Về bài trả lời của Luật sư Nguyen Le-Ha

Kính thưa Luật sư Nguyen Le-Ha,

Cám ơn Luật sư đã trả lời các câu hỏi của tôi. Dĩ nhiên, khi những dòng chữ này được viết ra, có nghĩa là các câu trả lời của LS, với tôi là chưa được thỏa đáng.

1/ Trong câu hỏi 1 của tôi, về «tư cách pháp nhân», thì đương nhiên chỉ nhà nước CHXHCNVN hôm nay mới có tư cách pháp nhân để kiện về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu câu hỏi đặt ra như vậy (rồi thôi) thì hỏi chi cho mất công ?

Có thể cách đặt câu hỏi của tôi hơi phức tạp vì đưa ra nhiều dữ kiện (làm cho Luật sư rối trí), nhưng nếu chịu khó đọc hết thì sẽ biết tôi hỏi về cái gì ? Nội dung chính câu hỏi của tôi là ở chỗ :

«quốc gia CHXHCNVN hoàn toàn xa lạ với VNCH (là một quốc gia độc lập có chủ quyền, như lập luận của Luật sư), thì tư cách gì có thể kiện TQ về tranh chấp Hoàng Sa?»

Đến hôm nay, các học giả VN, cũng như Luật sư trong bài trả lời này, chưa ai giải thích được ổn thỏa câu hỏi: nhà nước CHXHCNVN đã kế thừa Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng hòa bằng cách nào?

Một số điều, nhân tiện đây, tôi bổ túc thêm để cho mọi người thấy vấn đề kế thừa Hoàng Sa sẽ lâm vào bế tắc, nếu VN hiện nay chủ trương hai thực thể chính trị VNCH và VNDCCH là hai quốc gia.

Mọi người cho rằng CP LTCHMNVN kế thừa Hoàng Sa từ VNCH. Tôi đặt vấn đề : làm sao chính phủ này có thể « kế thừa » một lãnh thổ đã bị mất ?

Theo quốc tế công pháp, từ đầu thế kỷ 20 đến nay, danh nghĩa chủ quyền lãnh thổ không thể thiết lập bằng phương cách sử dụng vũ lực. Tức là, nếu « quốc gia » VNCH không bị giải thể (hay được kế thừa), thì cho dầu TQ trên thực tế chiếm hữu được vùng lãnh thổ này, danh nghĩa chủ quyền của nó vẫn do VNCH nắm giữ.

Nhưng nếu VNCH bị giải thể, không có kế thừa, thì vùng lãnh thổ này sẽ mất vĩnh viễn vào tay TQ.

Theo tập quán quốc tế (về quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia), khi quốc gia có thay đổi chính thể do biến động chính trị (do đảo chánh, cách mạng …), hay một quốc gia mới được khai sinh (do thống nhất hai quốc gia hay hai vùng lãnh thổ, quốc gia ly khai…), nội hàm của «chủ quyền – souveraineté» thay đổi, việc kế thừa quốc gia sẽ phải đặt ra. CHXHCNVN nằm trong trường hợp này.

Điều 1 của Nghị quyết của LHQ cho biết ý nghĩa của việc «kế thừa quốc gia»:

«Sự kế thừa của quốc gia là sự thay thế quốc gia đó trong trách nhiệm về những quan hệ quốc tế liên quan đến lãnh thổ.»

CP LTCHMNVN, sau 1975, đã thể hiện những hành vi nào để kế thừa «danh nghĩa chủ quyền» Hoàng Sa từ «quốc gia» VNCH ?

Câu trả lời (thê lương) là không có điều gì cả ! Không có thủ tục bàn giao chính quyền thì không có kế thừa. VNCH bại trận, lãnh thổ do VNCH kiểm soát đơn thuần trở thành lãnh thổ của CHMNVN.

