Vị trí giai cấp công nhân trong nền văn minh công nghiệp

Mác sáng tạo cái thước rất tổng hợp để đo trình độ xã hội

Con người – sau nhiều triệu năm sống hoang dã (kiếm sống bằng khai thác những gì sẵn có trong thiên nhiên) bước vào kỷ nguyên văn minh mới được 8 hay 10 ngàn năm. Hái lượm, săn bắt được thay bằng trồng trọt, chăn nuôi. Sớm nhìn ra cái nền kinh tế của mọi xã hội, Mác đã đưa ra khái niệm “phương thức sản xuất”, từ đó dẫn đến khái niệm rộng hơn: Các hình thái kinh tế-xã hội (trong đó có chế độ chính trị). Cho tới lúc đó (cách nay đã 150 năm) đây là cái thước tổng quát nhất để đo trình độ và xếp hạng các xã hội đã có. Và cũng để Mác dự đoán xã hội tương lai.

– Một cách vắn tắt, phương thức sản xuất gồm: 1- lực lượng sản xuất là cách con người tác động vào thiên nhiên để tạo ra sản phẩm; nó đo trình độ khoa học, kỹ thuật của một xã hội. 2- quan hệ sản xuất là cách phân phối sản phẩm giữa người với người; nó đo sự tiến bộ về chế độ chính trị của xã hội đó.

– Lực lượng sản xuất cứ lớn lên nhờ sự tích lũy tri thức (không nhờ đấu tranh giai cấp)  và khi lớn đủ mức, nó phá vỡ quan hệ sản xuất cũ (chật chội) để kiến tạo quan hệ sản xuất mới (rộng rãi hơn) – tạo ra sự phân phối công bằng hơn. Sự sắp xếp của Mác khá ổn với lịch sử các xã hội châu Âu, nhưng ông lúng túng khi xếp loai “phương thức sản xuất châu Á”. Té ra, cái mà chúng ta vẫn gọi là chế độ phong kiến (ở Tàu, Ai Cập, Nga, Iraq, Việt…) lại bị Mác coi là “lạc hậu hơn cả chế độ nô lệ ở châu Âu” (xem dưới).

Mác nêu những cái đã có, để… dự đoán cái sẽ có

– Cái đã có:

– Phương thức sản xuất (PTSX) cộng sản nguyên thủy. Dài hàng triệu năm; con người sống hoang dã (hái lượm, săn bắt). Sau đó, bước chập chững vào kỷ nguyên văn minh.

PTSX châu Á: Xuất hiện từ 5-10 ngàn năm trước, nhưng phát triển rất chậm, do vậy tới thế kỷ 19, 20 mà vẫn chưa thể chuyển nổi sang một phương thức mới. Mác tỏ ra lúng túng khi xếp PTSX này thấp hơn PTSX nô lệ ở châu Âu. Nhưng, quả thật, xã hội nông nghiệp châu Á trì trệ tới mức năm 1861, dân Nga vẫn sống dưới chế độ nông nô; còn Việt Nam, đến 1945 nông dân vẫn chiếm 95% dân số. Đây là những nước được coi (hài hước) là tiến lên CNXH từ PTSX châu Á (!).

– PTSX nô lệ. Đất đai, nô lệ đều thuộc sở hữu của chủ nô. Nhưng dân tự do vẫn rất đông đảo. Đã xuất hiện các nhà khoa học lớn.

– PTSX phong kiến. Nô lệ thành nông dân, có quyền “sử dụng đất” và nộp sản phẩm theo mức “khoán”. Theo Mác, đó là thành quả đấu tranh của nô lệ với giai cấp chủ nô.

– PTSX tư bản. Đặc trưng bằng sản xuất hàng hóa và bóc lột giá trị thặng dư do công nhân làm ra. Mác cho rằng công nhân là “nhân tố mới”, đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, xứng đáng lãnh đạo cách mạng giải phóng bản thân, giải phóng toàn xã hội.

– Cái sẽ phải có:

– PTSX XHCN và CSCN. Tất yếu sẽ sinh ra, và sinh ra nhờ bạo lực cách mạng.

