Khi người cầm quyền cộng sản giành được Sài Gòn, đến đâu cũng sáng mắt lên không thể hình dung nổi, vì đối diện với một thành phố kinh tế thị trường về phương diện nào cũng có quy mô vượt xa cái lèo tèo của một thành phố đã triệt tiêu buôn bán, bị làng thôn hóa đến như Hà Nội. Vì thế, các ông chủ mới đã thi nhau hành xử theo kiểu những bác nhà quê thấy cái gì cũng quá to lớn, quá thừa thãi, “eo ôi, hoài của”, và cứ nơi nào có thể cắt bớt, lấn chiếm được để chia nhau mỗi người một vài miếng là làm tắp lự, không cần biết đến quy hoạch đô thị của những thành phố hiện đại phải có tầm nhìn xa như thế nào. Sân bay Tân Sơn Nhất, theo chúng tôi được biết, vốn được chế độ VNCH chừa nhiều không gian rộng rãi ở cả ngoài phạm vi sân bay, để máy bay lên xuống không bị vướng tầm nhìn, và cũng để dự trữ cho tương lai có thể mở rộng thành một sân bay hiện đại. Thế nhưng quân đội đã được bật đèn xanh biến những khoảng không “eo ôi, hoài của” đó thành đất ở, để rồi từ sau 1975, vô số nhà lúp xúp liên tiếp mọc lên thành những dãy phố chen chúc, đứng hai bên các làn đường chật hẹp, có nơi hẹp hơn con hẻm, hệt theo kiểu mẫu XHCN ở ngoài Bắc vốn được coi là thiên đường. Đường cho ô tô ra vào sân bay đến nay có những đoạn trở nên chật cứng mỗi khi có nhiều chuyến bay cất cánh hạ cánh vào giờ cao điểm, cũng chính vì lẽ đó. Và mỗi khi máy bay lên xuống thì có những người nào đấy kêu lên là “nhà dân suýt tốc mái” cũng chính lẽ đó. Đó mới là lý do của mọi lý do để người ta có cơ hội đưa ra dự án sân bay Long Thành – như những thoi vàng lấp lánh chóa mắt đang vẫy gọi – ngày hôm nay. Vậy thì CNXH là gì? Thấy đâu phá được là phá, rồi sẽ tính sau? Thấy đâu có lợi là viện đủ lý do “chính đáng” “vì những kế hoạch lâu dài cho dân cho nước” để dốc sạch túi dân làm ảnh hưởng đến tận đời con đời cháu? Xin nói với các vị, làm kiểu này các vị và nhóm lợi ích của các vị có thể phút chốc giàu to đấy, nhưng đất nước sẽ mãi mãi vắt mũi không đủ bỏ miệng. Ai cho phép xây sân golf trong một sân bay là cửa ngõ lớn của thủ phủ phía Nam? Và có luật pháp nào cho phép người nắm quyền quyết định những việc lạ kỳ như vậy? Quyết định đó đem lại lợi ích cho ai mà nay phải đánh đổi hơn 18 tỷ đô la là cái gánh lớn hơn một quả núi trên lưng dân chúng, trong khi nền kinh tế nước nhà đang hồi lụn bại, ngân hàng có thể vỡ, nợ xấu, nợ công là mối nguy kề cận, và người cai trị đủ các cấp thì nhởn nhơ bán hết rừng, hết biển, bán cả những địa điểm trọng yếu cho những đối tác không đáng tin cậy như Vũng Áng, nay lại đang bán đường di? Các vị có cảm thấy dưới mông mình đang nhột hay không?
Bauxite Việt Nam
Mặc dù đã có rất nhiều ý kiến phản đối dự án xây dựng sân bay Long Thành thay cho sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) trong thời kỳ nền kinh tế đất nước đang rất khó khăn nhưng đến nay dự án tốn kém và vô lý này vẫn đang được xúc tiến. Vô lý vì kêu TSN chật chội nhưng có 157,6 ha được lấy làm sân golf! Tới đây Chính phủ sẽ trình dự án ra Quốc hội và liệu mọi việc có thể sẽ an bài với những lý do “thuyết phục” như: TSN quá tải, chật chội, ô nhiễm môi trường, không an toàn… Vậy những lý do đó thuyết phục đến đâu?
Khu nhà chính đang được thi công trong công trình sân golf tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Bạch Dương (TN)
Về TSN quá tải: Đó là lý do luôn được đưa ra mỗi khi trình bày dự án phải xây Long Thành thay TSN.