Thực thể MTGPMN trên thực tế chỉ là một sản phẩm chính trị của VNDCCH dựng lên nhằm thôn tính VNCH. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được khai sinh ngày 20-12-1960, theo nghị quyết của của Đại hội đảng toàn quốc lần thứ ba của đảng CSVN (lúc đó là đảng Lao Động), được đặt dưới sự lãnh đạo của bộ Chính trị đảng CSVN và Trung ương cục miền Nam. Dữ kiện này mọi người có thể vô Google đánh các chữ MTGPMN thì sẽ thấy kết quả. Tức dữ kiện này đã trở thành một «bằng chứng» pháp lý không thể phản bác: MTGPMN cũng như VNDCCH đều có chung một lãnh đạo.

CHXHCNVN thành hình do thống nhất hai «quốc gia» VNDCCH và CHMNVN. VNDCCH đã nhìn nhận HS và TS của TQ. Còn CHMNVN thì «im lặng» giới nghiêm! CHXHCNVN kế thừa cái gì ở Hoàng Sa từ VNCH?

Về vấn đề kế thừa VNCH, học giả Joële Nguyên Duy-Tân ([i]) có đặt vấn đề :

« La R.D.V.N. avait toujours nié théoriquement l’existence d’un Etat au Sud, en particulier celui de la R.V.N. La R.S.V.N. peut-elle succéder à une entité inexistante pour elle?

Tạm dịch: VNDCCH luôn cương quyết phủ nhận sự hiện hữu của một quốc gia ở miền Nam, tức VNCH. CHXHCNVN có thể kế thừa một thực thể mà họ đã quan niệm là không hiện hữu ?

Tài liệu thuộc Bộ Ngoại giao Pháp ([ii]), ngày 9-9-1978, cho thấy CHXHCNVN từ chối kế thừa di sản của Pháp (chuyển sang VNCH) :

A la suite de la disparition de la République du Sud VN, le nouveau gouvernement de VN n’a pas fait la déclaration indiquant qu’il entendait succéder aux traités des 16 Septembre 1954 et 16 Aout 1955, conclus entre la République française et l’ancien gouvernement Sud Vietnam. Il en résulte, conformément au principes du droit international actuel en matière de question du succestion d’Etat, que ces traités n’engagent plus le gouvernement actuel de VN et qu’il sont devenus caduc.

Tạm dịch: Tiếp theo sự biến mất của Cộng hòa miền Nam, chính phủ VN mới đã không ra tuyên bố cho biết họ kế thừa các hiệp ước 16-9-1954 và 16-8-1955, ký kết giữa Cộng hòa Pháp và chính phủ miền Nam VN cũ. Vì vậy, chiếu theo các nguyên tắc của luật quốc tế hiện thời về vấn đề kế thừa quốc gia, các hiệp ước này không còn ràng buộc chính phủ VN hiện thời và chúng trở thành vô giá trị.

Tức là, chiếu theo Công ước Vienne 1969 (và 1978) Luật về các điều ước quốc tế, quốc gia CNXHCNVN đã áp dụng «table rase», phủi sạch mọi kết ước của VNCH đã ký kết với các nước khác trong quá khứ. Những điều mà CHXHCNVN gọi là «kế thừa VNCH» sau này, như nợ các nước (được các học giả VN dẫn ra như là bằng chứng kế thừa VNCH), chỉ được thể hiện do sức ép của các nước liên hệ. Tức là, nếu các nước này không ép, việc gọi là kế thừa VNCH về các khoản nợ cũng sẽ không diễn ra.

Trong khi việc kế thừa là cần thiết, nhất là đối với danh nghĩa chủ quyền một vùng lãnh thổ đã mất, để sự hiện hữu thẩm quyền quốc gia trên vùng lãnh thổ đó được liên tục.

Điều 3 của Nghị quyết của LHQ cho biết về các vấn đề «liên tục quốc gia» :

«Sự liên tục của quốc gia có nghĩa là tính cách pháp nhân của quốc gia trong luật pháp quốc tế vẫn tồn tại bất chấp những thay đổi về lãnh thổ, dân số, hệ thống chính trị – pháp lý và quốc hiệu.»

