DỰ ÁN PHI TRƯỜNG LONG THÀNH: ĐẦY RẪY NỖI LO !!!

Hiện nay, khi vấn đề nợ công đang trùm lên cả nước một nỗi lo khó giải, thì một số quan chức lại hô hào cổ xúy cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, khiến nổi lo càng tăng gấp bội.

clip_image001

 1. Bối cảnh tài chánh hiện nay

Theo một số thống kê, tổng nợ công của Việt Nam là hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tính trên dân số hơn 90,5 triệu người, trung bình mỗi người Việt hiện đang gánh trên vai số nợ hơn 17,6 triệu đồng,  gần 900 USD (1). Nguy hiểm hơn, chúng ta lại đang vay mới để trả nợ cũ và vay để tiêu dùng, là một kiểu vay nợ nguy hiểm. Bình thường, vay tiền để đầu tư thì mới có sản phẩm mới, có lợi nhuận và có tiền trả nợ.

Theo ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới, cách tính nợ công của Việt Nam “không giống ai”:  Nợ công Việt Nam chỉ tính đến nợ của Chính phủ và bộ máy công quyền, không kể đến nợ của doanh nghiệp nhà nước, các xí nghiệp công ích và bảo hiểm xã hội (2).

Theo báo cáo của Chính phủ, nợ công của Việt Nam đang ở mức “suýt soát” 64% GDP, nghĩa là còn trong mức cho phép chưa quá ngưỡng 65% GDP (3), ông Bùi Ngọc Sơn cho rằng nguy hiểm hay không là do tiềm lực từng quốc gia. Ví dụ nợ công với GDP: Nhật nợ tới 200%, Mỹ nợ 100% mà không vấn đề gì, trong khi Argentina vỡ nợ khi nợ công ở mức 54%!!! Một điều quan trọng là tốc độ gia tăng nợ nhanh hay chậm so với tốc độ tăng trưởng GDP và triển vọng phát triển của nền kinh tế. Argentina vỡ nợ vì tốc độ gia tăng nợ rất nhanh, không kiểm soát được chi tiêu của chính quyền địa phương, phát hành trái phiếu vay nước ngoài ồ ạt, trong khi xuất khẩu lại rất kém (2).

2. Những lý lẽ “ngụy biện”

Để thuyết phục dư luận việc phải cấp bách xây dựng phi trường Long Thành, chủ đầu tư, “dư luận viên” vệ tinh, cơ quan truyền thông “lề phải”… trổ hết tài năng để định hướng: một là mức tăng trưởng khách của TSN liên tục “hai con số”, đến 2050 sẽ đến 100 triệu khách/ năm; hai là ở các nước tiên tiến sân bay cách thành phố phải trăm km (sic); ba là sân bay TSN không an toàn, ồn ào, làm tốc mái nhà dân (phát hình lên cả VTV… (7); bốn là  TT Nguyễn Tấn Dũng, không biết dựa trên cơ sở tính toán nào, đã cho rằng kinh phí mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tốn kém hơn xây mới sân bay Long Thành (8), v.v.

Ngày 14/10/2014, ông Đặng Minh Đức, PGĐ Sở TN & MT tỉnh Đồng Nai, khẳng định trên báo chí rằng: “Hầu hết các hộ đều ủng hộ chủ trương thực hiện dự án sân bay quốc tế Long Thành (tỷ lệ 99,9%), đề nghị sớm thực hiện dự án để các hộ dân ổn định cuộc sống” (6).

3. Vấn đề đầu tiên: “tiền đâu”?

Phát biểu tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Dự án sân bay Long Thành: Cơ hội và thách thức” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng nguồn vốn lên tới 7,8 tỷ USD để xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I là quá dễ huy động (5).

Nhưng gần đây, trên nhiều phương tiện thông tin, cho thấy những điều ông Tiêu nói là không căn cứ, thậm chí là sai (11), (12).

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, giai đoạn đầu dự án sân bay Long Thành cần 7 tỷ USD. Trong đó, vốn đối ứng do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) bỏ ra chiếm 20%, tương đương khoảng 1,4 tỷ USD, lấy từ cổ phần hóa ACV, nhưng chưa có tính toán cụ thể về số tiền thu được từ chào bán (8).

