Nhìn lại HD 981: Dự tính và trói buộc

Nguyễn Phú Trọng gặp Tập Cận Bình

Nguyễn Phú Trọng gặp Tập Cận Bình

(VNTB) Giàn khoan HD 981 được mang trái phép vào vùng biển của Việt Nam cho đến khi tạm di chuyển đã 76 ngày, nhiều biến động xã hội, nhiều điều người ta giấu kín dần bị lộ sáng.

Trước khi kéo HD 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhà cầm quyền Trung Quốc đã có hàng loạt các động thái gây hấn thăm dò thái độ của chính phủ Việt Nam, từ việc cấm đánh bắt cá, cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh, bắt ngư dân đòi tiền chuộc nhưng chính phủ Việt Nam vẫn im lặng hoặc cực chẳng đã phải lên tiếng một cách yếu ớt. Những cuộc biểu tình phản đối của nhân dân yêu nước trước các hành vi của Trung Quốc đã bị đàn áp mạnh mẽ từ các lực lượng công an, an ninh. Tất cả đã làm cho những người cầm quyền ở Bắc Kinh yên trí khi đi nước cờ HD 981. Họ đinh ninh rằng với sự yếm thế nhu nhược của những người lãnh đạo trong chính phủ Việt Nam hiện tại mọi sự sẽ êm thuận, các cột mốc trên biển sẽ hình thành mau chóng xác lập ranh giới đường 9 đoạn trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Không nằm trong dự tính

Nhưng có những thứ không nằm trong dự tính của Bắc Kinh. Trước hiểm họa xâm lăng, toàn dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng hướng về biển đảo. Chỉ hơn hai tháng, cả xã hội Việt Nam rùng rùng chuyển động, người Việt bắt đầu nhìn nhận lại nhiều giá trị, nhiều chứng cứ lịch sử được bạch hóa và xem xét dưới các góc nhìn.

Trước khi có HD 981, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, người Trung Quốc có ở khắp các vị trí trọng điểm, hầu hết người Trung Quốc trúng thầu các công trình kinh tế lớn, như con tằm ăn lá dâu dần dần lặng lẽ. Việt Nam đã và đang bị xâm lược, bị gặm nhấm, nhưng tất cả vẫn im lặng vô cảm. Số ít những cá nhân tâm huyết lên tiếng lại bị vùi dập bằng chặn đường sinh kế, bị đe dọa bằng các bản án với các điều luật 78, 258.

Nhưng sau khi HD 981 như giọt nước làm tràn ly, tất cả người dân Việt bừng tỉnh, không còn thái độ thờ ơ mặc kệ “đảng và nhà nước lo”. Những cảnh báo được gióng lên khắp mọi nơi, sự nhu nhược yếu hèn của những người lãnh đạo chính phủ Việt Nam bị công khai chỉ trích từ cả những người dân e dè nhất. Những vấn đề được coi là nhạy cảm như công thư 1958 của ông Phạm Văn Đồng, cuộc chiến giữ Hoàng Sa của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, sự hy sinh của những chiến sỹ ở đảo Gạc Ma, bản đồ và sách giáo khoa địa lý của học sinh miền Bắc 1974, và cả các chứng cứ về chủ quyền khác là câu chuyện thường thấy ở các quán quán cà phê, các hàng nước chè vỉa hè, và cả ở các hội thảo nghiêm túc. Người dân có ý thức hơn trong vấn đề thoát Trung cho dù họ vẫn bị bó buộc bởi một chính phủ với não trạng nửa tỉnh nửa thức.

Sự kiện Bình Dương, Vũng Áng càng làm cho nhân dân Việt Nam nhận rõ hơn nguy cơ phá hoại của những người Trung Quốc đội lốt lao động để đục nước béo cò, và sự cảnh giác càng nâng cao hơn khi Formosa đòi lập đặc khu kinh tế tự trị. Cao nhất của sự cảnh tỉnh là vụ tự thiêu của Phật tử Lê Thị Tuyết Mai ở thành phố Sài Gòn để phản đối hành vi xâm lược của Trung Quốc.

Còn chính phủ Việt Nam?

Về phía chính phủ Việt Nam, HD 981 đã cho họ một cơ hội lớn để quy tụ lòng dân, củng cố quyền lãnh đạo và tăng cường sức lực gìn giữ non sông. Song những nhà lãnh đạo trong chính phủ đã đánh mất cơ hội bằng vàng này. Vẫn những mập mờ trong đối ngoại, vẫn bưng bít đàn áp trong đối nội, ngư dân vẫn không có được một biện pháp bảo vệ hữu hiệu nào. Và điều đáng xấu hổ nhất để nói về Biển Đông là đại biểu quốc hội phải cướp diễn đàn. Cuối cùng một nghị quyết về Biển Đông cũng có được nhưng lại là… của Quốc hội Hoa Kỳ.

Trong khi giàn khoan HD 981  di chuyển sâu hơn vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, ông đại sứ Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc lại phát ngôn :”Việt Nam sẵn sàng xem xét những khả năng hợp tác với Trung Quốc trong hoạt động thăm dò dầu mỏ trên Biển Đông…”.

Không có gì để nói về những người được coi là đại diện của dân nữa. Giờ đây bất kỳ một người Việt Nam nào đều hiểu sâu sắc rằng: “muốn giữ được toàn vẹn lãnh thổ, muốn cường thịnh phải thay đổi, phải bỏ đi những rào cản bảo thủ trì trệ và sự níu kéo mơ hồ vào một tình hữu nghị viển vông trói buộc cả dân tộc này tiến bước theo sự phát triển của thế giới văn minh”.

Không còn bị trói buộc

Về phản ứng của cộng đồng quốc tế, dù có tính trước, Trung Quốc cũng không thể ngờ phản ứng mạnh mẽ của quốc tế trước sự kiện HD 981. Phản ứng làm Trung Quốc bực bội nhất là người Nhật thông qua việc sửa đổi hiến pháp, và người Mỹ công khai thái độ phản đối Trung Quốc đối với các vấn đề trên biển. Giờ đây các nước đi chiến lược của Trung Quốc sẽ khó khăn hơn nhiều và họ sẽ trả đũa cho sự cay cú của họ bằng những gây hấn ngày càng tăng trên vùng biển Việt Nam, nhất là khi họ không quá lo lắng về sự nhu nhược của chính Việt Nam. Các ngư dân sắp tới có thể sẽ bị bắt, bị thu ngư cụ, bị húc chìm tàu và cao hơn có thể sẽ đổ máu mà không được bảo vệ kịp thời. Nguy cơ mất biển và đối mặt với một cuộc chiến tranh không quy ước của nhân dân ta càng tăng lên rõ rệt.

Thời khắc lịch sử của dân tộc đang đến gần. Những đổi thay tính bằng ngày, bằng giờ, và điều quan trọng nhất sự đổi thay đó đến từ nhiều hướng, nhiều yếu tố không còn bị trói buộc vào một hướng duy nhất nữa.

Nhưng trong “nguy” có ” cơ”, một xã hội dân sự ngày càng rõ rệt, biểu hiện dễ thấy nhất là sự bàn luận sôi nổi về hiện tình đất nước của người dân ở khắp nơi trong cuộc sống đời thường và ở các diễn đàn xã hội. Yếu tố e dè sợ hãi dần mất đi, thay vào đó là chính kiến rõ ràng hơn về tương lai và phát triển của dân tộc.

Dù sao HD 981 cũng đã có tác dụng, một tác dụng không hề mong muốn của Tập Cận Bình và những cái đầu ở Bắc Kinh.

P.M.T

Nguồn: ijavn.org

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.