Việt Nam “đánh lén” Trung Quốc vụ Exxon?

Đánh úp, đánh lén là chiêu “kung-fu” đặc sản Tàu có từ thời thượng cổ và được bàn nhiều trong binh pháp Tôn Tử. Không thể kể hết các chiêu đánh lén Việt Nam của Tàu, gần đây nhất là vụ biên giới 1979, vụ Hoàng Sa… Nay Hoàn cầu thời báo lại bù lu bù loa trước hội nghị Apec là Việt Nam đánh lén. Thực ra thì “Exxon đã khoan thử và thấy khí đốt ở khu vực này từ 2011. Hãng này và PVN đã ký thỏa thuận khung về dự án phát triển mỏ Cá Voi Xanh nhân chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi tháng 7 năm ngoái”- BBC. Trung Quốc còn nói rằng dự án khí đốt này “vi phạm chủ quyền Trung Quốc” vì nó “nằm trong vùng biển tranh chấp gần Hoàng Sa và ngay trên đường lưỡi bò”… Đúng là lập luận của kẻ cướp: Hoàng Sa thì họ vừa ăn cướp của Việt Nam còn đường chín đoạn thì tự họ vẽ ra không ai thừa nhận. Mỏ Cá Voi Xanh gồm các lô 117,118 , 119 nằm hoàn toàn trong thềm lục địa Việt Nam và Exxon thừa biết điều này. Cho nên, không việc gì phải bận tâm đến bọn vừa ăn cướp vừa la làng.

Bauxite Việt Nam

clip_image002

Trung Quốc nhiều lần phản đối Việt Nam khai thác dầu khí ở Biển Đông với nước ngoài

Hoàn Cầu Thời báo vừa đăng bài chỉ trích hợp đồng khí đốt của Việt Nam với tập đoàn Mỹ Exxon Mobil, gọi đây là “đánh lén” sau lưng Trung Quốc.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được nói là đang đàm phán hợp tác với Exxon Mobil về một dự án điện khí tại Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đôla.

Tuy chưa có xác nhận chính thức từ cả PVN lẫn Exxon về dự án này, phía Trung Quốc đã đưa ra phản ứng gay gắt.

Hôm thứ Bảy 8/11, Hoàn Cầu Thời báo đăng bài của học giả Hoàng Vũ Trừng từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Quảng Tây nói Việt Nam “thiếu thành thật” trong việc giải quyết bất đồng lãnh thổ với Trung Quốc.

Dự án khí đốt nói trên được cho là nằm trong khu vực mỏ khí Cá Voi Xanh, tức các lô 117, 118, 119 nằm ngoài khơi miền Trung Việt Nam. Mỏ khí được ước tính có trữ lượng khoảng 6.000-8.000 tỷ mét khối.

Exxon đã khoan thử và thấy khí đốt ở khu vực này từ 2011. Hãng này và PVN đã ký thỏa thuận khung về dự án phát triển mỏ Cá Voi Xanh nhân chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi tháng Bảy năm ngoái.

Việt Nam tuyên bố vị trí của mỏ khí hoàn toàn nằm trong thềm lục địa Việt Nam, nhưng Trung Quốc nói nó nằm trong vùng biển tranh chấp gần Hoàng Sa và ngay trên đường yêu sách chín đoạn, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc định ra để giành chủ quyền ở Biển Đông.

Bài trên Hoàn Cầu nói quyết định của Việt Nam tiếp tục dự án khí đốt này với Exxon là “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc”, đồng thời là hành động thách thức tính hợp pháp và hiệu quả của đường chín đoạn.

“Điều này cho thấy Việt Nam không thành thực muốn đóng góp nỗ lực đáng kể nào vào việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc”.

Bài viết được tung ra ngay trước khi Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang sang Trung Quốc và có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Apec ở Bắc Kinh.

Khó giải quyết

Chủ đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cũng được trông đợi sẽ nằm trên nghị trình của các bên tại Hội nghị thượng đỉnh khối Asean và Đông Á họp tại Miến Điện vào ngày 12/11 – 13/11 tới.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ có mặt tại đây.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Susan Rice được hãng thông tấn AFP dẫn lời nói rằng trong tiếp xúc với lãnh đạo Asean, ông Obama “sẽ nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển”.

Tuy nhiên, tiến trình giải quyết bất đồng và tranh chấp không hề đơn giản, và giới phân tích cũng hoài nghi về khả năng trong cam kết của Hoa Kỳ.

Có đánh giá rằng tuy đã tuyên bố mạnh mẽ về “lợi ích quốc gia trong duy trì tự do hàng hải” ở Biển Đông, mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong lĩnh vực này chưa tới mức độ cấp bách.

Ngược lại, trong khi gần đây tỏ ra mềm mỏng hơn về mặt đối ngoại với Việt Nam và một số nước khác, Bắc Kinh vẫn giữ nguyên lập trường về chủ quyền của mình ở Biển Đông, coi đây là vấn đề không thể khoan nhượng.

Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu Việt Nam tại Canberra, Úc châu, nhận xét: “Trung Quốc có tỏ ra hòa hoãn hơn trước thềm hội nghị Asean”.

“Có thể có một số động thái bất ngờ nào đó để gây ấn tượng tại hội nghị, nhưng sẽ không có kết quả gì đáng kể”.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/11/141110_china_reax_exxon

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.