Khái niệm làn sóng văn minh: Một thứ thước mới, để đo trình độ xã hội

Sau thời kỳ hoang dã, loài người sống bằng lao động nông nghiệp. Do vậy, các châu thổ phì nhiêu ở châu Á là điều kiện để xuất hiện rất sớm nhiều nền văn minh mới. Mỗi nền văn minh này có những nét đặc trưng riêng, đã được mô tả khá đầy đủ. Khái niệm “nền văn minh” do vậy không mới. Cái mới, cái cách mạng, là khái niệm “làn sóng văn minh” do Alvin Toffler đề xuất (1980) trong tác phẩm Làn sóng thứ ba 1980 (đã được NXB Thông Tin – Lý Luận dịch ra tiếng Việt; có thể đọc miễn phí trên mạng). Đây là khái niệm vừa nêu được sự chuyển động, vừa tổng hợp. Nó bao gồm cả khái niệm phương thức sản xuất của Mác. Đã có sự so sánh, giống như Vật Lý hiện đại của Einstein không phủ định Vật Lý cổ điển của Newton, mà bao trùm lên nó, sau khi sửa chữa, bổ sung nó.

Ví dụ, Mác đã phân tích kỹ ba chế độ xã hội: Nô lệ, Phong kiến và “châu Á”. Phân tích rất cần, nhưng tổng hợp càng cần. Alvin Toffler đã gộp cả 3 xã hội nói trên vào nền văn minh nông nghiệp, với những đặc điểm chung cho cả ba. Chính cái thước đo càng bao quát, càng tổng hợp, sẽ dự báo càng chính xác xu thế thời đại. Vậy thì, 3 làn sóng văn minh đã và sẽ tác động lên xã hội, là: Nông Nghiệp, Công NghiệpTrí Tuệ.

– Làn sóng văn minh nông nghiệp bắt đầu xô vào xã hội cách nay 9-10 ngàn năm, mạnh dần, rồi tới lúc bị thay thế.

– Đến thế kỷ 17-18, làn sóng văn minh công nghiệp bắt đầu xuất hiện và lan rộng. Giữa thế kỷ XX làn sóng này dần dần nhường chỗ cho làn sóng thứ ba.

Đó là nói chung. Thực tế, đến nay vẫn có những bộ lạc chưa biết trồng trọt. Thế kỷ 20 vẫn có những nước, như Trung, Việt, Triều, Lào (phương thức châu Á) còn bị làn sóng văn minh nông nghiệp trùm lên mênh mang. Giai cấp công nhân ở đó chưa ra “hình hài con người” nhưng đã bị quàng lên cổ cái “sứ mệnh lãnh đạo” (!).

– Tới năm 1956, khi thống kê cho thấy ở Hoa Kỳ số lượng người lao động mặc áo cổ trắng đã vượt số lượng người mặc áo cổ xanh. Đó là thời điểm mở đầu nói lên làn sóng thứ ba: Văn minh trí tuệ.

Xã hội tiến hóa bằng tích lũy tri thức

Khi nói về lật đổ giai cấp cầm quyền, ta dễ nghĩ đến đấu tranh giai cấp. Nhưng khi biết rằng các nền văn minh sẽ thay thế nhau, ta phải nghĩ tới vai trò tri thức. Alvin Toffler trong tác phẩm Thăng trầm quyền lực đã ít nhiều đề cập: Tích lũy tri thức là động lực lớn nhất, mạnh nhất để xã hội tiến hóa.

Đọc tác phẩm này, người ta thấy thuở xa xưa, quyền lực dựa vào sức mạnh bạo lực. Chế độ nô lệ, phong kiến, thực dân, phát xít… là ví dụ. Tiếp đó, quyền lực dựa vào tiền. Dân chủ đã lan rộng; các nước tư bản khôn ngoan (tri thức) đã kịp thời trao trả độc lập cho thuộc địa, để thay bằng đầu tư vào đó, kiếm lợi nhuận. Đến nay, quyền lực đang chuyển sang tri thức. Dân tộc nào làm chủ tri thức sẽ có quyền lực trong toàn cầu hóa và bang giao quốc tế. Cai trị bằng bưng bít thông tin (ngu dân) trước sau đều không bền. Nhà XB Chính Trị QG đã ấn hành cuốn Quyềnlực tri thức trong tư tưởng chính trị của Alvin Toffler (2013) của các tác giả Việt nam.