Phát ngôn như thế là không chính xác, nếu không nói là bịp bợm. Bởi vì, ở một sân bay, không bao giờ người ta xây ngay từ đầu công suất tối đa mà phải xây cơ sở hạ tầng theo từng giai đoạn thị trường yêu cầu. Hiện tại TSN quá tải trước mắt là sân đỗ và vài năm nữa là nhà ga, đường băng. Những năm gần đây cảng hàng không (HK) TSN, hãng HK quốc gia VNA phải thuê sân đỗ, nhà xưởng bên quân sự để hoạt động. Việc TSN xây dựng thêm các cơ sở này không khó, vì theo đo đạc, thống kê của Cục HKVN năm 2010, quỹ đất vẫn còn 1.150 ha (kể cả sân golf của đại gia quân đội 157 ha) đủ diện tích để xây sân bay có công suất tới 80 triệu khách/năm, ngang với cảng HK Check Lap Kok của Hongkong (Check Lap Kok rộng 1.200 ha nay đang khai thác 45 triệu khách/năm và có thể tăng lên 80-100 triệu).
Hiện nay TSN có hai đường băng nhưng do quá gần nhau nên khi khai thác chỉ tính như một với công suất tối đa 30 lần chuyến/giờ (720 chuyến/ngày – tiêu chuẩn ICAO). Hiện nay mật độ khai thác tối đa TSN mới chỉ khoảng 400 chuyến/ngày. Nếu chỉnh trang đường lăn, tăng sân đỗ, xây thêm nhà ga thì TSN có thể tăng gấp hai lần hiện tại (40 triệu khách/năm).
Sau khi TSN đến sản lượng khách 35-40 triệu khách/năm thì phải làm thêm một đường băng nữa cách đường băng cũ tối thiểu 1.035 m để có công suất 50-80 triệu khách/năm.
Nếu do bị lấn chiếm đất, TSN méo mó, thì với diện tích 1.150 ha, cắt chỗ này, bù chỗ kia cho nhà dân di chuyển thì vẫn có thể làm được hai đường băng đúng tiêu chuẩn ICAO mà không phải bồi thường đất, mà chỉ bồi thường tiền xây nhà nên số tiền sẽ không lớn. Đến đây thì tất nhiên sân golf của đại gia quân đội sẽ phải làm đúng khẩu hiệu “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh…”. Ý kiến của Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh “Việc xây sân golf hay không xây sân golf đều không giúp nâng công suất của TSN lên” là không khách quan.
Theo các chuyên gia HKVN, khi TSN đã lên 60-70 triệu khách/năm là có thể bão hòa, khó có thể tăng nữa do nhiều chuyến bay nước ngoài sẽ bay thẳng đến các sân bay quốc tế khác ở VN như Cần Thơ, Phú Quốc, Cam Ranh… mà không cần phải transit ở TSN như bây giờ. Hiện nay nhiều sân bay các nước phát triển trước kia đông đúc nay bị giảm khách do máy bay tăng cự ly bay và có thêm nhiều sân bay mới. Mười sân bay nhộn nhịp nhất thế giới ở những nước kinh tế phát triển hàng đầu thế giới có thời gian phát triển hàng trăm năm qua đến nay cũng chưa có sân bay nào đạt 100 triệu khách/năm như người ta gán cho sân bay Long Thành đến năm 2050 (Cảng HKQT nhộn nhịp nhất thế giới Hartsfield-Jackson ở Atlanta – Mỹ là 89,3 triệu khách/năm, thứ hai sân bay Bắc Kinh – TQ là 73,8 triệu khách/năm (nhưng nhiều năm nay hầu như không tăng nữa).
