Nước nhỏ, nước to, nước lớn

Vĩnh Nguyên, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế

Tạp chí Cửa Biển thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng số tháng 5/2014 có in bài “Thơ ngỏ gửi Liên Hợp Quốc” của nhà thơ Thi Hoàng:

           Trung Quốc là nước to

           Chứ không phải là nước lớn

           Bởi to và tham nên để phần xác ăn mất phần hồn

Nước không hồn sao gọi là nước lớn

           Họ càng mạnh giàu, càng hành xử du côn

 

           Hãy đuổi họ ra khỏi thường trực Hội đồng Bảo an

           Họ đâu có bảo an

           Mà chỉ gây bất an cho nhiều quốc gia, khu vực

           Chỉ thích dạy cho láng giềng bài học?

           Bài học tối tăm từ chính trị cường quyền

           Cũng có lúc người hiền lành kiềm chế trước thằng điên

           Khổ nỗi đây là thằng điên muốn quản lý thế giới

           Việc họ làm dường như vả vào mồm họ nói

           Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 họ cũng nhổ vào

           Bãi nước bọt to đùng như cái lưỡi bò chín đoạn

           Làm sao Trung Quốc, một nước thường đi quấy rối phá đám

           Lại là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (?!)

           Chỉ kẻ cục súc mới cậy to cậy khỏe làm tàng

           Giá lại xẻ nó ra như xưa thành Ngô, Tề, Ngụy, Sở…

           Hãy đuổi họ ra khỏi thường trực Hội đồng Bảo an

           Thay vào đó là một nước châu Á khác

           Như Nhật Bản chẳng hạn, có thể yên tâm hơn với quốc gia này.

 

           Biết thừa đây là bài thơ (có thể) đúng chứ chưa hay

           Muốn hay thì lại phải chờ ở… Liên Hợp Quốc.

5/2014

 

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhà thơ Thi Hoàng trước câu hỏi và trả lời này: Trung Quốc là nước to. Nước to bởi họ đất rộng, người đông. Nhưng người đông mà chơi bẩn, hành xử côn đồ, luôn hăm dọa sẽ có nhiều vụ như Thiên An Môn; 1.000 quả tên lửa nhằm Đài Loan; bày trò lưỡi bò 9 đoạn; in lại bản đồ Trung Quốc hình dọc để chiếm trọn Biển Đông… Không tôn trọng luật pháp quốc tế, tư tưởng kiêu ngạo muốn cai quản thế giới, thì sẽ bị thế giới  khinh bỉ coi thường. Như thế, Trung Quốc đâu còn là nước to mà có khi tụt xuống nước nhỏ. Còn nước lớn là nước văn minh, nhân đạo, tôn trọng luật pháp trong nước và quốc tế, liên minh, hợp tác giúp đỡ nước khác thoát nghèo, không xâm lấn đất đai nước khác…

Nhật Bản có thể gọi là nước lớn. Bởi họ đã nhận ra sai lầm quá khứ, đánh trận Trân Châu Cảng để nhận lãnh hai trái bom nguyên tử (1945), hai thành phố tan nát đau thương. Họ đã xóa chuyện cũ mà hướng về nước Mỹ văn minh, dân chủ, tự do. Từ khi Washington đọc Tuyên ngôn độc lập (1776) đến nay chỉ mới 238 năm mà nước Mỹ có nền khoa học công nghệ cao nhất thế giới. Nhật Bản đã hợp tác, liên minh với Mỹ về quốc phòng, kinh tế, công nghệ nên Nhật Bản đến nay đã vươn lên nhì hoặc ba thế giới.

