Ngày 18 tháng 3 năm 2014, người H’Mông biểu tình đòi trả tự do cho ông Thào Quán Mua, bị xét xử theo điều 258. Ảnh: SBTN.
(VNTB) – Chính thể Trung Quốc vẫn ngày càng trượt sâu xuống hố mộ phần do họ tự đào. Tiếp theo hành động của quan chức Hán đòi lột khăn che mạng của phụ nữ Tân Cương ngay trong nhà của sắc tộc thiểu số này, hành động của Bắc Kinh cấm người Duy Ngô Nhĩ nhịn ăn trong tháng chay Ramadan là một xúc phạm lớn thứ hai đối với đạo Hồi.
Tất cả những vụ việc gây xáo động về nhân phẩm ấy lại xảy ra ngay vào lúc Trung Quốc mở cuộc tấn công giàn khoan vào khu vực Biển Đông của Việt Nam. Hẳn nhiên, nếu với khu tự trị Tân Cương mà Bắc Kinh còn đối xử thô bạo như vậy, chuyện Tập Cận Bình không thèm tiếp lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam để “thương lượng về cuộc xung đột giàn khoan HD 981” cũng là điều hết sức dễ hiểu.
“Chính quyền trên nòng súng”
Hầu như không rút ra bài học đáng giá nào từ sau các vụ bạo động liên tục từ hàng chục năm qua tại vùng tự trị Tân Cương, chính quyền Bắc Kinh chỉ luôn tìm cách đàn áp và đàn áp. “Chính quyền trên nòng súng” – như một “trước tác bất hủ” của Mao Trạch Đông, đã lưu truyền lại cho các đời chính khách kế thừa cho đến tận ngày nay.
Người Ngô Duy Nhĩ ở Tân cương bị nhà cầm quyền Trung quốc đàn áp.
Một trong những phương châm đàn áp thô thiển nhất và cũng thô bạo nhất là nhắm vào các tập tục tôn giáo và dân tộc. Những gì khiến chính quyền ngứa mắt và cảm thấy bị đụng chạm quyền lực đều cần phải dẹp bỏ. Cảm xúc tôn giáo luôn phải xếp sau “hiến pháp và pháp luật”.
Tất nhiên hành động lộ khăn che mặt và cấm nhịn ăn đã vấp phải sự phản ứng ghê gớm từ phía cộng đồng Hồi giáo. Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, làn sóng khủng bố của các lực lượng Hồi giáo đã nổi lên ở Tân Cương và cả Tây Tạng, gây ra cái chết của hàng chục cảnh sát Trung Quốc. Khác hẳn với vài chục năm trước, bầu không khí Tân Cương và Tây Tạng giờ đây đã không còn bình yên mà luôn tiềm ẩn tia kích nổ.
Tình hình trên cũng khiến dư luận nhớ lại một vụ việc cách đây không lâu, chính quyền địa phương tại bốn tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Cạn đã phá bỏ nhà tang của người H’Mông, với lý do đơn giản là sắc dân thiểu số này đã thay đổi tục lệ chôn cất mà không xin phép chính quyền.
Trước đây, người H’Mông treo xác chết trong nhà rồi bày tiệc ra ăn uống với người chết trong 7 ngày, sau đó mới đem xác đi chôn không có hòm ván. Nhưng khi họ xây nhà tang chung, đưa quan tài vào để sạch sẽ và vệ sinh hơn, chính quyền địa phương lại đem quân đến phá nhà tang của họ, đánh đập, bắt bỏ tù họ và bắt họ trở lại phong tục cũ.
“Thoát Trung” hành vi
Đó là một nghịch lý không thể tưởng tượng nổi. Trong khi luôn bị Trung Quốc áp chế về nhiều mặt và còn đối mặt với nguy cơ bị Bắc thuộc thêm một lần nữa, giới chức lãnh đạo Hà Nội vẫn trung trinh với phương châm và phương pháp luận trấn áp tôn giáo và “đạo lạ” ở đất nước mình. Lối nhận thức cực kỳ ấu trĩ của “một bộ phận không nhỏ” quan chức tuyên giáo, dân vận và công an tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa, cùng hành động ấu trĩ không kém của họ, đang khiến dấy lên làn sóng phản ứng ngày càng quyết liệt của giới tín đồ các tôn giáo. Đáng chú ý, làn sóng đó đã không còn đơn lẻ của từng bộ phận tôn giáo, mà hòa quyện với nhau giữa các tôn giáo, trở thành mối kết tập “liên tôn” mà nhà nước Việt Nam rất thường e sợ.
Nhưng về phần giới học giả được xem là “cách mạng” nhất ở Việt Nam, lối hành xử hoang dã giữa “hai đảng anh em” đối với tín đồ tôn giáo vẫn chưa trở thành một khía cạnh thực tiễn được mổ xẻ. Lẽ đương nhiên, không thể “thoát Trung” một cách thực tế nếu quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là những triết thuyết mù mờ cùng vài khẩu hiệu trừu tượng.
“Thoát Trung” chỉ có thể mang tính thuyết phục đối với dân chúng nếu chủ thuyết này tiến vào những điều chỉnh cụ thể cho hành vi cầm quyền.
Hành động cần phải làm ngay là hãy làm cho giới chính khách điều hành Việt Nam ngộ ra rằng họ sẽ phải trả một cái giá đắt đến thế nào, nếu vẫn tiếp diễn hành vi xúc phạm các tôn giáo như cách thức mà “Bạn vàng” thường ngu ngốc.
T.S
Nguồn: ijavn.org