Tức là muốn chứng minh VN hôm nay có «chủ quyền bất khả tranh biện» tại HS và TS, thì việc tiên quyết phải chứng minh là các chính quyền VN đã liên tục hành sử chủ quyền trên các vùng lãnh thổ này, bất kể các biến cố về chính trị, hay việc khai sanh ra một quốc gia VN mới.

Sau 1975, CP LTCHMNVN đã thể hiện các động thái nào để làm sáng tỏ lập trường của mình tại các vùng lãnh thổ có tranh chấp (với Trung Quốc) là Hoàng Sa và Trường Sa ?

Cũng như VNDCCH, là không có gì cả, tức im lặng.

Hai thực thể chính trị này có chung một lãnh đạo, vì thế không thể có hai lập trường. Theo tập quán quốc tế, sự «im lặng» (trong những trường hợp cần phải lên tiếng) là nhìn nhận thực tế (về pháp lý) đem lại do tình huống đó. Tình huống đó là TQ đã chiếm HS của VN bằng vũ lực, dưới lý do «giải phóng một vùng lãnh thổ do ngoại nhân chiếm đóng».

Điều nên biết, lập trường của Hoa Kỳ ([iii]), VNCH là một quốc gia bị giải thể :

The Republic of Viet Nam, both of a state and government, had ceased to exist in law or fact and the United States had not recognized any government as the sovereigh authority in the territory formerly known as South Viet Nam

Tạm dịch: Việt Nam cộng hòa, quốc gia và chính quyền, đã ngừng hiện hữu trên phương diện pháp lý và thực tế. Hoa Kỳ không công nhận bất kỳ nhà nước nào trên vùng lãnh thổ trước kia mang tên Nam Việt Nam.

Như vậy, trên nguyên tắc (nếu VNCH và VNDCCH là hai quốc gia), sau khi VNCH giải thể, không có kế thừa, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trở thành vô chủ.

Vì vậy phía TQ có lý khi đưa lập luận: «chưa bao giờ VN phản đối chủ quyền của TQ tại HS và TS». Thật vậy, từ lúc «khai sinh» 2-9-1945 cho đến khi thống nhất đất nước, VNDCCH có bao giờ lên tiếng khẳng định HS và TS là của VN ? TQ chỉ nhìn nhận có một quốc gia VN duy nhất, nhưng do phía VNDCCH là đại diện. Tất cả các tài liệu (pháp lý) chứng minh tính «effectivité – thể hiện thẩm quyền quốc gia» của quốc gia VN trên các vùng lãnh thổ HS và TS do CHXHCNVN đưa ra hôm nay, đều đến từ VNCH. Mà thực thể chính trị này TQ, cũng như VNDCCH, đã không nhìn nhận sự hiện hữu.

Vì vậy tôi cho rằng, khi nhìn nhận VNCH và VNDCCH là hai «quốc gia», thì VN đã mất (trên thực tế HS năm 1974), mất về danh nghĩa chủ quyền sau khi CHXHCNVN được khai sinh. VN hôm nay không có tư cách nào để chứng minh HS là một lãnh thổ có tranh chấp (chứ đừng mơ tưởng việc lấy lại HS).

Một góp ý nhỏ khác về công pháp quốc tế, khi Luật sư cho rằng: «các quốc gia liên bang (Etats fédérés) của Hoa Kỳ (État fédéral) cũng được coi như những quốc gia theo Công Pháp Quốc Tế mặc dù không có quyền đối ngoại và an ninh».

Xin thưa rằng điều này không đúng.

Đối tượng của quốc tế công pháp là những quốc gia (có chủ quyền – souveraineté). Thế nào là «chủ quyền – souveraineté»?