Miến Điện đâu phải nước to. Nhưng tầm nhìn của họ đã biến chuyển lớn. Miến Điện đã ký hợp đồng với Trung Quốc (4/2011) xây dựng đường sắt Côn Minh (Vân Nam) – thị trấn Kyankpyu thuộc bang Rakkhine (Miến Điện) dài 1.200 km do Trung Quốc đầu tư 20 tỉ đôla. Thuận lợi: giao thông thông thương xuống phương Nam, đến vùng biển Andaman vịnh Bengal của Ấn Độ Dương, thì tuyến đường sắt này có lợi cho hàng hóa Trung Quốc khỏi phải đi vòng qua các nước Đông Nam Á để đến Trung Quốc. Nhưng ngày 22/7/2014, báo chí Miến Điện đưa tin: Miến Điện đã hủy bỏ hợp đồng này với Trung Quốc. Lý do: Để bảo vệ môi trường và tôn trọng nguyện vọng của nhân dân địa phương vì tuyến đường sắt sẽ đảo lộn cuộc sống của họ.

Cọng hòa Chad là quốc gia Trung Phi (11 triệu dân), giáp với các nước Niger, Nigeria, Libya, Sudan, là nước có nguồn dầu khí, uranium rất lớn. Cộng hòa Chad vừa quyết định rút giấy phép và phạt tập đoàn dầu khí CNPC của Trung Quốc 1,2 tỷ USD vì vi phạm luật môi trường. Cộng hòa Chad còn cử người đâm đơn sang Paris để kiện công ty Trung Quốc này ra một tòa án thương mại ở Pháp nếu phía Trung Quốc tiếp tục từ chối trả tiền phạt.

Hai ví dụ trên để nói rằng, Miến Điện và Chad đâu phải đông dân, đâu phải nước to, nhưng họ có tư tưởng tiến bộ, dũng cảm không chịu lép vế trước nước to vì nền độc lập, tự chủ của họ.

Về ta, “Nước Việt Nam là của người Việt Nam”, với ý thức tự chủ tự cường ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Tuyên ngôn độc lập năm 1945 có lấy ý từ tuyên ngôn đầu tiên về quyền con người của Washington (1776) và bản tuyên ngôn về nhân quyền của Pháp (1789). Mục đích của Cụ Hồ muốn đưa dân tộc Việt Nam hướng tới nền văn minh phương Tây, là tầm vươn tới nước lớn. Còn việc Mỹ sang giúp Việt Nam Cộng hòa là để diệt Cộng sản chứ đâu phải diệt nhân dân Việt Nam. Diệt Cộng là bởi Luận cương của Mác nói “Chủ nghĩa cộng sản sẽ đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”, nhiều đồng chí của Mác đã bị thủ tiêu. Mác đã nhận ra sai lầm và sửa chữa ngay: Chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Tư bản song hành bên nhau để cùng xây dựng một thế giới tươi đẹp, văn minh (bản 2). Mác mất, Enghen tiếp tục thực hiện Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (bản 2 sửa đổi) 12 năm nữa. Tuyên ngôn bản 1 là bản nháp. Nhưng bản nháp (của người Đức) sang Nga kết hợp với “Vấn đề về nông dân” của Lênin mà thành Chủ nghĩa Mác – Lênin, lãnh đạo cuộc Cách mạng tháng Mười Nga (1917) đẫm máu và thành công. Vì sai lầm hệ thống, chủ nghĩa Cộng sản Nga và các nước Đông Âu sụp đổ sau 75 năm để dựng lên thể chế Cộng hòa theo hướng tư bản.

Từ việc diệt Cộng, trước thế cờ “cân não”, Mỹ mới cho không quân đánh phá miền Bắc… Nhưng Hồ Chủ tịch đã biết trước cuộc leo thang bắn phá là rất nguy hại, nên đã tuyên bố: Dù thành phố Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh khác có thể bị tàn phá, nhưng nhân dân Việt Nam quyết không sợ, không có gì quý hơn độc lập và tự do. Đến ngày thắng lợi, ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn… Người còn nói, đại ý: Nước Việt Nam có sánh bằng các cường quốc năm châu được hay không? Thì, các cụm từ “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh bằng các cường quốc năm châu” là tư tưởng: Việt Nam phải tiến lên nước lớn. Hồ Chủ tịch từng nói: Dân ta phải học sử ta. Sử ta là lịch sử của một dân tộc quật cường qua từng thời đại từ Đinh – Lê, Lý – Trần, Lê – Nguyễn, và những tấm gương kiệt hiệt xuất chúng: Lê Hoàn, Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp (thắng hai đế quốc to). Và nhiều gương anh hùng tuẫn tiết khác đã cùng Dân tộc Việt Nam mở ra trang sử oai hùng để tiến tới nước to, nước lớn.

