Ở Việt Nam đang xuất hiện ngày càng nhiều “Hai lúa”. Hai lúa thần đèn di chuyển nhà, Hai lúa chế tạo máy công cụ nông nghiệp, Hai lúa sản xuất giống, Hai lúa lò đốt rác, Hai lúa máy bay, Hai lúa tàu ngầm, nay lại thêm Hai lúa xe bọc thép. Mà lần này sản phẩm của Hai lúa xe bọc thép được quân đội Campuchia đặt hàng và ông Hai lúa Trần Quốc Hải thành công vượt trội đến mức được Nhà nước Campuchia tặng thưởng huân chương đại tướng quân kèm theo là biệt thự, và xe ô tô khi ở tại thủ đô Pnompenh. Đây là điều trên cả tuyệt vời.
Ông Trần Quốc Hải (giữa) bên những chiếc xe bọc thép do ông sáng chế cho Campuchia . Ảnh Lâm Ngọc
Tôi nhớ có lần cùng ông Võ Văn Kiệt đi khảo sát thực tế ở bán đảo Cà Mau. Khi ngồi trên chiếc thuyền dưới có đường ray và tời kéo của Hai lúa để vượt qua đê của con kênh, ông Kiệt rất tâm đắc về sáng kiến của người nông dân, gọi họ là kỹ sư chân đất và kể ra hàng loạt các sáng kiến của Anh Hai lúa rất đáng nể.
Buổi tối ngày 7/11 vừa qua, tôi có dịp gặp trò truyện với ông Saysovin tùy viên quân sự đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam, ông Trinkeo trợ lý và đặc biệt là sự có mặt của đại tướng Yinsaran. Chúng tôi chia sẻ quan điểm về việc khai thác hiệu quả nguồn nước sông Mekong, tác động của các đập thủy điện Xayrabury và Sahong đến Campuchia và Việt Nam, ứng xử với phe đối lập của chính quyền Campuchia vv… Ngẫm suy, tôi hiểu vì sao Campuchia lại có những bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế xã hội đến thế.
Trở lại vấn đề khi nghe tin ông Trần Quốc Hải chế tạo thành công xe bọc thép ở Campuchia cảm giác chung của nhiều người là thú vị, ngạc nhiên, phấn khởi, tự hào nhưng cũng buồn, xấu hổ và chua xót. Xem ra, đây là những cảm giác trái ngược nhau nhưng lại có thật trong mỗi chúng ta, những người đang mong đợi hàng ngày những đóng góp của giới trí thức, khoa học nước nhà cho sự phát triển của đất nước. Nhất là khi đối chiếu những người có bằng cấp cao giữa Việt Nam với ngay các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tình trạng học giả, bằng thật, học giả, bằng giả, thừa thày, thiếu thợ, mua quan bán chức dẫn đến tình trạng đáng hổ thẹn là ngay cả từ cái kim, con ốc theo tiêu chuẩn quốc tế cũng chưa làm được. Vậy mà chỉ còn 6 năm nữa, chúng ta phải cơ bản trở thành “nước công nghiệp” một danh hiệu mà chúng ta tự đặt ra rồi tự phấn đấu trong cuộc đua maratong chỉ có một mình!
Tuy nhiên, cũng không ít các nhà khoa học có năng lực, muốn cống hiến cho đất nước nhưng thay vì tâp trung trí tuệ, sức lực cho công việc chuyên môn thì phải vật vã, đối phó với các thủ tục tài chính rất nhiêu khê, phiền toái đến nỗi có số nơi phải họp Đảng ủy, Ban giám đốc Viện để ra nghị quyết ‘nói dối” (Phát biểu của GSTS Phạm Văn Biên Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam).
