Trộm thiết bị phóng xạ và điện hạt nhân Việt Nam

Đặng Đình Cung

Kỹ sư tư vấn

Ngày 12 tháng Chín 2014, hai thanh niên đột nhập vào kho của Công ty APAVE ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, lấy đi một máy chụp ảnh bằng tia X. Đây là một thiết bị trắc nghiệm không phá hủy (NDT, Non‒Destuctive Testing) chứa một nguồn phóng xạ, thường là đồng vị iridium Ir‒192, cobalt Co‒60 hay là cesium Cs‒137. Đồng vị đó phát ra một tia X có thể chiếu qua một mỏ hàn hay một vật gì đó bằng kim loại để xem cấu trúc ở bên trong có khuyết tật nào không. Ở bệnh viện, người ta cũng dùng phương pháp này để rà xét nội thân của bệnh nhân. Nguồn phóng xạ này có một lớp phòng hộ, chủ yếu bằng chì, ngăn cản tia X chiếu ra ngoài. Nhờ lớp phòng hộ đó mà chuyên gia trắc nghiệm có thể an toàn mang thiết bị đến công trường kiếm tra chất lượng những mỏ hàn, vỏ ống dẫn dầu khí hay, nói chung, tất cả các kết cấu bằng thép,…

Nếu hé mở vỏ phòng hộ của linh kiện thì tia X sẽ thoát ra ngoài, chiếu vào những sinh vật ở xung quanh, gây ra bỏng cháy da có thể dẫn tới tử vong ngay tức khắc hay biến đổi những tế bào có thể dẫn tới ung thư bạch cầu sau một thời gian ủ bệnh. Cũng có khả năng chất phóng xạ rơi ra ngoài hay bị người hiếu kỳ lấy ra làm người tiếp cận nó bị nhiễm xạ. Người này truyền cho người khác, chất phóng xạ sẽ phân tán trên diện rộng làm nhiều người bị nhiễm xạ. Đó là tình huống của tai nạn ở Goiânia, bên Brazil.

Ngày 13 tháng chín 1987, cách đây đúng 27 năm, vụ trộm kể trên ở quận Tân Bình, hai thiếu niên xâm nhập viện y khoa phóng xạ Goiânia. Cơ sở này đã đóng cửa từ hai năm trước, nhưng các thiết bị chữa bệnh bị bỏ tại chỗ mà không có ai canh gác. Trong đó có một thiết bị chứa cesium Ce‒137. Hai em gỡ đầu của thiết bị và mang đi. Về đến nhà, hai em tìm cách đập phá đầu thiết bị và moi ra một vật tỏa ánh sáng màu xanh rất đẹp. Nghĩ rằng đây là một vật lạ có giá trị, hai em đem bán cho một người lái buôn đồ đồng nát. Cả ba người bị nhiễm xạ vì không biết vật tỏa ánh sáng màu xanh đó là một vật phóng xạ và màu xanh là biểu hiện của hiệu ứng Tcherenkov. Người lái buôn tính gọt vật này thành mỹ trang để tặng vợ. Những công nhân xử lý đồ đồng nát bị nhiễm khi đập vỡ thiết bị và tiện nó. Người này chuyền cho người kia chiêm ngưỡng mỹ phẩm kỳ diệu và đều bị nhiễm. Bụi phóng xạ rơi tung tóe làm ô nhiễm một diện rộng.

Hai tuần sau, một bác sĩ tình cờ phát hiện tai nạn và Chính quyền vào cuộc điều một phi cơ có gắn xạ kế bay lượn trên bầu trời Gioâna và quân nhân một trường võ bị chỉ huy công tác khử nhiễm. Người ta phát hiện tám nơi trong thành phố bị nhiễm xạ, một nghìn người bị nhiễm một lượng tương đương với một năm hấp thụ phóng xạ tự nhiên, trong số đó có 244 người bị nhiễm tới mức ảnh hưởng đến sức khỏe, và trong số 244 người đó thì có 129 người nội thân bị nhiễm. Người ta đã phải dùng đến một rô‒bốt ủi đất phá hủy nhà của người lái buôn, đốn cây và cạo đất ở những nơi bị ô nhiễm. Những mảnh vụn của căn nhà cùng với 15 tấn vật liệu bị nhiễm xạ khác được đổ vào những thùng phuy và chở đi chôn ở một nơi hẻo lánh cách Goiâna 30 cây số. Người ta đã khâm liệm bốn nạn nhân đã chết trong quan tài mỗi chiếc nặng 600 ki lô.

