Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ đào tạo giáo viên cho ngành giáo dục?

Giáo dục và đào tạo bao gồm: Giáo dục mầm non (nhà trẻ, mẫu giáo), giáo dục phổ thông (trường tiểu học, trung học), giáo dục nghề nghiệp (trường trung cấp bao gồm trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề), giáo dục đại học (đại học, học viện). Có lẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quản lý quá yếu kém về giáo dục và đào tạo nên Thủ tướng Chính phủ đã cắt hẳn lưng chừng giáo dục nghề nghiệp giao cho Bộ LĐ-TB-XH quản lý một phần (Công văn 362/TB-VPCP ngày 8/9/2014 của Văn phòng Chính phủ), trong khi Bộ LĐ-TB-XH còn chưa lo hết việc của mình như chính sách với người lao động, tệ nạn xã hội, thương bệnh binh…

Mặc dù chưa lo hết việc của mình nhưng với tinh thần giáo dục là quốc sách hàng đầu và tất cả lo cho giáo dục vì tương lai con em chúng ta, Bộ LĐ-TB-XH đã tốc hành hoàn thiện Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ trình thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra từ ngày 20/10 đến 28/11/2014. Như vậy các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp sẽ được vinh dự đổi chủ quản lý từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐ-TB-XH. Trong đó có các trường cao đẳng, trung cấp đang có sứ mệnh đào tạo hàng vạn giáo viên tiểu học, mầm non, trung học cơ sở cho đất nước sẽ do/được Bộ LĐ-TB-XH quản lý để giúp cho ngành giáo dục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Chưa kể sự bất cập về quản lý nhà nước trong việc đổi chủ trên như: Ở Trung ương bỗng nhiên có hai cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo (Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB-XH), ở địa phương cũng bỗng nhiên có hai cơ quan quản lý (Sở GDĐT& Sở LĐ-TB-XH) gây nên sự chồng chéo hết sức cồng kềnh: hai cơ quan cấp phát văn bằng, quy hoạch nhân lực, bộ máy biên chế nhân đôi, một trường muốn đào tạo cả đại học, cao đẳng, trung cấp nghiễm nhiên phải chịu sự quản lý của hai cơ quan nhà nước với hàng rừng văn bản quy định khác nhau… Thế nhưng điều cần nói ở đây là chuyện Bộ LĐ-TB-XH lại được giao quản lý các trường cao đẳng, trung cấp đào tạo giáo viên trung học cơ sở, tiểu học, mầm non cho ngành giáo dục là chuyện… ngược đời. Có lẽ quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nằm trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hôm nay, cho nên việc đào tạo giáo viên cho ngành giáo dục phải cần đến Bộ LĐ-TB-XH (với nhiều kinh nghiệm về việc làm, lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội…) thực hiện hay sao? Quả tình không ai hiểu nổi.

Chưa biết hiệu quả việc “đổi chủ” như trên ra sao, nhưng có phần chắc là ông giáo dục sẽ mừng nhất, bởi vì quả bóng trách nhiệm về các yếu kém của giáo dục trầm trệ bao lâu nay sẽ được đẩy sang cho Bộ LĐ-TB-XH. Một lý lẽ rất thuyết phục hẳn được đưa ra nhân việc “đổi chủ” này là: Bộ Giáo dục Đào tạo quản lý ngành giáo dục nhưng lại không được trực tiếp đào tạo giáo viên để dạy các cháu thì làm thế nào đổ hết lỗi cho ngành giáo dục được.

Thực tế mỗi cơ quan có một chức năng, nhiệm vụ riêng, nếu làm yếu thì nên tìm biện pháp tạo thêm sức mạnh cho họ, chứ không lẽ cứ quan niệm nhiệm vụ thuộc chức năng của bộ này làm chưa tròn thì giao bớt cho bộ khác để làm tốt hơn? Nếu như vậy thì Bộ Nội vụ làm yếu kém về công tác cán bộ, Chính phủ lại “san sẻ” công tác ấy cho bộ khác được sao? Vấn đề then chốt ở đây là: người có trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục thì phải vì lợi ích quốc gia mà nhận lấy trách nhiệm phát triển ngành, trước khi nghĩ đến lợi ích và lo sợ trách nhiệm cá nhân.

Xin các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, diễn ra từ ngày 20/10 đến 28/11/2014, hãy thức tỉnh lương tâm và nghĩ đến vận mệnh trọng đại của ngành giáo dục là tạo ra những hiền tài nguyên khí của quốc gia, là máy cái của mọi máy cái: Hãy bấm nút dừng ngay cái Luật Giáo dục nghề nghiệp kia lại, nền giáo dục nước nhà hiện nay tuy yếu kém nhưng không muốn và chưa phải trở thành “thương binh” phải để cho Bộ LĐ-TB-XH chuyên ngành về thương binh quản lý.

H.N.T.

Tham khảo:

1. Thông báo số 362/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ:

http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&mode=detail&document_id=175920

2. Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp:

http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=687&LanID=999&TabIndex=1)

Tác giả gửi BVN

 

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.