Báo Tuổi trẻ ngày 21/11/2014 thông tin Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu có hình thức kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xảy ra sự cố sạt lở đập hồ thải ở dự án bauxit vừa qua.
Lúc này, phải dùng từ “nhắn nhe” vì từ lâu rồi, các vị lão thành cách mạng, trí thức và người dân đã cảnh báo sai lầm từ chủ trương, quy mô, công nghệ kỹ thuật, chọn nhà thầu Trung Quốc và đối tượng triển khai thử nghiệm đến bài toán bất cập về kinh tế xã hội, môi trường của dự án bauxit Tây Nguyên nhưng lời nói như gió bay! Khi cỗ xe đang đi chệch hướng, không xoay lại hướng mà cứ tìm cách thúc đẩy thì… càng đẩy nó càng đi chệch hướng xa hơn mà thôi.
Nạo vét bùn thải tràn từ hồ thải quặng đuôi số 5 ở các mương thoát nước và mặt đường phía dưới chân đập – Ảnh: Gia Bảo
Nhiều người nói giá như lãnh đạo Đảng và Nhà nước biết lắng nghe… Diễn tiến của lịch sử xưa nay không hề chấp nhận hai từ “giá như …” (như có người đã từng nói: với từ “nếu” ta có thể đi khắp thế gian này !), thế nhưng ta lại vẫn thường hay gặp hai từ “ừ thì…” để khỏa lấp, để xí xóa, thay vì cho việc nhận lỗi. Vì đã biết nhận lỗi thì tất cũng sẽ biết sửa lỗi, nhưng xí xóa thì đâu phải là nhận lỗi và… đâu lại vào đó và… lần sau lại cứ thế (!?)
Bãi thải quặng
Để cung cấp bauxite cho nhà máy luyện alumina Tân Rai, nhà máy tuyển này mỗi năm phải tuyển gần 2 triệu tấn quặng. Đây là nhà máy tuyển quặng kim loại lớn nhất ở VN. Tuy quặng đuôi không có kiềm, nhưng cũng chứa các nguyên tố nặng và nguyên tố vết, nước huyền phù cũng làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Những năm 80, nước tuyển quặng thiếc ở Qùy Hợp chảy ra đồng lúa, khiến nông dân thu hoạch kém. Năm kia, cũng vỡ đập quặng thải của công ty khai thác quặng sắt ở Tuyên Quang hay Cao Bằng. Mấy tháng trước cũng vỡ đập thải quặng đuôi ở Yên Bái v.v…
Nước bãi thải mỏ Na Dương, do lượng lưu huỳnh trong đất đá thải cao đến 7% cho nên nước từ bãi thải gây ô nhiễm cao, chảy ra đến đâu thì cây cỏ ở đấy đều bị chết hết. Tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người thì khỏi phải bàn v.v…
Bài học xương máu ở bãi thải quặng đuôi của mỏ Mangan Cao Bằng thập niên 60 là do thiết kế không đúng, cao quá, nước mưa ngấm, xử lý thấm không tốt nên hậu quả khủng khiếp chất thải đã trôi và vùi lấp làm thiệt mạng khoảng 100 người ở bên dưới.
Bãi thải quặng đuôi từ nhà máy tuyển rửa quặng của dự án Tân Rai được lựa chọn địa điểm và các giải pháp thiết kế ấu trĩ. Công nghệ tuyển quặng được “copy” của Trung Quốc nhưng lại không có thử nghiệm tuyển công nghệ, tiêu hao nhiều nước, phải nhờ các chuyên gia Ấn Độ hiệu chỉnh bằng sử dụng chất trợ lắng. Quy mô sản xuất của nhà máy Tân Rai mới chỉ có 600.000 tấn/năm và chưa chạy hết công suất mà đã xảy ra sự cố vượt tầm kiểm soát như vậy.