Cách đây hơn 15 năm, ở Vũng Tàu, cũng có một thiết bị trắc nghiệm bằng nguồn phóng xạ bị lạc ở một công trường xây lắp dàn khoan. Rất may là người ta đã tìm thấy thiết bị sau vài giờ và hậu quả chỉ là công trường phải ngưng hoạt động trong một thời gian ngắn. Còn lần này kẻ trộm mới chỉ đi chào bán thôi, nên hậu quả chỉ là một cuộc báo động đỏ. Thị xã Goiâna ở một nơi hẻo lánh mà đã được coi là tai nạn hạt nhân dân sự trầm trọng nhất cho tới nay. Hãy thử tưởng tượng ở một khu đông dân như quận Tân Bình mà có người bóc vỏ phòng hộ của thiết bị bị đánh cắp thì hậu quả sẽ ra sao ?

Nhân câu hỏi này, chúng tôi xin nhắc lại tầm quan trọng của dân trí trong an toàn công nghiệp.

Nhiều người nghĩ tới vấn đề an toàn khi bàn về dự án điện hạt nhân. Nhưng thực ra thì an toàn các nhà máy khác cũng nguy kịch và phức tạp như an toàn các nhà máy điện hạt nhân. Tiềm tàng có khoảng 30.000 người sẽ chết nếu đập Sông Tranh 2 vỡ, nhiều hơn là tai nạn Tchernobyl và Fukushima cộng lại. Nhà máy lọc dầu Dung Quất mà cháy thì số tử vong cũng sẽ tương tự, chưa nói đến tập thể hóa học ở Việt Trì hay khu gang thép tương lai ở Vũng Áng. Xin lỗi đã làm bạn đọc sợ hãi với những thí dụ khủng khiếp đó. Nhưng, một kỹ sư phải xét những tình huống tồi tệ nhất, mặc dù khó có thể xảy ra, để liên tục sẵn sàng đối phó nếu chúng thực sự xẩy ra.

Để có một ngành công nghiệp, trong đó có ngành hạt nhân, khả tín, an toàn và tôn trọng môi trường thì toàn dân phải có một tối thiểu kiến thức cơ bản, kiến thức khoa học, đặc biệt kiến thức an toàn. Đào tạo chuyên gia về an toàn và bảo vệ môi trường nhiều và giỏi đến đâu chăng nữa thì cũng vẫn chưa đủ để bảo đảm những nhà máy sẽ chạy có hiệu quả và an toàn. Như về chính trị, quốc phòng, vệ sinh y tế, mọi việc về an toàn công nghệ đều vẫn phải trông cậy vào toàn thể dân chúng.

Mọi nhà máy đều sinh ra phế liệu. Công nghệ tối tân đến đâu chăng nữa nhưng cũng không ai có thể quả quyết sẽ không có phế liệu nào tiềm tàng rò rỉ khỏi nhà máy, không ai có thể quả quyết những vật liệu đó tuyệt đối sẽ không đe dọa sức khỏe con người và môi trường thiên nhiên. Ngoài ra, một sự rò rỉ thường báo hiệu một tình trạng bất ổn trầm trọng hơn trong nhà máy, có thể là khởi đầu của một tai nạn. Trình độ kỹ thuật hiện nay cho phép kiềm chế và xử lý ổn thỏa hay tạm thời những bất trắc kỹ thuật. Nhưng dù đặt nhiều bộ dò đến đâu chăng nữa thì cũng không thể phát hiện được tất cả các rò rỉ. Trong sinh hoạt hàng ngày, một người với kiến thức khoa học cơ bản có thể tình cờ phát hiện một rò rỉ và báo động cơ quan hữu trách. Hiển nhiên là 90 triệu người chỉ có kiến thức khoa học cơ bản sẽ không bao giờ thay thế được những thiết bị quan trắc của các nhà máy. Nhưng số đông đó sẽ tăng cường một cách đáng kể hệ thống bảo vệ an toàn nói chung.

Khi xẩy ra tai nạn hạt nhân ở Fukushima, mọi người đều ấn tượng bởi sự bình tĩnh và tinh thần kỷ luật của dân điạ phương khi được lệnh di tản. Nói rằng người Nhật họ như vậy còn dân mình thì khác là một phát biểu kỳ thị chủng tộc của người Việt tự ti. Cái khác là kiến thức khoa học của người Nhật rất cao. Họ biết cái gì nguy hiểm, cái gì không. Họ biết những gì cần phải tránh, những gì không đáng ngại. Khi được chỉ đạo thì họ tuân theo vì họ tin tưởng vào kỹ năng nghiệp vụ của lực lượng bảo vệ và họ biết rằng đó là việc phải làm. Không cần phải lấy thí dụ một lò phản ứng hạt nhân nung chẩy như ở Fukushima. Thử tưởng tượng xem, với kiến thức khoa học hiện nay của đồng bào ta, phản ứng của người dân sẽ ra sao nếu xẩy ra một sự cố nhỏ, thực hay ảo, ở một nhà máy điện hạt nhân nước ta.

