Nhân kỳ họp Quốc hội thông qua nhiều luật
Từ khi mở cửa , hội nhập và nói đến nhà nước pháp quyền, chúng ta gặp một số khó khăn là thiếu rất nhiều luật. Từ đó một nhiệm vụ quan trọng của mỗi kỳ họp Quốc hội là thảo luận và thông qua nhiều đạo luật. Được biết kỳ họp lần này sẽ thông qua khá nhiều. Khi Quốc hội đã thông qua một luật nào đó thì Chủ tịch nước ký lệnh ban bố. Tôi chưa từng nghe nói đến việc Chủ tịch có xem lại toàn văn của luật và có khi nào yêu cầu bổ sung, sửa chữa gì hay không. Mỗi luật thường thường do ngành hoặc tổ chức sẽ thực hiện nó sau này soạn thảo và đệ trình (thí dụ Luật Giáo dục do Bộ Giáo dục, Luật Di sản do Bộ Văn hóa…). Việc thảo luận và biểu quyết các điều khoản của luật là do toàn thể đại biểu Quốc hội mà trong đó có nhiều người không am hiểu sâu sắc các nội dung, không biết được những tình huống xảy ra khi thực hiện. Có thể vì những lẽ đó mà có những điều luật thiếu chặt chẽ, không phù hợp với thực tiễn. Một số luật vừa mới ban hành đã phải sửa đổi. Vừa qua tôi có quan tâm đến Luật Giáo dục đại học và thực sự không ngờ được đọc một văn bản có cách trình bày rất thiếu tính khoa học.
Trong hai việc làm luật và thi hành luật, nhiều nước cho là thi hành quan trọng hơn. Thế nhưng ở ta hình như là ngược lại. Quốc hội lo làm ra thật nhiều luật, sửa đổi luật, còn việc thi hành và kiểm tra việc thi hành thì hầu như cấp trên ít quan tâm. Chúng ta lại tạo ra và duy trì một thói quen không hay là để thi hành luật cần có Nghị định, có Thông tư hướng dẫn. Nếu chưa có Thông tư thì Luật chưa được thi hành.
Trong quá trình công tác trong lĩnh vực Giáo dục, Xây dựng và Trọng tài Quốc tế tôi có dịp tìm hiểu một số Luật, Nghị định, Thông tư có liên quan, phát hiện ra rằng phần lớn nội dung của Thông tư là nhắc lại nguyên văn của Nghị định, phần lớn nội dung Nghị định nhắc lại nguyên văn của Luật, chỉ có khác nhau về đề mục (thí dụ điều 15 của Luật được viết ở điều 2-8 của Nghị định và viết lại ở điều 3-6 của Thông tư). Trong Nghị định và Thông tư có thêm một vài đoạn giải thích phạm vi và điều kiện áp dụng một số điều khoản nào đó của Luật. Chỉ có các đoạn đó là chưa có trong văn bản luật. Với đa số người có trình độ chuyên môn trung bình trở lên, khi đọc kỹ các điều luật là có thể hiểu đúng và vận dụng được (với điều kiện điều luật được trình bày chính xác, rõ ràng), không cần Thông tư và Nghị định giải thích bằng cách nhắc lại. Tôi nghĩ rằng khi làm luật phải tuân theo nguyên tắc cơ bản là các điều phải được viết rõ ràng, chỉ có thể hiểu theo một nghĩa nhất định (không thể mù mờ hoặc có thể hiểu theo các cách khác nhau, đến nỗi cần phải có giải thích và hướng dẫn thêm để tránh hiểu lầm và làm sai ý đồ của người soạn thảo). Khi ban hành luật cần ghi rõ “Luật này được thi hành trực tiếp, không cần nghị định và thông tư”. Với những luật đặc biệt mà thấy cần phải có hướng dẫn một số điều nào đó mới thi hành được thì chỉ hạn chế sự giải thích trong các điều đó và phải công bố các giải thích ấy trước thời hạn luật bắt đầu có hiệu lực, phải được ghi rõ trong phụ lục hoặc chú thích của văn bản luật.
Thói quen phải có Thông tư và Nghị định giải thích thì luật mới được thi hành đã có từ rất sớm, nó gắn liền với sự lãnh đạo và quản lý xã hội của Đảng Cộng sản Việt nam. Nhiều nước không có thói quen ấy mà luật pháp của họ vẫn được thi hành rất tốt.
Thói quen trong quản lý xã hội cũng được hình thành như nhiều phong tục,tập quán trong các dân tộc hoặc vùng miền khác nhau. Phong tục, tập quán không phải tự trên trời ban xuống mà bắt đầu từ một người nào đó nghĩ ra và làm đầu tiên (hoặc chỉ đạo người khác làm). Khi việc làm đó là hay, là có lợi thì nhiều người sẽ làm theo, cũng có thể do người có quyền lực, có uy tín khuyến khích hoặc bắt người khác làm, lâu ngày sẽ thành thói quen, mở rộng ra thành phong tục, thành tập quán truyền từ đời này sang đời khác.
Thói quen trong Đảng Cộng sản VN “cấp dưới hoặc đảng viên làm việc gì phải được sự hướng dẫn của thượng cấp” đã hình thành rất sớm, rất phổ biến trong thời kỳ hoạt động bí mật. Có việc đó là do các cơ sở Đảng thường gồm các đảng viên công nông có giác ngộ cao, có tinh thần đấu tranh cách mạng nhưng lại thiếu tri thức và thông tin, họ gặp khó khăn và thậm chí không biết làm gì khi chưa nhận được những chỉ dẫn cụ thể. Các đảng viên như thế rất sợ làm sai ý của thượng cấp, cho rằng như vậy là vi phạm kỷ luật Đảng. Việc cần có hướng dẫn, trông chờ hướng dẫn, không dám tự mình suy nghĩ và quyết định đã trở thành thói quen trong các tổ chức đảng sau này. Ngay gần đây Tổng bí thư phải ra hướng dẫn 19 điều đảng viên không được làm cũng phần nào thể hiện thói quen nói trên (mà trong đó có một số điều thiếu chặt chẽ, vô lý).
Thói quen trông chờ hướng dẫn của thượng cấp mới biết làm như thế nàođã trở thành căn bệnh từ trong gen, trong máu của tổ chức Đảng Cộng sản, nó phát tán và lây lan trong xã hội, trở thành phong tục, tập quán của các cơ quan, của những người thi hành luật pháp. Cũng như nhiều thói quen khác, thói quen này rất khó thay đổi.
Thói quen phải trông chờ Thông tư, Nghị định mới thi hành Luật phát triển đến mức người ta xem Thông tư quan trọng hơn Luật. Đó là một thói quen xấu, gây ra nhiều lãng phí và trở ngại, cần phải được bãi bỏ. Để làm điều đó cần nâng cao trình độ và trách nhiệm của người soạn thảo cũng như của người thông qua Luật, để cho mỗi điều luật đều chính xác, rõ ràng như đã nêu trên đây và trong điều khoản thi hành cần ghi rõ “không cần nghị định và thông tư giải thích” (Trong các đề thi vào đại học tôi thường gặp câu chú thích: giám thị không được giải thích gì thêm).
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN