Theo sách, chủ nghĩa cộng sản là làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Ở nước ta hiện nay, rất nhiều người đã làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, thậm chí làm dưới năng lực mà hưởng trên nhu cầu. Đó là các quan chức, càng cao càng sống đầy đủ sự sung sướng của chủ nghĩa cộng sản.
Làm theo năng lực hoặc dưới năng lực thì đã rõ. Nhiều đại biểu quốc hội thừa nhận, có chừng 30-40% quan chức làm việc dưới năng lực. Cũng có người cho là chỉ khoảng 10-15% quan chức làm việc kém. Còn người dân đã phải làm việc với các quan chức thì đánh giá, hầu hết không biết làm việc và vô trách nhiệm.
Nóng dư luận hiện nay chuyện buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề tại Hà Nội, hàng trăm trẻ em và người già được nuôi dưỡng chục năm rồi, mà chính quyền các cấp dường như chẳng biết gì cả. Hoặc biết mà không quan tâm. Hoặc có quan tâm nhưng thoảng qua mà không có bất cứ động thái gì giúp đỡ. Nay mới phê phán là cơ sở nuôi dưỡng thiếu giấy nọ giấy kia. Quan chức nước ta được đào tạo cái lối chỉ biết ngồi chờ dân đến xin và phán cho hay không (mọi việc cả làm ăn, múa hát), chứ không biết sống với dân để chủ động phục vụ dân. Nên nhiều người nói, quan chức nước ta được đào tạo từ HV mà không phải HV nên hư hỏng từ trong trứng, nghĩa là được đào tạo từ Học viện (Mác Lê, Chính trị…) chứ không phải từ đại học Harvard.
Còn hưởng theo nhu cầu hoặc cao hơn nhu cầu, cũng rất rõ. Làm quan càng to muốn gì được nấy. Muốn biệt thự hoành tráng bên Hồ Tây là có, muốn lấy vợ của người khác cũng được, lấy bồ của con trai làm vợ cũng xong. Làm quan từ cấp tỉnh trở lên, mấy ai không có biệt thự, xe hơi? Nghỉ hưu rồi, xây biệt thự dễ như chơi. Quan bé ở gần tôi, có anh sỹ quan công an cấp phường, khi xây nhà, khoe vật liệu có người chở đến cho, cả cánh cổng sắt. Còn ông phó bí thư cao hơn anh sỹ quan công an phường hai cấp chính quyền, được tiếng trong sạch, dè đâu hay đến doanh nghiệp xin tiền, khi 200 triệu, khi 300 triệu đồng. Khốn khổ một công ty cổ phần bến xe (cổ phần từ quốc doanh nên vẫn độc quyền) cho ông ta rồi, mua hoá đơn đỏ ngoài vỉa hè để hợp thức hoá, bị phát hiện nhưng ông ta quay lưng, phải chạy vạy đủ đường may lĩnh án treo.
Chẳng những được hưởng quá nhu cầu của bản thân họ, còn cho con cháu và người hầu kẻ hạ. Ở mọi địa phương và lên đến trung ương, ai cũng có thể dễ dàng chỉ ra con cháu ông nọ bà kia còn trẻ đã được đặt vào những cái ghế bổng lộc béo bở. Rồi cận vệ, thư ký và cả nhân tình khối vị cũng được cất nhắc lên làm lãnh đạo.
Có vài vị cán bộ to nói với tôi, cấp dưới nhiều người không làm việc, chỉ ngồi nhìn ngó kiếm ăn và gây chuyện nhưng muốn kỷ luật mà không được. Ở địa phương, chưa kỷ luật đã có điện thoại của mấy vị cựu uỷ viên thường vụ gọi đến, còn trên trung ương thì cựu uỷ viên bộ chính trị. Nghỉ hưu rồi mà các vị còn sướng thế, muốn đi đâu được xe đưa rước, của ngon vật lạ bưng tận miệng, còn có quyền bảo vệ (bao che) đám đệ tử làm ăn không ra gì.
Nên mới có cô luật sư xinh đẹp khoe, đã biếu được ông D. viên kim cương lớn. Có anh cán bộ tuyên giáo lấy làm hãnh diện, có mặt trong tiệc sinh nhật cháu của ông T. Lại có một toà soạn báo ngành nọ, tết vừa rồi, xin được đứng ra lo tiệc tất niên ở nhà vị lãnh đạo ngành, cạnh tranh với nhiều tổng công ty và được chọn, mừng như bắt được vàng, từ tổng biên tập trở xuống kéo cả vợ chồng con cái đến nhà lãnh đạo lo tiệc “vui hơn tết”. Được mọi tầng lớp quan chức cung phụng, đáp ứng đủ thứ thứ nhu cầu lớn bé, các các quan chức làm sao không sướng như đã đến chủ nghĩa cộng sản?
