Giàn khoan rút đi

Thế là cái giàn khoan đó rút khỏi biển VN. Thời gian nó đến cũng như nó đi hoàn toàn theo ý của Tàu cộng, chứ không hề chịu bất cứ một tác động nào của VN. Mà, thật ra, có tác động gì đâu khi lãnh đạo VN nói chung là im lặng. Có thể nói Tàu nó xem biển VN là của họ, muốn làm gì thì làm, chẳng ai dám làm gì họ.

Tôi đoán rằng giàn khoan đó đã đạt được mục tiêu của Tàu cộng, và đạt được trước thời hạn nên họ tạm rút về Hải Nam. Nên nhớ họ chỉ tạm rút thôi, chứ trong tương lai họ rất có thể sẽ cho giàn khoan quay lại VN. Những mục tiêu họ đạt được một phần là:

Một là hiện thực hoá bản đồ 9 đoạn. Bản đồ đó chúng ta biết được chính phủ Tưởng Giới Thạch vẽ lên một cách tuỳ tiện, nhưng chính quyền cộng sản của Mao vui vẻ sử dụng. Một cách để hiện thực hoá bản đồ là cho tàu chiến tuần tra chung quanh những vùng được “xác định” bởi bản đồ đó. Họ đã làm như thế cả chục năm qua. Một bước khác ngoạn mục hơn là đem giàn khoan khổng lồ vào cắm ngay tại vùng biển của VN. Đó là một phát biểu: đây là biển của tôi, tôi muốn khai thác dầu ở đây. Vì VN không có phản ứng nào đáng kể, Tàu cộng xem như đạt mục tiêu. Thật ra, VN cũng không có bao nhiêu lựa chọn, vì lực lượng hải quân hạn chế và kiểm ngư thì coi như không.

Hai là phân hoá nội bộ VN. Một khi giàn khoan đó và hàng trăm tàu và máy bay đủ loại đi kèm theo vào biển VN là một hình thức xâm lược trắng trợn. Trước sự xâm lược đó, chúng ta thấy rõ ràng giới lãnh đạo VN suy nghĩ khác. Một nhóm thì muốn kiện Tàu ra toà án quốc tế và nhân dịp này tranh thủ ủng hộ của Mĩ; một nhóm khác thì dứt khoát duy trì tình hữu nghị với Tàu, chịu nhẫn nhục. Một nội bộ như thế chẳng làm gì được sự xâm lược của kẻ thù. Và, quả thật chúng ta thấy lãnh đạo VN gần như bị phân liệt nên chẳng ai nói thành lời. Ngay cả hai chữ “Trung Quốc” cũng không dám nhắc đến.

Ba là thách thức Mĩ. Các hãng dầu của Mĩ từng có lợi ích ở Biển Đông, và nay Tàu cộng đặt giàn khoan ngay tại vùng biển VN là một cách ngăn chận các công ty Mĩ khai thác trong vùng. Cái khoản này thì Tàu không thành công. Ngược lại, Quốc hội Mĩ ra nghị quyết kêu gọi Tàu phải rút giàn khoan. Không hiểu có phải do nghị quyết này hay do bão mà Tàu rút giàn khoan.

Phải nói sự có mặt của cái giàn khoan đó ở biển VN làm tốn khá nhiều năng lượng của người Việt. Chẳng nói đâu xa, chính cá nhân tôi là một ca tiêu biểu. Một người ít khi nào quan tâm đến những chuyện như thế này, đột nhiên phải quan tâm, tốn nhiều thì giờ suy nghĩ về nó và những chuyện chung quanh. (Rất nhiều “friends” trên fb bị tôi cho unfriend một cách không tiếc hoặc unfollow chỉ vì post bài vớ vẩn trong thời gian cái giàn khoan có mặt ở VN). Hầu như ngày nào tôi cũng theo dõi báo Tây và báo ta để có tin tức. Báo Tây thì lúc nào cũng phong phú, còn báo ta thì chỉ đọc vài dòng là bỏ. Phải có sự việc xảy ra mới thấy báo chí VN không giúp được gì cho người dân. Nhưng cũng qua sự việc, chúng ta có dịp nhìn rõ hơn và công hàm Phạm Văn Đồng và nhìn lại những hành động của VNDCCH thời trước 1975 cũng như có dịp để thấy những việc làm chính nghĩa của VNCH.

 

Bây giờ cái giàn khoan đã tạm rút đi, nhưng nó sẽ còn làm hao tổn năng lượng của người Việt. Chúng ta sẽ còn bàn về nó, về những người chủ của nó. Chúng ta sẽ còn tự vấn và đau khổ với một đất nước nhược tiểu, thiếu dân chủ, và những hệ quả kèm theo. Nhưng cũng là thời gian để tự mình làm mới trước một tình thế mới.

N.V.T.

Nguồn: FB Nguyen Tuan

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.