Nhà báo Trần Quang Thành phỏng vấn TS Hà Sĩ Phu
TQT: Thưa TS Hà Sĩ Phu, tại Hồng Kông sinh viên đang có cuộc biểu tình rất rộng lớn và mạnh mẽ, không chỉ một hai ngày mà đã kéo đến tuần thứ hai biểu thị tinh thần kiên trì đấu tranh cho tự do dân chủ của Hồng Kông được phát triển, không bị chính quyền Bắc Kinh tước đoạt. Ông có ý kiến bình luận gì vê cuộc biểu tình của sinh viên Hồng Kông không, thưa ông?
HSP: Cuộc biểu tình rầm rộ của sinh viên Hồng Kông được cả thế giới chăm chú theo rõi và ủng hộ nên đã có nhiều bài bình luận, trong đó nhiều bài có giá trị, xin không lặp lại. Tôi chỉ bổ sung một ý kiến bình luận, hỏi rằng trong cuộc đọ sức giữa một Hồng Kông dân chủ nhỏ bé so với toàn Hoa lục Cộng sản vô cùng rộng lớn thì cuối cùng “Ai sợ ai, ai thắng ai, ai sẽ đào mồ chôn ai?”.
TQT: Vâng, xin ông cho lời bình luận về cuộc đối đầu tưởng như rất không cân sức này.
HSP: Vâng quả là không cân sức, khi chỉ một số người của một thành phố mấy triệu dân biểu tình chống chủ trương của một nền độc tài đang thống lĩnh gần một tỷ rưỡi người thì đúng là trứng chọi với đá. Nhưng ở đây “trứng” là điểm sáng để người ta đối chứng với “núi đá” là bóng đêm. Quả trứng nhỏ nhưng có sức mạnh của ánh sáng. Bóng đêm ắt phải sợ ánh sáng. Cộng sản đi theo một chủ thuyết ảo tưởng dẫn đến kết quả bi đát nhưng lại tuyên truyền là duy nhất khoa học, là dân chủ gấp triệu lần, là thiên đường hạnh phúc. E sợ nhân dân nhìn thấy một xã hội đối chứng để so sánh mà lật tẩy sự dối trá, nên mọi chế độ cộng sản đều phải bưng bít xã hội sau bức màn sắt. Nhưng bức màn sắt bưng bít cứ bị phá vỡ, chẳng những vì sức mạnh không gì cản nổi của kỷ nguyên thông tin mà còn vì chính chế độ Cộng sản rất cần phải mở cửa để cứu vãn sự ngưng trệ và đói kém của chế độ, không mở cửa thì không tồn tại được. Cho nên, vừa muốn bưng bít sự thật lại vừa cần mở cửa giao lưu để sống còn, đó là mâu thuẫn chí tử của thể chế Cộng sản. Trung Quốc vừa muốn áp đặt Cộng sản lên Hồng Kông nhưng lại rất cần duy trì trung tâm tài chính thương mại Tư bản số 1 thế giới này để thu lợi khổng lồ.
Hồng Kông, tô giới của Anh được trao về Trung Quốc với quy chế “một quốc gia hai chế độ” chính là nơi mà mâu thuẫn ấy được hội tụ, tập trung ở đỉnh cao, nên sự đụng độ trực tiếp và ngoạn mục là điều dễ hiểu.
Trước mắt thì Hồng Kông là một điểm sáng nhỏ bé nhưng tương lai sẽ thuộc về điểm sáng đó, rồi đây toàn bộ Hoa lục khổng lồ phải tiến theo điểm sáng ấy thôi.