Hiệp định Paris năm 1954 rút ra 4 bài học lớn, mà bài học lớn thứ nhất là cảnh giác thì ta đã thua xa thời Lê Hoàn. Lê Hoàn bảo sứ Tống rằng: “Sau này có quốc thư thì nên cho giao nhận ở ngay đầu địa giới, đừng phiền sứ thần đến đây nữa”. Vua Tống chấp nhận. Từ đấy nhân dân ta không phải khó nhọc về việc đón tiếp sứ Tống mang quốc thư sang nữa (sách Cố Đô Hoa Lư của Nguyễn Văn Trò). Lê Hoàn đã cảnh giác cao độ, sứ Tống mang quốc thư sang tận Hoa Lư là còn làm gián điệp (?). Nay thì ta cho người Tàu nuôi cá ở Vũng Rô, họ đo độ sâu, vẽ bản đồ, làm tình báo. Sao ta ngu ngơ đến vậy? Rồi còn bauxite, rồi còn Vũng Áng…

Sự kiện cửa khẩu Bắc Phong Sinh (18/4/2014) mới tệ hại làm sao! Ô tô mang biển số BKS 43S-5325 chở người Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc vượt biên trái phép. Trạm kiểm sát Quảng Đức (Quảng Ninh) quá kém không bắt xe dừng lại được. Nó chạy vượt xa trạm kiểm sát 22 km. Lúc xe dừng, 16 người trên xe được chuyển sang xe số BKS 17B 000 32 do Vũ Đình Hùng điều khiển đưa trở lại đồn biên phòng Quảng Đức xử lý vụ việc thì, một người Duy Ngô Nhĩ đã cướp súng AK bắn chết hai sĩ quan biên phòng của ta. Nghe tiếng súng, lính Trung Quốc đồng phục rằn ri tràn sang. Lính Trung Quốc lăm lăm tay súng sẵn sàng. Còn bên ta, lính không súng, có anh đội mũ cối chắp tay sau đít (báo Quân Đội Nhân Dân, thứ bảy 19/4/2014 nội dung dài và kỹ hơn). Những hình ảnh trên không còn thể hiện chủ quyền lãnh thổ, quyền tài phán phép nước kỷ cương, không còn quân lệnh như sơn, nó thể hiện sự bệ rạc, yếu hèn của thứ nước nhược tiểu.

Sau ngày Hồ Chủ tịch mất, nhiều vị tự xưng “học trò” của Hồ Chủ tịch, nhưng nói một đàng làm một nẻo, đưa Đảng lên trên Dân tộc rồi chui vào Hội nghị Thành Đô (1990), bỏ ngày lễ Quốc khánh 2/9 để ký tá chuyện mờ ám với Trung Quốc là yếu thế, là phản lại tư tưởng hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ là đường lối xuyên suốt của Hồ Chủ tịch.

Các vị nói rất hay, các bài viết sẵn cho các vị đọc rất kêu là để đánh lừa dân chứ các vị chỉ nói mà không làm. Cứ ti vi: Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời. Sao không làm ngược lại: Bộ trưởng hỏi – Dân trả lời. Vậy người dân tôi xin trả lời điều mà các vị nói nhưng không làm, như: Kê khai tài sản từ trên xuống. Các vị xướng lên đã mấy chục năm, nhưng đánh trống bỏ dùi. Tại sao? Tại: Chân mình những lấm bê bê/ Nỡ nào cầm đuốc mà rê chân người! Các vị đã nhúng chàm nên mới che chắn cho nhau tham nhũng. Nghị quyết Trung ương 4, vũ khí phê tự phê không dám nói thẳng nói thật, cứ loanh quanh đồng chí X, đồng chí Y, rồi người đứng đầu còn khóc mếu mủi lòng (!) là rất nực cười trước công chúng.

