Trong cuộc biểu tình đáng kính trọng của người Hồng Kông trong cuộc đứng lên đòi quyền phổ thông đầu phiếu và đòi dân chủ, nhà nước cộng sản Trung Quốc sử dụng lại một chiêu bài cũ khi hô hoán rằng Hoàng Chi Phong (Josua Wong) là một sản phẩm kích động của phương Tây, bị xúi giục để gây mất ổn định cho đời sống bình yên tại Hồng Kông.
Tờ Văn Hối của Bắc Kinh, ngày 25 tháng 9, đã dành cả một trang để bôi nhọ Hoàng Chi Phong, và nhắc đi nhắc lại chàng trang 17 tuổi này là một sản phẩm của phương Tây, bị xúi giục, nghe lời bọn phản động để chống lại nhân dân. Tờ báo này kêu gọi 7 triệu người dân Hồng Kông hãy bình tĩnh để nhận thức đúng, không sa vào bẫy của bọn “phản động”.
Đáp lại những tố cáo bài bản này, vốn là bùa phép nằm lòng của giới cộng sản toàn thế giới, cuộc đấu tranh của người dân Hồng Kông lại bùng lên. Trong những hình ảnh mà chính giới kiểm duyệt chính trị Việt Nam cũng muốn ém nhẹm, người ta nhìn thấy có người già, trẻ em cùng tham gia cho nền dân chủ. Người Hồng Kông lo sợ cuộc đấu tranh này sớm chấm dứt nên đổ ra đường tiếp tế cho người đấu tranh mọi thứ, từ khăn nhúng nước, chanh, áo mưa, dù… để chống hơi cay rồi thực phẩm dồi dào đến mức giới sinh viên phải năn nỉ xin tạm dừng nhận tiếp tế vì sợ sẽ xả rác đầy đường phố.
Thế kỷ 21, giờ thì chẳng ai còn bỡ ngỡ với các chiêu bài tố cáo “bị kẻ xấu xúi giục” được phát đi từ các cấp chính quyền cộng sản. Bởi những giọng điệu này quen thuộc đến buồn nôn. Nó quen đến mức đôi khi tôi tự hỏi những người viết ra nó ở tờ Văn Hối, Trung Quốc hoặc những kẻ được lệnh cầm loa ở chợ Tân Bình, Việt Nam hối thúc giới tiểu thương bị cướp tài sản hãy mau trở về nhà “đừng nghe bọn xấu, bọn phản động xúi giục”, có bao giờ hối tiếc vì sự vô liêm sỉ của mình hay không?
Cả hai sự kiện này đều phát đi vào ngày 25 tháng 9/2014. Cộng sản Trung Quốc nói để huỷ diệt sức sống tự do của một phần quốc gia, còn ở Quận Tân Bình, chính quyền địa phương cố nói để bóp chết sức sống mưu sinh của đồng bào mình. Hai nơi, cùng ngày giờ, cùng diễn ra một bài lý luận bẻ cong sự thật rất đều nhịp như trong tình thầy trò, rộn ràng bỉ ổi khó tin.
300 tiểu thương ở chợ Tân Bình cực chẳng đã mới phải xuống đường để chống lại bạo cường và cướp bóc của chính quyền địa phương. Chỉ vì mưu lợi riêng, chính quyền ở đây đã quyết định đập đi ngôi chợ một cách vô lý, nhằm lấy đất xây lại, bán chỗ với giá cao hơn. Một người buôn bán ở đây nói họ đầu tư cả tỷ đồng để rồi biết chỉ được đền vài chục triệu. Sau đó lại phải mua chỗ với giá đầu tư từ đầu. Nếu bị nghe lời bọn xấu trục lợi “xúi giục” – thì chắc chắn chỉ có cẩu quan chứ không thể dân đen.
Buổi tối ngày 28 tháng 9, người Việt Nam quan tâm đến tình hình đòi dân chủ ở Hồng Kông đều biết đến các bản video của giới sinh viên Hồng Kông kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài. “Hãy lên tiếng cùng chúng tôi”, bản tin có thể làm trái tim người dồn dập đập vì lẽ phải, công lý bừng lên trong mình.
Ngày 28 tháng 9, người Việt được tường thuật rằng các tiểu thương chợ Tân Bình kêu gọi giúp đỡ, nhưng khẩu hiệu là “cụ Hồ vinh quang ơi, đảng vinh quang ơi hãy cứu chúng tôi”.
Có cái gì đó ngượng ngập, nhưng không thể không nói ở đây. Những người trẻ ở Hồng Kông kêu gọi mọi người giúp đỡ họ, còn những người ở chợ Tân Bình thì kêu gọi “cụ Hồ” và “đảng” cứu họ. Chẳng lẽ những người tiểu thương đó không biết rằng việc ký giấy xoá sổ chợ Tân Bình, xoá sổ chính họ là từ những đảng viên cấp cao của địa phương đó? Và “cụ Hồ” dù trong quá khứ là một lãnh tụ nhưng nay chỉ là tên gọi của một người quá vãng. Những người tiểu thương Việt Nam đang mộng mơ gì trong cuộc đấu tranh của họ?
Tôi thấy chỉ trong một đêm, cả thế giới dồn dập đưa tin về Hồng Kông như một cuộc tiếp sức khổng lồ. Giới trẻ Việt Nam cũng trong một đêm, không ai hẹn ai, bùng phát nhiều bản video thuyết minh lời kêu gọi của sinh viên Hồng Kông như một cách chia sẻ. Lời kêu gọi của những người tranh đấu thực tiễn đã đến đúng nơi.
Và tôi cũng nhìn thấy lời kêu cứu của những tiểu thương chợ Tân Bình, Việt Nam, như muôn ngàn cuộc đòi công lý khác – nếu cứ mộng mơ – rồi sẽ đi về đâu, kết cục là gì.
T.K.