Đôi điều thưa lại với bài trả lời của Đỗ Ngọc Bích

Đã thông báo với bạn đọc rằng BVN muốn khép lại đề tài này, thế nhưng vẫn như còn chút duyên nợ. Số là bạn đọc Nguyễn Tuấn Khải gửi bài viết đến chúng tôi, nhưng lại không đến địa chỉ hộp thư giao dịch mà lại đi vào hộp thư của một thành viên Ban biên tập. Không nỡ phụ lòng một cây bút đã nhiệt tâm viết và gửi đi sớm; lẽ khác là bài viết dù có hơi “đắng”  – tất nhiên nếu bớt “đắng “ đi thì vẫn hay hơn – nhưng càng nhẩm càng thấy trong vị đắng có cả sự ngọt lành bởi tấm lòng trung hậu của người “bốc thuốc cứu người”, nên BVN quyết định đăng tải, như một chuyến tàu đến muộn.

Bauxite Việt Nam

Cô Đỗ Ngọc Bích

Cô Đỗ Ngọc Bích

Đọc qua những gì cô “Đỗ Ngọc Bích trả lời độc giả”, tôi cảm thấy thất vọng.  Cô vẫn sử dụng một văn phong hách dịch và trịch thượng, mỉa mai những người phê bình cô.  Cô cố tình ngụy biện hòng đưa độc giả lạc hướng về những sai lầm rất cơ bản của cô, để lấp liếm những khoảng trống về sự hiểu biết rất tai hại của cô.  Nếu “văn là người” thì bài trả lời của cô là một thể hiện rõ ràng nhất cho thấy cô đúng là một kẻ ngụy học thuật. Bài này chỉ nhằm trao đổi với cô Bích một vài điểm chung quanh văn hóa bàn luận mà thôi, chứ không bàn đến nội dung học thuật của cô. Tôi sẽ tập trung vào những điểm mà cô trả lời.

Thứ nhất, cô tự mâu thuẫn và lấp liếm. Cô viết rằng trong bài viết trước, cô chỉ nêu câu hỏi chứ không có câu trả lời.  Điều này sai và mâu thuẫn với những gì cô viết.  Trong bài trước cô viết một cách khẳng định rằng Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, Vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha …” nhưng không trưng ra bất cứ một chứng cứ nào làm cơ sở cho phát biểu đó. Cô còn viết như đinh đóng cột rằng “Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung Quốc”. Đối với một người Việt Nam có lý trí, đó là một sự xúc phạm quốc thể nặng nề khó có thể tha thứ được.  Nếu cô là người Trung Hoa thì chẳng ai chấp nhất, nhưng cô lại tự xưng là người Việt Nam thì thú thật với cô, một người Việt Nam có lương tri có lẽ không ai hành xử như vậy.

Thứ hai, cô chẳng những mâu thuẫn mà còn trịch thượng lên lớp dạy đời.  Cô trích câu nói của “các Giáo sư ở Mỹ” rằng “Chỉ có câu trả lời ngu xuẩn, không có câu hỏi ngu xuẩn”.  Có lẽ cô muốn nói những ai góp ý và chỉ ra những sai lầm của cô là ngu xuẩn? Kiểu trích dẫn “Các Giáo sư ở Mỹ” là một thói ngụy biện dựa vào đám đông.  Xin hỏi cô: “Các Giáo sư ở Mỹ” là ai, và lý do gì để tôi và độc giả phải tin vào họ? Vậy thì cô đừng lên lớp dạy đời bằng cách trích dẫn câu nói vô duyên của “Các Giáo sư ở Mỹ” nhé.

Tôi nghĩ khi trích dẫn câu này, có lẽ cô không chịu khó đầu tư suy nghĩ đến nơi đến chốn.  Cô học ở Mỹ, chắc cô cũng từng tham dự các hội thảo khoa học. Trong những cuộc hội họp như thế, có khi nào cô nghe người ta nói đến “good question” (câu hỏi hay) và “stupid question” (câu hỏi ngu xuẩn) không?  Cô có biết rằng trong lớp học, người ta cho điểm dựa vào câu hỏi hay và câu hỏi ngu xuẩn không?  Những câu hỏi ngu xuẩn thể hiện người hỏi thiếu tri thức mà cố tình làm dáng trí thức, làm dáng chuyên gia.  Nếu mượn kiểu nói “There are no stupid questions, only stupid answers” của cô, thì tôi cũng có thể nói “There are no stupid questions, only stupid people” (không có câu hỏi ngu xuẩn, chỉ có người ngu xuẩn).