«Chủ quyền – souveraineté» được định nghĩa như là một «thẩm quyền tối thuợng, tuyệt đối và vô điều kiện», theo tư tưởng của cuộc Cách mạng Pháp 1789:

« Le principe de toute Souveraineté réside essentiellement dans la nation. Nul corps, nul individu ne peut exercer d’autorité qui n’en émane expressément »

Tạm dịch : Nguyên tắc của «chủ quyền » về bản thể là ở (trong lòng) dân tộc. Không có một chủ thể bất kỳ, một cá nhân nào có thể hành sử quyền hành mà không bắt nguồn một cách minh bạch từ đây.

« Chủ quyền – souveraineté », dưới chế độc độc tài thì do một «cá nhân» nắm giữ  còn trong một chế độc dân chủ thì «chủ quyền» thuộc về người dân.

Trên phương diện công pháp quốc tế, «chủ quyền – souveraineté» được hiểu như là sự độc lập của quốc gia trong việc bang giao với các quốc gia khác (phán quyết của trọng tài Max Huber, CIJ về tranh chấp đảo Palmas 4-4-1928).

Tôi thấy người Việt mình hay lẫn lộn «chủ quyền» với «quyền sở hữu – droit de propriété».

Chữ «quyền» trong «chủ quyền» không phải là «droit, right» của nhân quyền mà là «quyền» của quyền lực «pouvoir, power» : quyền lực tối thuợng. Quyền lực tối thuợng này có thể khai sinh ra «quyền sở hữu» cũng như «truất quyền sở hữu». Việc cấp đất, chứng nhận việc chuyển nhượng chủ quyền đất đai tại các nước, là thể hiện «chủ quyền lãnh thổ», tức quyền lực tối thượng, của nước này trên vùng lãnh thổ của họ. Thí dụ khác, trường hợp nhà nước Nhật quyết định quốc hữu hóa (mua lại) các đảo Senkaku, vốn của tư nhân. Hành vi «truất quyền tư hữu» (của người chủ) ở đây là nhằm để «khẳng định chủ quyền» của Nhật tại Senkaku. (Vì vậy TQ mới lên tiếng dữ dội sau việc này).

Do lẫn lộn «chủ quyền» với «quyền sở hữu» nên mới nảy sinh ra các quan niệm sai lầm «chủ quyền lãnh thổ thuộc về quốc gia» (như trường hợp các học giả nhóm Quĩ Nghiên cứu Biển Đông).

Cũng cần nói rõ thêm về ý nghĩa của «quốc gia» để biết rằng sự sai lầm của câu trên thật là lớn lao.

Từ «quốc gia» ở đây là dịch từ chữ «Etat». Theo tôi dịch như vậy là không chính xác so với nghĩa nguyên của từ «Etat».

«Etat», theo định nghĩa của quốc tế công pháp, là một hiện tượng xã hội chính trị, được cấu thành từ các yếu tố: lãnh thổ, dân chúng, một chính phủ và «có chủ quyền – souveraineté», tức là độc lập trong việc bang giao với các nước khác. «Etat», lý ra phải dịch là «nhà nước».

«Etat» không phải là một «thể nhân – personne physique» mà chỉ là một «pháp nhân – personne morale», do đó cần một thực thể (physique) để đại diện, đó là «gouvernement – chính phủ».

Người ta nói «chủ quyền lãnh thổ» là nói đến thẩm quyền của quốc gia trên vùng lãnh thổ đó chứ không phải nói đến «quốc gia – Etat» là sở hữu chủ của vùng lãnh thổ đó.

Khi cho rằng «chủ quyền lãnh thổ thuộc về quốc gia», trường hợp các vùng lãnh thổ tự trị, không phải là quốc gia (như Palestine) thì «chủ quyền» lãnh thổ » thuộc về ai ? Hay trường hợp các «quốc gia» trong «quốc gia liên bang», «chủ quyền lãnh thổ» thuộc về ai ?