Một ví dụ về vai trò tri thức trong tiến hóa xã hội. Những người Macxit cho rằng: Xã hội nô lệ tiến lên xã hội phong kiến là nhờ nô lệ đấu tranh (chống sự áp bức của chủ nô). Chả phải. Chẳng có cuộc khời nghĩa nào của nô lệ thực hiện được cái mục tiêu tưởng tượng đó. Sự thật là, một số chủ nô (đồng thời là các nhà quản lý tài ba) thấy rằng cưỡng bức cách mấy thì năng suất cũng chỉ đạt tới hạn. Họ bèn giao cho nô lệ “quyền sử dụng đất” và “khoán” sản lượng. Năng suất tăng vùn vụt ngay. Thế là chế độ nô lệ diễn biến hòa bình sang phong kiến, chủ nô thành vua quan, nông nô thành nông dân…

Vị trí nông dân trong nền văn minh nông nghiệp

Đến nay, đã quá rõ. Đông đảo nhất, nhưng chẳng qua là những người lao động thủ công trên đất đai (kể cả chặt tre đan rổ, hoặc trồng bông dệt vải). Họ chỉ là lao động phổ thông của một xã hội trình độ thấp. Họ phải dành phần lớn thời gian và công sức cho kiếm sống. Để tăng thu nhập, họ có thể trau dồi kỹ năng và rút ra kinh nghiệm. Khi bị áp bức, họ có thể đấu tranh, kể cả đổ máu. Nếu khởi nghĩa thành công, lãnh tụ lại lên làm vua (như Thạch Sanh, Nguyễn Huệ). Tóm lại, nông dân vun đắp xã hội nông nghiệp, nhưng không bao giờ tự họ có thể thoát khỏi xã hội đó. Việc ra khỏi văn minh nông nghiệp để bước lên văn minh công nghiệp, không phải là sứ mệnh họ.

“Sứ mệnh” giai cấp công nhân trong nền văn minh công nghiệp

Những gì nói ở trên giúp ta hiểu vai trò công nhân trong thời đại công nghiệp hóa và bước đầu xuất hiện văn minh hậu công nghiệp.

Mác nói: giai cấp công nhân là “yếu tố mới” trong chế độ tư bản. Đúng tuyệt đối. Nhưng chỉ “mới” nếu so với thời phong kiến. Giai cấp này sẽ rất “cũ” khi văn minh công nghiệp đạt trình độ cao. Khi sản xuất được tự động hóa mạnh mẽ, giai cấp công nhân “cổ điển” sẽ teo lại; nhân công thừa sẽ chuyển sang làm dịch vụ để kiếm sống.

Mác còn nói: họ đại diện cho sức sản xuất tiên tiến; do vậy đây là giai cấp cách mạng – sẽ tự giải phóng mình và giải phóng toàn xã hội. Sự thật, công nhân chỉ là lực lượng lao động phổ thông, đông đảo nhất của xã hội công nghiệp (có lúc chiếm 60% lao động ở Mỹ). Công nhân có thể tăng cường độ lao động hoặc nâng cao tay nghề để tăng thu nhập; còn chế tạo máy móc là việc khác hẳn.

Không nên quàng lên cổ giai cấp công nhân cái “sứ mệnh” kiến tạo nền văn minh tri thức. Làm sao họ kham nổi?

Cũng không nên vu vạ cho công nhân vai trò lãnh đạo. Oan cho họ. Ai dám nói, thảm trạng xã hội nước ta hiện nay là do “sự lãnh đạo” (kém cỏi) của giai cấp công nhân Việt Nam? Họ đang là nạn nhân, đâu có làm gì nên tội? Lãnh đạo quái gì, khi chính họ đang bị “bọn” tư bản bóc lột và bị “chúng” coi khinh như mẻ?

N.N.L

Tác giả gửi BXVN

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.