Luật sư Trần Đình Triển nói Thông tư 28 có thể không phải do quyết định từ Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang
Hội thảo của đoàn luật sư TP Hà Nội về một thông tư của Bộ Công an bị hủy sau khi cơ quan quản lý hội trường thông báo “có sự can thiệp” từ bộ này.
Thông tư 28, được ban hành ngày 7/7, quy định về công tác điều tra hình sự trong công an nhân dân và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 25/8.
Tuy nhiên, quy định trong thông tư về việc cho phép điều tra viên lập biên bản luật sư nếu có sai phạm đã gây nhiều ý kiến phản đối từ giới luật sư trong nước.
Trả lời BBC ngày 19/8, Luật sư Trần Đình Triển, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết ban quản lý hội trường ở số 1, Liễu Giai hôm 15/8 đã đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê mặt bằng ngay trước ngày diễn ra hội thảo.
“Họ nói rằng họ cương quyết không cho thuê nữa vì có sự can thiệp bên Bộ Công an”, ông nói.
“Tôi đã yêu cầu họ trả lời bằng văn bản, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được”.
“Nhưng tôi tin chắc rằng có thể có áp lực nào đó vì đoàn luật sư Hà Nội lâu nay vẫn thuê hội trường này”.
“Thông tư trái pháp luật”
“Không thể vì lợi ích cục bộ hay quyền lợi của một nhóm nào đó mà đưa ra một văn bản cản trở lợi ích của dân tộc, của Nhà nước, của Đảng”
Luật sư Trần Đình Triển
Theo luật sư Triển, Thông tư 28 của Bộ Công an là một văn bản “trái pháp luật”.
“Văn bản của một Bộ đưa ra trong đó đặt điều tra viên lên trên luật sư là không được,” ông nói.
“Đây là một văn bản trái pháp luật, không phù hợp với luật thực định và thực tiễn”.
“Không thể vì lợi ích cục bộ hay quyền lợi của một nhóm nào đó mà đưa ra một văn bản cản trở lợi ích của dân tộc, của Nhà nước, của Đảng,” ông nhận định.
Ông Triển cho rằng thông tư này “không phải của Bộ trưởng Trần Đại Quang mà do cấp dưới nào đó làm mà không có ý kiến của bộ trưởng”.
“Việc hội thảo bị dừng lại gây bức xúc trong xã hội và dù báo chính thống không đăng nhưng lại lan tỏa trên mạng xã hội, rất mất uy tín”.
“Hội thảo của các nhà khoa học, các luật sư, chỉ mang ý nghĩa nội bộ, không có phá đám hay phá rối mà người ta lo sợ rồi ngăn cản như vậy thì theo tôi về góc độ nghiệp vụ là sự dốt nát, ấu trĩ.”
“Dễ bị lạm dụng”
Trước đó, trong bài viết gửi cho BBC hôm 12/8, Luật sư Ngô Ngọc Trai từ Hà Nội cho rằng Thông tư 28 “sẽ dẫn đến sự lạm dụng gây bất lợi cho luật sư khi hành nghề”.
“Trong tố tụng hình sự có thể nói luật sư bào chữa là bên đối trọng với điều tra viên, đứng ở hai phía đối lập nhau mà lại trao quyền cho một bên được quyền nhận định phán xét bên kia đúng sai thì làm sao công tâm khách quan được,” ông viết.
Ông Trai cho rằng việc lập biên bản, “bản thân nó là một sự cản trở không phù hợp với Luật luật sư đã quy định nghiêm cấm cơ quan tổ chức cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư.”
“Đây là tệ trạng đã được nói đến nhiều không có gì mới, vấn đề là giới luật sư nắm luật và làm cái nghề bảo vệ người khác thì phải thấy được quy định trong Thông tư 28 đã sai và phải có trách nhiệm lên tiếng”.
“Luật sư còn không bảo vệ được quyền lợi cho mình thì còn bảo vệ được cho ai?” ông nhận định.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/08/140819_public_security_lawyer_meeting.shtml