Dĩ nhiên «chủ quyền» ở đây, là quyền lực tối thuợng của dân Palestine hay toàn thể các tiểu bang (cấu thành liên bang), phải thuộc về toàn dân.

Trở lại ý kiến của Luật sư :

«các quốc gia liên bang (Ếtats fédérés) của Hoa Kỳ (État fédéral) cũng được coi như những quốc gia theo Công Pháp Quốc Tế mặc dù không có quyền đối ngoại và an ninh».

Theo tôi là không đúng. Các «tiểu bang – Etat» của HK không phải là «đối tượng» của quốc tế công pháp. Đơn giản vì các tiểu bang này đã giao «chủ quyền», tức quyền lực tối thượng trên lãnh thổ, cho nhà nước liên bang. Các tiểu bang này không có độc lập (souveraineté) khi quan hệ với các quốc gia khác.

Có lẽ Luật sư lẫn lộn giữa việc cá nhân, tập đoàn quốc tế (hay chính quyền tiểu bang của một nhà nước liên bang) sử dụng tư pháp quốc tế để kiện một quốc gia nào đó, với quốc gia là «đối tượng» của quốc tế công pháp. Hai việc này thuộc về hai lãnh vực luật học hoàn toàn khác nhau.

2/ Về hiệu lực pháp lý của công hàm 1958. Theo tôi, mọi hình thức công nhận hiệu lực pháp lý của công hàm này, cho dù chỉ ở điểm hải phận 12 hải lý, cũng sẽ đưa VN vài tình thế nan giải. Vì vậy, ý kiến của tôi là phải phủ nhận một cách đơn giản (pure et simple), công hàm này.

Để hiểu rõ hơn ý nghĩa pháp lý của công hàm 1958, mình thử đặt giả thuyết rằng công hàm này không hiện hữu, thì Tuyên bố của TQ về lãnh thổ và hải phận 1958 có hiệu lực gì đối với VN hay không?

Tôi có bài viết ở đây, mọi người có thể đọc tham khảo.

Theo tôi, có hay không có công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng, thì VN cũng sẽ bị vướng «estoppel par acquiescement – estoppel by acquiscence».

Còn việc nếu nhìn nhận thêm hiệu lực 12 hải lý, thì VN sẽ bị hiệu quả của luật về thời hiệu, phải nhìn nhận hiệu lực vùng kinh tế độc quyền (ZEE) ở các đảo HS và TS.

3/ Đề nghị giải quyết vấn đề tranh chấp của tôi (trong bài trước) là :

(VN) Đệ đơn đề nghị Tòa Công lý Quốc tế (CIJ) tuyên bố một số điều :

–   Việc chiếm hữu một lãnh thổ bằng phương pháp vũ lực là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của LHQ.

–   Việc chiếm hữu các đảo ở Trường Sa (lập danh sách chi tiết các đảo) năm 1988 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.

–   Việc chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa tháng giêng năm 1974 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.

Tôi vẫn cho rằng ý kiến của tôi :

«Đây là một việc làm ít tốn kém, đáng lẽ không cần phải đưa ra một tổ hợp luật sư nào. Tuy nhiên, để nắm chắc phần thắng, đơn không bị bác do lỗi thủ tục, VN nên thông qua một tổ hợp luật sư chuyên môn ở HK.»

Là đúng.

Có lẽ Luật Sư đã lầm lẫn một vụ «kiện» ai đó (hay nước nào đó), như ý kiến của Luật Sư trong bài viết, với một vụ (không kiện ai hết) mà chỉ yêu cầu tòa «tuyên bố», (thực ra là «giải thích» và «tuyên bố») về các điều khoản trong các kết ước nền tảng của quốc tế.

Điều 36 của Tòa công lý Quốc tế ghi :

Article 36

1. La compétence de la Cour s’étend à toutes les affaires que les parties lui soumettront, ainsi qu’à tous les cas spécialement prévus dans la Charte des Nations Unies ou dans les traités et conventions en vigueur.