Thứ ba, cô vẫn quen thói khoe khoang để lấp liếm hiểu biết của cô.  Cũng cần nhắc lại rằng trước đây danh xưng là “Tiến sỹ về Quan hệ Quốc tế và Hoa Kỳ học, hiện đang giảng dạy Việt học và tham gia dịch thuật các công trình sử học cổ, trung đại của VN tại Đại học Yale, Hoa Kỳ”, đến khi bị nhiều người chỉ ra rằng cô chưa học xong Tiến sĩ và cũng chẳng giảng dạy gì ở Đại học Yale thì cô quay sang tuyên bố rằng chuyên môn của cô là “Hoa Kỳ học”, và cũng không giải trình cho độc giả biết học vị Tiến sĩ đó là ở đâu ra, do cô xưng hay do BBC phong cho cô.  Nhưng tôi e rằng cô hiểu chữ “chuyên môn” ở đây hơi phóng khoáng.  Trong giới học thuật nghiêm chỉnh, nhất là xã hội học, khi ai đó nói đến “chuyên môn của tôi” thì phía sau người đó là một lý lịch dày với những công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành có tiếng. Còn ở đây, cô chưa có một công trình nào trình làng, thậm chí học hành chưa xong, mà đã dám tự xưng mình là chuyên gia.  Nếu đó là một sự hiểu lầm của người mới vào nghề thì còn châm chước được, nhưng một nghiên cứu sinh Tiến sĩ mà nói như thế thì quả là hợm hĩnh.  Cái thói hợm hĩnh này ông bà ta nói “ếch ngồi đáy giếng, thấy trời bằng vung”.

Tôi chưa biết cô Bích đã có phát kiến gì để xứng với danh nghĩa của một chuyên gia “Hoa Kỳ học” chưa, nhưng hình như những gì cô thể hiện là… chuyên gia đọc và dịch nhật báo tiếng Anh thì phải.  Cái chuyên môn “Hoa Kỳ học” của cô thể hiện qua câu chuyện của… cựu Tổng thống Clinton và Lewinsky, và những tấn công của Đảng Cộng hòa!

Trình độ học thuật của cô Bích cũng rất đáng nghi ngờ.  Cô suy luận rằng trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2004, vì ứng cử viên John Kerry chỉ trích ứng cử viên George W. Bush nhiều quá nên mất phiếu.  Ôi, suy luận dễ dãi như thế này mà tự xưng là chuyên gia Hoa Kỳ học! Cô Bích phải biết rằng một hiện tượng thường có nhiều giải thích, và người ta chỉ chọn giải thích nào phù hợp nhất.  Ở đây, cô chưa đưa ra được những giải thích khác, mà chỉ cố nhét chữ vào mắt người khác, rằng John Kerry mất phiếu là do chỉ trích George W. Bush.  Nếu là một lời giải thích, nếu cô thuộc loại chịu khó đọc thì chắc cô cũng biết rằng cũng đã có các “nghiên cứu” chỉ ra rằng xu hướng mốt mặc váy ngắn hay dài của phụ nữ Mỹ trước kỳ bầu cử  cũng quyết định được xem đảng nào thắng trong nhiệm kỳ đó, cô Bích ạ! Cho nên, cách suy luận của cô cho thấy cô quả thật chưa đủ chín chắn ngay cả trong một vấn đề đơn giản, thì nói gì đến những vấn đề phức tạp hơn.

Thật ra, đến trình độ tiếng Anh của cô cũng là một dấu hỏi.  Cô có tính hay khoe.  Xen kẽ trong bài viết là trích dẫn câu này, chuyện kia, và thậm chí chú thích cả tiếng Anh!  Cô viết “Tôi e rằng đó có thể là cách suy nghĩ theo kiểu ‘bộ lạc’ (tribal)”, như sợ người đọc không hiểu bộ lạc là gì.  Nhưng rất tiếc là cô viết sai, tribal là tính từ cô ạ; tribe mới là danh từ.  Tiếng Việt chúng ta có từ bộ lạc mà ai cũng hiểu, độc giả không muốn thấy một kiểu viết lai căng, một hành xử văn hóa hợm hĩnh của cô đâu.

Ở đời vẫn có những “ngựa non háu đá”, những người mới ra nước ngoài vài năm và học lõm bõm đôi ba chữ tiếng ngoại quốc rồi quay sang mạt sát dân tộc mình, như là một biện minh cho sự lưu vong của mình.  Tuy nhiên, những con ngựa non háu đá đó thường có bản lĩnh văn hóa thấp và học vấn chưa đến nơi đến chốn, khi được góp ý thì tự điều chỉnh và trở thành khiêm tốn và có ích cho xã hội hơn.  Nhưng cô Đỗ Ngọc Bích thì xem chừng còn phải rèn nhiều mới đạt được tính cầu thị đó.  Cô đã từng phát biểu linh tinh trong hội thảo về Việt Nam ở Đại học Yale vào hôm 18/11 vừa qua, rồi đến nay cô lặp lại những quan điểm sai lầm trên trên một diễn đàn rộng lớn hơn.  Đến khi người ta góp ý thì cô còn chửi xỏ và lên lớp họ.  Sao cô nỡ bôi lem mình bằng những kiểu phách lối, trịch thượng và lai căng thế hở cô?  Viết đến đây tôi chợt nhớ đến ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Gia tài của mẹ một bọn lai căng / Gia tài của mẹ một lũ bội tình.  Rất mong khi có dịp trở lại Việt Nam mọi người không còn tìm thấy ở cô hình ảnh “một lũ lai căng và bội tình”.

N.T.K

HT – ĐN Bauxite Việt Nam biên tập

This entry was posted in phản biện and tagged . Bookmark the permalink.