Ở Việt Nam năm 1975 sau khi thống nhất cũng đã có viễn kiến muốn giữ Việt Nam thành một quốc gia hai chế độ: Cả nước thống nhất về quân sự và ngoại giao nhưng miền Nam hoặc riêng Sài Gòn vẫn độc lập về kinh tế, văn hóa, dân sự. Nếu viễn kiến đó được thực hiện thì đất nước đâu có đến nỗi khốn đốn và tanh bành như bây giờ? Nếu chế độ Cộng sản không quá sợ đối chứng Tư bản, biết hòa thuận ôm trong lòng mình một vùng tư bản thì trước mắt việc tự cứu đã tốt hơn nhiều. Song dù “tự cứu” gì thì về lâu dài một chế độ phản tiến hóa trước sau cũng bị đào thải, những đặc khu tư bản sẽ thúc đẩy sự cáo chung Cộng sản diễn ra nhanh hơn và êm đềm hơn. Chủ nghĩa Cộng sản tự hào mình (tức giai cấp Vô sản) là tương lai của nhân loại, mình là kẻ “đào mồ chôn” chủ nghĩa Tư bản nhưng thực tế vị trí ấy bị đảo ngược, mà ngược đời là chế độ Cộng sản phải tự tìm đến chủ nghĩa Tư bản để cứu vãn nhưng cũng tức là tự tìm đến kẻ sẽ “đào mồ chôn” mình.
Trước mắt, chưa biết cuộc biểu tình ở Hồng Kông thắng lợi được đến đâu, chắc cũng không có thắng lợi gì to lớn lắm đâu, nhưng tương lai rồi “ai phải sợ ai, ai sẽ thắng ai” ấy mới là kết luận cuối cùng. Chủ nghĩa Tư bản sẽ là kẻ chiến thắng. Nhưng gọi tên thế thôi, cái gọi là chủ nghĩa Tư bản chẳng qua là thế giới văn minh tự nhiên của loài người!
TQT: Thưa TS Hà Sĩ Phu, trước đây ở cả ba miền Nam Trung Bắc đều có những cuộc biểu tình lớn của sinh viên đòi tự do, dân chủ. Nhưng nay hầu như các cuộc biểu tình lớn ấy vắng bóng, số cuộc biểu tình cũng như lực lượng biểu tình chỉ còn rất thưa thớt, ít ỏi. Ông hiểu sao về hiện tượng này?
HSP: Vâng, nước ta ngay thời Pháp thuộc, ta là dân nô lệ mà đám tang cụ Phan Châu Trinh đông đến hai chục nghìn người. Trong lòng chế độ miền Nam trước đây cũng không thiếu những cuộc biểu tình lớn chống chế độ. Nhìn rộng ra thế giới thì càng rõ nữa, nhiều cuộc biểu tình hàng vạn người dẫn đến sự thay đổi chế độ.
Nước ta bây giờ mâu thuẫn xã hội rất nhiều, ý đảng với lòng dân khác biệt, bao nhiêu điều cần yêu cầu thay đổi mà khó khăn lắm mới có một cuộc biểu tình vài chục người, vài trăm người, đi suốt buổi quanh hồ Hoàn Kiếm chẳng thêm được người nào. Tại sao vậy?
Những chế độ dù độc tài tồi tệ nhất cũng thường còn chừa lại một mặt bằng dân chủ tối thiểu, một số quyền tối thiểu cho người dân để khi cần người dân có thể nói lên tiếng nói của mình, nguyện vọng của mình. Nhưng cộng sản là độc tài toàn trị, dù họ cứ nhân danh nhân dân, nói tất cả mọi quyền thuộc về nhân dân, nhưng thực tế thì nhân dân bị tước hết mọi vũ khí tinh thần và vật chất. Người biểu tình và gia đình bị đe dọa cả về vật chất lẫn tinh thần. Toàn bộ nhận thức, tâm tư tình cảm đều phải theo khuôn mẫu chuyên chính vô sản của đảng, người dân không dám bộc lộ chính kiến của mình. Nói riêng trong lĩnh vực học sinh – sinh viên thì sự giám sát trói buộc càng chặt chẽ hơn vì Đảng Cộng sản thừa biết tuổi trẻ học đường chính là lực lượng trẻ ưu tú, nhạy cảm, là ngòi nổ của mọi cuộc đấu tranh.
Giới trẻ Hồng Kông được thừa hưởng một tài sản dân chủ rất căn bản trong khi ở Việt Nam cái nền dân chủ mà những “thế hệ vàng” ngày trước bắt đầu được thừa hưởng, được giải phóng cá nhân, đã xuất hiện được những trí thức lớn, nhà yêu nước lớn, thì sau mấy chục năm cộng sản cai trị đã bị bào mòn và cày xới đến “mất gốc hoàn toàn” như ông Dương Trung Quốc đã công nhận. Mong có một cuộc biểu tình 1-2 nghìn người đã là khó khăn lắm. Vậy tình trạng đối với thế hệ trẻ tiến bộ Việt Nam bây giờ là khó khăn gắp nhiều lần, khi so sánh phong trào dân chủ Việt Nam so với tuổi trẻ Hồng Kông xin đừng quên điều đó.