2. Les Etats parties au présent Statut pourront, à n’importe quel moment, déclarer reconnaître comme obligatoire de plein droit et sans convention spéciale, à l’égard de tout autre Etat acceptant la même obligation, la juridiction de la Cour sur tous les différends d’ordre juridique ayant pour objet :

a. l’interprétation d’un traité;

b. tout point de droit international;

Khoản 1 cho thấy Tòa chỉ xử nếu hai bên cùng đồng thuận nhìn nhận thẩm quyền của Tòa. Khoản 2, đoạn (a) và (b) : a) giải thích một kết ước ; b) tất cả các điểm của luật quốc tế.

Tức là việc yêu cầu Tòa CIJ giải thích một điều ước, hay một điều luật thuộc quốc tế công pháp, hoàn toàn thuộc về «quyền» của quốc gia VN và thẩm quyền của Tòa (nếu VN ra tuyên bố nhìn nhận thẩm quyền của Tòa. Hiệu lực của tuyên bố là tức thời).

Ở đây ta yêu cầu Tòa giải thích về điều gì ?

Tôi đã viết trong bài trước là :

«Các điều ước quốc tế liên quan gồm : Công ước Drago-Porter 1907, Hiến chương LHQ điều 2 khoản 4 ngày 26-6-1945, hay Tuyên bố của Đại hội đồng LHQ 18-11-1987.»

Theo các điều ước dẫn trên, việc chiếm hữu lãnh thổ bằng vũ lực là không được nhìn nhận chủ quyền.

Như vậy, các kết luận của LS :

«- a) Đơn kiện (Requête + mémoire): phải ghi đầy đủ nguyên đơn (Demandeur) hay bị đơn (Défendeur) cách trình bày phải theo đúng nội qui (règlemet) của Toà: mỗi sự kiện, mỗi luân cứ, mỗi ý tưởng phải được trình bày xúc tích rõ ràng chính xác, ăn khớp thứ tự lớp lang (ordonnés) trong một đoạn ngắn (paragraphe) và đánh số thứ tự 1, 2, 3…, (Répblique + contre-mémoire ) trong một khổ giấy và dòng chữ double…; trong phần mémoire hay contre-mémoire, ngoài các chứng cứ có phần gọi là cahier d’autorité (copies nguyên bản các án lệ viện dẫn, doctrine…).

Ơ đây tôi không nói tới các bên mise en cause, intervenats v.v… sẽ còn phức tạp hơn.

Tóm lại các đơn kiện và phản biện này chỉ là bước khởi đầu để Toà Án cũng như các bên biết mình muốn gì, muốn Toà án phân xử gì (vụ khiếu kiện Trung Quốccủa Philippines ra Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế về đường lưỡi bò đơn giản hơn nhiều so với vụ việc của Việt Nam mà đã hơn 3000 trang giấy).

Phần thứ hai dưới đây mới là phần quan trọng nhất có tính cách quyết định thắng hay thua vụ kiện.

– b) Tranh biện trong các phiên Tòa (Auditions)

– Căn cứ vào Đơn kiện (Requête + mémoire) của bên Nguyên đơn và bị đơn trả lời (réponse + contre-mémoire) và phản biện trả lời (réplique), các luật sư bắt đầu đưa ra từng sự kiện, từng chứng cứ, từng nhân chứng (témoins, agents, experts về géoghaphique, geophysique, cartographique…) ra thử thách (teste) để biết tính cách hư thực của mỗi sự kiện, luận cứ ghi trong mỗi đoạn (paragraphe) đã được đánh số thứ tự…»

Sẽ không ăn nhập gì với đề nghị của tôi hết. Đề nghị của tôi đâu có «kiện» ai ?.

Vì làm sao có thể kiện TQ, nếu phía này không ký nhận thẩm quyền của Tòa ? (Chưa nói đến các bảo lưu của họ lại LHQ về tranh chấp lãnh thổ).

