Phiên tòa cảnh báo những ai chống Trung Quốc?

“hầu hết những kẻ đứng sau, tổ chức, thực hiện hành vi phạm tội quyết liệt nhất ( đốt phá) đều đã cao chạy, xa bay, chỉ có những người đi theo cổ vũ thì bị xử lý nghiêm khắc”

Hàng ngàn người tuần hành biểu tình chống Trung quốc ở Bình Dương hồi tháng 5 vừa qua. Photo congluan.vn

Thêm hơn chục người bị bắt trong đợt biểu tình bạo động chống Trung Quốc hồi trung tuần tháng 5 mới bị đưa ra xét xử vào cuối tháng 10 vừa qua. Trong khi đó ba người tham gia hoạt động xã hội dân sự gồm Lê thị Phương Anh, Phạm Minh Vũ và Đỗ Nam Trung bị bắt khi đến tại Đồng Nai vào dịp đó cũng được cho hay đã nhận được kết luận của cơ quan an ninh điều tra, chờ ngày xét xử.

Bị án tù chỉ vì lên tiếng thắc mắc

Tin tức về phiên xử 14 người bị cho là gây rối chống Trung Quốc tại Đồng Nai diễn ra vào ngày 31 tháng 10 vừa qua được một luật sư tham gia bào chữa miễn phí cho một trong những bị cáo có hoàn cảnh khó khăn viết một bình luận trên trang facebook cá nhân bày tỏ sự bức xúc, lòng thương cảm cho trường hợp bị can mà luật sư cho là ‘phạm tội trong trường hợp tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật của người khác – nhà nước Trung Quốc – gây ra’ nhưng không được Hội đồng Xét xử xem xét mọi tình lý để giảm án mà vẫn buộc tội người đó một năm tù giam.

Đây cũng không phải là một trường hợp bị kêu án nặng duy nhất trong phiên tòa mà một người khác là ông Lê Văn Bi cũng được cho là oan ức khi tòa tuyên án ông này 14 tháng tù giam.

Ông mới nói hồi chiều thấy ai cũng cầm cờ kéo biểu tình, la hô hào ‘Việt Nam muôn năm’, bây giờ bị bắt quá trời sao bây giờ không ai đến cứu mấy người này ra. Ông chỉ nói bấy nhiêu thôi, tôi nói thôi về đi ngủ để sáng còn đi làm. Hai vợ chồng đi bộ về ngủ và 10 bữa sau công an vào bắt

Vợ ông Lê Văn Bi

Vợ của ông này thuật lại tình huống dẫn đến việc ông Lê Văn Bi bị bắt như sau:

“ Ông mới nói hồi chiều thấy ai cũng cầm cờ kéo biểu tình, la hô hào ‘Việt Nam muôn năm’,  bây giờ bị bắt quá trời sao bây giờ không ai đến cứu mấy người này ra. Ông chỉ nói bấy nhiêu thôi, tôi nói thôi về đi ngủ để sáng còn đi làm. Hai vợ chồng đi bộ về ngủ và 10 bữa sau công an vào bắt. Chúng tôi cũng không biết chuyện gì, vì câu nói vô tình mà. Ba tháng sau khi có kết luận điều tra, tôi lên thăm ông thì ông nói vì câu nói đó mà ông bị bắt. Ông nói bị đánh quá nên ông nhận. Ông nhận nên họ nói ‘ông ta điều động người đến đồn công an cướp người’. Thật sự chỉ có một tiếng nói khống thế thôi chứ có ‘cướp ai, làm gì được ai’! Ông đi ra một mình mà. Tại tòa cũng nói ông Lê Văn Bi đến đồn công an một mình và phát biểu câu nói đó. Thế mà họ gán ghép tội và tuyên án ông theo khoản 2 điều 250.

Theo vợ của ông Lê Văn Bi thì bản án 14 tháng tù mà tòa án Đồng Nai tuyên cho chồng bà là bất hợp lý, bà trình bày:

“Tôi bất bình là bốn người đốt công ty có tổ chức mà người đầu sỏ chỉ bị 18 tháng, kế đó là 1 năm, rồi 10 tháng và 9 tháng, trong khi đó ông chồng tôi chỉ vì [nói] vậy mà tới 14 tháng tù. Mấy người kia gây ra nặng hơn ông nhà tôi nhiều, lẽ ra ở bao nhiêu thì xử bấy nhiêu cho về là tương xứng  với mức án của ông ta vì ông chỉ có lời nói chứ không có hành động.