– Về ô nhiễm: Hầu hết hoạt động sân bay là gây ô nhiễm và TSN cũng vậy. Sân bay quốc tế Tokyo (Haneda) bận rộn nhất Nhật Bản, tấp nập thứ tư thế giới “nằm trong nội thành Tokyo” (ai không tin vào Google: “Sân bay Narita” sẽ nói rõ về sân bay Tokyo) và không thiếu gì các sân bay chỉ cách thành phố 10 – 20 km hoặc sát thành phố như TSN, mặc dù cự ly đó là không lý tưởng (là khoảng 30 – 35 km). Nay nếu nói TSN phải dời đi để chống ô nhiễm là không công bằng, bởi vì máy bay quân sự, sân golf còn ô nhiễm, nguy hiểm hơn máy bay dân dụng nhiều lần thì vẫn ở đó! Hơn nữa nếu TSN về Long Thành ta sẽ giảm phần ô nhiễm cho thành phố do máy bay dân dụng nhưng hàng nghìn xe cộ chở khách đi máy bay trên con đường 40 km Long Thành – TP HCM sẽ thải ra lượng ô nhiễm gấp nhiều lần nếu hàng nghìn phương tiện đó từ TSN ra, vào thành phố, tức chi phí đi lại và lượng ô nhiễm chung sẽ tăng lên. Chính một phần vì lý do này, và vì khí thải, tiếng ồn máy bay chở khách hiện nay đã giảm đáng kể, cộng với hiệu quả kinh tế, nên người Nhật mới để tồn tại các sân bay nằm trong nội thành như vậy. Dù thế, không thể phủ nhận nếu khi nước ta đã giàu có, sân bay nằm ở vị trí Long Thành và quỹ đất TSN chuyển làm các công trình phúc lợi công cộng mà TP HCM còn rất thiếu như công viên, quảng trường, sân bay thể thao, cấp cứu HK… (không gây ô nhiễm) là rất lý tưởng. Thế nhưng nếu chuyển TSN đi với cái giá cả gần vài chục tỷ đô trong khi TP vẫn bị máy bay quân sự, sân golf hành hạ về tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước, lượng khí thải khổng lồ từ hàng nghìn xe cộ đi lại từ Long Thành – TP HCM hơn 40 km… là thất sách không thể chấp nhận.
– Vấn đề an toàn: An toàn HK là việc đầu tiên ở bất cứ sân bay nào, ICAO đều có tiêu chuẩn rõ ràng, khi nhà chức trách HK chưa ngăn cấm, hãng HK vẫn hoạt động bình thường… thì khỏi nói. Cuối năm 2013 một số nhà dân kêu tốc mái, TV đến quay, phát tưng bừng ra vẻ máy bay bay sát sạt làm tốc mái nhà… Ai tin máy bay làm tốc mái nhà là mù tịt về HK!
Hôm đi ô tô của hãng Hải Âu từ Hà Nội về Hải Phòng, tôi tình cờ nghe được câu chuyện của hai cán bộ có vẻ là cơ quan đầu tư Hải Phòng lên trung ương họp về:
– À, thế dự án sân bay Tiên Lãng đến đâu rồi, nhiều việc không?
– Tiên với bụt gì, bãi rồi… Ngày ấy giá đất trên trời, các sếp, đại gia định đẩy Cát Bi về Tiên Lãng để lấy đất làm sân golf, khu đô thị… gì đó nên mới “gà” sếp trên duyệt dự án, bây giờ giá đất “đao” (tiếng Anh, nghĩa là xuống) nên “bai, bai”, lại tiếp tục nâng cấp Cát Bi 3.600 tỷ rồi…
Tôi giật mình, thế mà trong mọi cuộc họp bàn đến dự án Tiên Lãng, họ luôn đưa ra lý do Cát Bi quá tải, chật hẹp, ô nhiễm, không an toàn… chẳng khác gì các luận cứ cho dự án Long Thành bây giờ. Hóa ra, anh em nhà Đoàn Văn Vươn gia đình tan tác, gia sản điêu linh, bị ngồi tù, cũng chỉ vì cái giá đất, cái sân golf…
Việc mọi ý kiến nói TSN chật, ô nhiễm trong khi lại làm sân golf 157,6 ha có lẽ chỉ thuyết phục được những nhóm lợi ích sân golf, những quan chức “ngậm miệng ăn an toàn”. Hãy gõ vào chữ Long Thành, màn hình sẽ hiện ra cơ man quảng cáo: Bán đất khu đô thị dịch vụ sân bay Long Thành, Bán đất khu đô thị SBLT đợt 2, 3, Bán đất gần SBLT… Đất gần SBLT nóng lên… Nay nghe câu chuyện hai cán bộ kia tôi có cảm giác mọi chuyện về TSN, Long Thành… đã an bài, không có gì cưỡng lại được! Bởi vì nếu duy trì sân bay TSN thì không còn sân golf, đồng thời nhiều dự án vàng BĐS của đại gia, nhóm lợi ích “ở gần sân bay quốc tế Long Thành” đã duyệt, đầu tư, đã, đang bán rồi. Đặc biệt, TSN, Gia Lâm quá gần nội thành dù giá đất có “đao” thì vẫn cứ 50-60 triệu đ/m2 (Riêng sân golf TSN 157 ha trị giá 78.500 tỷ VND). Như vậy, chỉ có sân golf mới chiếm được những khối vàng 157; 117 ha…
Nói thẳng ra: Sân golf đuổi sân bay!
N.Đ.A.
Tác giả gửi BVN