Trường học ở đây thưa KTS Trần Huy Ánh!

Trong buổi lễ, các cháu phát biểu đầy xúc động chào mừng 1000 năm Thăng Long sắp đến, nhưng trong lịch sử 1000 năm ấy Thăng Long – Hà Nội đã làm gì để chào mừng các cháu? Hẳn khi định đô ở đất rồng bay nơi đây, Đức Lý Thái Tổ cũng không nghĩ 1000 năm sau, hậu duệ của Người phải xếp hàng tưởng nhớ mình dưới lòng đường như thế.

Sau khi bài viết Trường học, nhà trẻ ở đâu trong bản Quy hoạch HN? của KTS Trần Huy Ánh được đăng tải trên chuyên trang Tuần Việt Nam, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi từ phía độc giả và các phụ huynh.

Và chúng tôi đã sớm có câu trả lời cho câu hỏi của KTS Trần Huy Ánh: Trường học nhà trẻ hiện nay là ở dưới lòng đường, trên gác xép, trong các khe hẻm phố chật chội hoặc núp dưới các tòa nhà cao tầng.

Vỉa hè không đủ rộng cho đội nhạc, Ảnh Website Tiểu học Bà Triệu
Vỉa hè không đủ rộng cho đội nhạc, Ảnh Website Tiểu học Bà Triệu

Ngôi trường với những lễ khai giảng trên vỉa hè

Trường tiểu học Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là một ví dụ điển hình của các ngôi trường như thế. Trường đóng đô tại ngã tư Tô Hiến Thành – Bùi Thị Xuân, khu phố trung tâm có lưu lượng người qua lại lớn. Tiếng ồn và khói bụi là “nỗi niềm” chung của tất cả người dân phố thị, đương nhiên các cháu không ngoại lệ.

Trường được đóng đô tại một biệt thự Pháp cổ với các phòng họp hẹp và tối. Văn phòng đồng thời là nơi làm việc của các giáo viên tại một phòng hẹp tầng một. Trường hoàn toàn không có sân và hành lang rộng. Giờ ra chơi, học sinh giải lao tại chỗ. Mỗi lần có dịp lễ lạt hội họp, cô trò toàn trường lại tập trung ở… vỉa hè.

Phóng viên Tuần Việt Nam đã từng chứng kiến một buổi tập duyệt văn nghệ của trường. Mấy chục học sinh lớp 4 nhốn nháo trên vỉa hè hẹp, các học sinh nam đùa nghịch xô đẩy nhau xuống lòng đường, nơi ô tô xe máy đang phóng vùn vụt trong khi cô giáo đang bận rộn việc khác.

Phóng viên quá lo sợ cho tính mạng các cháu đã phải chạy vào trường đề nghị các cô quản lý chặt các cháu, hoặc đưa các cháu vào lớp. Các cô phân bua vì trường quá chật và hứa sẽ xử lý ngay. Tâm sự của các cô có thể hiểu được, nhưng mọi chuyện đều có thể xảy ra trong một tích tắc.

Chặn đường phố để cô trò… múa hát

Ngày 8/4/2010, phóng viên có ghi lại được cảnh cô trò Trường tiểu học Bà Triệu tổ chức Lễ chào mừng 1000 năm Thăng Long. Sân khấu và nơi thầy cô và đại biểu được bố trí trên vỉa hè, còn toàn bộ học sinh ngồi dưới… lòng đường. Hai đầu tuyến phố được công an chặn đường bảo vệ.

Buổi lễ được diễn ra, chương trình tối giản tuyệt đối ngắn gọn với màn phát biểu, văn nghệ chào mừng và trao giải thưởng cho các học sinh có thành tích. Sau màn múa tập thể… tại chỗ, học sinh nhanh chóng được giải tán để trả đường phố cho người đi đường.

Ảnh Website Tiểu học Bà Triệu
Ảnh Website Tiểu học Bà Triệu

Nhìn cảnh đó, người viết bài không khỏi cám cảnh thương các cháu. Niềm vui tuổi thơ hầu như bị  “cắt gọt” tuyệt đối, làm sao những kí ức đẹp đẽ được chắp cánh từ những ‘ngày hội’ vội vã như thế.

Trong buổi lễ, các cháu phát biểu đầy xúc động chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sắp đến, nhưng trong lịch sử 1000 năm ấy Thăng Long – Hà Nội đã làm những gì để chào mừng các cháu? Hẳn khi định đô ở đất rồng bay nơi đây,  Đức Lý Thái Tổ cũng không nghĩ 1000 năm sau, hậu duệ của Người phải xếp hàng tưởng nhớ mình dưới lòng đường như thế.

KTS Trần Huy Ánh hỏi trường học nhà trẻ ở đâu trong quy hoạch Hà Nội 30 – 50 năm nữa. Người viết bài cũng băn khoăn tự hỏi, những nhà quy hoạch đưa ra những ý tưởng thật cao vời, những tòa nhà thật đẹp đẽ, những khu vui chơi sinh thái thật xa xỉ, những khu dịch vụ thật văn minh. Một ‘Great Hà Nội’ đáng mơ ước trong tương lai.

Nhưng trường học nhà trẻ ở đâu trong cái ‘Hà Nội tuyệt diệu’ của tưong lai ấy?

Nguồn:

http://www.tuanvietnam.net/2010-04-09-truong-hoc-o-day-thua-kts-tran-huy-anh

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.