  Chính Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng phải thừa nhận: “Trong báo cáo, chúng tôi nói có cả thuận lợi và khó khăn. Nhưng do lâu nay ta nói nhiều quá về thuận lợi, trong khi thực tế triển khai không hề đơn giản. Vốn, năng lực cạnh tranh, giải phóng mặt bằng… đều khó. Nhưng ta phải đặt chúng lên bàn để giải quyết. Không có dự án nào chỉ toàn thuận lợi. Với những công trình lớn như thế này càng cần phải thận trọng” và “Mặc dù nhiều đại biểu chia sẻ việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết, song ý kiến chung của Quốc hội là quyết định ở thời điểm này chưa phù hợp. Rõ ràng đưa dự án Long Thành ra lúc này là không có lợi vì Quốc hội đang bàn nhiều về nợ công” (4).

4Đôi điều bàn luận

Việt Nam chúng ta là nước nghèo, đang phát triển, cho nên khi nghe có một tương lai giàu có, sáng sủa ai ai cũng thích thú mong mỏi. Nhưng cần nhớ là đã có quá nhiều dự án “bánh vẽ” to lớn để lại hậu quả nặng nề, chắc chắn đến đời chút, đời chít  cũng chưa trả nợ nổi.

Một dự án “vĩ đại” như thế mà từ phương án xây dựng, tạo nguồn vốn, bán tài sản, v.v. đều chưa rạch ròi toàn là phát biểu “không cầu chứng” (not evidence based).

Theo tôi, vấn đề quan trọng khi đầu tư là 4 chữ M (Man power, Money, Material và Management). Vì thiếu và yếu 4M, chúng ta  không nên vàkhông thể phát triển kinh tế nước nhà bằng mọi giá, nhất là khi nợ công đang “đầm đìa” như hiện nay. Đặc biệt, chúng ta phải biết rằng rất khó mà cạnh tranh vận tải hàng không với các nước phát triển khu vực, khi họ đã xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại với công suất dự trữ lớn, đã có giá trị nền tảng chuyên nghiệp về thu hút du lịch, có thu nhập bình quân đầu người cao và có nhiều lợi thế về chính sách kinh tế, xã hội, môi trường.

Năm 2010, khi nhiều chính khách “chém gió” vung vít ủng hộ dự án Đường sát cao tốc, tôi có viết một bài bàn luận “Nhìn Hy lạp ngẫm đến Việt Nam” (9), (10). May mắn lần đó Quốc hội đã sáng suốt không thông qua, toàn dân thở phào nhẹ nhỏm. Lần này, vẫn còn hy vọng các nhà lãnh đạo, Quốc hội nhìn tấm gương Argentina để giữ Việt Nam mình đừng phiêu lưu quá trớn!!!

Tham khảo:

(1)  http://vietbao.vn/Kinh-te/Moi-nguoi-Viet-dang-oan-lung-ganh-900-USD-no-cong/2131833809/87/

(2) http://vietbao.vn/Kinh-te/Cach-tinh-no-cong-cua-VN-khong-giong-ai/55668242/90/

(3) http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20140414/no-cong-sap-toi-lan-ranh-do/602647.html

(4) http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20141021/no-cong-khien-du-an-san-bay-long-thanh-bat-loi/661195.html

(5) http://news.zing.vn/Sieu-du-an-san-bay-Long-Thanh-Khong-lo-thieu-von-post470375.html

(6) http://giaothongvantai.com.vn/thoi-su-xa-hoi/201410/chuan-bi-cho-du-an-san-bay-long-thanh-dong-nai-ban-giai-phap-di-dan-tai-dinh-cu-545488/

(7) http://bolapquechoa.blogspot.com/2014/10/du-long-thanh-co-chinh-ang.html?m=1

(8) http://namtien.vn/tan-son-nhat-giuc-tien-do-du-an-san-bay-long-thanh/#

(9) http://boxitvn.blogspot.com/2010/05/nhin-hy-lap-ngam-en-viet-nam.html

(10)http://tranbathoaimdphd.wordpress.com/2013/05/29/nhin-them-hy-lap-de-ngam-den-viet-nam/

(11)http://plo.vn/thoi-su/du-an-san-bay-long-thanh-them-mot-vu-nham-lan-2-ty-usd-504222.html

(12)http://www.tinmoi.vn/du-an-san-bay-long-thanh-dinh-chinh-thong-tin-adpi-ho-tro-2-ty-do-011326421.html

T.B.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.