Trong phiên họp ngày 7 tháng 11 năm 2014, Đại biểu Trịnh Ngọc Thạchcó bài phát biểu rất hay, được đưa tin trên Vietnamnet dưới tiêu đề: “Đất nước không bay được nếu Thủ tướng phải lo chi tiết”[1]. Đại biểu Thạch đưa dẫn chứng Thủ tướng phải ký quyết định thành lập đến một khoa của trường đại học, thay vì đó chỉ cần là quyết định của ông hiệu trưởng. Điều đó là hoàn toàn chính xác.
Đúng như đại biểu Trịnh Ngọc Thạch nói, Thủ tướng phải lo việc lớn. Nhưng cơ quan nào giúp Thủ tướng lo các việc lớn cho trọn vẹn? Đó cũng là việc đáng bàn. Tôi xin góp chuyện về một việc khó hiểu mà đã hai năm vẫn chưa có lời giải đáp chính thức trên công luận.
Đó là việc ký hai nghị định trong cùng ngày 26 tháng 12 năm 2012: Nghị định số 108/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Nghị định số 109/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nghị định 108 và Nghị đinh 109)
Khi công bố hai nghị định này, rất nhiều người ngỡ ngàng, không biết hai cái viện hàn lâm này được thành lập lúc nào và theo quyết định của ai.
Tôi hỏi nghiều anh em ở Bộ KH&CN, rồi hỏi các anh em ở Ban Tuyên giáo, rồi lại hỏi những anh em làm việc ở các ủy ban chuyên môn của Quốc hội. Mọi người đều ngỡ ngàng như nhau.Tôi đã tìm trong các kho lưu trữ và nhất là các công báo của Chính phủ tra cứu kỹ các văn bản liên quan việc thành lập hai cơ quan này thì thấy như sau:
Về Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
- Ngày 2 tháng 12 năm 1953, Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn họcđược thành lập theo Quyết định số 34/NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
- Giữa năm 1954 Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học đổi tên thành Ban nghiên cứu Văn học, Lịch sử, Địa lý, gọi tắt là Ban nghiên cứu Văn, Sử, Địa.
- Ngày 7 tháng 8 năm 1956, Ban Bí thư ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về việc chuyển Ban Nghiên cứu Văn, Sử, Địa sang Bộ Giáo dục. Ngày 4 tháng 9 năm 1956 Phủ thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị định số 1036-TTg thành lậpBan Nghiên cứu lịch sử, văn học và địa lý Việt Namthuộc Bộ Giáo dục.
- Ngày 4 tháng 3 năm 1959, Chủ tịch nướcký Sắc lệnh số 016-SL thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước. Ban khoa học xã hội nằm trong cơ cấu tổ chức của Ủy ban khoa học Nhà nước.
- Ngày 11 tháng 10 năm 1965, Ủy ban thường vụ Quốc hộicông bố Quyết định tách Ủy ban khoa học Nhà nước thành hai cơ quan độc lập: Ủy ban khoa học và kỹ thuật Nhà nướcvà Viện khoa học Xã hội.
- Ngày 19 tháng 6 năm 1967, Ủy ban thường vụ Quốc hộira Quyết định số 47/TVQH về đổi tên Viện khoa học Xã hội thành Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam.
- Ngày 31 tháng 3 năm 1990 Hội đồng nhà nướcra Nghị quyết số 244 NQ/HĐNN8, đổi tên Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam thành Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
- Ngày 22 tháng 5 năm 1993 Chính phủ ra Nghị địnhsố 23/CP về việc thành lập Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia trên cơ sở tổ chức lại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
- Ngày 1 tháng 4 năm 2003, Chính phủ ra Nghị định số 30/2003/NĐ-CP đổi tên Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia thành tên Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
- Ngày 22 tháng 4 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2008/NĐ-CP, theo đó tên Viện được đổi thành Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
- Ngày 26 tháng 12 năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2012/NĐ-CPquy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 22 tháng 2 năm 2013.
Về Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
- Năm 1970 một số đơn vị nghiên cứu được tập hợp thành Trung tâm nghiên cứu khoa học, đặt nằm trong Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ).
- Ngày 20 tháng 5 năm 1975 Hội đồng Chính phủ ký Nghị định số 118/CP thành lập Viện Khoa học Việt Nam.
- Ngày 22 tháng 5 năm 1993 Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 24/CP thành lập Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia trên cơ sở tổ chức lại viện Khoa học Việt Nam.
- Ngày 16 tháng 01 năm 2004, Chính phủ ký Nghị định số 27/2004/NĐ-CP đổi tên thành Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
- Ngày 12 tháng 5 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 62/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
- Ngày 25/12/2012, Chính phủ ký Nghị định 108/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.*
Như vậy, có thể khẳng định: Không có một văn bản nào về quyết định thành lập hai viện hàn lâm này. Một số người giải thích, đó là hai viện (viện hàn lâm?) vốn đã tồn tại.
Nếu chúng ta tra cứu kỹ, thì trước khi ra Nghị định 108 và Nghị đinh 109 quy định “chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức” của các viện hàn lâm, thì không thấy một văn bản nào về thành lập các viện hàn lâm, mà chỉ thấy các văn bản sau đây:
- Nghị định số 53/2008/NĐ-CP, ngày 22 tháng 4 năm 2008 và Nghị định số 30/2003/NĐ-CP, ngày1 tháng 4 năm 2003về việc thành lập Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
- Nghị định 27/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2006 về việc thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.*
Như vậy, một người có am hiểu ngây ngô nhất so với các giáo sư viện sỹ của hai viện hàn lâm này cũng có thể đặt câu hỏi: Không có một văn bản nào quyết định thành lập các viện hàn lâm, tại sao … bỗng dưng lại có hai nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của hai viện này.
Như thế này có nghĩa là, hai viện hàn lâm … bỗng dưng tồn tại … lách luật,…phi luật … hay là vô luật?
Không có lẽ! Vì đây là hai “viện hàn lâm” mà!Nhan nhản các “viện sỹ” tinh hoa đỉnh cao trí tuệ của thế giới chứ? Đây chắc phải là phải là hai cơ quan khoa học mẫu mực nhất, khoa học nhất trong việc “xây dựng luận cứ” và thực thi pháp luật của một đất nước.
Đến tận khoa học mà cònlách luật thế này thì đất nước còn biết trông mong vào đâu được nữa!Có lẽ Việt Nam là một đất nước lạ kỳ nhất, không giống ai trên thế giới này!
V.C.Đ
Tác giả gửi BVN
[1]http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/205968/-dat-nuoc-khong-bay-duoc-neu-thu-tuong-phai-lo-chi-tiet-.html