Năm 2006 Nguyễn Tấn Dũng lên chức Thủ tướng (Trưởng ban chống tham nhũng) đã nói trước quốc dân đồng bào: “Không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức”. Tham nhũng là kẻ hủy diệt tâm hồn, vật chất của đất nước vẫn tràn lan, các nhóm lợi ích xà xẻo đất nước ngày càng tệ hại hơn, xương sống của đất nước đang oằn, ông đâu có từ chức? Kẻ viết bài này xin đề xuất mấy việc:

1. Vị nào có vàng tấn và 1 đến 2 tỉ đôla đang gửi ngân hàng nước ngoài thì nên đem về nhập vào tiền đóng thuế với dân để mua tàu ngầm chống giặc Biển Đông. Tin cho hay: Triều Tiên nhiều tàu ngầm nhất thế giới: 78 chiếc, Mỹ 72 chiếc, Trung Quốc 69 chiếc… Cha ông ta nói: Đời cha cha máy, đời cáy cáy đào. Con cái các vị cậy vào danh các vị nên nhà cửa, lương bổng đã đề huề, thì của nả lớn đến vậy gửi ở nước ngoài mà làm gì? Kinh Phật dạy: Ngựa xe không mang theo được kia mà. Năm 1962, vào quân đội, tôi học chính trị đến giờ vẫn nhớ một  điều: Lương của Chủ tịch nước gấp 10 lần người hưởng bậc lương thấp nhất. Thì thử hỏi, các vị xoáy đâu ra vàng và đôla nhiều như vậy? Các vị không thể hạ cánh an toàn được đâu. Nhân dân sẽ đứng lên đòi lại để sung vào công quỹ.

2. Nhiều luật, thông tri rất lơ mơ: Bày ra 10% hiếu hỉ, lại quả cho bên A các công trình xây dựng, là tạo ra gian dối của các lợi ích nhóm. Phải hủy bỏ ngay chủ trương này. Nhiều công trình xây dựng (đường bộ chẳng hạn) mới làm năm trước, năm sau đã hư hỏng, tại sao Quốc hội không ra Luật bảo hành các công trình xây dựng? Vì không có Luật bảo hành nên các nhóm đấu thầu đã làm dối công trình, làm đi làm lại để ăn tiền dân! Cấp thiết phải ra Luật bảo hành các công trình xây dựng cơ bản.

3. Hiến pháp có nói đến biểu tình, nhưng Quốc hội không ra luật, để tình báo Hoa Nam nó ra “luật” trước: nó cho đoàn người trương cờ, phản đối giàn khoan HD 981, đả đảo Tàu, vòng qua vòng lại trước các nhà máy, nhưng bên trong nó đã thuê người đập phá, hủy hoại tài sản của ta, cho kinh tế ta mạt rệp đi… Đấy, nó hiểm thế đấy. Việc biểu tình là văn minh, tự do dân chủ của thế giới: Nhà nước có một thông điệp hay, một chủ trương đúng, một Bộ luật khoa học, người dân đi biểu tình cổ vũ hoan nghênh những điều hay – lẽ phải mới mẻ của quốc gia trước Đại sứ quán, trước các lãnh sự quán để cho thế giới được biết. Hoặc khi đất nước bị quân ngoại bang xâm lấn lãnh thổ, hải phận của Tổ quốc, thiệt hại đến con người và tài sản quốc gia, người dân đi biểu tình, rất đàng hoàng, rất ôn hòa để phản đối việc làm trái pháp luật kia là thể hiện cho thế giới được biết sức mạnh của dân tộc Việt Nam ta. Đất nước nào đề ra được những bộ luật khoa học, nghiêm cẩn, hợp lòng dân, đất nước ấy thường là nước to, nước lớn.

4. Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13, giàn khoan HD 981 của Tàu như pháo đài lừng lững trước thềm nhà ta, chúng cho tàu chiến, máy bay cản trở tàu kiểm ngư của ta tiếp cận HD 981 để làm nhiệm vụ chấp pháp. Người dân thấy các đại biểu Quốc hội mạn đàm sôi nổi ở các tổ, lên án sự ngang ngược, vi phạm Luật biển Quốc tế của Tàu, và người dân trông chờ Quốc hội ra bản tuyên bố phản đối Trung Quốc về hành động này, nhưng đã hụt hẫng vì Quốc hội im lặng. (Sau đó có lời nói từ lãnh đạo Quốc hội, rằng: Cái giàn khoan HD 981 là chưa đủ căng!). Than ôi, cờ Tổ quốc ta quân Tàu chặt ném xuống biển, húc tàu đánh cá ngư dân Đà Nẵng chìm, bắt ngư dân ta về giam ở bên Tàu. Tàu kéo, tàu hải giám Trung Quốc húc hỏng tàu kiểm ngư của ta 29 lần. Thế mà chưa đủ căng sao? Chính các vị không phản đối sự hung bạo của kẻ khác là các vị kéo nước ta xuống vị thế nhược tiểu.

5. Các vị không minh bạch hóa nội dung Hội nghị Thành Đô, lấy lý do lý trấu “bí mật” này nọ, cho sự việc kia là của các vị tiền nhiệm. Không thể được. Các vị đang trách nhiệm gánh vác giang sơn, thì, vì dân tộc trường tồn, các vị nên làm như hành xử của vua Bảo Đại: Tuyên cáo xóa bỏ Hiệp ước Pa-tơ-nốt (Jules Patenôtre) 1884. Hiệp ước Pa-tơ-nốt gồm 19 khoản, lập tại triều đình nhà Nguyễn tại Huế, thì khoản Một là bao trùm lên tất cả. Xin tóm tắt khoản Một: “Nước An Nam thừa nhận quyền bảo hộ và cai trị của nước Pháp” là coi như đã khai tử An Nam. Vua Bảo Đại ngày 7/4/1945 đã ký Tuyên hủy Hiệp ước Pa-tơ-nốt cho cả thế giới được biết. Lý do: Hiệp ước Pa-tơ-nốt không còn giá trị với dân tộc Việt Nam. Vua Bảo Đại làm được thì các vị cũng làm được. Chủ tịch nước hoặc Quốc hội phải ra tuyên cáo hủy bỏ công hàm Phạm Văn Đồng (1958), vì thời đoạn ấy quần đảo Hoàng Sa, thuộc Việt Nam Cộng hòa quản lý, Phạm Văn Đồng ký thư phúc đáp đồng thuận là sai, ông Đồng không đủ thẩm quyền lại vi hiến Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và cũng tuyên cáo hủy bỏ toàn bộ nội dung Hội nghị Thành Đô (1990) của hai phía của những người tiền nhiệm lúc đó đã ký, nhưng bây giờ, nó không còn giá trị với bản chất, tinh thần, ý chí của dân tộc Việt Nam. Đó là tư tưởng của nước lớn.

6. Tiếp theo hai bản tuyên cáo hủy bỏ Công hàm Phạm Văn Đồng và Hội nghị Thành Đô, các vị tiếp đâm đơn kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về việc đòi lại chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm năm 1974 và năm 1988.

Các vị mất uy tín với dân quá nhiều rồi, nay các vị hãy vì dân tộc Việt thì các vị còn gì phải sợ. Các vị hãy dũng cảm lên, kiện Trung Quốc là cơ hội cho gương mặt của các vị còn đứng trước dân, lãnh đạo dân. Không còn con đường nào khác là con đường làm theo Tư tưởng đoàn kết dân tộc, dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đảng lần thứ 12 sắp tới phải lấy lại tên nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam. Học kinh nghiệm Nhật Bản mà liên minh, hợp tác với các nước Tây phương khoa học, tiến bộ mà “thoát Á” để tiến lên nước lớn Việt Nam hiện đại, dân chủ, văn minh.

 

Huế, 22/8/2014

V. N.

Tác giả gửi BVN

 

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.