Chuyện làm ăn đi đứng của quan chức, mấy hôm nay thiên hạ bàn nhiều về chuyến đi Mỹ của ông Phạm Quang Nghị. Trước hết, bàn nhiều ở việc ông tặng quà. Theo báo Tiền Phong ngày 3/8/2014, bài “Một tuần công du nước Mỹ của ông Phạm Quang Nghị”, ông Nghị tặng ông John McCain tấm ảnh chụp nơi ông John McCain bị bắt năm 1967 ở hồ Trúc Bạch, được gọi là “món quà độc đáo”. Về giá trị, ý nghĩa cũng như hình thức món quà này, đã có rất nhiều bàn luận, tôi không dám góp lời, chỉ nghĩ: chẳng lẽ Hà Nội không có món quà nào ĐẸP hơn tấm ảnh, cho ông Bí thư Thành uỷ Hà Nội đi tặng ông Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain? Việt Nam không có món quà nào ĐẸP hơn để mang sang Mỹ hay sao? Tôi lại tự hỏi: nếu sang Trung Quốc ông Nghị có dám mang tấm ảnh chụp Gò Đống Đa làm quà tặng không? Nếu sang Pháp, sang Nhật ông Nghị có mang quà là những tấm ảnh chụp các địa điểm dân ta đã bắt lính Pháp, lính Nhật làm tù binh hay không?
Tấm ảnh trên báo Tiền Phong được chú thích “Ông John McCain nhận món quà từ ông Phạm Quang Nghị”.
Trong phép ngoại giao, hình như kỵ nhất là những hành vi dù vô tình hạ thấp người nói chuyện. Nâng cao mình bằng cách hạ thấp người khác là lối tư duy của tiểu nhân. Quan hệ quốc gia dù có muốn hạ thấp xuống thành chuyện “gia đình” như Đại tướng Phùng Quang Thanh thì cũng cấm kỵ hành vi hạ thấp người khác. Trong bàn nhậu bổ bã nhất, người biết uống rượu không bao giờ xúc phạm bạn nhậu.
Cũng tờ báo Tiền Phong còn cho biết ông Nghị có tặng quà khác nữa (không rõ tặng ai): “Nghe nói ông đã tặng quà là bình gốm Chu Đậu? À, đúng là có tặng những bình gốm Chu Đậu, làm theo mẫu mã của bình gốm đang được trưng bày tại Viện bảo tàng ở Thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Bây giờ làng gốm Chu Đậu và Mỹ Xá đã khôi phục lại được phương pháp chế tác gốm men rạn những tưởng đã bị thất truyền. Món quà này bạn rất thích. Tôi nói vui rằng, đây là đặc phẩm cổ truyền của Việt Nam, nhưng giá của nó rất mềm. Các vị không phải khai báo với Bộ Tài chính đâu. Tuy nhiên nếu cất giữ đồ này một trăm năm nữa sẽ là cổ vật, khi đó sẽ đắt giá lắm đấy”.
Cổ kim chưa nghe ai đi tặng quà lại đề cập đến giá trị bằng tiền chi tiết như thế, còn bảo cất giữ “sẽ đắt giá lắm đấy” như giọng con buôn đồ cổ. Tôi chỉ có thể mượn câu nói dân gian mà bình luận, vì HV chứ không phải HV!
Bỏ qua chuyện quà cáp, chuyến đi Mỹ của ông Nghị trong bối cảnh hiện nay, tiêu tốn tiền của dân mà dân không tiếc là hy vọng ông làm được việc có lợi cho nước nhà trong cuộc chống chọi với sự xâm lấn của Trung Quốc. Cũng bài phỏng vấn trên tờ báo Tiền Phong viết: “Ngoài những vấn đề bên lề cuộc gặp, hai người chắc là có nói đến chuyện biển Đông? Chuyện biển Đông, chuyện giàn khoan HD981 của Trung Quốc, báo chí, dư luận cả trong nước, thế giới và chính giới Mỹ nói sôi sùng sục, sao lại không nói? Nhưng mà, ngài Thượng Nghị sỹ Mỹ đã đề cập ra sao? (Cười) Thông tấn xã Việt Nam đã nói rồi, “đó là những vấn đề hai bên cùng quan tâm”. Các anh đừng có tò mò!”.
Ông Phạm Quang Nghị đi Mỹ về và trả lời sự chờ đợi của dân như thế! Phóng viên của một tờ báo là đại diện cho độc giả của họ, một bộ phận dân tộc, cũng chính vì thế mà có tư cách hỏi ông Nghị và ông Nghị phải trả lời. Nhưng ông Nghị trả lời như thế, không những dốt, còn hỗn. Còn phóng viên báo Tiền Phong, Xuân Ba-Lê Thọ Bình, chẳng biết một hay hai người, mang tư cách đại diện cho độc giả Tiền Phong mà sau khi nghe ông Nghị trả lời như thế, lại nói thế này: “Vậy thì xin chuyển sang chuyện khác”.
Buồn chán vô cùng, dù biết các ông đã được sống với chủ nghĩa cộng sản, và HV chứ không phải HV.
Ngày 6/8/2014
Q.D.
Tác giả gửi BVN