Bà này cũng phát biểu suy nghĩ của cá nhân về việc những người công nhân tham gia biểu tình sau khi phía Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào trong khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam như sau:

“ Tôi cũng suy nghĩ là chắc vì bức xúc ngoài biển khơi Trung Quốc chiếm; nhưng công nhân thiếu suy nghĩ, ăn học không có nên thiếu phân biệt là người Trung Quốc qua đây làm ăn để mình có công ăn việc làm, đời sống mình đỡ hơn. Còn chuyện ngoài biển khơi là do mấy ông ‘tối cao’ nào đó, chúng tôi không rõ. Còn đây là người Trung Quốc qua hợp tác làm ăn. Công nhân thì nông cạn thiếu suy nghĩ nên bị mang tội. Luật pháp và chính phủ không khoan hồng được thì công nhân cũng hơi bất bình một chút. Chỉ vì lòng yêu nước và thiếu suy nghĩ nên phạm tội thôi; nhưng có nhiều người lợi dụng tình thế để làm việc riêng, những thành viên không được tốt lợi dụng thời cơ quậy phá cho thỏa mãn con người của họ. Cũng có những người thực sự là yêu nước. Tôi nhận thức là biểu tình thì kéo ngoài đường thôi chứ đập phá đồ của công ty làm gì. Bản thân tôi cũng xem, đứng nhìn thôi.

Người luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa  hồm 31 tháng 10 ở Đồng Nai bày tỏ trên trang facebook cá nhân “Có thể nói, trong chặng đường hành nghề mình chưa bao giờ gặp trường hợp éo le, bi thảm và rơi nước mắt như vậy! “Kết thúc một chặng đường mình nhận ra: hầu hết những kẻ đứng sau, tổ chức, thực hiện hành vi phạm tội quyết liệt nhất ( đốt phá) đều đã cao chạy, xa bay, chỉ có những người đi theo cổ vũ thì bị xử lý nghiêm khắc”.

Chờ xét xử vì đến nơi xảy ra biểu tình

Vào dịp trung tuần tháng 5 vừa qua cũng có ba người không phải là công nhân hay cư dân tại Đồng Nai đã bị bắt khi đến địa phương này vào dịp đó. Ba người là bà Lê thị Phương Anh, anh Phạm Minh Vũ và anh Đỗ Nam Trung. Cả ba là những người hoạt động hiện nay và được những thành viên thuộc các nhóm xã hội dân sự biết đến.

Gia đình của những người này vừa được luật sư cho biết đã có kết luận điều tra của an ninh về vụ việc của họ.

Bà Nguyễn thị Anh Thư, mẹ của Lê thị Phương Anh cho biết về tin này vào ngày 4 tháng 10 như sau:

Vừa có kết luận hôm qua, ông luật sư vừa báo cho biết.

Luật sư Trương Tiến Dũng, thuộc đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai cho biết việc được phân công bào chữa cho hai người Lê thị Phương Anh và Đỗ Nam Trung cũng như đã có kết luận điều tra đối với trường hợp của những người này:

Trong chặng đường hành nghề mình chưa bao giờ gặp trường hợp éo le, bi thảm và rơi nước mắt như vậy! “Kết thúc một chặng đường mình nhận ra: hầu hết những kẻ đứng sau, tổ chức, thực hiện hành vi phạm tội quyết liệt nhất đều đã cao chạy, xa bay, chỉ có những người đi theo cổ vũ thì bị xử lý nghiêm khắc

Một luật sư bào chữa 

Phương Anh có làm giấy yêu cầu có luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình, căn cứ theo yêu cầu được chuyển cho Đoàn Luật sư tỉnh, nhưng không chỉ đích danh ai. Nên lần lượt theo tua những án ‘theo yêu cầu’, và đến tua của tôi bào chữa cho Phương Anh.

Thứ hai kết luận điều tra tôi đã nhận được rồi và tôi cũng đã vô tận trại giam giao cho Phương Anh rồi. Trực tiếp giữa an ninh, công an điều tra đã trực tiếp giao. Tôi có hỏi có thắc mắc gì, thì Phương Anh đồng ý, không có thay đổi gì trong quá trình khai báo.

Luật sư Trương Tiến Dũng cho biết thêm về tội danh mà những người ông bào chữa bị khởi tố:

“Nói chung tội danh bị khởi tố không phải tội danh thuộc về an ninh, nếu thuộc về an ninh phức tạp lắm. Không thuộc chương về qui định tội xâm phạm an ninh quốc gia mà thuộc về chương khác. Mà chương này thì sau này không ảnh hưởng cho họ. Điểm nữa là tội danh khởi tố cũng nhẹ thôi. Đầu tiên tôi sợ họ bị đưa vào chương vi phạm an ninh quốc gia, vì bị tội danh này thì về sau không bao giờ được xóa án tích cả, sau khi chấp hành thời hạn phạt tù, suốt đời không được xóa án tích. Không khởi tố chương đó mà qua chương khác điều 258 Bộ Luật Hình sự”.

Xin được nhắc lại lâu nay một số nhà hoạt động được nhiều người biết đến trong nước như nhà báo Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào… bị khởi tố và tuyên án theo điều 258 Bộ Luật hình sự là ‘lợi dụng các quyền tự do – dân chủ, xâm phạm lợi ích hợp pháp Nhà nước, tổ chức, công dân”. Hiện nay blogger Anh Ba Sàm cũng bị khởi tố với tội danh này.

G.M.

Nguồn:

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/anti-cn-be-tried-11052014054623.html

 

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.