Quốc hội Việt nam thường “nhất trí cao”
(VNTB) – “Bà con cử tri khen ngợi sự thể hiện bản lĩnh của Quốc hội về biển Đông, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phát biểu khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kỳ họp Quốc hội thứ 7 vừa qua, tại phiên họp sáng 16/7” – báo chí nhà nước đưa tin.
Ý chí AQ
Thật khó có lời nào để lột tả về thái độ AQ của giới quan chức quốc hội như trên, ngay sau sự kiện Bắc Kinh đột ngột rút giàn khoan HD 981 khỏi vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông. Điều được dân gian luôn xem là “ý chí tự sướng” như thế lại được đặc trưng cho nhân vật AQ trong tác phẩm kinh điển của nhà văn Lỗ Tấn trong lịch sử Trung Quốc. Một phần lớn, nếu không muốn nói là toàn bộ ý chí của gần 500 đại biểu quốc hội Việt Nam đã chỉ được ấp úng khen tặng đến thế.
Không một lời lên tiếng mạnh mẽ nào được thoát ra từ cổ họng nghẽn mạch.
Không một bản nghị quyết chuyên đề nào về “xung đột Biển Đông” được thoát thai từ cơ thể “người đàn ông mặc yếm” của các nghị sĩ dân cử. Không một đòi hỏi nào được phát ra từ nghị trường u lặng về số phận của 13 ngư dân Quảng Bình và Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc bắt giữ…
Thân phận đen bạc của ngư dân Việt – những người luôn được giới chức đảng, chính quyền và quốc hội khuyến khích “bám biển mưu sinh” và “sẽ bảo vệ ngư dân đến cùng”, đã trở nên đen đúa đến mức nào khi họ bị lực lượng quân sự của “đồng chí tốt” tấn công và lôi về đất Trung Quốc. Chỉ mãi hơn ba tuần lễ sau vụ bắt giữ quá đỗi ngang ngược này, tin tức về thân phận của họ mới được báo chí, chứ hoàn toàn không phải các cơ quan hữu trách Việt Nam, tiết lộ.
Xem ra, tất cả giới chức điều hành quốc nội đã chẳng thể có ý nghĩa bằng một hội nghề cá Việt Nam – tổ chức hội đoàn duy nhất của nhà nước – dám lên tiếng lên án Trung Quốc và đòi trả tự do cho các ngư dân bị bắt giữ.
Chỉ đến khi dư luận và công luận nước Việt trở nên ồn ào, có vẻ giới quan chức Bộ ngoại giao Hà Nội mới động đậy. Tuy nhiên như thường thấy, những gì thường được biểu hiện trên đầu môi chót lưỡi về “mười sáu chữ vàng” đã không làm nên lời thưa thốt đủ can đảm của giới quan chức đeo cà vạt. Đã không có bất cứ động thái kiên định nào được công khai thể hiện, từ Phạm Bình Minh đến các thuộc cấp của ông ta.
2.000 ngư dân trở thành nạn nhân của Trung Quốc, 30 ngư dân bị chết thảm, 150 tàu bè ngư dân bị đánh chìm từ năm 2002 đến nay … – những con số này không phải được công bố bởi bất cứ tổ chức nhà nước nào của Việt Nam, mà lại đến từ người mang hai quốc tịch Pháp – Việt: ông André Menras – Hồ Cương Quyết, người đau đáu với số phận ngư dân và đã làm một bộ phim không thể sắc sảo hơn về hiện tình cuộc sống khốn quẫn của họ.
Quốc hội Việt Nam là của ai?
Điều may mắn duy nhất đối với các ngư dân Việt chỉ còn là sức ép bất ngờ từ Quốc hội Hoa Kỳ và làn sóng phản ứng mạnh mẽ không ngờ từ hàng loạt quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và cả từ nước Úc. Điểm nhấn có thể ghi nhận ngay là ngay sau bản nghị quyết đặc biệt số 412 của Thượng viên Mỹ với tỷ lệ đồng thuận lên đến 100%, yêu cầu Trung Quốc “trở về nguyên trạng trước thời điểm tháng 5/2014”, Bắc Kinh mới buộc lòng phải rút giàn khoan HD 981 với cái cớ để tránh cơn bão Rammasun, cùng lúc phóng thích ngư dân Việt theo cái cách mà Nhà nước Việt Nam thả tù nhân lương tâm trước thời hạn thụ án.
Phải chăng kết quả trên chính là “sự thành công về cuộc chiến về pháp lý, về ngoại giao của Nhà nước và Nhân dân Việt Nam” – như biểu tả sung sướng của một viên tướng từng được xem là “anh hùng quân đội” như Lê Mã Lương?
Một lần nữa sau rất nhiều lần, người dân Việt Nam lại có dịp ghi nhận”thành tích” của chính quyền cùng quốc hội của họ. Câu hỏi “Quốc hội có còn là của dân và vì dân hay không?” đã một lần nữa được nhiều người đáp lại: Quốc hội chỉ còn là nơi trú ẩn của những nhóm lợi ích.
Một trong những bằng chứng hiển nhiên và hùng hồn cho kết luận trên là bản hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã được đến 98% đại biểu quốc hội thông qua, với lòng kiên định giữ vững cơ chế độc quyền sở hữu đất đai và độc quyền kinh tế nhà nước, dẫn đến hậu quả giờ đây là toàn bộ nhân dân và các lực lượng vũ trang phải gánh chịu cơn thủy triều thu hồi đất chưa có điểm dừng, cùng cơn bão giá cả mạnh gấp nhiều lần bão Rammasun ở Biển Đông.
T.S.
Nguồn: ijavn.org