Đúng là Việt Nam có nhiều điều kì dị. Lỗi ở hệ thống, lỗi lãnh đạo, cơ chế chính sách là đương nhiên, nhưng cũng có lỗi của các nhà khoa học liên quan. Hai lúa là những nhà khoa học chân đất, dù không được đào tạo bài bản nhưng thường có những ý tưởng hay xuất phát từ thực tế. Họ không có điều kiện để biến ý tưởng của mình thành hồ sơ đề tài nghiên cứu khoa học có cơ sở lý luận. Lẽ ra, các cơ quan có trách nhiệm và các nhà khoa học liên quan cần xúm lại, liên kết giúp Hai lúa những người “hữu thực vô danh”, thẩm định và hoàn thiện các ý tưởng thành đề tài khoa học thay vì chê bai, gạt bỏ.
Cái quyền có trí tuệ (sở hữu trí tuệ) cũng luôn nằm gọn trong phạm trù dân chủ của mỗi người dân. Có nghĩa là không được quy định rằng ai hoặc giới nào trong xã hội thì mới được quyền có trí tuệ. Vậy nên, mới có những chuyện trái khoáy, rất “cường hào” “bắt bẻ”,“hoạnh họe”,“hạch sách”, “vùi dập” và thậm chí còn lên giọng cao ngạo, mắng mỏ những anh Hai Lúa .
Albert Einstein cũng đã từng nói : “Imagination is more important than knowledge” – sự sáng tạo chính là cốt lõi của ý nghĩa đó. WIPO (Tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế) không bao giờ quan tâm tới gốc gác và trình độ của các tác giả sáng chế .
- Edison là người giữ kỷ lục về số bằng sáng chế của nhân loại nhưng ít ai chú ý tới chi tiết là cuối đời ông ta đã có đầy đủ cơ xưởng, phòng thí nghiệm với cả ngàn nhân viên thực nghiệm. Thực nghiệm là yếu tố sống còn của sự sáng tạo. Nếu không được thực nghiệm mà chỉ có cái đầu thôi thì vô nghĩa – hoặc có nghĩa là …cái “đầu lâu”!
Rất cần Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, “đại gia” thành lập quỹ mạo hiểm rủi ro để hỗ trợ, giúp đỡ các Hai lúa có ý tưởng hay được thực thi các nghiên cứu vì sự phát triển của đất nước. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan công quyền và nghiên cứu khoa học, đi đôi với cơ chế thông thoáng để liên kết các nhà khoa học với ý tưởng của người nông dân.
Từ những câu chuyện của Hai lúa nhìn rộng hơn ra cả nước thấy rõ các “lỗ hổng” trong giáo dục buộc người ta phải mất thời gian và tâm trí vào những điều không phù hợp với nghề nghiệp. Việc sử dụng lao động trong bộ máy nhà nước có những quy định rất kỳ khôi và lạc hậu như thư ký ngồi nhận công văn ở công sở cũng phải có bằng đại học.
Sự mê man vô lối vào bằng cấp làm tràn lan xu hướng ham hố bằng cấp, bằng giả, học giả, thậm chí có cả khoa học gia giả, xâm nhập vào cả cơ quan lãnh đạo và quản lý. Lãnh đạo dốt thì không muốn và không thể dùng người giỏi cho nên hệ thống càng ngày càng xuống dốc cả về tài năng và phẩm chất. Thể chế thiếu dân chủ không ưa người nào có suy nghĩ và cách làm khác với nề nếp sơ cứng; giả dối lên ngôi làm thui chột mọi sáng tạo; đồ giả nhiều nên đồ thật không có vị trí.
Việt Nam mới có Luật Khoa học công nghệ sửa đổi. Bộ Khoa học Công nghệ đã có nhiều nỗ lực cải tiến để hỗ trợ các nhà khoa học thực thi nhiệm vụ của mình. Tất nhiên, đừng quên chúng ta phải làm gì đây để có thêm nhiều Hai lúa, để họ tự do, sáng tạo cống hiến trí tuệ và công sức của mình, không phải bươn trải đi làm ăn ở xứ người. Đúng là chúng ta đang chứng kiến rất nhiều điều kỳ cục ngay trên đất nước mình. Và đúng là khối chuyện vui, nhưng không thể cười.
T.V.T
Tác giả gửi BVN