Ngày 03 tháng 01 năm 2006, thủ tướng đã ký nghị định 01/2006/QĐ TTg về “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình tới năm 2020“. Nhân đó, chúng tôi có tính, kể từ năm 25, mỗi năm phải xây thêm ít nhất 2.000 MW công suất khả năng phát điện, công suất của hai tổ phát điện hạt nhân. Thời gian trôi qua và, như mọi dự án ở nước ta, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã chậm tiến độ. Sau khi dời ngày khởi công xây dựng nhà máy đầu tiên từ 2014 đến 2017 thì vài tháng sau chính phủ lại dời thêm đến năm 2020. Dẫu sao dời tới năm 2020 dự án thì vẫn chưa thực tế.

Để bảo đảm an toàn công nghiệp thì phải nâng cao dân trí lên tầm các nước công nghiệp. Với trình độ dân trí ở nước ta hiện nay thì việc này phải cần đến một thế hệ. Một thế hệ là 25 năm. Vậy, tính từ 2008 cộng thêm 25 là 2033. Với bản tính hiếu học của đồng bào ta, lấy năm 2025 là năm xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và sản xuất kilo‒watt‒giờ đầu tiên vào năm 2030 thì gượng ghẹ có thể coi là khả thi. Nhưng chúng tôi nêu lên những điểm mốc đó vào năm 2008. Từ khi đó, chính phủ đã không làm gì để cải tiến trình độ dân trí của người dân, vẫn còn bàn về việc gửi người đi đào tạo ở ngoại quốc và chưa thỉnh một bộ tiêu chuẩn của một cường quốc hạt nhân nào để tập áp dụng trong nước. Vậy nếu ngày hôm nay chính phủ cương quyết bắt đầu làm những việc đó thì phải dời những điểm mốc thêm sáu năm, nghĩa là khởi công xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên năm 2031 để đưa vào sản xuất công nghiệp năm 2036.

Chúng tôi không biết chương trình đào tạo 2.000 chuyên viên về điện hạt nhân là như thế nào và khi nào họ sẽ được đào tạo xong. Nhưng đây cũng là một kế hoạch không thực tế vì vừa thừa vừa thiếu.

Như mọi công nghệ, công nghệ hạt nhân chỉ là vận động nhiều kỹ thuật khác nhau áp dụng cho nhiều công nghệ khác nhau. Kỹ sư hiện đang thiết kế, xây dựng hay sản xuất cho các công nghệ khác như là đóng tầu, quân khí, dầu khí, hóa chất,… hoàn toàn có thể chuyển sang công nghệ điện hạt nhân. Khi nào cần đến, những chuyên viên điều hành các nhà máy của bất cứ công nghệ nào thì cũng dễ dàng thuyên chuyển sang làm ở một nhà máy điện hạt nhân. Vậy, đâu cần phải đào tạo tới 2.000 chuyên viên với kiến thức sâu sắc chỉ biết phục vụ công nghệ hạt nhân. Ngược lại, nếu chỉ có 2.000 chuyên viên với kiến thức rất sâu xắc về một công nghệ duy nhất thì cũng không thể bảo đảm một nước sẽ chủ động về công nghệ đó. Toàn dân phải có kiến thức chung chung, bậc tiểu học, về tất cả các công nghệ. Có một đội ngũ 2.000 chuyên viên ở trình độ thạc sĩ tiến sĩ thì rất dễ: chỉ cần tuyển lựa 2.000 sinh viên giỏi, gửi đi học ở ngoại quốc và cầu mong tất cả sẽ về nước phục vụ sau khi tốt nghiệp. Phổ biến và duy trì kiến thức khoa học cơ bản ở trình độ tiểu học cho 90 triệu người là một chuyện khó khăn hơn nhiều.

Vụ trộm thiết bị có nguồn phóng xạ vừa qua ở quận Tân Bình thể hiện tình trạng dân trí quá thấp. Nếu biết rằng một thiết bị công nghiệp nguy hiểm thì kẻ gian đã chọn mang đi một vật khác. Chúng ta chỉ ngẫu nhiên tránh được một tai nạn hạt nhân khủng khiếp hơn ở Goiânia cách đây gần ba chục năm. Dân trí của ta vẫn còn thấp và mọi dự án hạt nhân đều nguy hiểm. Nếu chúng ta chần chừ không nâng cao dân trí lên ngang hàng các nước công nghiệp thì sẽ phải dời ước mơ đi vào kỷ nguyên hạt nhân từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đ.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

* Bài đã đăng ở http://www.thesaigontimes.vn/120902/Trom-thiet-bi-phong-xa-va-dien-hat-nhan-Viet-Nam.html

 

 

This entry was posted in Tin Tức. Bookmark the permalink.