TQT: Thưa TS Hà Sĩ Phu, qua cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài gần hai tuần qua của sinh viên Hồng Kông thìphong trào đấu tranh cho tự do dân chủ nói chung và sinh viên nói riêng có thể rút ra điều gì để học tập, để thúc đẩy cuộc đấu tranh cho dân chủ tự do của đất nước mình?
HSP: Cuộc biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông đã gây niềm xúc động lớn đối với giới trẻ và những người dân chủ Việt Nam, từ đó xem xét lại hoạt động của mình để rút ra những điều bổ ích.
Trước hết biểu tình ở Hồng Kông làm sáng tỏ sức mạnh tổng hợp của vai trò cá nhân, cùng với sức mạnh của tổ chức và giá trị của nền dân trí.
– Về cá nhân, ta khẳng định vai trò của người hùng Hoàng Chi Phong黃之鋒 (chi như trong câu Nhân chi sơ, không phải chí). Chàng sinh viên Hồng Kông 17 tuổi quả là tấm gương dân chủ trẻ hiếm có, có những năng lực đặc biệt thật sự, có những suy nghĩ và phát ngôn sắc sảo, làm được việc lớn thật đáng khâm phục, và ta ước ao có một Hoàng Chi Phong Việt Nam. Tuy vậy không nên nhìn sự việc bề ngoài đơn giản để có những so sánh và kết luận không thấu đáo, mà coi nhẹ sức mạnh của tổ chức và nền móng dân trí có sẵn. Trong điều kiện Việt Nam, một Hoàng Chi Phong chưa chắc đã làm được như thế.
– Không vì khâm phục cá nhân mà coi nhẹ những bài học cổ điển về tổ chức đấu tranh và vận động quần chúng, đặc biệt là quan hệ giữa phần nổi và phần chìm của phong trào mà người Cộng sản đã từng là bậc thầy. Đằng sau người hùng là cả một quá trình khổ công xây dựng mang đầy tính tổ chức và tính kế hoạch của rất nhiều người, đòi hỏi sự nghiêm túc và uy tín, không cho phép tính hoang toàng tự do. Thành công của Chi Phong và các đợt biểu tình ở Hồng Kông là được tọa hưởng trên một nền dân chủ và dân trí khá cao do nước Anh, một nước Tư bản tiên tiến, và thế giới Tư bản để lại. Nhờ đó khi tiếp xúc với thể chế cộng sản họ nhận ra ngay đâu là ánh sáng đâu là bóng tối, đâu là tự do đâu là nô lệ. Nhà trường Hồng Kông kêu gọi học sinh của mình phải ủng hộ không để những người biểu tình bị cô đơn, trong khi nhà trường và Bộ Giáo dục Việt Nam cấm học sinh của mình ủng hộ, nếu tham gia biểu tình sẽ bị đuổi học!
– Trong kịch bản dân chủ tổng thể cần nhiều năng lực khác nhau, Chi Phong có tố chất để thành một ngọn cờ, chứ không phải con người toàn năng, còn những việc khác lại cần người khác. Đã hết thời cho những nhân vật lãnh tụ toàn diện để phong thánh. Điểm nổ và thủ lĩnh sẽ ở lứa trẻ trung.
– Xét về nhiều mặt, tuổi trẻ Việt Nam hôm nay đã có nhiều người vượt trên Chi Phong về mặt này mặt khác, nhưng chưa ai chín muồi cho việc thành ngọn cờ để mọi người xúm vào ủng hộ, đứng đằng sau ủng hộ. Môi trường giả trá ở Việt Nam đã tạo ra tâm lý nghi ngờ, bởi lịch sử đã cho bài học nhãn tiền: tập hợp sau một ngọn cờ lạc hướng thì công lao đổ xuống sông xuống biển.
