Tưởng rằng “Nhật ký thăm viếng bất thường” còn lâu lắmmới có dịp kể tiếp, nhưng không ngờ, hôm qua (21/10/2014) và 9 giờ sáng hôm nay (22/10/2014) tôi lại “hân hạnh”được thăm viếng. Vậy xin được tiếp tục Nhật ký về những cuộc thăm viếng bất thường:
– Cuộc thăm viếng vào buổi chiều 21/10/2014, thật ra, như mọi khi, là cuộc mời nhâm nhi bia Đức của một “bạn an ninh” để trao đổi những chuyện thời sự cùng quan tâm và đề cập đến những câu hỏi đại loại như: Chú có ý kiến gì về việc TQ vừa hoàn tất việc xây sân bay quân sự ở đảo Gạc ma, cùng lúc với việc phái đoàn quân sự cấp cao của VN gồm 13 vị tướng do Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh dẫn đầu đi thăm TQ? Vì sao chú lại không nhận lời mời tham gia Ban lãnh đạo “Hội nhà báo độc lập” và Ban chủ nhiệm “Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng“? Thứ Sáu tuần rồi chú có đid ự cà phê với “Hội nhà báo độc lập” ở đường Đinh Công Tráng Q1 không?…
– Cuộc thăm viếng lúc 9 giờ sáng 22/10/2014 là của phái đoàn phường gồm 04 vị, trong đó có một vị là công an khu vực rất hiền, trưởng đoàn là vị phó bí thư đảng ủy phường rất trẻ. Khởi đầu cuộc thăm viếng vẫn là thăm hỏi sức khỏe mẹ tôi, dù việc này mới diễn ra 11 ngày trước.
Hai cuộc thăm viếng lần này do 02 cơ quan khác nhau thực hiện (cơ quan an ninh và cơ quan Đảng đoàn thể phường), diễn ra cách nhau không quá 15 giờ và cách cuộc thăm viếng lần trước cũng của phái đoàn phường chỉ có 11 ngày. Như vậy là cái sự thăm viếng được diễn ra khá dồn dập, nhất là các cuộc thăm viếng của phường (5 tháng 03 lần).
Ngoài việc nêu lý do mở đầu cuộc thăm viếng có tính cách xã giao thông thường như kể trên, thì chủ đích các cuộc thăm viếng, gặp gỡ lần này, nhất là của phái đoàn phường đã thể hiện qua các câu hỏi: Vì sao tôi ký tên vào “Thư ngỏ 61”? Tôi có biết nội dung “Thư ngỏ 61” đòi đổi mới thể chế chính trị, tức là đòi dân chủ, đa nguyên, là chống Đảng, chống chế độ XHCN không? Và tiếp theo là những lời khuyên thân tình, cởi mở nhưng khá lúng túng và thiếu tự tin.
Tuy đối tượngvà thời điểm của hai cuộc thăm viếng, gặp gỡ tôi khác nhau, nhưng chủ đích thì giống nhau và đều cởi mở, thân tình, nên tôi đã đáp lời:
Thưa quý anh chị!
Lần trước, khi tôi nhận được lời khuyên của quý anh chị: Không nên tham gia biểu tìnhchống TQ, không nên ký cái này cái kia khi Đảng và Nhà nước chưa có chủ trương, tôi đã trả lời rằng: Tôi phải làm như thế vì tôi sợ mất nước vào tay TQ xâm lược, tôi sợ chế độ sụp đổ vì độc tài Đảng trị, độc quyền kinh tế. Nay, quý vị lại hỏi và khuyên tôi về việc tôi đã ký “Thư ngỏ 61” thì tôi xin trả lời rằng (với phái đoàn của phường): “Thư ngỏ 61” là tâm huyết, trí tuệ của những người Cộng sản yêu nước cấp tiến đã từng giữ những trọng trách của Đảng và Nhà nước; đặc biệt, nó hoàn toàn phù hợp với tư tưởng, quan điểm, quyết sách… thể hiện rõ qua “Thư gởi Bộ chính trị năm 1995” của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt”; và nó cũng rất phù hợp với tư tưởng, quan điểm: “đổi mới thể chế, xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân Dân…”thể hiện rõ qua “Thông điệp 2014” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; “Thư ngỏ 61” góp ý, đấu tranh, thúc đẩy chuyển hóa hòa bình “Đảng cộng sản độc tài toàn trị” trở thành “Đảng cộng sản dân chủ” trong hệ thống chính trị đa nguyên; “Thư ngỏ 61” ủng hộ tư tưởng, quan điểm, đường lối củanhững người cộng sản yêu nước cấp tiến, đấu tranh đẩy lùi tư tưởng, quan điểm “độc tài Mao-it, 4 kiên định” quỵ lụy kẻ thù TQ xâm lược, thủ tiêu dân chủ trong Đảng, áp bức Nhân Dân; “Thư ngỏ 61” chỉ tác động, thúc giục Đảng đổi mới, hoàn thiện để cứu nước, cũng chính là cứu Đảng.
Vì cùng chủ đề, mục đích nói chuyện, nên trong cuộc trò chuyện với phái đoàn của phường sáng 22/10, tôi đã nói lại câu chuyện đã nói với anh “bạn an ninh” chiều ngày hôm trước:
Hôm nay nhân trò chuyện về nỗi lo tình hình đất nước, tôi xin nhắc lại với quý anh chị nỗi lo cách nay khoảng 20 năm, khi đó Đảng đề ra “4 nguy cơ” (chệch hướng, diễn biến hòa bình, tham nhũng, tụt hậu) cần ngăn chận cho kỳ được. Nay tôi thấy tình hình đất nước ta không phải bị lâm nguy bởi “4 nguy cơ” mà đang lâm nguy chỉ bởi “2 nguy cơ” – Đó là nguy cơ hay nói đúng nghĩa hơn – Đó là “hiểm họa thù trong, giặc ngoài”. Giải quyết được 2 hiểm họa này thì đương nhiên sẽ giải quyết thành công các nguy cơ kháctrong đó có nguy cơ tham nhũng.
“Thù trong”phá hoại đất nước, xã hội từ trong ruột và làm nội ứng cho giặc ngoài. Không có “thù trong” thì “giặc ngoài” khó mà mon men thôn tính, xâm lược. “Giặc ngoài” đe dọa VN hiện nay chính là TQ xâm lược đội lốt “đồng chí tốt, bạn bè tốt, láng giềng tốt, đối tác tốt và cùng chung Đại cục như anh em trong một nhà”. “Thù trong” chính là phe nhóm theo đường lối “Độc tài toàn trị, 4 kiên định”cùng ý thức hệ Mac – Lê – Mao, cùng hội cùng thuyền với với kẻ thù Bắc Kinh xâm lược.
Như vậy rõ ràng là: muốn chống “giặc ngoài” để bảo vệ Tổ quốc thì phải đẩy lùi, loại bỏ “thù trong”, mà “thù trong” lại đang nắm chặt, thao túng cả hệ thống chính trị độc tài. Vì vậy, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 là thử thách sống còn của Đảng, của đất nước. Nếu Đảng chuyển hóa hòa bình sang dân chủ thành công thì còn Nước, nếu thất bại thì mất Nước, Nhân Dân lại lâm cảnh nô lệ, tủi nhục, lầm than…
Trước thử thách sống còn như vậy, “Thư ngỏ 61” ra đời góp phần đánh thức lương tri và lòng yêu nước của hơn 3 triệu đảng viên CS, ủng hộ lực lượng cộng sản yêu nước cấp tiến đấu tranh đẩy lùi, tiến tới loại bỏ đường lối “độc tài 4 kiên định”, chuyển hóa hòa bình “Đảng cộng sản độc tài” thành “Đảng cộng sản dân chủ” tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.
Tôi mong quý vị có mặt tại cuộc thăm viếng này cùng với 3 triệu đảng viên hãy cùng góp phần cho xu thế dân chủ đích thực tại Đại hội 12 thắng lợi để cùng cứu nước.
Cuộc “thăm viếng” sáng ngày 22/10/2014 đến đây kết thúc trong sự cởi mở vui vẻ.
K.L.N.
Tác giả gửi BVN