Hồ bùn đỏ
Từ sự cố vỡ đê hồ thải quặng của bauxitTân Rai càng âu lo đến nguy cơ về sự an toàn của hồ chứa bùn đỏ, các chất độc hại còn nằm ở độ cao hơn hồ tích nước để rửa quặng. Ở các nước, họ cũng tận dụng các thung lũng để làm hồ thải, đều có dựa vào thành núi, và phải xây bờ và rãnh thoát nước mưa bao quanh, phải lường trước cả khả năng sạt núi làm vỡ bờ ngăn nước mưa tràn. Tuyệt đối không cho nước mưa chảy tràn qua bãi thải. Ở các nước, người ta có thể bơm nước mưa đọng trên mặt bãi thải quay lại nhà máy để sử dụng, nhưng ở VN mưa liên tục thì có bơm quay trở lại cũng không sử dụng hết được, chưa kể điều kiện bất thường của thời tiết. .
Công nghệ thải hiện nay ở dự án bauxitTây Nguyên vẫn là ướt, chứa xút nên chiếm nhiều diện tích đất. Theo tôi biết, sau 1 năm TKV đã chứa bùn đỏ gần hết khoang đầu và đang chuẩn bị làm khoang thứ 3. Thật không thể hiểu nổi vì sao trong một số tài liệu của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) và mới đây kể cả Hội Khoa học công nghệ Mỏ Việt Nam khi gửi thư đến lãnh đạo Nhà nước lại nói đây là thải khô nhiều lớp (dry-stacking)!? Ngụy biện như thế chỉ lừa được các vị lãnh đạo, chứ không thể qua mặt những người hiểu biết về chuyên môn.
Đúng ở đây phải nói là thải ướt, bùn đỏ được bơm trực tiếp từ máy rửa cuối cùng ra bãi thải. Nguyên tắc phân nhiều lô, nếu lô này đầy thì chuyển sang lô khác. Lô tiếp theo bao giờ cũng phải sẵn sàng để chứa bùn đỏ khi bãi trước đầy, để chứa nước tràn từ bãi thải đã đầy, và đề phòng đê ngăn vỡ.
Hiện nay thế giới áp dụng nhiều công nghệ dry-stacking: Bùn đỏ được ép để khử nước nhiễm kiềm trong bùn đỏ và tạo ra bùn đỏ đặc, rồi thải trải nhiều lớp trên bề mặt nghiêng, để khử nước nhiễm kiềm bằng tháo khô và bùn đỏ sẽ khô dần dưới ánh nắng mặt trời, độ cứng có thể đạt tới 72 %. Áp dụng công nghệ này, tiết kiệm diện tích tới 2,5 lần so với thải ướt thông thường, nhưng chi phí lại cao hơn 30 %. Dự án bauxitTây Nguyên có thể ép bùn đỏ trước khi thải, hoặc sử dụng công nghệ Hyper-Baric (HI-BAR) để đạt độ cứng tới 75-77 %. Công nghệ Hi-Bar được coi là công nghệ xử lý bùn đỏ tốt nhất hiện nay. Sản phẩm của công nghệ này là bùn đỏ có thể được vận chuyển dễ dàng (vì độ ẩm của bùn đỏ này chỉ khoảng 23 %, còn bùn đỏ có độ ẩm trên 28 % vận chuyển khó khăn vì nó mang tính giáp tuyến, dưới tác động cơ học nó chuyển sang thể ướt xệt), có thể lưu giữ lâu dài và dễ chế biến cho tái sử dụng. Tốt nhất xây dựng các nhà máy chế biến ở bờ biển, bùn đỏ được thải ra trên bãi hoặc đầm phá để cho nước biển trung hòa pH, kiềm không thấm vào nước ngầm được.
Màng chống thấm
Xin lưu ý, thải ướt, không chỉ làm gia tăng độ rủi ro khi chờ tuần hoàn mà còn làm gia tăng áp lực thủy tĩnh của hồ chứa. Bãi thải bùn đỏ ở Tân Rai và Nhân Cơ có lắp đặt hệ thống ống bê tông, có các lỗ trên thành ống. Nguyên tắc cơ bản: Các ống này nằm trên các lớp sét (dày tới 600 mm) chống thấm ở đáy và lớp cát dày, rồi phủ cát lên. Nước thấm đáy nhiễm kiềm chẩy qua các lỗ ống qua trọng lực để tới chỗ thu gom, rồi được bơm trở lại nhà máy để giữ cho áp lực thủy tĩnh lên lớp chống thấm đáy, như thế giảm được tiềm năng thấm vào mạch nước ngầm. Vấn đề ở đây là sau thời gian các lỗ này bị bịt kín lại, phải xử lý như thế nào? Cần phải xem lại hệ thống quan trắc để kiểm tra nguồn nước ở thượng nguồn, hạ nguồn gần bãi thải, các hoạt động có đạt yêu cầu không?
