thống Thein Sein cũng không có phong thái của một nhân vật cấp tiến hay một nhà lãnh đạo mạnh. Xảy ra vụ Trung Quốc ký hợp đồng xây dựng đập thủy điện trên dòng sông Irradwady vốn được xem là mạch sống của dân Miến tương tự hai dòng sông Hồng và sông Cửu Long của Việt Nam, dân chúng và giới trí thức phản đối kịch liệt nhưng nhà cầm quyền vẫn khăng khăng tiến hành dự án để cuối cùng bị chính Tổng thống Thein Sein hủy bỏ trước Quốc Hội. Đây là dấu hiệu của sự thay đổi thật sự, và bài học từ Ngoại trưởng Clinton là một nhà nước độc tài có thể đàn áp đối lập chớ không thể mãi bịt miệng tinh thần dân tộc.
Bà Clinton tham khảo với hai thượng nghị sĩ vốn có quan tâm nhiều đến Miến Điện là ông McConnell thuộc đảng Cộng hoà và Jim Webb thuộc đảng Dân chủ, nhưng vẫn phải chờ đến sau khi Tổng thống Obama điện đàm hỏi ý kiến của lãnh tụ đối lập bà Aung San Suu Kyi. Rủi ro đánh giá sai lầm vẫn còn rất cao nhưng cơ hội để thúc đẩy dân chủ tại Miến Điện rất lớn nên Tổng thống Obama quyết định cử Ngoại trưởng Clinton sang Miến Điện hội kiến với cả Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi vào tháng 12/2011.
Bà Aung San Suu Kyi tuy là một biểu tượng tinh thần nhưng để lại ấn tượng cho Ngoại trưởng Clinton rằng đây là một nhân vật vô cùng thực tế để hiểu rằng phải làm việc chung với thành phần quân sự vì không còn một con đường nào khác. Chính gốc gác của bà Aung San Suu Kyi cũng nằm trong diện quân đội thân tộc vì thân phụ của bà từng xây dựng quân đội và giành độc lập cho Miến Điện cho dù sau này bị ám sát vào 1947, nhưng bà tin rằng cần thiết phải đối thoại với giới cầm quyền. Ngược lại bà rất quan tâm đến chính sách cây gậy và củ cà rốt của Hoa Kỳ để bảo đảm phần thưởng chỉ đi đôi với những tiến bộ thực sự.
Bà Aung San Suu Kyi hỏi Ngoại trưởng Clinton về kinh nghịệm trên đấu trường chính trị một khi bà bước ra ngoài ánh hào quang của một biểu tượng tinh thần để tranh cử và sinh hoạt trong Nghị viện tức chịu áp lực, thỏa hiệp và bị công kích từ mọi hướng. Chọn lựa của bà Aung San Suu Kyi được so sánh với một nhà đấu tranh khác là ông Nelson Mandela, Ngoại trưởng Clinton nhận xét đây sự phối hợp giữa lý tưởng không lay chuyển và óc phán xét thực tế không nhân nhượng – a moment of supreme idealism and hard headed pragmatism – để bắt tay với kẻ thù của chính mình.
Một ghi nhận của người viết khi bà Hillary Clinton đưa Á châu bao gồm Việt Nam và Miến Điện ngay vào chương thứ hai chỉ sau phần dẫn nhập, tức là trước cả Trung Đông và Âu châu. Điều này phản ảnh mối quan tâm sâu sắc của cựu Ngoại Trưởng Clinton đối với khu vực nên cần được cử tri gốc Việt cân nhắc nếu bà ra tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2016.
Cuối cùng, bài học Miến Điện khiến chúng ta nhận thấy sự khác biệt nếu so sánh với Việt Nam: nhà cầm quyền cộng sản chỉ xem tù nhân chính trị như những con bài trao đổi chớ không hề có ý định cải cách, còn lãnh đạo cũng không dám có hành động công khai trước những lấn hiếp của Trung Quốc nếu so với Tổng thống Thein Sein khi tuyên bố hủy bỏ dự án đập thủy điện Irradwady vốn gây hại cho đất nước.
Đ.H.Q
Tác giả gửi BVN