Và cũng theo điều lệ của CIJ, bất kỳ một đại diện nào của quốc gia cũng có quyền ra biện luận trước Tòa, không cần phải là luật sư. (Những người nghiên cứu về luật, như giáo sư luật, thường được các quốc gia mời làm đại diện để trình bày các quan điểm của quốc gia. Những người này hiểu biết luật – và lịch sử, hơn các luật sư nhưng họ không biết về thủ tục tố tụng như luật sư). Do đó, ý kiến của tôi, đáng lẽ là không cần phải nhờ tới luật sư, như e rằng bị lỗi do thủ tục, nên nhờ một tổ hợp luật sư kinh nghiệm.

Về vấn đề «thủ tục – procédure», Luật sư viết :

«Là một luật sư chuyên nghiệp hơn 20 năm, tôi chưa hề thấy một vụ kiện quốc tế nào bị bác đơn kiện vì lỗi thủ tục. Một đứa con tôi luật sư khá nổi tiếng về các hồ sơ quốc tế của các toà án quốc tế cũng thấy vậy. Việc này chỉ xẩy ra các vụ kiện trong một quốc gia.»

Xin thưa với Luật sư, chỉ cần lên Google bấm các chữ «vices procédures – CIJ» thì sẽ thấy hiện lên bao nhiêu trường hợp.

Một giả thuyết để làm thí dụ, nếu bây giờ Luật sư đệ đơn lên CIJ kiện TQ về HS và TS, chắc chắn hồ sơ của LS sẽ bị bác, đơn giản vì lỗi thủ tục.

Đâu phải muốn kiện TQ là kiện đâu, thưa Luật sư ? TQ cũng có bảo lưu những vấn đề mà họ không muốn bị đưa ra Tòa phân xử. Đó là do từ quyền lực tối thuợng «souveraineté», cũng như sự độc lập của họ. TQ có thể tuyên bố rút ra khỏi Công ước 1982 về Biển mà không ai làm gì được họ. Trong khi, như đã viết, thì CIJ chỉ có hiệu lực nếu hai bên ký nhận thẩm quyền của Tòa. Nếu TQ không ký thì Luật sư làm gì được họ ? Kiện như vậy không phải «vice procédure – lỗi thủ tục» thì là gì?

Nếu không nhớ lầm, nhà nước VN đã từng nếm cay đắng, thua kiện, phải bồi thường cho các đối tượng vì «lỗi thủ tục», là không hiện diện trước Tòa khi bị triệu tập. (Vụ án về hãng hàng không VN thì phải).

Dẫn một thí dụ khác :

«LA HAYE, le 17 juin 2003. La Cour internationale de Justice (CIJ), organe judiciaire principal des Nations Unies, a rejeté aujourd’hui la demande en indication de mesure conservatoire présentée par la République du Congo en l’affaire relative à Certaines procédures pénales engagées en France (République du Congo c. France)»

Theo đó thì Tòa đã bác đơn của nước Cộng hòa Congo kiện nước Pháp (nguyên nhân vì lỗi thủ tục).

Tức là, việc «lỗi do thủ tục» là một điều có thật chứ không phải là không có. Có thể Luật sư (và gia đình) chưa đọc, hay chưa gặp các trường hợp này mà thôi.

Trân trọng kính chào Luật Sư Nguyen Le-Ha

Trương Nhân Tuấn

Tác giả gửi BVN


[i] Nguyen Duy Tan Joële. La représentation du Viet-Nam dans les institutions spécialisées. In: Annuaire français de droit international, volume 22, 1976. pp. 405-419. doi : 10.3406/afdi.1976.1996http://www.persee.fr/web/revues/home/prescript/article/afdi_0066-3085_1976_num_22_1_1996

[ii] Conrad G. Buhler, sdd, tr 107.

[iii] Conrad G. Buhler, in State Succession and Membership in International Organisations – Legal Theories versus Political Pragmatism, tr94-103…sdd, tr 107.

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.