Bộ Kinh tế biển là cái chi chi???

Tiến sĩ Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội trong kỳ họp quốc hội này (tháng 11/2014) đã đề xuất lập “Bộ Kinh tế biển”. Tôi quá bất ngờ về đề xuất này. Xưa nay, các Bộ quản lý kinh tế được lập ra theo ngành kinh tế – kĩ thuật với phạm vi quản lí hành chính công (quản lý nhà nước) trên toàn toàn lãnh thổ quốc gia, như Bộ Nông nghiệp, Bộ Công – thương, Bộ Giao thông – Vận tải…

Cứ theo logic vùng kinh tế nào quan trọng thì lập bộ quản lý, người ta sẽ lập luận: vùng Tây nguyên, nóc nhà của Đông dương, ai nắm được nó sẽ khống chế cả Đông dương, nên cần lập “Bộ Quốc phòng Tây Nguyên “ (?!); Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, trái cây, cá-tôm của cả nước, nên cần lập “Bộ Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long” (?!)…

Để thành lập Bộ Kinh tế biển, người ta phải thực hiện các việc sau :

1/ Xác định được địa giới, các huyện, xã ven biển thuộc Bộ này quản lý. Chắc sẽ có nhiều chính sách ưu đãi, nên các huyện, xã sát kề huyện, xã ven biển, nhưng không có bờ biển sẽ đề nghị chia lại ranh giới hành chính – lãnh thổ theo chiều ngang của đất nước để có 1m bờ biển (?!)

2/ Các cơ sở kinh tế nào thuộc vùng kinh tế biển đang thuộc các Bộ ngành khác quản lý sẽ phải giao cho Bộ Kinh tế biển. Mỏ than Quảng Ninh sẽ không do Bộ Công- thương quản lý về mặt hành chính công (thường gọi là quản lý nhà nước) nay thuộc Bộ Kinh tế biển. Còn mỏ than ở Thái Nguyên, Tây Bắc… vẫn do Bộ Công- thương quản lý. Sân bay Nha Trang, Hải Phòng do Bộ Kinh tế biển quản lý, còn sân bay Cần Thơ, Nội Bài, Tân Sơn Nhất… vẫn do Bộ Giao thông quản lý. Các cơ sở sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, trồng rừng thuộc các xã ven biển do Bộ Kinh tế biển quản lý. Các cơ sở nông, lâm, ngư nghiệp còn lại vẫn do Bộ Nông nghiệp…

3/ Để thực hiện chức năng quản lý hành chính công (quản lý nhà nước) đối với lãnh thổ ven biển, Bộ Kinh tế biển sẽ phải lập đủ các cơ quan, như 1 chính phủ thu nhỏ, như Vụ Kế Hoạch, Vụ Tài chính, Cục hải quan, Cục Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, Cục Bảo vệ môi trường, Cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Giáo dục- Đào tạo, Cục Giao thông, Cục Vận tải biển…, các viện nghiên cứu khoa học… các trường đại học và dạy nghề…

Thế là đất nước trở thành 1 liên bang, với một bộ máy hành chính – nhà nước khổng lồ, rối rắm, các ngành kinh tế – kỹ thuật bị băm vụn, không ai có trách nhiệm và quyền hạn trong vai trò nhà nước kiến tạo phát triển.

Thật không hiểu nổi? Tại cái nước mình nói thế! Hay thế mới là Việt Nam. 18/11/2014

V.T.K.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.