Màng (tấm) chống thấm được sử dụng rộng rãi để lót đáy và thành vành. Cho tới nay chủ yếu màng địa kỹ thuật được dùng là màng lót chống thấm kênh dẫn nước, lót ao hồ. Một trong những áp dụng nhiều nhất hiện nay là để chống thấm các bãi rác độc hại, rác thải của thành phố, rác thải cômg nghiệp, nước rửa rác thải. Từ cuối thế kỷ qua người ta cũng sử dụng để chống thấm chất thải phóng xạ. Cũng có chuyên gia khuyên không nên dùng màng này đối với môi trường kiềm hoặc chỉ sử dụng trong thời gian ngắn. Các kết quả nghiên cứu cho thấy màng này chỉ thích hợp chống thấm có hóa chất trong thời gian ngắn, chỉ trong vòng 50 năm, kinh nghiệm chống thấm bãi thải khoáng sản chưa có nhiều.
Nếu thời gian tương tác của môi trường kiềm với màng địa kỹ thuật kéo dài, thì màng này có thể bị phá hủy do bị ăn mòn hóa học, sức chịu kéo của màng chỉ còn 60 % sau một năm tương tác với NaOH.
Liên quan đến tấm lót đáy hồ bùn đỏ ở Tân Rai được sử dụng là màng HDPE có độ đề kháng hóa chất tốt, nhưng tính uốn lượn kém và bị nứt nếu chịu áp lực môi trường và nhiệt. Các màng phải được hàn ngấu với nhau tốt, nếu không nước nhiễm kiềm sẽ thấm qua chố kết nối này. Ngoài ra, khi lót màng, nếu không cẩn thận thì dễ gấp nếp, đây cũng là chỗ yếu của màng.
Điều tra gần đây của các nhà khoa học ở Úc cho thấy qua nhiều thập kỷ, kiềm trong pha lỏng của bùn đỏ đã phản ứng với đất sét, sodium-aluminium-hydrosilicate và zeolite trong một cơ chế phản ứng phức hợp. Phản ứng này tương tự như phản ứng của khoáng sản sét trong dung dịch Bayer, nhưng chậm hơn rất nhiều. Thay đổi này làm tăng tức thì tính thấm nước của lớp đáy bằng đất sét, tạo ra sự rủi ro là làm ô nhiễm hệ thống nước ngầm sau nhiều thập kỷ đã xảy ra ở một nhà máy của Alcoa ở Tây Australia.
Sau sự cố, Hungary yêu cầu áp dụng công nghệ dry-stacking, tái sử dụng bùn đỏ, tập huấn cho dân cư trong vùng phản ứng với sự cố xảy ra, cho dân biết tác hại kiềm nồng độ cao và cách xử lý khi bị nhiễm kiềm.
Trên thế giới mới tái sử dụng khoảng 5% lượng bùn đỏ, chủ yếu để làm vật liệu xây dựng. Các nước đã nghiên cứu thành công tái sử dụng bùn đỏ vào nhiều mục đích nhưng không thể triển khai ở qui mô công nghiệp vì giá thành quá cao. Ngay đến làm gạch, vật liệu làm đường cũng không dễ tiêu thụ, vì người dân ám ảnh đây là chất thải có kiềm, có phóng xạ. Vì thế EU ban hành qui định sử dụng bùn đỏ làm vật liệu xây dựng rất nghiêm ngặt.
Thay cho lời kết
Đối với dự án bauxit Tây Nguyên, kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xảy ra sự cố sạt lở đập hồ thải vừa qua là đúng. Nhưng nếu sai đâu sửa đấy thì chỉ “tiền mất, tật mang”. Khi cỗ xe đang đi chệch hướng, không xoay lại hướng mà cứ tìm cách thúc đẩy thì… càng đẩy nó càng đi chệch hướng xa hơn mà thôi.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN