Ở nhiều nước dân chủ (kể cả các nước cộng hòa và quân chủ lập hiến) các thành viên của Quốc hội (nghị sĩ) không được làm thêm các vị trí chủ chốt trong chính quyền. Ở ta thì ngược lại. Trước đây nghị sĩ chủ yếu được chọn trong số quan chức chủ chốt của các bộ, các tỉnh theo cách đảng cử, dân bầu… Việc làm như vậy gây nên một số lãng phí và hạn chế về trí tuệ của xã hội, gây nên lãng phí thời gian cho nhiều nghị sĩ và tạo cho họ sự nhàm chán, hạn chế tính khách quan và dân chủ của Quốc hội. Gần đây đã có một số nghị sĩ chuyên trách (không có chức vụ chính quyền) nhưng cũng mới chiếm tỷ lệ khá nhỏ, nghe đâu đang phấn đấu để tăng số chuyên trách lên đến 50%. Tăng số nghị sĩ chuyên trách là việc làm đúng, nhưng chỉ mới đến 50% cũng còn là quá ít mà nên đạt đến 100%.
Tôi (và chắc là nhiều người dân khác cũng thế) có nguyện vọng và đề nghị sửa đổi , bổ sung hoặc tu chỉnh Luật Tổ chức Quốc hội với qui định “Đại biểu Quốc hội không thể đồng thời là cán bộ chủ chốt của chính quyền”. Bạn đang là cán bộ chủ chốt của chính quyền vẫn có thể ứng cử làm ĐBQH, nhưng khi đã trúng cử thì buộc phải thôi giữ chức vụ chủ chốt trong chính quyền. Làm được như vậy, thực chất là tiến tới việc thực hiện “tam quyền phân lập”, sẽ tránh được một số nhược điểm như đã nêu ở trên.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
GS TS Nguyễn Đình Cống, nguyên Chủ nhiệm Khoa trường Đại học Xây dựng Hà Nội, nghỉ hưu 1999.