– Thủ lĩnh và tổ chức sẽ hoàn thiện dần trong tiến trình hoạt động của phong trào, theo kiểu nói vừa chạy vừa xếp hàng là có lý, không chờ có hàng ngũ chỉnh tề rồi mới chạy. Nhưng mặt khác, cái “bộ khung” trung kiên cho cuộc chạy thì buộc phải có trước và tin cậy được. Ví dụ có nhiều hàng thì xếp vào hàng nào, đang chạy mà trong nội bộ hàng ngũ, hoặc người dẫn đầu để định hướng nếu có vấn đề thì sao, điều đó cũng phải lường trước, không thể cứ thấy có nhiều người “chạy” là yên tâm chạy theo.
Cẩn trọng quá hoặc giản đơn quá đều không tốt.
– Xin thêm một lời bàn nữa, là khi sự thật đã được phơi bày mấy chục năm nay, như xã hội đã đứng trước một lão “vua cởi truồng” rồi thì các bậc thức giả nên làm gì, có cần tra từ điển, viện dẫn sách vở để tìm định nghĩa thế nào là cởi truồng để tranh luận với lão vua ấy, hoặc kiến nghị để lão vua cởi truồng ấy biết mặc quần áo tử tế vào cho đỡ chướng không? Tôi vốn ghét quan điểm cao đạo coi chính trị, kể cả chính trị chính nghĩa, đều là trò bẩn thỉu nên trí thức phải tránh xa! Nhưng quả thực cũng phải công nhận với nhau rằng chính trị, kể cả chính trị tốt đẹp cũng là cuộc vật lộn rất trần tục. “Binh bất yếm trá” là việc binh không ngại trá hình thì chính trị còn tệ hại hơn, chính trị không phải là tháp ngà sang trọng cho Hàn lâm và Đạo đức. Ta không thể giống kẻ lưu manh vô học nhưng cũng đừng trí thức quá và sang trọng quá với chính trị!
– Cuối cùng xin đừng hy vọng nhiều quá vào thành công của dân chủ ở Hồng Kông. Chúng ta được khích lệ bởi Hoàng Chi Phong và biểu tình ở Hồng Kông là rất đúng, vì chuyện đảng cử dân bầu là trò hề ai cũng biết mà bấy lâu ta cứ phải cúi đầu chấp nhận, nay Hồng Kông huy động được quần chúng để phản đối quyết liệt thì khâm phục như một tấm gương là rất đúng. Nhưng cũng đừng đặt hy vọng quá nhiều. Làm được như vậy là do những ưu điểm và thuận lợi, bên cạnh nhân vật xuất chúng và phương pháp chính xác là cả một nền dân trí do Tư bản Anh để lại, trong đó dân trí rất quan trọng, đồng thời được cả thế giới ủng hộ, mà Bắc Kinh cũng khó đàn áp mạnh vì phải giữ uy tín và an toàn cho một vùng kinh tế đặc biệt. Với chừng ấy ưu điểm và thuận lợi, nhưng kết quả đạt được chắc cũng ở mức trung bình. Bắc Kinh không thể đàn áp như Thiên An Môn, nhưng Hồng Kông cũng chưa thể đạt những kết quả mà cuộc biểu tình đã đề ra. Trung Quốc chắc chắn không chấp nhận lãnh đạo Hồng Kông lại là một người của Dân chủ – Tự do, để rồi ảnh hưởng sẽ lan ra nhiều vùng khác và khắp Hoa lục.
Trong khi ở Việt Nam chúng ta, mặc dù có những cá nhân không thua kém gì Hoàng Chi Phong, nhưng không có được những thuận lợi đặc biệt như Hông Kong, thì kết quả còn nhiều thua kém là điều dễ hiểu. Được gây cảm hứng bởi Hồng Kông, học tập Hồng Kông, nói gương Hồng Kông… nhưng cũng không nên thần thánh hóa, biết chỗ còn yếu của mình nhưng không tự ty.
Tương lai thuộc về Dân chủ nhưng cứ phải tiếp tục kiên trì, và… kiên trì!
TQT: Xin cảm ơn TS Hà Sĩ Phu
(Video phỏng vấn: https://www.youtube.com/watch?v=G7R22WPxio4#t=17)
4/10/2014
Người phỏng vấn gửi BVN.